Header Ads

  • Breaking News

    Trân Văn - Những thắc mắc đầu năm gửi Bộ Quốc phòng

    Tuần trước, vào những ngày cuối cùng của năm 2018, tại một cuộc họp báo do Bộ Quốc phòng tổ chức, đại tá Nguyễn Văn Tấn, Cục phó Cục Quân lực của Bộ Tổng Tham mưu, loan báo “giải thể 14 ‘lữ đoàn công binh dự bị động viên’ thuộc bảy tổng công ty gồm: 36, 319, Đông Bắc, Lũng Lô, Thái Sơn, Trường Sơn, Thành An”.

    Scandal Đồng Tâm là một trong những vụ liên quan đến Quốc phòng làm kinh tế.
    Theo đại tá Tấn, quyết định giải thể vừa kể nhằm thực hiện một nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN (BCH TƯ đảng CSVN) để “đổi mới, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả” (1). Tuy nhiên, giải thể… dễ dàng, nhẹ nhàng như thế, rõ ràng là thiếu sòng phẳng.

    Có lẽ nên liếc qua một số trong số rất nhiều chuyện liên quan đến 14 ‘lữ đoàn công binh động viên” thuộc bảy tổng công ty 36, 319, Đông Bắc, Thái Sơn, Lũng Lô, Trường Sơn, Thành An để xét xem có nên đồng tình với việc Bộ Quốc phòng nhẹ nhàng phủi tay, dễ dàng buông bỏ những đứa con được khai sinh nhằm kết hợp giữa quốc phòng với làm kinh tế như thế hay không:

    - Tổng Công ty 36, con lai giữa quốc phòng với làm kinh tế, có đủ mọi thứ danh hiệu, từ “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” đến huân chương lao động các hạng từ ba tới nhất, được ví von là “bách chiến, bách thắng trong… đấu thầu”, hiện vẫn dẫn đầu khối doanh nghiệp xây dựng về các vụ kiện liên quan tới thực hiện hợp đồng(2). Giữa năm ngoái, nợ của Tổng Công ty 36 đã gấp năm lần vốn chủ sở hữu và chiếm tới hơn 80% tổng vốn (3) và chưa rõ đến lúc nào phá sản.

    - Tổng Công ty 319 thoát thai từ sư đoàn 319 của quân khu 3 sau cuộc lai ghép giữa quốc phòng với làm kinh tế trở thành “chủ trương lớn”. Giống như Tổng công ty 36, Tổng Công ty 319 cũng có đủ thứ danh hiệu, huân chương kể cả… Huân chương Quân công nhưng nổi tiếng vì nợ đầm đìa, quịt nợ (4), thiếu thuế, gian lận về tài chính trong các dự án hạ tầng, đặc biệt là mượn đầu heo nấu cháo (lẽ ra phải dùng vốn tự có để đầu tư hạ tầng và được hoán đổi bằng đất thì lại dùng ngân sách) (5).

    - Tổng Công ty Đông Bắc thì nhiều năm nay tuy dẫn đầu về việc phá rừng khai thác than ở Quảng Ninh (6) nhưng vẫn được tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”, được tặng đủ các loại huân chương lao động và tới giữa năm ngoái vẫn tiếp tục là doanh nghiệp đi đầu cả trong khai thác than trái phép lẫn tận dụng danh nghĩa quân đội để thuê đất rồi cho các doanh nghiệp khác thuê lại, tổ chức khai thác than trước, xin hợp thức hóa sau ở Quảng Ninh (7).

    - Tương tự, ngoài nổi tiếng vì nợ nần, thiếu thuế (8), Tổng Công ty Lũng Lô còn nổi tiếng vì coi Trời bằng vung, xây dựng không cần giấy phép (9), không cần tuân thủ bất kỳ qui chuẩn nào, kể cả phòng cháy – chữa cháy, kinh doanh gian lận, kể cả rà – phá bom mìn cho những dự án quan trọng trị giá hàng trăm ngàn tỉ, liên quan tới sinh mạng của hàng trăm ngàn người như Dự án đường sắt đô thị của thành phố Hà Nội (10).

