Hôm đó là ngày 11 tháng 9, 1987 và Mikhail Gorbachev đang nghỉ ngơi
trong một biệt thự ở Hắc Hải. Một phụ tá trình lên ông lá thư từ chức Ủy
viên Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Liên Xô của Boris Yeltsin.
Sáu lý do giúp chế độ CS tồn tại |
Theo lời Gorbachev kể lại, ông gọi về Moscow và ra lịnh cho các phụ tá đến khẩn thiết với Yeltsin đừng tiết lộ nội dung lá thư ra ngoài vì quần chúng và thế giới sẽ biết sự rạn nứt trong nội bộ đảng CSLX, một tổ chức chính trị bí mật, sắt máu và chặt chẽ nhất từ trước đến nay. Bảo vệ đoàn kết nội bộ đảng là một trong những lý do giữ đảng CS tồn tại, nhưng không phải là lý do duy nhất. Dưới đây là sáu lý do:
1. Đảng CS kiểm soát toàn bộ cơ cấu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội bằng tuyên truyền và khủng bố.
Lý do này rất hiển nhiên và dễ hiểu. Tuyên truyền kết hợp với khủng bố tạo thành cột xương sống của chế độ độc tài CS. Ngoài nhà tù và sân bắn, đảng CS áp dụng một chính sách tuyên truyền tàn độc nhất trong lịch sử loài người. Tinh vi đến mức người bị tẩy não hoàn toàn không biết mình bị tẩy não mà cho CS là một lý tưởng của đời người và hiến thân cho đến chết.
2. Đấu tranh nội bộ nhưng có cùng một mục tiêu và bị chi phối bởi một kỷ luật đảng.
Lịch sử phong trào CS thế giới từ Liên Xô đến Trung Cộng hay như vừa diễn ra tại Việt Nam cho thấy dù có đấu tranh nội bộ, các lãnh tụ CS luôn đặt mục tiêu chung của đảng lên hàng đầu. Các lãnh đạo đảng chọn hy sinh quyền lợi cá nhân vì sự sống còn của đảng. Tất cả đảng viên CS bị chi phối bởi một cương lĩnh duy nhất là cương lĩnh đảng CS.
3. Bảo vệ tính kế tục cai trị của đảng.
Chế độ CS là một chế độ phong kiến đỏ và do đó, đặc điểm kế tục cai trị CS vô cùng quan trọng.Trường hợp Đặng Tiểu Bình đối với Mao Trạch Đông là một ví dụ điển hình.
Đặng Tiểu Bình là một trong những người chịu đựng sự hành hạ và mất mát lớn lao về nhân mạng trong thời Cách mạng văn hóa. Bản thân Đặng Tiểu Bình bị chính Mao thanh trừng nhiều lần và con trai của họ Đặng trọng thương khi bị ném từ cửa sổ xuống đường. Chuyện đời tư của Mao, từ bản chất độc tài, nghi kỵ cho đến cá tính trăng hoa dâm dật, Đặng Tiểu Bình biết hơn ai hết, nhưng khi lên nắm quyền hành, ông ta vẫn tiếp tục sơn son thiếp vàng lên một hình tượng mà cá nhân ông vô cùng căm hận.
4. Sử dụng “thành phần xăng nhớt” cho bộ máy toàn trị.
Thành phần trung thành và cuồng tín do chính sách tẩy não nặn ra đa số là những kẻ dốt nát, ngu ngốc, phát biểu những câu chỉ làm trò cười cho thiên hạ và không thể điều hành bộ máy nhà nước. Bộ máy độc tài CS chạy được nhờ vào một thành phần khác có trình độ kỹ thuật chuyên môn cao thuộc các lãnh vực của đời sống mà người viết tạm gọi là “thành phần xăng nhớt.” Khá đông trong “thành phần xăng nhớt” này là những người có học, có kiến thức về kinh tế chính trị, khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội, biết được lẽ đúng sai nhưng thỏa hiệp với tập đoàn cai trị để đổi lấy một cuộc sống an nhàn, vinh hoa cho bản thân và gia đình.
5. Các lãnh tụ CS chỉ giết nhân dân nước họ nên thế giới ít quan tâm.
Không giống chế độ độc tài Đức Quốc Xã tàn sát dân Do Thái, lãnh đạo Cộng Sản các nước thường giết chính đồng bào cùng máu mủ, cùng tổ tiên, cùng đất nước với họ.
Theo Black Book of Communism do Harvard University Press xuất bản, gần một trăm triệu người bị giết dưới chế độ CS nhưng không phải do nước ngoài xâm lược mà do chính các lãnh tụ CS giết nhân dân nước họ.
6. Lãnh đạo Cộng Sản thường tận dụng ảnh hưởng của kẻ thù đã chết.
Những lãnh tụ Cộng Sản thường tận diệt kẻ thù còn sống nhưng ca tụng kẻ thù đã chết. Stalin ca tụng Lenin, Fidel Castro ca tụng Ernesto “Che” Guevara, Đặng Tiểu Bình ca tụng Mao Trạch Đông.
Chủ nghĩa Cộng Sản đã tàn rụi ở châu Âu nhưng trong năm nước còn sót lại sự khổ đau, chịu đựng vẫn còn đến hôm nay và không biết đến bao giờ mới hết.
Chiến tranh Lạnh đã tàn. Các nước tư bản tự do vì lý do kinh tế đã không còn giương cao ngọn cờ dân chủ như trước nữa. Họ mặc nhiên chấp nhận chế độ Cộng Sản như là một thực tế của mỗi quốc gia hơn là một phong trào quốc tế. Nhân dân Bắc Hàn, Cu Ba, Việt Nam, Lào, Trung Hoa vì thế sẽ tiếp tục là những dân tộc chịu đựng trong cô đơn.
Trần Trung Đạo
(FB Trần Trung Đạo)
Không có nhận xét nào