Về Việt Nam để gần gũi với người thân
cũng như được đón một không khí Tết trọn vẹn hơn ở hải ngoại là lý do
một số người Việt sống ở nước ngoài muốn về Việt Nam trong ngày lễ trọng
nhất của dân tộc Việt Nam trong năm.
Một con đường bán những đồ trang trí cho ngày Tết ở Việt Nam |
Vào
lúc này, khi chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là đến Tết Âm lịch Kỷ Hợi,
trong lúc người dân trong nước đang tất bật chuẩn bị cho ngày Tết thì
Việt kiều ở khắp nơi trên thế giới cũng lũ lượt về nước ăn Tết.
Tình
trạng này đã gây nên sự tắc nghẽn ở sân bay Tân Sơn Nhất. Theo báo Pháp
luật thì bắt đầu từ giữa tháng 1 năm 2019 thì số lượng Việt kiều về qua
cửa ngõ Tân Sơn Nhất ‘tăng đột biến’ kéo theo ‘hàng ngàn người từ nhiều
tỉnh thành lân cận tổ chức các chuyến xe gia đình đến đón người thân’.
‘Không khí rộn ràng’
VOA đã phỏng vấn một số Việt kiều về nước ăn Tết trong dịp này để tìm hiểu về ngày Tết của họ ở Việt Nam.
Ông
Chí Tâm, một nghệ sỹ cổ nhạc và cải lương nổi tiếng trước năm 1975 hiện
vẫn đang hoạt động ở hải ngoại, cho biết ông về Việt Nam dịp này vừa để
ăn Tết vừa để tham gia trình diễn trong các chương trình văn nghệ mà
các nhà tổ chức đã mời ông từ trước.
Trao
đổi với VOA từ quê vợ của ông ở thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, ông Chí
Tâm cho biết ông vừa tham gia buổi trình diễn gây quỹ trùng tu một ngôi
đình thần ở xã Khánh An do doanh nghiệp đứng ra tài trợ mời nghệ sỹ
xuống hát cho bà con ở vùng sâu vùng xa.
“Buổi
biểu diễn quy tu hàng ngàn khán giả đến xem trong không khí rộn ràng
khi Tết gần đến,” ông Chí Tâm, người hiện đang định cư ở Quận Cam, bang
California, nói.
Ông
nói ông về quê ăn Tết ‘có bà con thân thuộc, có anh em chào đón mình’
nên ông cảm thấy gần gũi hơn. Năm nay là lần thứ hai ông đón Tết ở Việt
Nam sau lần về vào năm 2016 kể từ khi ông định cư ở hải ngoại.
Ông cho biết những ngày này ở Thành phố Hồ Chí Minh không khí Tết đã rộn ràng với ‘đường phố giăng đèn kết hoa’ rất nhiều.
Khi
được hỏi về cái Tết của cộng đồng người Việt ở Quận Cam, nơi được xem
là ‘thủ đô của người Việt hải ngoại, ông nói không khí ăn Tết ở quanh
thương xá Phước Lộc Thọ hay đường Bolsa cũng ‘rất vui’ nhưng không được
kéo dài như ở trong nước.
“Các
chùa, các nhà thờ quanh vùng đều có tổ chức đón giao thừa, có chương
trình văn nghệ,” ông nói. “Nếu Tết rơi vào ngày cuối tuần sẽ vui hơn còn
nếu rơi vào ngày trong tuần thì bà con còn phải về sớm để chuẩn bị ngày
mai đi làm.”
Ông
cho biết nghi lễ ngày Tết của người Việt ở Quận Cam ‘cũng cố gắng tham
khảo ý kiến của các bậc tiền bối để giữ được những nét thuần túy của dân
tộc’ nhưng do điều kiện thiếu thốn nhân sự có chuyên môn, thiếu thốn
dụng cụ nên không được trọn vẹn.
“Ở
trong nước đầy đủ hơn, mỗi địa phương đều có tổ chức lễ hội xuân,” ông
nói thêm, “Không chỉ có những sự kiện do chính quyền tổ chức mà có những
doanh nghiệp, tư nhân tổ chức những buổi lễ tất niên, tân niên, cúng
ông Táo, rồi những lễ hội dân gian như cúng Đình, cúng Chùa nữa.”
Nghệ
sỹ Chí Tâm về nước ăn Tết cùng vợ nhưng các con của ông ‘do bận đi học
nên không về cùng được’. Nhưng ông nói rằng bây giờ nhờ vào công nghệ
hiện đại nên lúc nào ông cũng có thể gọi điện để thấy mặt con cái nên
‘không cảm thấy xa vắng’.
Khi
được hỏi cảm nhận của ông về đời sống người dân trong nước, ông nói
‘tốt hơn, sung túc hơn’ mặc dù ‘ở đâu cũng có người giàu người nghèo’.
“Nhiều
doanh nghiệp nổi lên, có thêm nhiều cao ốc, nhiều chung cư giải quyết
vấn đề nhập cư cho người dân,” ông cho biết nhưng cũng than phiền về vấn
đề kẹt xe ở các thành phố lớn khiến mất thời gian di chuyển gấp đôi.
Mặc
dù vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với người Việt hải ngoại mà ông
cho rằng ‘có kháng thể yếu hơn người dân trong nước’ cũng là một điều
đáng lo nhưng ông cho rằng ‘nếu kỹ lưỡng thì không có gì phải ngại’.
Tương tự, ông cho rằng giao thông mặc dù lộn xộn nhưng nếu chú ý gìn giữ
an toàn thì ‘không phải là điều lo lắng lớn lắm’.