    - Giống như Tổng Công ty Lũng Lô, Tổng Công ty Thái Sơn – vẫn còn đang dẫn đầu dư luận vì là bệ phóng cho Đinh Ngọc Hệ, thành “Út… Bộ trưởng” – nằm trong nhóm dẫn đầu các doanh nghiệp nhà nước tạo ra khối nợ 1,5 triệu… tỉ đồng. Theo một thống kê được công bố hồi tháng 10 năm ngoái, nợ của Tổng Công ty Thái Sơn gấp 9,2 lần vốn, nợ của Tổng Công ty Lũng Lô gấp gần năm lần vốn. Nợ của Viettel - doanh nghiệp vẫn được xem là tiêu biểu cho sự thành công của chủ trương kết hợp giữa quốc phòng với làm kinh tế - hiện vào khoảng 43.000 tỉ đồng (11).

    - Các Tổng Công ty Trường Sơn, Thành An cũng chẳng hơn gì. Cả hai tổng công ty này cùng với Tổng Công ty 789 – cũng thuộc Bộ Quốc phòng là ba trong số năm nhà thầu tham gia thi công đoạn quốc lộ chạy ngang hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Dẫu chiều dài đoạn đó của quốc lộ 1 chỉ chừng 140 cây số nhưng ngốn gần 8.000 tỉ đồng và dù đang trong thời hạn bảo hành, dù trên mặt đường có 5.300 hố, ổ, gây ra đủ thứ thiệt hại, kể cả thiệt hại nhân mạng nhưng không nhà thầu nào thèm sửa chữa (12).

    ***

    Thông báo giải thể “14 ‘lữ đoàn công binh dự bị động viên’ thuộc bảy tổng công ty gồm: 36, 319, Đông Bắc, Lũng Lô, Thái Sơn, Trường Sơn, Thành An” của Bộ Quốc phòng hết sức ngắn gọn. Nếu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” không phải là sáo ngữ để lòe, bịp đồng bào, tại sao Bộ Quốc phòng chưa bao giờ giải thích vì sao lại “động viên” 14 lữ đoàn công binh vốn là lực lượng “dự bị” để tạo ra bảy tổng công ty? Từ lúc “động viên” 14 lữ đoàn vốn thuộc lực lượng “dự bị” này, Bộ Quốc phòng đã rót bao nhiêu tiền do công quỹ cấp cho bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ đồng bào vào 14 lữ đoàn ấy để bảy tổng công ty tương ứng vận hành?

    Lập lờ trong việc sử dụng ngân sách lẽ ra dành cho quốc phòng, lấy gì làm cơ sở để giám sát, bảo đảm việc giải thể - cổ phần hóa bảy tổng công ty sẽ không… chuyển hóa nguồn gốc khoản tiền khổng lồ này từ sở hữu toàn dân thành sở hữu của một số cá nhân? Dẫu thông tin liên quan tới 14 “lữ đoàn công binh dự bị” được “động viên” thành bảy tổng công ty (36, 319, Đông Bắc, Lũng Lô, Thái Sơn, Trường Sơn, Thành An) không nhiều nhưng cũng đủ để thấy rằng, cả bảy tổng công ty này đã nát bấy, những ai phải chịu trách nhiệm vì đã phung phí nguồn vốn lẽ ra phải dành cho quốc phòng? Ai chịu trách nhiệm trả những khoản nợ mà bảy tổng công ty này đang thiếu, chẳng lẽ lại tiếp tục lấy ngân sách lẽ ra phải dành cho quốc phòng để trang trải? Rồi ai chịu trách nhiệm khắc phục những hậu quả kinh tế - xã hội khác mà những tổng công ty này tạo ra, ví dụ như sửa chữa đoạn quốc lộ 1 chạy ngang hai tỉnh Phú Yên – Bình Định?

    Không phải tự nhiên mà rất nhiều người, thuộc nhiều giới ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam, khuyến cáo nên loại bỏ chủ trương “quân đội làm kinh tế”. Sở dĩ thiên hạ khẳng định sự phối kết giữa quốc phòng với làm kinh tế chỉ tạo ra quái thai vì đó là cội nguồn của nhiều vấn nạn: Dễ bị các cá nhân lạm dụng để trục lợi. Làm vẩn đục môi trường kinh doanh, nguy hại cho nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt là suy giảm khả năng quốc phòng do nhân tâm xáo trộn, quân đội cần được dân chúng tin – yêu – hỗ trợ thì lại tạo ra bất bình, nội bộ phân hóa vì một bên gánh chịu gian nan, khổ cực trong khi bên còn lại thì giàu có “nứt đố, đổ vách”, ăn chơi phè phỡn. Chưa kể “quân đội làm kinh tế” sẽ khiến lãnh đạo quân đội chao đảo, bị khuynh đảo vì lợi…

    Tuy nhiên cả giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam lẫn lãnh đạo Bộ Quốc phòng vẫn khăng khăng, khẳng định “quân đội làm kinh tế” là “đúng đắn”, là “đặc thù của quân đội nhân dân Việt Nam”.

