Header Ads

  • Breaking News

    Đỗ Nguyễn Mai Khôi - Luật ANM đã được thực thi, nhưng không phải quá muộn để cứu mạng.

    Mặc dù luật an ninh mạng đã được thực thi, nhưng không phải quá muộn để cứu mạng.

    NHà hoạt động XH Đỗ Nguyễn Mai Khôi tại trụ sở Facebook
    Cách đây 5 tháng, khi tôi bắt đầu nghe tin các nhà hoạt động, nhà báo, hot facebooker..bị khoá tài khoản Facebook, và bị xoá nhiều bài đăng, tôi quyết định tìm cách yêu cầu Facebook phải giải trình minh bạch và thay đổi chính sách để bảo vệ tự do biểu đạt.

    Sau khi bài báo “Facebook đang làm tan nát tự do ngôn luận ở Việt Nam như thế nào” của tôi đăng trên The Washington Post https://www.google.com.hk/…/how-facebook-is-damaging-freed…/, Facebook đã chấp nhận tổ chức một cuộc họp với tôi. Tôi đã phải bay nửa vòng trái đất (từ Hà Nội qua Mỹ) để có mặt trong cuộc họp này vào ngày 18/10/2018 với hai đại diện của Facebook tại trụ sở chính của họ ở Số 1 Facebook Way Menlo Park, CA 94025. Sở dĩ tôi không công bố gì ngay sau cuộc họp vì tôi đã chờ sự trả lời của Facebook, họ đã hứa là sau khi bàn bạc nội bộ rồi sẽ trả lời tôi. Tôi có đề nghị họ trả lời trước ngày 11/11/2018, nhưng cho tới nay, Facebook chỉ trả lời tôi bằng một email không có nội dung gì nói đến việc Facebook đã làm cụ thể những gì để giải quyết các vấn đề hiện nay và các yêu cầu tôi đưa ra. Facebook chỉ nói rằng họ vừa mới tạo ra một lớp bảo vệ dành cho những nhà hoạt động, nhà báo nhưng FB không nói rõ lớp bảo vệ đó cụ thể là như thế nào và cụ thể là những ai được quyền có được lớp bảo vệ đó.

    Trong cuộc họp 1 tiếng đồng hồ, tôi đã nói về 5 cách thức mà nhóm dư luận viên và binh đoàn 47 đang dùng để xoá các bài viết và đóng tài khoản của các nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền. Tôi cung cấp cho Facebook các bằng chứng mà tôi và các đồng sự của tôi đã thu thập được, cũng như danh sách các tài khoản bị đóng với đầy đủ thông tin về lý do bị khoá Facebook, cách FB đã đóng tài khoản của người dùng thiếu kiểm chứng, và cách FB thông báo thiếu thông tin, thiếu tôn trọng người dùng. Rõ ràng rằng các nhà báo độc lập và nhà hoạt động, những ai đang viết về tình hình chính trị, nhân quyền, vạch trần tham nhũng và những sai trái của nhà nước là bị rơi vào tầm ngắm và cho vào danh sách “tiêu diệt”.

    Trong cuộc họp, Facebook nói rằng đã và vẫn đang giải quyết những vấn đề này nhưng họ cần thêm thời gian vì để thay đổi các thuật toán phải mất rất nhiều công đoạn. Facebook cũng nói rằng họ có mở một kênh riêng để giao tiếp với đại diện xã hội dân sự Việt Nam mỗi khi có vấn đề gì xảy ra, nhưng họ không nói cho tôi biết ai là người Facebook đang liên lạc để giải quyết những vấn đề này trong khi danh sách những tài khoản bị khoá toàn là những nhà báo và nhà hoạt động nổi tiếng như fb Phạm Đoan Trang, Lê Nguyễn Hương Trà, Lê Hoài Anh, Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Anh Tuấn, Hoàng Dũng, Đỗ Trung Quân, Na Sơn Nguyễn, Nguyễn An Dân..vv..(danh sách dài lắm nhưng không thể ghi hết ra đây) nhưng không ai trong số những người có tài khoản bị đóng này có thể liên lạc được với người đại diện của Facebook để được “giải oan”.

    Ngoài những bằng chứng và tư liệu, trong cuộc họp, tôi còn đưa ra 5 điều yêu cầu Facebook phải trả lời và thực hiện, cụ thể là:

    1/ Facebook phải công khai bảo vệ những tài khoản (mà tôi đã cung cấp danh sách) của các nhà báo độc lập và các nhà hoạt động bằng cách dán dấu xanh lên Facebook của họ và lập một kênh riêng để liên hệ trực tiếp với các đại diện thật sự của Việt Nam khi có vấn đề cần giải quyết.

    2/ Facebook nên khoá tất cả những tài khoản chuyên hoạt động báo cáo và lợi dụng chính sách cộng động của Facebook để xoá các bài đăng và khoá tài khoản.

    3/ Facebook phải viết một thông báo công khai từ chối những yêu cầu mà luật an ninh mạng đang dùng để bóp nghẹt tự do ngôn luận.