‘Vui hơn bên Pháp’
Bà
Hà Mỹ Xuân, vốn cũng là một nghệ sỹ cải lương có tên tuổi ở Sài Gòn
trước năm 1975 và nhiều năm qua đã định cư ở thủ đô Paris của Pháp, cho
biết ngày Tết ở Việt Nam ‘lớn và vui hơn ở bên Pháp nhiều’.
“Ở
bên Pháp chỗ nào có người Việt nhiều thì mới có không khí Tết nhiều,”
bà nói và cho biết vào ngày Tết ‘cũng có múa lân, đốt pháo’.
“Chỉ có Quận 13 ở Paris có người nhiều Asiatique (Á Đông) thì mới vui còn những chỗ khác không có gì là nhộn nhịp hết.”
Bà Hà Mỹ Xuân hiện đang ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, và qua Tết bà mới quay lại Pháp, bà cho biết.
Khi
được hỏi các gia đình người Việt ở Pháp có duy trì phong tục ngày Tết
giống như ở Việt Nam không, bà Xuân nói ‘một hai gia đình tụ lại một nhà
ăn cơm để đón Tết chứ làm giống như ở Việt Nam thì không có đâu’.
“Tuy nhiên nếu đó là ngày đi học đi làm trong tuần thì cũng như những ngày bình thường thôi.”
Bà
Hà Mỹ Xuân cho biết bà sẽ về quê ở Long Xuyên, tỉnh An Giang, ăn Tết vì
‘mồ mả cha mẹ ở đó’. Bà nói bà về quê ăn Tết với các em Út và các cháu.
Theo bà thì ngày Tết ở Việt Nam thì ‘ở dưới quê vui hơn thành phố’ vì ‘Sài Gòn mấy ngày Tết vắng nhiều do người ta về quê hết’.
Điều
làm bà nhớ nhất về ngày Tết Việt Nam, theo bà Xuân, là ‘tình cảm gia
đình’. Bà giải thích rằng ngày Tết ở bên Pháp chỉ có vợ chồng hai chị em
bà còn khi bà về nước ăn Tết có đông thân nhân hơn.
Bà Xuân cũng có cảm nhận giống ông Chí Tâm là ở Việt Nam bây giờ ‘cũng có người giàu, người nghèo’.
“Ở đâu cũng vậy, mà hồi xưa cũng vậy,” bà nói, “Đi làm thì sẽ sống được, nếu không thì sẽ khó sống.”
Về
cuộc sống của người dân, bà Xuân cảm nhận là ‘cải thiện hơn so với
trước’. “Trong gia đình mình, các em, các cháu có đầy đủ điều kiện hơn
mình hồi nhỏ.”
“Nếu
có điều kiện, có thời gian thì tôi sẽ thường về nước ăn Tết, nếu không
thì ăn Tết ở Pháp nhiều hơn,” bà nói và cho biết bây giờ không không cảm
thấy quyết tâm về nước ăn Tết như lúc cha mẹ bà còn sống.
Khi
được hỏi về nỗi lo khi ở Việt Nam, bà Xuân nói ‘thấy trên mạng nói về
vấn đề ăn uống ở Việt Nam cũng thấy sợ’ như cũng như Nghệ sỹ Chí Tâm, bà
cho rằng ‘nếu mình cẩn thận thì không phải lo gì hết vì ở Việt Nam cũng
có người sống trên trăm tuổi vậy’.
Thích Tết nhưng không muốn về Việt Nam
Khác
với hai nghệ sỹ hải ngoại trên, bà T.N., một người Việt đang định cư ở
Oklahoma City, tiểu bang Oklahoma, Hoa Kỳ, nói bà ‘không hề muốn về Việt
Nam ăn Tết’.
Trao
đổi với VOA với điều kiện giấu tên, bà T. N. nói rằng bà đã sống ở Mỹ
được 14 năm và trong thời gian đó bà ‘chưa bao giờ bỏ qua một ngày Tết
Việt Nam nào’ nhưng cũng chưa bao giờ về Việt Nam ăn Tết.
“Cái
Tết đối với tôi rất quan trọng,” bà nói và cho biết vào ngày Tết bà vẫn
đi chùa, vẫn bày biện bàn thờ cúng kiến ông bà ở nhà với đầy đủ bánh
tét, bánh chưng, dưa hấu và vẫn duy trì tục xông đất, đạp đất vào ngày
đầu năm như ở Việt Nam. Nếu Tết rơi vào ngày đi làm thì bà xin nghỉ phép
để ở nhà đón Tết.
Tuy nhiên, bà không muốn về Việt Nam vào dịp Tết vì thời điểm đó công việc của bà bên Mỹ rất bận rộn, bà cho biết.
Lý do trên hết, theo bà T.N., là bà lo sợ về tai nạn giao thông ở Việt Nam những ngày Tết.
“Mấy
ngày Tết nhiều người nhậu nhẹt say sưa đi xe rất nguy hiểm,” bà giải
thích và nói thêm là bà cũng lo ngại về ‘thực phẩm nhiễm độc, thức ăn có
hóa chất’ trong khi ‘bệnh viện không được tốt’.
Do
không đón Tết ở quê nhà trong nhiều năm, bà T.N. nói rằng trong tâm trí
bà vẫn nhớ về ngày Tết ‘với tiếng pháo nổ, hoa mai vàng, dưa hấu đỏ,
bánh tét xanh’.
Về
không khí ngày Tết của người Việt ở Oklahoma, bà cho biết vào đêm giao
thừa nhiều người Việt tập hợp lại ở các chùa để nghe quý Thầy chúc Tết
và được lì xì.
Ngọc Lễ
(VOA)
Không có nhận xét nào