    Tháng 6 năm 2017, sau scandal Đồng Tâm (nông dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội rào làng, giữ con tin,… phản đối việc dán nhãn “đất quốc phòng”, tịch thu đất để giao cho Viettel – Tập đoàn Viễn thông Quân đội, một doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng) và scandal sân golf Tân Sơn Nhất (nhân danh “sự nghiệp quốc phòng”, Bộ Quốc phòng khăng khăng thủ giữ 157 héc ta thuộc phạm vi phi trường Tân Sơn Nhất để tiếp tục cho thuê làm sân golf, bất kể phi trường này nghẽn cả trên trời, lẫn tắc ở dưới đất vì không thể mở rộng), trước sự phẫn nộ của dư luận, ông Lê Chiêm, một Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dõng dạc cam kết: Quân đội sẽ thôi, không làm kinh tế nữa (13).

    Chỉ nửa tháng sau, một Thượng tướng khác, cũng đảm nhiệm vai trò Thứ trưởng Quốc phòng như tướng Lê Chiêm là Nguyễn Chí Vịnh “đăng đàn”, phủ nhận cam kết của đồng liêu. Theo đó, tướng Lê Chiêm không thay mặt quân đội (?) mà chỉ nêu quan điểm cá nhân. Quan điểm cá nhân của tướng Lê Chiêm “cũng đúng nhưng không đầy đủ”. Tướng Vịnh thay mặt quân đội “nói lại cho rõ” là: “Quân đội sẽ tiếp tục làm “kinh tế quốc phòng”, thậm chí “sẽ còn ‘làm’ mạnh hơn nữa (14)”! Ngay sau đó, không chỉ khẳng định quân đội sẽ tiếp tục “tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế” vì đó là “chức năng, nhiệm vụ hết sức quan trọng của quân đội”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng còn gọi tất cả những người khuyên quân đội nên thôi, đừng làm kinh tế là “chúng”, là một kiểu chống phá của các thế lực thù địch.

    Ông tướng Bộ trưởng Quốc phòng nhấn mạnh: “Nguyên tắc của chúng ta là Đảng lãnh đạo tuyệt đối về mọi mặt đối với quân đội, không giao cho tổ chức, cá nhân nào lãnh đạo, điều hành quân đội” cho nên “trách nhiệm chính trị của Đảng bộ quân đội là phải làm tốt và làm tốt hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh” để “chứng minh rằng chủ trương xây dựng các doanh nghiệp quân đội của Đảng ta là đúng đắn” (15). Đến giờ này, tuy giải thể “14 ‘lữ đoàn công binh dự bị động viên’ thuộc bảy tổng công ty gồm: 36, 319, Đông Bắc, Lũng Lô, Thái Sơn, Trường Sơn, Thành An” nhưng Bộ Quốc phòng vẫn chưa buông bỏ mục tiêu “làm kinh tế”. Theo ông Cục phó Cục Quân lực thì Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục “sắp xếp và cổ phần hóa giảm từ 109 doanh nghiệp quân đội xuống còn 17, điều chuyển nhiệm vụ quân sự của các doanh nghiệp quân đội”.

    ***

    Giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng vẫn mặn mà với chuyện “quân đội làm kinh tế” vì không bị ai giám sát, cũng chẳng phải trả lời chất vấn của bất kỳ ai về chuyện sử dụng ngân sách cấp cho phòng vệ quốc gia ra sao, hiệu quả thế nào. Những ông tướng như Ngô Xuân Lịch, Nguyễn Chí Vịnh xem công chúng như rác, không ngại thách thức dư luận vừa vì tin chắc họ chỉ cần “trung với đảng” thì chẳng bao giờ bị truy cứu trách nhiệm, vừa vì cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam luôn sẵn sàng trừng trị thẳng tay bất kỳ “thằng” nào, “con” nào dám thắc mắc. Luật An ninh mạng chính là ví dụ mới nhất! Liệu hồn! 

    Trân Văn 
     
    ----------------
    Chú thích


    (Blog VOA) 

    Không có nhận xét nào