Header Ads

  • Breaking News

    Phát giác động trời về kinh tế Trung Cộng

    Một tin cực kỳ quan trọng, gần như chìm trong một biển tin tức thời sự trong một thế giới hỗn loạn. Tin này liên hệ tới thực trạng kinh tế Trung Cộng. Đúng hơn, đó là một trái bom: nguồn tin tiết lộ mức tăng trưởng kinh tế của Tàu năm qua chỉ tới 1,67% PIB, rất xa với con số chính thức 6,5% .


    Đó là một trái bom, bởi vì sức mạnh của Tàu, trong giai đoạn này, là sức mạnh kinh tế. Người ta vẫn nói khi nào mức tăng trưởng xuống dưới 6%, Tàu sẽ gặp những khó khăn kinh tế, xã hội nghiêm trọng.

    Tuần báo Pháp Le Point (*), cho biết con số 1,67% không phải do những người chống đối chế độ đưa ra, nhưng là tiết lộ của một giáo sư kinh tế tại trường Đại học Nhân Dân Bắc Kinh. Trong một bài diễn văn tháng trước, giáo sư Xiang Songzuo lo ngại vì kinh tế Trung Cộng trong năm 2018 giỏi lắm chỉ đạt tới 1,67%.

    MỘT NHÀ TÙ KHỔNG LỒ

    Tác giả bài báo, Luc de Barochez, đưa ra vài lý do khiến kinh tế Tàu đi tới bế tắc: thiếu sót trầm trọng việc cải cách hệ thống kinh tế, dân càng ngày càng già, nợ quá nhiều, tham nhũng khủng khiếp trong hàng ngũ cán bộ và quân đội, bất công xã hội, khủng hoảng trong việc giao thương với Hoa Kỳ.

    Trung Hoa sẽ không tránh khỏi xáo trộn kinh tế, xã hội. Đó có phải là cơ hội khiến chế độ nới rộng tay hơn trong việc đàn áp? Trái lại, càng gặp khó khăn, nhà nước càng bạo tàn hơn, sẽ gia tăng việc kiểm soát toàn bộ thông tin, ngôn luận, kiểm soát mỗi công dân trong đời sống hàng ngày với kỹ thuật tân kỳ (với computers, Huawei, với 200 triệu cameras đặt khắp nơi). Mỗi cá nhân có hồ sơ, được một số điểm, thêm bớt tùy thái độ, mức độ trung thành với Đảng. Với mục đích kiểm soát toàn bộ dân chúng, không tốn một viên đạn, Trung Cộng đã thiết lập một chế độ độc tài tàn bạo nhất trong lịch sử.

    Luc de Barochez viết: trước đây, thế giới đã lầm khi nghĩ sau cái chết của Mao, năm 1976, Trung Hoa sẽ cởi mở hơn. Ngày nay, thế giới lại sai lầm khi nghĩ kinh tế Trung Hoa sẽ tiếp tục tăng trưởng như 40 năm qua.

    CHÍNH THỦ TƯỚNG TẦU CŨNG KHÔNG TIN THỐNG KÊ

    Trên đài phát thanh Pháp, France Inter (**), ký giả Jacques-Olivier Martin của báo Le Figaro cho hay, nhận định của giáo sư Xiang Songzuo đã được ghi trong một báo cáo chính thức, cố nhiên là tối mật.

    Jacques-Olivier Martin nói trong chính trị, chuyện ngụy tạo các con số không hiếm. Churchill nói: tôi chỉ tin những con số do chính tôi bịa ra. Nhưng ở Trung Hoa, chuyện đó là quốc sách.

    Mức tăng trưởng kinh tế được coi là thước đo sức khỏe của một quốc gia không giấu tham vọng sẽ trở thành cường quốc số 1 trên thế giới.

    Mức tăng trưởng giảm sút sẽ làm mất tinh thần người dân Tàu và gây xáo trộn kinh tế thế giới (Có lẽ đó là lý do tại sao các chính quyền Tây phương hết sức kín đáo về tiết lộ động trời của giáo sư Xiang Songzuo).

    Jacques-Olivier Martin nói, chuyện thu thập các dữ kiện để làm thống kê đã là chuyện vạn nan ở Trung Hoa, thêm vào đó, cái truyền thống cai trị trong sự bí mật, truyền thống gian trá, thói quen chế tạo đồ giả.

    Các kinh tế gia đứng đắn vẫn hoài nghi những thống kê có dụng ý tuyên truyền. Ngay cả thủ tướng Tàu Lý Khắc Cường (Li Keqiang) cũng không tin cậy thống kê nhà nước, chỉ xét đoán thực trạng kinh tế Tàu trên 3 yếu tố: số lượng điện tiêu thụ, số lượng chuyên chở hàng hoá và số lượng tiền vay ở các ngân hàng.

    Trong khi chờ đợi, Bắc Kinh đã quyết định mức tăng trưởng năm nay, 2019, sẽ trên 6%. Guồng máy đàn áp sẽ hữu hiệu để đối phó với những người nghĩ, hay chứng minh ngược lại.

    Chuyện Tàu khiến người ta không khỏi nghĩ đến các con số thống kê của VN. Tỷ số thất nghiệp chính thức vẫn là 2%, con số thấp nhất thế giới, trong khi giấc mộng của người Việt hiện nay là được đi làm cu li hay bán dâm ở nước ngoài.

    Thủ tướng Phúc huyênh hoang loan tin mức tăng trưởng kỷ lục, gần 7%, trong khi nhà nước ngày đêm in tiền, vay nợ để… trả nợ, thi nhau nặn óc tìm cách “đánh thức 60 tỉ dollars” nghi là giấu dưới gầm giường nhân dân.

    Và, cũng như ở Trung Cộng, kinh tế, xã hội càng khó khăn, nhà nước càng tăng cường nỗ lực tuyên truyền, kiểm soát thông tin (luật ANM là một thí dụ), và việc đàn áp càng ngày càng thô bạo hơn.

    Từ Thức

    (*) La face cachée de la Chine. Le Point, Numéro 2419, 10 JAN 2019.
    ( ** ) La Chine bidouillerait-elle ses statstiques? Jacques Olivier Martin.

    (FB Từ Thức) 

    Không có nhận xét nào