Các mưu đồ tăng thuế và cả thu thuế quán cóc, xe ôm xảy ra trong bối cảnh dân tình Việt ngày càng khốn khó trong một nền kinh tế đã rơi vào thảm trạng suy thoái đến năm thứ 10 liên tiếp, một xã hội bị acid đậm đặc bởi căn bệnh tham nhũng không còn cách gì cứu chữa.
Bên trong và bên ngoài phòng họp
“Tổ tư vấn kinh tế của thủ tướng nhận định tiềm năng của nền kinh tế còn rất lớn và xuất hiện thêm không ít cơ hội mới. Nếu có giải pháp thực thi tốt, tận dụng được cơ hội mới, khai thác tốt hơn tiềm năng của nền kinh tế, trong hai năm tới vẫn có thể tiếp tục đà tăng trưởng.
Dự báo kinh tế năm 2019, Tổ Tư Vấn đưa ra 3 kịch bản. Theo đó, kịch bản 1 (dựa trên giả thuyết điều kiện bình thường của nền kinh tế), GDP tăng trưởng trung bình 6.86%/năm cho giai đoạn 2018 – 2020. Kịch bản 2, con số này là 6.91% và kịch bản 3 là 7.06%.
Tổ Tư Vấn cho rằng, năm 2019, có thể phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6.9-7% và lạm phát dưới 4%…”
Những dự báo quá hồng hào trên xuất hiện trong cuộc họp của thủ tướng “Cờ Lờ Mờ Vờ” – ông Nguyễn Xuân Phúc – với các thành viên của Tổ Tư Vấn Kinh Tế vào những ngày cuối Tháng Mười Hai, 2018.
Nhưng bên ngoài phòng họp sang trọng của Thủ Tướng Phúc với Tổ Tư Vấn Kinh Tế, giá nhiều mặt hàng ở các chợ đầu mối cứ tăng đều vài ba chục phần trăm mỗi năm, còn được dịp tăng giá xăng dầu, giá điện và giá dịch vụ chữa bệnh thì khỏi nói, có lúc hàng hóa tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi.
Trong khi đó, bộ ba “binh chủng hợp thành” nợ công, nợ xấu và ngân sách đều ngày càng tồi tệ: nợ công vọt đến 210% GDP tức hơn $400 tỷ, nợ xấu vẫn tròm trèm hàng triệu tỷ đồng, còn ngân sách đang hất thu nghiêm trọng từ ba thành phần kinh tế.
GDP nghiêng nghiêng ngoẹo ngoẹo
Tròn một năm trước, vào Tháng Mười Hai, 2017, vào lúc chính phủ của Thủ Tướng Phúc hào hứng báo cáo với Bộ Chính Trị về “đạt toàn bộ 13 chỉ tiêu đề ra” và “GDP tăng trưởng chưa từng có” ở mức gần 7%, một chuyên gia kinh tế là TS Bùi Trinh đã cho rằng bằng một phép tính đơn giản, có thể tính ra GDP của Việt Nam năm 2017 chỉ khoảng hơn 3%.
Tuy nhiên, cách tính của ông Bùi Trinh vẫn còn dựa vào những số liệu thống kê của Tổng Cục Thống Kê mà chưa có được những số liệu điều tra độc lập. Bởi nếu có số liệu điều tra độc lập không phản ánh chủ nghĩa thành tích thì chắc chắn mức tăng trưởng GDP còn tệ hại hơn nhiều.
Về thực chất, GDP của Thủ Tướng Phúc là “tăng trưởng ổn định” hay rơi vào suy thoái?
GDP được cấu thành chủ yếu từ hoạt động sản xuất và kinh doanh của ba thành phần kinh tế tại Việt Nam (khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh).
Một sự thể trớ trêu và phản dội là trùng với thời điểm Thủ Tướng Phúc say sưa nghiêng ngoẹo với những con số thành tích của mình trước gần 500 mái đầu ngoan ngoãn trong quốc hội, một bản báo cáo vào Tháng Mười năm 2018 của cơ quan Kiểm Toán Nhà Nước Việt Nam được công bố đã phải thừa nhận rằng nguồn thu từ 3 khu vực kinh tế không đạt dự toán (thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 2.9%, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15.1%, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 2.2%).
Mà khi thu thuế từ 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh bị giảm mạnh, lấy đâu ra “Kinh tế Việt Nam đạt thành tích tăng trưởng 7% GDP” – gấp gần 3 lần tỷ lệ tăng trưởng của Mỹ và EU – như Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên rao đầy tự hào vào cuối năm 2018 và được các bộ ngành, giới chuyên gia cận thần và báo đảng đồng ca đầy sống sượng lẫn trơ tráo?
