Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự lễ đón ở Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. AFP |
Bản chất cuộc so găng
Không
giống như sự nổi lên của Nhật Bản thập niên 70s-80s biến nước này thành
một hội viên được đón chào của câu lạc bộ phương Tây, sự trỗi dậy của
Trung Quốc mang dáng dấp của Nga Xô sau Thế Chiến II ở chỗ đều thách
thức trật tự quốc tế hiện hành do phương Tây kiểm soát với sự tự tin
rằng họ đang vận hành một mô hình phát triển ưu việt hơn.
Những
thành tựu phát triển của Nga Xô thời bấy giờ và của Trung Quốc hiện nay
quả nhiên có thể biện minh cách tiếp cận này của họ. Hơn thế nữa, trở
thành siêu cường khi mà phương Tây đã bao vây khắp mọi nơi, không có
nhiều lựa chọn cho Nga Xô và Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh sinh tồn
này ngoài việc phải xô đổ trật tự cũ. Nếu Nga Xô phải phá vòng vây bằng
cách hỗ trợ các dân tộc thuộc địa vùng lên chống thực dân phương Tây và
sau đó tham gia vào hệ thống XHCN do họ dẫn dắt, thì Trung Quốc đang
tổng hợp những nỗ lực tương tự của mình trong Sáng kiến Vành đai Con
đường đầy tham vọng nhằm chia lại vùng ảnh hưởng toàn cầu.
Như
vậy, cũng như Nga Xô trước đây, cuộc so găng của Trung Quốc với phương
Tây không chỉ bó hẹp trong một lãnh vực cụ thể mà thực chất là sự cạnh
tranh chiến lược giữa hai mô hình phát triển: Về kinh tế, một bên nhấn
mạnh vai trò quyết định của nhà nước, bên kia coi trọng sáng kiến tư
nhân; về chính trị, một bên tăng cường độc đoán cưỡng bách đảng trị, bên
kia dựa vào dân chủ tự do pháp trị.
Bản
chất mô hình phát triển dựa vào nhà nước là không khác nhưng Trung Quốc
hơn Nga Xô ở chỗ tận dụng thành công bối cảnh toàn cầu hoá để học hỏi
phương Tây bổ sung các yếu tố thị trường vào nền kinh tế; và cũng vì thế
mà kém Nga Xô ở chỗ chưa thể xây dựng một hệ thống toàn cầu theo mô
hình của mình bởi lẽ chính Trung Quốc cũng chưa đủ thời gian để hệ thống
hoá chặt chẽ một mô hình mà họ chỉ mới mày mò nhờ ‘dò đá qua sông’.
Nghĩa là hơn Nga Xô về chiến thuật nhưng kém về chiến lược vậy.
Đấu trường chính của cuộc so găng
Lenin
từng nói một câu mà hậu bối của ông ít khi muốn nhớ, rằng xét đến cùng
chủ nghĩa xã hội nếu muốn thắng chủ nghĩa tư bản sẽ phải thắng về năng
suất lao động [1]. Cuộc đối đầu giữa các mô hình phát triển cuối cùng
cũng nằm ở chỗ mô hình nào tạo ra năng suất lao động cao hơn.
Đó
là lý do vì sao người ta đang dần nhận ra cuộc chiến Mỹ-Trung hiện nay
chính yếu không phải về thương mại, mà là về công nghệ [2] - yếu tố quan
trọng bậc nhất để tăng năng suất. Điều này cũng giải thích vì sao hai
nước vừa tuyên bố đình chiến thương mại tạm thời nhưng ngay sau đó con
gái chủ tịch Huawei - tập đoàn chủ đạo trong tham vọng cường quốc công
nghệ của Trung Quốc - vẫn bị bắt.
Trung
Quốc hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của vấn đề này khi mà sự phát triển
vượt bậc vài thập kỷ qua của họ không dựa vào công nghệ phát triển tự
thân. Phương Tây sáng tạo công nghệ, Trung Quốc sao chép và tận dụng lợi
thế quy mô (economies of scale) không thể so bì của mình để tăng năng
suất, giảm giá thành rồi tranh thủ bối cảnh toàn cầu hóa để vươn lên
thành thế lực sản xuất hùng mạnh bậc nhất.
Công
thức phát triển này của Trung Quốc, bởi vậy, đặt trọng tâm vào việc sao
chép công nghệ của phương Tây bằng 3 cách thức chủ yếu sau (1) gián
điệp công nghệ, (2) mua bán và sát nhập tập đoàn phương Tây để chiếm lấy
công nghệ, và (3) dùng thị trường nội địa khổng lồ để áp lực các tập
đoàn phương Tây muốn làm ăn ở Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ.
