Một tài xế nêu cáo buộc với BBC rằng
một nhóm tài xế, blogger "bị giam lỏng" hơn 12 giờ từ hôm 14/1 vì phản
đối BOT An Sương-An Lạc và tính đến 15 giờ hôm 15/1, sự việc "vẫn chưa
ngã ngũ".
Sự việc được tường thuật trực tiếp trên mạng xã hội, thu hút hàng trăm lượt share |
Trạm
BOT An Sương-An Lạc đặt trên quốc lộ 1 đoạn qua quận Bình Tân, TP Hồ
Chí Minh, thời gian qua thường xuyên rơi vào cảnh bị cánh tài xế phản
đối vì "thu phí quá thời hạn" và "đặt nhầm chỗ".
Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (chủ đầu tư) đã nhiều lần phải xả trạm.
Báo
điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam hôm 10/1 tường thuật: "Theo quy
định, thời hạn thu phí BOT An Sương-An Lạc phải chấm dứt vào tháng
1/2017, nhưng họ vẫn tiếp tục thu với lý do là đầu tư thêm bốn cây cầu
vượt trong thành phố. Các tài xế cho rằng họ không sử dụng các cây cầu
này thì tại sao phải trả phí. Đã nhiều lần lái xe phản đối buộc trạm BOT
này phải xả trạm."
Từ
đêm 14/1, mạng xã hội xôn xao với những video được phát trực tiếp từ
hiện trường cho thấy một nhóm tài xế, trong đó có blogger, phóng viên bị
cô lập tại một con đường nhỏ gần trạm BOT An Sương-An Lạc.
Trước
đó, ba chiếc xe hơi của họ bị câu từ trạm BOT An Sương-An Lạc đến nơi
được cho là lối dẫn vào một nhà máy, cách trạm BOT khoảng 50m.
Theo như trong clip thì những người này không được ăn, không được nhận đồ ăn tiếp tế từ bên ngoài.
Bên
ngoài xe của họ là hàng rào kẽm gai, xe công an và lực lượng chức năng,
nhân viên an ninh thường phục và những người đeo khẩu trang canh gác.
Tình trạng cô lập được cho là kéo dài hơn 12 giờ và đến trưa 15/1 thì nhóm này làm việc với công an.
Tính đến 15 giờ hôm 15/1, sự việc được ghi nhận "vẫn chưa ngã ngũ".
'Bảo vệ cái đúng'
Chiều
15/1, trả lời BBC qua điện thoại, ông Huỳnh Long, tài xế, nói: "Chúng
tôi gồm 4 người, đi trên ba xe hơi, không đi cùng nhau nhưng cùng bị câu
xe tại một thời điểm hôm qua 14/1 tại trạm BOT An Sương-An Lạc."
"Bản
thân tôi đêm qua trong lúc xuống xe đi vệ sinh thì bị một số người mặc
thường phục, đeo khẩu trang đến ép lên xe gắn máy chở đi đến một số
nơi."
"Tại
đó, họ đưa ra những lời hăm dọa, trấn áp tinh thần, nói việc xuất hiện
tại trạm BOT An Sương-An Lạc có thể khiến tôi mất mạng."
"Nhưng tôi đáp trả rằng mỗi người có một mạng và tôi chỉ bảo vệ cái đúng."
"Trưa
nay, khi làm việc với công an, chúng tôi nêu yêu cầu làm rõ các câu
hỏi: Ai chịu trách nhiệm về tổn thất tài sản, do ba chiếc xe bị hư hại
khá nhiều khi bị cẩu đi? Ai là người chịu trách nhiệm can thiệp vào giao
dịch dân sự gây ra thiệt hại tài sản và kể cả tổn thất tinh thần cho
chúng tôi?"
"Ai ra lệnh giam lỏng chúng tôi?"
"Nếu
đủ tính chất pháp lý thì tôi sẽ khởi kiện hai nơi: Nơi sở hữu chiếc xe
cẩu và trạm BOT An Sương-An Lạc mà tôi cho là họ thuê mướn chiếc xe cẩu
này."