Cũng bản báo cáo của cơ quan Kiểm Toán Nhà Nước Việt Nam vào Tháng Mười 2018 đã phải thừa nhận rằng phần thu cân đối ngân sách nhà nước 2018 tuy có thể đạt 1,358.4 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán đầu năm 39.2 nghìn tỷ đồng – tức tăng 3% so với dự toán – nhưng đây là số tăng thấp nhất so với kết quả thực hiện dự toán trong 4 năm trở lại đây.
Chưa hết. Cũng vào Tháng Mười, 2018, những số liệu của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam công bố cho thấy số doanh nghiệp thành lập mới trong quý III/2018 là 96,611, tăng 2.8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động lại nhiều bất thường, với 24,501 doanh nghiệp, tăng 76%. Tính chung 9 tháng kể từ đầu năm, có 73,103 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, so với cùng kỳ năm 2017 tăng 48.1%. Có nghĩa là tỷ lệ doanh nghiệp “chết” cao hơn hẳn tỷ lệ doanh nghiệp được thành lập mới.
Những nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp phải “chết” là tình trạng tham nhũng trong hệ thống thủ tục “hành là chính,” thiếu đầu ra và quá dễ phá sản là những nguồn cơn khiến nhiều doanh nghiệp không còn mặn mà với các chương trình khuyến mãi cho vay vốn của ngân hàng, trong tình trạng ngân hàng đang thừa mứa tiền không tiêu thụ được – hệ lụy của nạn in tiền quá nhiều từ nhà máy in tiền quốc gia của ngân hàng nhà nước và hình ảnh cơ suy thoái kinh tế Việt Nam đã kéo sang năm thứ 10 kể từ năm 2008. Nhiều doanh nghiệp vẫn không thể quên được vào năm 2011 họ đã phải vay ngân hàng với lãi suất cắt cổ lên đến 25 – 30%/năm (chưa kể phí “bôi trơn”), để sau đó không ít doanh nghiệp đã coi đó là thuốc độc mà ngân hàng bắt họ phải uống.
Thật rõ ràng, không thể có một nền kinh tế tăng trưởng liên tục và tăng trưởng mạnh đến gần 7%/năm của thủ tướng “Cờ Lờ Mờ Vờ” mà tỷ lệ doanh nghiệp “chết” lại cao hơn hẳn tỷ lệ doanh nghiệp mới ra đời!
Đó là chưa kể một nguy cơ mà rất có thể sẽ trở thành nỗi nguy biến cho chính thể độc đảng ở Việt Nam: “deadline” thực sự cho trữ lượng dầu khai thác ở Việt Nam chỉ còn khoảng 3 năm nữa, tức đến năm 2021 – trùng với kỳ đại hội đảng lần thứ 13, nếu còn có đại hội này.
Vậy ngân sách nhà nước sẽ lấy đâu ra tiền để nuôi đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức “còn đảng còn mình” mà có ít nhất 30% trong số đó ăn không ngồi rồi?
Bóp cổ dân nghèo!
“Xe ôm, quán vỉa hè sẽ vào diện quản lý thuế” – một lần nữa trong không ít lần, “Bộ Thắt Cổ” – một hỗn danh mà dân gian dùng để gọi Bộ Tài chính – cùng với Tổng Cục Thống Kê chuẩn bị cái phần việc “chôn sống” những gia cảnh còn thoi thóp trên mặt đất mà chưa chịu chết.
Có đến gần 600,000 hộ gia đình buôn bán nhỏ quán cóc vỉa hè và chạy xe ôm sẽ bị các cơ quan “có trách nhiệm” của một chính quyền đang lao vào thời kỳ “thu cùng diệt tận giai đoạn cuối” truy lùng tróc nã.
Các mưu đồ tăng thuế và cả thu thuế quán cóc, xe ôm xảy ra trong bối cảnh dân tình Việt ngày càng khốn khó trong một nền kinh tế đã rơi vào thảm trạng suy thoái đến năm thứ 10 liên tiếp, một xã hội bị acid đậm đặc bởi căn bệnh tham nhũng không còn cách gì cứu chữa.
Thuế chồng thuế, chồng lên đôi vai gày guộc của người nghèo. Hàng triệu bệnh nhân, vốn đã bị các bệnh viện “bóp cổ bóp họng” và “không có tiền thì chỉ có chết,” sẽ phải nuốt nước mắt vào lòng với biểu viện phí chất cao như núi…
Tăng giá và thuế má là một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt.
