Nếu chính quyền là của dân, sẽ có một
vị lãnh đạo nào đó, Thủ tướng chẳng hạn, đến ngay Long An chiều qua,
tuyên bố thảm họa, cúi đầu xin lỗi người dân. Và cũng ngay trong tối
qua, sẽ triệu tập các quan chức, sẽ mời các chuyên gia đầu ngành liên
quan cùng ngồi lại mổ xẻ vụ việc, tìm các biện pháp khẩn cấp và căn cơ
để “không bao giờ những thảm họa như thế được phép xảy ra một lần nữa”.
Chiếc xe container tử thần gây thảm họa. |
(1)
Vị lãnh đạo này có thể sẽ yêu cầu: Rà soát lại toàn bộ các tuyến quốc
lộ, đặc biệt những đoạn hiện là đường hỗn hợp có nguy cơ cao. Trước mắt
phân làn lại, có làn riêng dành cho những người đi xe máy, sau đó đưa ra
lộ trình dài hơi nâng cấp, mở rộng.
(2)
Vị lãnh đạo này có thể sẽ yêu cầu: Rà soát lại toàn bộ các quy định
pháp luật để làm sao những hành vi vi phạm an toàn giao thông phải bị xử
lý thật nghiêm khắc, để không còn ai dám khinh lờn luật nữa.
(3)
Vị lãnh đạo này có thể sẽ đặt câu hỏi: Tại sao người dân vẫn phải sử
dụng xe máy di chuyển trên các tuyến quốc lộ? Tại sao họ không lựa chọn
các phương tiện công cộng, chẳng hạn như xe buýt, metro? Có phải vì các
phương tiện công cộng còn thiếu, còn bất tiện, còn kém tiện nghi?
(4)
Vị lãnh đạo này có thể sẽ đặt vấn đề xa hơn: Tại sao ai cũng biết sử
dụng xe máy thiếu an toàn và tiện nghi hơn hẳn ôtô mà người dân lại cứ
chọn xe máy? Có phải vì giá cả và chi phí lăn bánh cho một chiếc ô-tô
đang quá cao không? Tại sao giá một chiếc Honda Brio ở Indonesia chỉ
khoảng 9.100 – 12.500 USD (200-300 triệu đồng), mà về đến Việt Nam lại
đội giá lên 400-500 triệu đồng**? Liệu có cách nào để người Việt được sở
hữu ô-tô giá rẻ như người dân các nước láng giềng, để người dân Việt
được tham gia giao thông an toàn, tiện nghi hơn không?
Vị
lãnh đạo đó, chắc đêm qua sẽ mất ngủ, và sẽ còn nhiều đêm mất ngủ nữa.
Không chỉ vì lương tâm của bản thân ông/bà ấy, mà còn vì sức ép của công
luận khiến ông/bà ấy không thể nào bàng quan, làm ngơ hay ở vị thế vô
can với một thảm họa ghê gớm như vậy.
Vì
tôi hiểu, bản chất quyền lực của nhà nước là do từng người dân và toàn
thể nhân dân cùng đồng thuận chia sẻ một phần quyền tự nhiên (vốn có)
của họ, chọn ra một nhóm người đại diện, tổ chức nên một thiết chế (gọi
là nhà nước) để đảm bảo sự an toàn, tự do, công bằng cho từng người và
toàn thể nhân dân.
Quyền nhân dân vì thế là tối thượng. Nhà nước vì thế là nhà nước của dân.
Nhà nước vì thế có nghĩa vụ tất yếu phải phục vụ từng người dân và toàn thể nhân dân.
Nhà
nước vì thế phải có nghĩa vụ tất yếu phải đáp ứng mỗi yêu sách và mọi
yêu sách chính đáng của từng người dân và toàn thể nhân dân.
Nếu
vì bất cứ lý do nào những điều này không tồn tại trong thực tế thì chỉ
có thể do: nhà nước đó không phải là nhà nước của nhân dân, chính quyền
đó không phải là chính quyền của nhân dân.
Nguyễn Đắc Kiên
(Blog Thụy My)
Không có nhận xét nào