Header Ads

  • Breaking News

    TBT Nguyễn Phú Trọng khen bóng đá VN 'khơi dậy tự hào dân tộc'

    Phát biểu đón Tết Kỷ Hợi, Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đặc biệt khen ngợi bóng đá Việt Nam 'khơi dậy tự hào dân tộc' và phê phán quan chức tham nhũng.

    Nhiều cổ động viên đã lên đường sang Yangon để cổ vũ đội tuyển Việt Nam
    Trong một bài phỏng vấn trên Tạp Chí Cộng Sản, ông Nguyễn Phú Trọng đã nói về tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam, đội đoạt AFF-Suzuki Cup năm 2018:

    "Bóng đá Việt Nam gặt hái nhiều thành công trên đấu trường khu vực, đã khơi dậy niềm tự hào và tinh thần đoàn kết dân tộc, tạo không khí phấn chấn trong xã hội."

    Điều này cho thấy ông Trọng quan tâm đến bóng đá, dù ông không có mặt trong sân như thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân hôm tuyển VN đá trận chung kết ở Mỹ Đình, Hà Nội giữa tháng 12 vừa qua.

    Bên cạnh bóng đá, các lĩnh vực trong nước được ông Trọng khen gợi gồm có du lịch, kinh tế vĩ mô, khởi nghiệp, giảm nghèo ở nông thôn.

    Lò liên tục nóng

    Nhưng thông điệp Tết Nguyên đán của TBT-CT Nguyễn Phú Trọng cho thấy ông vẫn không dừng chiến dịch chống tham nhũng và làm 'trong sạch' bộ máy theo triết lý 'xây dựng Đảng'.

    Ông khẳng định đây là một 'cao trào' và 'không thể chững lại và không có 'vùng cấm', 'ngoại lệ' và nhắc đến cả các tướng tá bị bắt, khởi tố vừa qua dù không nêu tên họ:

    "Nhiều cán bộ, đảng viên, lãnh đạo, quản lý các cấp mắc sai phạm, đã bị xử lý, kỷ luật, kể cả cán bộ cấp cao của Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố hay tướng lĩnh lực lượng vũ trang…"

    Đặc biệt, TBT -CT Nguyễn Phú Trọng thổ lộ mong ước của ông về một bộ máy nghiêm minh, rằng thể chế, chính sách, luật pháp hoàn tiện tới mức "không còn những "khoảng trống," "kẽ hở" cho tham nhũng, để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không còn muốn tham nhũng".

    Giới quan sát ở Việt Nam và nước ngoài thời gian qua đã chú ý nhiều đến chiến dịch 'đốt lò' của ông Nguyễn Phú Trọng.

    Họ đồng ý rằng kể từ khi ông nắm luôn cả chức chủ tịch nước, sau khi ông Trần Đại Quang qua đời, cuộc chiến chống tham nhũng được tăng tốc.

    "Sau khi được bầu giữ chức chủ tịch nước, ông Trọng càng có nhiều quyền lực hơn và cấu trúc quyền lực dưới sự lãnh đạo của ông cũng mang tính tập trung hơn," nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp từ Singapore bình luận với BBC hồi tháng 10/2018.

    Chưa thể đánh giá được quy mô và mức độ xử lý, nhưng các sự việc trong hai năm qua cho thấy ông Trọng giữ lời hứa trong việc nói 'không có vùng cấm' trong chống tham nhũng.

    Còn ông Nguyễn Khắc Giang, từ Viện VERP ở Hà Nội thì được trích lời trong một bài trước của BBC, cho rằng, "với tư cách chủ tịch nước, ông Trọng sẽ phần nào nắm bắt được hoạt động của bên hành pháp và lập pháp".

    Quyền lực hiến định của Chủ tịch nước - cùng với chức danh Tổng Bí thư - cũng cho phép ông Trọng củng cố ảnh hưởng trong quân đội và công an, theo ý kiến này.

    Còn nhà nghiên cứu từ Hoa Kỳ, Abuza Zachary cũng trong bài trên, cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng chắc chắn sẽ được tiếp tục nhưng là để củng cố quyền lực của Đảng, cụ thể là của phe ông Nguyễn Phú Trọng.

    Hồi cuối 2017, nhà chức trách ở VN công bố bộ sách 'Con đường Đổi mới' nêu ra ý tưởng chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng.

    Giới quan sát tin rằng bộ sách của GS Trọng nhắm vào cả hai mục tiêu: chấn chỉnh nội bộ để giữ tính chính danh trong bối cảnh nền kinh tế nhiều cám dỗ với cán bộ đảng viên có chức có quyền; và đề cao ý thức hệ vốn là xương sống tư tưởng độc tôn cho hệ thống chính trị hiện hành.

    (BBC) 

    Không có nhận xét nào