“Chế độ này không còn chừa cho dân đường sống nào!” – người đàn bà luống tuổi bạc trắng hai thái dương thốt lên uất ức và căm phẫn như thế. Đã sáu mươi lăm tuổi nhưng bà vẫn phải hàng ngày oằn lưng bán quán nước vỉa hè ở Sài Gòn để nuôi hai đứa cháu ăn học, trong khi cha mẹ chúng phải đi làm công nhân trong một khu công nghiệp ở tận Đồng Nai.
Vậy “tổ tư vấn kinh tế của thủ tướng” có đưa ra những đánh giá và dự báo khách quan, phản ánh cái thực tế của người nghèo và vô số cảnh khốn khổ trên dải đất quằn quại chữ S này, hay số chuyên gia này cũng chỉ là một công cụ mị dân, lừa dối và “làm màu” cho Thủ tướng Phúc nói riêng và cho chế độ cầm quyền nói chung?
Những ai còn liêm sỉ?
Khác với thời thủ tướng đã phải “trở về làm người tử tế” là Nguyễn Tấn Dũng, vào thời Thủ Tướng Phúc đã bổ sung “mác ngoại” cho “Tổ Tư Vấn Kinh Tế của thủ tướng” như PGS, TS. Trần Ngọc Anh, đại học Indiana, Hoa Kỳ; TS. Vũ Thành Tự Anh, giám đốc nghiên cứu, Chương Trình Giảng Dạy Kinh Tế Fulbright; GS.TS Tiến Sĩ Nguyễn Đức Khương, phó giám đốc, trưởng khoa Tài Chính, học viện Quản Lý và Quản Trị Kinh Doanh, Cộng Hòa Pháp; PGS. TS. Vũ Minh Khương, đại học quốc gia Singapore; GS.TS Trần Văn Thọ, đại học Wasada, Nhật Bản.
Còn phần lớn trong số 16 thành viên của “Tổ Tư Vấn Kinh Tế của thủ tướng” là các quan chức và cựu quan chức như Tiến Sĩ Vũ Viết Ngoạn – nguyên chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia Làm Tổ Trưởng; TS. Vũ Bằng, nguyên chủ tịch Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước; TS. Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương; TS. Trần Du Lịch, nguyên viện trưởng Viện Kinh Tế TP HCM; TS. Trương Văn Phước, quyền chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, giám đốc Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam; GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam; Ông Bùi Quang Vinh, nguyên bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư…
Không cần ngạc nhiên với những dự báo thuần túy tô hồng của giới tư vấn quan chức, vì đó là thói quen dối trá đã ăn sâu vào cả giấc ngủ của họ. Nhưng lại thật đáng đặt dấu hỏi về thái độ cái gật đầu thỏa hiệp của những chuyên gia “ngoại” – trong đó có người còn được xem là phản biện độc lập và có phần công tâm trong đánh giá thực trạng trạng nền kinh tế Việt Nam.
Chỉ riêng việc “Tổ tư vấn kinh tế của thủ tướng” đồng thuận về mức lạm phát năm 2018 và 2019 chỉ khoảng 4% đã làm nên một khoảng cách mang tính bất liêm sỉ so với cái thực tế nhầy nhụa ở Việt Nam: trong nhiều năm qua, lạm phát thực tế đã lên tới vài ba chục phần trăm mỗi năm chứ tuyệt đối không phải “được kiềm chế dưới 5%/năm” như các báo cáo chính phủ bất cần biết dân chúng và dân sinh. Nếu so sánh con số tổng dư nợ tín dụng cho vay vào thời điểm năm 2008 là 2.3 triệu tỷ đồng và vào năm 2017 lên đến khoảng 7 triệu tỷ đồng – tức gấp đến 3 lần, thì trong gần một chục năm qua Bộ Chính Trị đảng và Ngân Hàng Nhà Nước rất có thể đã phải cho in tiền từ 400,000 – 500,000 tỷ đồng/năm, kích thích nạn trượt giá tiền đồng và kích hoạt mạnh mẽ nạn tăng giá của nhiều mặt hàng, nhấn thêm hàng triệu người nghèo vào cảnh khốn quẫn hơn.
Rốt cuộc, “Tổ Tư Vấn Kinh Tế của thủ tướng” về thực chất là gì? Hay chỉ là một thứ công cụ chính trị, được lập ra để đánh bóng và mị dân, nhưng kết quả “tư vấn” vẫn phải răm rắp tuân theo mục đích chính trị của đảng cầm quyền?
Phạm Chí Dũng
Người Việt
Không có nhận xét nào