    4/ Facebook phải chính thức thông báo họ đã và đang làm gì cụ thể để bảo vệ tự do ngôn luận.

    5/ Facebook phải trả lời lá thư của Luật Khoa Tạp Chí với hơn 14.000 chữ ký của người dùng Việt Nam đã gửi cho Facebook hồi năm ngoái.

    Tôi muốn Facebook phải giải trình minh bạch, nếu Facebook không minh bạch tức là Facebook đang làm việc bất chính, tiếp tay cho những chính phủ độc tài bóp nghẹt tự do ngôn luận.

    Cho đến giờ, Facebook vẫn hoàn toàn im lặng, làm ngơ như không có chuyện gì liên quan. Mặc dù cách đây 4 năm, Facebook cũng đã có cuộc họp với nhà báo Phạm Đoan Trang và những vấn đề tương tự cũng đã được nêu ra trong cuộc họp, nhưng Facebook cũng chưa làm gì để giải quyết những vấn đề này.

    Google thì đã và đang xoá rất nhiều nội dung theo yêu cầu của nhà nước mà không cho chúng ta biết nội dung nào đã bị xoá.

    Năm ngoái, tôi gặp Eric Schmidt để bày tỏ những lo lắng của tôi về chuyện các nội dung đã đang bị kiểm duyệt như thế nào trên không gian mạng Việt Nam, nhưng sau cuộc gặp cho đến nay Google chẳng có động thái gì cho thấy họ sẽ làm gì để chấm dứt tình trạng xoá bài, đã vậy, họ còn sắp ngoan ngoãn đặt văn phòng tại Việt Nam để cho nhà nước dễ quản lý nữa.

    Chúng ta có thể làm gì?

    Nguyễn Ánh Nguyệt phụ trách chính sách công của Facebook tại Việt Nam, là người đáng lẽ ra phải chịu trách nhiệm giải trình và giải quyết những vấn đề này của XHDS Việt Nam và Facebook nhưng cô Nguyệt cũng vẫn hoàn toàn im lặng và không có ai đại diện XHDS liên lạc được với Nguyệt. Nếu trong các bạn, có ai quen biết, có email, số điện thoại, địa chỉ liên lạc của Nguyệt thì có thể gọi điện hoặc viết email yêu cầu cô ấy trả lời về những vấn đề mà tôi đã nêu trên.

    Mặc dù luật an ninh mạng đã được thực thi nhưng nếu Facebook và Google không tuân theo luật này thì mạng Internet vẫn được tự do. Chúng ta vẫn còn có cơ hội. Mỗi chúng ta cũng có thể tìm cách vận động các công ty này không theo yêu cầu của luật an ninh mạng.

    Nếu ai gặp vấn đề về Facebook thì tạm thời hãy liên lạc với Save Net để được hỗ trợ và để giúp Save Net có thể thu thập thông tin và tài liệu hoá những gì đang diễn ra để sau này chúng ta có nhiều bằng chứng hơn.

    Luật an ninh mạng vi phạm tự do ngôn luận như thế nào?

    Theo luật an ninh mạng, các công ty cung cấp dịch vụ mạng như FB, Google phải để máy chủ tại nước Việt Nam để nhà nước Việt Nam dễ kiểm soát và các công ty này phải cung cấp thông tin cá nhân của người dùng cho bộ công an khi có yêu cầu. Như vậy luật an ninh mạng xâm phạm quyền tự do riêng tư.

    Theo luật này, các công ty như fb và google cũng phải xoá bỏ các bài đăng mang tính chỉ trích nhà nước trong vòng 24 tiếng từ khi nhận được yêu cầu của bộ công an. Điều này vi phạm quyền tự do ngôn luận, vậy mà fb và Google đã đang tiếp tay cho nhà nước xoá các bài đăng và video để bóp nghẹt tự do ngôn luận.

    Ai muốn hiểu rõ hơn về luật an ninh mạng thì hãy đọc bài này của tổ chức nhân quyền uy tín hàng đầu thế giới-Human Rights Watch :https://www.hrw.org/vi/news/2018/06/07/318821

    Đỗ Nguyễn Mai Khôi

    -----------------
    Link bài về chuyện Google đang chuẩn bị mở văn phòng tại Việt Nam https://m.baomoi.com/cau-hoi-bat-ngo-cua-ban…/c/28947754.epi
    https://www.google.com/…/mobile.r…/article/amp/idUSKBN18M19U
    Link bài về chuyện Facebook xoá bài và khoá tài khoản của các nhà hoạt động và nhà báo độc lập https://www.google.com/…/ww…/vietnamese/amp/vietnam-45662303
    Link bài về lực lượng của binh đoàn 47 chuyên đi xoá bài, khoá tài khoản, “xoay chuyển” dư luận theo hướng có lợi cho đảng, công kích các luận điểm bất đồng, https://tuoitre.vn/hon-10-000-nguoi-trong-luc-luong-47-dau-…
    Facebook ở Đức cũng có tình trạng tương tự
    https://rsf.org/…/vietnam-how-facebook-being-abused-silence…

    (FB Do Nguyen Mai Khoi)

    Không có nhận xét nào