"Đến
15 giờ hôm nay, biên bản do công an lập vẫn chưa xong do chúng tôi nhận
định họ viết sai về nội dung, cáo buộc chúng tôi về tội "Gây rối trật
tự."
Ông Long cũng nói thêm: "Dường như những người trạm BOT An Sương-An Lạc cứng rắn hơn ở những trạm khác."
"Việc câu xe như thế này là lần đầu tiên trong các vụ việc liên quan đến BOT."
"Đáng
nói là khi vụ việc được lập biên bản tại hiện trường, chúng tôi có mời
một nữ luật sư đến bảo vệ quyền lợi nhưng bà này bị các nhân viên mặc
đồng phục công an ngăn cản."
"Tôi
muốn nói thêm rằng, đây là một giao dịch dân sự bình thường tại trạm
BOT sự việc bị đẩy lên thành vụ vi phạm pháp luật và hiến pháp khi chúng
tôi bị giam lỏng hơn 12 giờ, không được tiếp tế thức ăn."
"Tôi
không phải là blogger hay nhà đấu tranh cho cộng đồng, mà chỉ là cá
nhân đấu tranh cho quyền lợi bản thân, đòi sự minh bạch cho đồng tiền
mình bỏ ra khi qua trạm BOT có chính đáng hay không."
Bình luận về sự kiện BOT Cai Lậy
Hồi
đầu năm 2018, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới
Luật Pháp, nói với BBC: "Bộ Giao thông-Vận tải và Chính phủ nên tập
trung vào giải quyết cái gốc của vấn đề là vị trí đặt trạm BOT không hợp
lý chứ không phải là thu phí cao hay thấp."
"Việc
Tổng cục đường bộ Việt Nam phát đi thông báo hỏa tốc yêu cầu khẩn
trương lắp các biển báo cấm dừng trong lúc người dân rất bức xúc về vị
trí các trạm BOT chẳng khác nào đang "đổ dầu vào lửa."
"Lẽ
ra, giới chức ngành giao thông nên rà soát lại các dự án BOT và truy
trách nhiệm những cá nhân liên quan trong việc "tư nhân hóa" mạng lưới
giao thông công cộng bằng các hợp đồng BOT."
"Từ
đó, tham mưu cho chính phủ một giải pháp công bằng cho người dân chứ
không phải đưa ra một giải pháp nhất thời, mang tính đối phó với người
dân trong khi bức xúc của họ là hoàn toàn chính đáng."
"Mọi
quyết sách của Bộ Giao thông-Vận tải nói riêng và của Chính phủ nói
chung phải đặt trên nền tảng công bằng thì mới có thể bền vững và đạt
được sự đồng thuận trong xã hội."
Hôm 15/1, BBC gọi cho Công an quận Bình Tân nhưng người trực ban gác máy ngay khi nghe phóng viên BBC đặt câu hỏi.
Báo
VietnamNet hôm 27/12/2018 tường thuật: "Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh
yêu cầu Sở Giao thông-Vận tải có biện pháp ngăn ngừa, xử lý tình trạng
gây rối tại trạm thu phí dự án BOT An Sương-An Lạc, đảm bảo an ninh
chính trị, trật tự an toàn xã hội trong dịp cao điểm Tết Kỷ Hợi và Lễ
hội xuân 2019."
Tờ này cũng cho biết các tài xế đã "hiểu nhầm" về việc thu phí quá hạn.
"Thời
gian thu phí ở BOT An Sương-An Lạc được dự kiến đến 2033 [lý do là đầu
tư xây thêm bốn cây cầu vượt trong thành phố] .. Tuy nhiên, sẽ căn cứ
vào doanh thu và kết quả thực tế sẽ xem xét điều chỉnh thời gian thu.
Nếu doanh thu tăng thì thời gian thu phí sẽ được giảm đi, còn doanh thu
ít thì sẽ tăng thời gian thu phí," theo VietnamNet.
(BBC)
Không có nhận xét nào