Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh. |
Có
một dạo, suốt thời gian khá dài, biết bao người xứ này, không chỉ dân
chúng mà cả cán bộ đảng viên, bắt đầu ngày mới bằng việc mở internet để
vào Ba sàm "xem hôm nay có gì mới không". Khi hàng trăm tờ báo giấy và
trang thông tin điện tử vất vả lắm mới có thêm người đọc thì ở “Ba sàm”
cứ tự nhiên nhi nhiên, người ta chen vai thích cánh ùa vào chẳng khác gì
đi hội. Thế nên càng hiểu bất luận chính thống hay không chính thống,
nếu cứ đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của đông đảo nhân dân thì sẽ
được yêu mến, phát triển, chẳng cần hoa hòe hoa sói, núp bóng mượn danh.
Ba sàm đã đánh bạt cả hệ thống báo chí truyền thông nhà nước vốn chỉ
chuyên thông tin “phải đạo”, một chiều, nịnh nọt, ca ngợi. Lại nhớ câu
người đời hay nói “muốn biết tin thời sự thì xem hài, muốn coi hài thì
xem tin thời sự”, ngoài câu “ba sàm thông tin chính thống, chính thống
nói chuyện ba sàm” đã nêu.
Theo
lẽ thường tình, có người yêu thì cũng chả thiếu chi kẻ ghét. Ba sàm (cả
con người lẫn trang tin) được lòng dân thì mất lòng chính quyền. Bi
kịch ở chỗ, người yêu mến chỉ có lòng yêu mến, trân trọng, kính phục,
nên khi Ba sàm gặp nạn không biết làm cách nào để sẻ chia, giúp đỡ; còn
kẻ ghét thì lại thừa thủ đoạn, dã tâm, mưu ma chước quỷ, sự tàn độc,
tiền bạc, sức mạnh... để triệt hạ đối thủ đến cùng. Điều ấy được chứng
minh rất rõ trong những ngày bộ máy quyền lực lôi Ba sàm ra đấu tố chẳng
khác gì thời cải cách ruộng đất, tuyên cái án 5 năm tù sau một thời
gian dài nhốt trong ngục. Nhà cai trị với việc bắt, khởi tố và thành án
Anh Ba sàm đã nhằm đưa ra lời cảnh báo dân chúng rằng họ muốn làm gì
cũng được, đám dân đen đừng có ho he, ngọ nguậy, hãy liệu cái thần hồn,
“chưa đến lượt chúng bay đấy, nhìn gương Ba sàm mà lo cho thân mình”...
Báo
chí đưa tin, tại phiên tòa của chính quyền ngày 23.3.2016, bị cáo
Nguyễn Hữu Vinh (tức Ba sàm) đã "không thành khẩn khai nhận hành vi phạm
tội nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ". Thực ra, cả chính quyền
lẫn báo chí làm sao hiểu nổi được Anh Ba sàm. Con người như cây trúc
“trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng” dù án 5 năm hay 50 năm vẫn cứ là
trúc, khí tiết vững vàng. Không có tội thì chả việc gì phải thành khẩn
khai nhận. Ngày xưa, trước tòa đại hình của Pháp, những người cộng sản
dù có tội với chính quyền cũng có bao giờ thừa nhận có tội đâu. Người vì
dân vì nước, phản kháng lại mọi chính quyền áp bức không bao giờ có
tội. Không nhận (chứ chưa nói gì đến thành khẩn), đó mới chính là Ba
sàm, là Nguyễn Hữu Vinh. Cây trúc Ba sàm dẫu có bị đốt cháy thành tro,
vẫn thẳng. Cái án mà chính quyền áp đặt cho anh Vinh Ba sàm, với người
như anh chỉ như cơn gió thoảng, không dọa được gì.
Nhớ
lại, ngay đêm nhà cai trị tuyên án Anh Ba sàm Nguyễn Hữu Vinh, trên FB
có bài thơ của nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội:
Với mình anh gọi Ba Sàm
Với dân với nước anh làm thông tin
Giữa thời nhũng loạn niềm tin
Anh đưa ra một hướng nhìn hướng nghe
Giữa thời thật giả bạn bè
Dân quyền anh muốn vỉa hè lạ quen
Giữa thời hỗn độn trắng đen
Anh ngồi chép sử trước đèn Việt Nam
Với mình anh gọi Ba Sàm
Với dân với nước anh làm thông tin
Trước
phiên tòa, dù chỉ xử một mình anh Ba sàm với tội danh “vớ vẩn” nhưng có
thể xem như phiên đại hình, Ba sàm đã chiến thắng. Trong cơn sóng gió
phũ phàng, ai người chèo lái vững vàng hỡi ai? Ba sàm Nguyễn Hữu Vinh đã
không phụ lòng tin của hàng chục triệu người yêu mến anh. Tôi chưa gặp
anh bao giờ nhưng đã lâu có sự mến phục anh. Nhớ một chuyện cũ: lần ấy
tôi có được văn bản hiếm, đưa lên blog của mình. Anh Vinh xem trên mạng
xong rồi nhắc nhẹ "cẩn thận" khiến tôi cảm ơn nhiều. Tôi cũng từng có
nhiều năm dạy học chung với chị Nguyễn Thị Hiếu Thiện, là chị gái anh.
Chị Thiện cũng là người rất thẳng thắn, quyết liệt. Tôi hiểu, những
người con của bác Nguyễn Hữu Khiếu, một nhà cách mạng được cụ Hồ rất yêu
mến, thì khó mà là người xấu được.
Những
người đánh phá trang Ba sàm, dù triệt hạ được Ba sàm và đã “thành công”
nhưng tôi biết chắc họ đều có đọc Ba sàm và rút ra từ đó nhiều điều bổ
ích, cần thiết cho công cuộc cai trị của mình. Tìm những điểm yếu, sai
lầm, thiếu sót của chính mình, cách tốt nhất là tìm ở những người nói
thẳng, chê mình. Xưa nay, các triều đình hết hưng lại phế là chỉ bởi tin
vào kẻ nịnh, ghét người ngay. Nhà cai trị xứ này biết điều ấy, nhưng họ
hiểu rằng Ba sàm rất nguy hiểm cho chính sách ngu dân, cái chính sách
mà họ từng mạnh mồm tuyên bố chỉ có ở bọn thực dân phong kiến. Người ta
luôn rêu rao sự khai hóa, mở mang dân trí nhưng người ta lại quyết đánh
sập trang Ba sàm. Nhưng trang Ba sàm không chết. Mà ngay cả nếu nó có
"chết" đi nữa thì cũng sống lâu bền trong lòng đông đảo người dân-bạn
đọc đã từng yêu quý nó.
Trong
nền báo chí truyền thông xứ này, hiện tượng như Ba sàm cực hiếm, những
người biên chép lại lịch sử báo chí đương đại một cách đàng hoàng sẽ
trang trọng nhắc đến trang Ba sàm và tên anh Nguyễn Hữu Vinh.
Ngày đầu tiên luật an ninh mạng có hiệu lực ở xứ này, 1.1.2019
(Blog Nguyễn Thông)
Không có nhận xét nào