Không
phải Tây phương không nhận ra chiến lược này của Trung Quốc, song chỉ
khi họ vỡ mộng rằng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc không dẫn đến
cởi mở về chính trị mà trái lại còn giúp gia tăng quyền lực độc đoán
đảng trị, và bừng tỉnh rằng siêu cường mới nổi này muốn tiếp bước Nga Xô
thách thức trật tự quốc tế hiện hành, họ mới bắt đầu ra tay tấn công
vào công thức phát triển của Đại lục với 3 đòn tương ứng sau (1) truy
bắt gián điệp công nghệ, (2) siết chặt việc mua bán&sát nhập có yếu
tố Trung Quốc (qua cơ chế CFI/Ủy ban Đầu tư Nước ngoài), và (3) đẩy mạnh
thương chiến nhằm sắp xếp lại chuỗi sản xuất toàn cầu vào tạo thế bảo
vệ các tập đoàn làm ăn trên đất Trung Quốc.
Trung
Quốc quả thật nên lo lắng, nhất là khi mới đây họ đã thất bại trong
việc dùng lợi ích gây chia rẽ nội bộ khối Tây phương [3] và đang chứng
kiến mỗi khi một quốc gia Tây phương ra đòn thì cả khối lại hùa theo
hưởng ứng. Giờ đây vận mệnh của Trung Quốc, như Tập tuyên bố, sẽ được
đặt trong nỗ lực của quốc gia này tự lực phát triển công nghệ. [4]
Phe nào sẽ thắng?
Thái
độ cẩn trọng không cho phép chúng ta dựa trên thiên kiến mà vội vàng
đưa ra câu trả lời, đặc biệt khi chứng kiến sự phát triển vũ bão của
Trung Quốc vài thập niên qua.
Tuy nhiên nếu đồng ý rằng công nghệ là đấu trường chính của cuộc so găng, Trung Quốc rõ ràng đang gặp quá nhiều bất lợi:
Đầu
tiên, những diễn biến thời gian gần đây cho thấy mặc dù rất nỗ lực,
Trung Quốc vẫn chưa chế ngự được khả năng sáng tạo công nghệ. Sự khốn
đốn của ZTE - tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc, dưới lệnh cấm vận
công nghệ của Hoa Kỳ là một minh chứng không thể rõ nét hơn.
Hơn
thế, trong khi nhiều nghiên cứu chỉ ra tự do chính trị quan trọng thế
nào đối với khả năng sáng tạo về dài hạn [5], yếu tố này lại không thể
chấp nhận được đối với mô hình phát triển của Trung Quốc. Nghĩa là tham
vọng tự lực công nghệ thông qua chiến lược Made in China 2025 của họ,
ngay cả khi không bị để ý cũng đã không dễ thành công, huống hồ hiện nay
lại đang là đích nhắm tấn công của toàn khối Tây phương thì lại càng
khó khăn bội phần.
Hy
vọng sót lại của Trung Quốc được nuôi dưỡng bằng niềm tin rằng tinh
thần quốc gia phục thù một khi được thổi bùng lên sẽ là nhiên liệu cho
cỗ máy sáng tạo quốc gia như những gì từng xảy ra ở Đức sau Thế Chiến I.
Chưa rõ nỗ lực này sẽ đi về đâu nhưng nếu nhớ rằng trong khi Đức thuộc
về nòng cốt của khối Tây phương, thừa hưởng sinh lực sáng tạo mạnh mẽ
bắt rễ trong lối nghĩ, lối sống lý tính hóa cao độ hàng trăm năm của Tây
phương nên đã chế ngự được khả năng sáng tạo, thì Trung Quốc, dù tăng
trưởng liên tục những thập kỷ vừa qua nhưng chỉ mới chập chững những
bước đầu tiên trong việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, sẽ thấy hi
vọng của Trung Quốc dẫu chưa tới mức áo tưởng nhưng vẫn khá mong manh.
Một
thước đo khác, trực quan hơn, có thể giúp dự đoán kết quả cuộc so găng.
Sáng tạo vốn dĩ gắn liền với nhân tài, là sản phẩm của cá nhân và tập
thể nhân tài. Thử xem nhân tài trên thế giới đã, đang và sẽ đổ về Mỹ và
phương Tây hay là về Trung Quốc để thấy viễn cảnh Trung Quốc u ám ra sao
nếu vẫn đẩy quốc gia dấn sâu vào cuộc cạnh tranh chiến lược này. [6]
-----------------------
[1]https://www.marxists.org/archive/lenin/works/1919/jun/19.htm
[2]https://www.washingtonpost.com/amphtml/opinions/its-not-a-trade-war-with-china-its-a-tech-war/2018/12/14/ec20468e-ffc5-11e8-862a-b6a6f3ce8199_story.html
[3]https://www.reuters.com/article/us-usa-trade-china-eu-exclusive/exclusive-china-presses-europe-for-anti-us-alliance-on-trade-idUSKBN1JT1KT
[4]https://amp.scmp.com/news/china/economy/article/2148189/xi-jinping-urges-china-go-all-scientific-self-reliance-after-zte
[5]https://www.weforum.org/agenda/2018/01/why-political-and-economic-freedom-drives-creativity
[6]https://relocateme.eu/blog/11-tech-talent-relocation-trends-to-expect-in-2018/
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
(RFA)
Không có nhận xét nào