Vào ngày 21/1, chính quyền địa phương
ở phường 6, quận Tân Bình đã cho người đến cắm cọc phân lô trên khoảng
đất 4.8 ha Vườn rau Lộc Hưng mà không được sự đồng ý của người dân ở
đây.
Khu đất Vườn rau Lộc Hưng bị phân lô cắm cọc |
Ông
Cao Hà Chánh, đại diện những hộ dân Vườn rau Lộc Hưng đã bị chính quyền
cưỡng chế vào các ngày 4/1 và 8/1 vừa qua, cho Đài Á Châu Tự Do biết về
tình hình xảy ra vào hôm 21/1 như sau:
“Ngay
bây giờ trên đất của bà con thì họ đã cưỡng chế nhà hết rồi, xong rồi
họ cứ cào xới lên. Cuối cùng qua nay thấy họ cắm mốc phân lô, cứ 5 mét
20 gì đó. Bà con kéo ra đề nghị gặp người chỉ đạo, gặp lãnh đạo phường
quận nhưng không được. Bà con phản ứng và yêu cầu không được làm gì trên
đất này vì đây là đất vẫn thuộc bà con mà lãnh đạo các cấp chưa đối
thoại với dân”.
Vào
các ngày 4/1 và 8/1 vừa qua, chính quyền phường 6, quận Tân Bình, thành
phố Hồ Chí Minh đã huy động lực lượng và máy móc đến cưỡng chế, tháo dỡ
hàng trăm căn nhà trên mảnh đất 4,8 ha Vườn rau Lộc Hưng. Chính quyền
quận Tân Bình cho báo chí trong nước biết việc cưỡng chế được thực hiện
đối với 112 nhà xây dựng trái phép từ ngày 1/1/2018.
Tuy
nhiên, những người dân Lộc Hưng mà đài Á Châu Tự Do tiếp xúc cho biết,
chính quyền đã phá dỡ khoảng 200 căn nhà, cào xới đất, xoá sạch các ranh
giới giữa các lô đất, phá bỏ hoa màu của người dân. Trong số này có
nhiều căn nhà đã được xây dựng tại đây từ 9 đến 10 năm. Những người dân
Lộc Hưng nói với đài Á Châu Tự do rằng họ đã sống ở đất vườn rau nhiều
đời, từ thời ông bà cha mẹ vì đất vườn rau thuộc hội Thừa sai Paris cho
người dân dùng để sống và canh tác từ thời Pháp. Thậm chí sau vụ cưỡng
chế, người dân ở đây đã đưa lên mạng hình ảnh những khế ước đất có từ
thời Pháp của họ. Người dân cũng cho biết họ đã nhiều lần yêu cầu địa
phương cho họ đăng ký quyền sử dụng đất nhưng không được trả lời. Điều
này đã dẫn đến khiếu kiện kéo dài của nhiều hộ dân ở đây lên chính quyền
thành phố từ năm 1999 đến 2008 mà không có câu trả lời dứt khoát.
Trong
khi đó, chính quyền địa phương nói với truyền thông trong nước rằng
mảnh đất này thuộc Bưu điện thành phố cho bà con mượn trồng rau và đã
được quy hoạch để xây trường học.
Trước
sự phản ứng của người dân, vào ngày 13/1, chính quyền quận Tân Bình cho
biết địa phương quyết định hỗ trợ 7.055.000 đồng/ m2 đất vườn rau và từ
4 đến 6 triệu đồng/ tháng trong 3 tháng cho các hộ trồng hoa màu bị ảnh
hưởng do cưỡng chế. Báo chí trong nước đến hôm 20/1 cho biết đã có 8 hộ
trong số 124 đã đăng ký sử dụng đất với chính quyền địa phương, nhận
được khoảng 8 tỷ đồng tiền hỗ trợ.
Ông
Cao Hà Chánh nói với đài ACTD rằng 8 hộ này là những hộ có người trong
gia đình làm cho chính quyền, còn những người dân Lộc Hưng khác vẫn kiên
quyết không nhận tiền bồi thường.
Chị Trần Minh Thi, một người có hơn 1.000 m2 đất vườn rau từ thời ông bà, cho đài ACTD biết:
“Họ
xuống và họ nói là họ là tổ vận động. Tức là họ vận động chúng tôi ký
trên 7.055.000 đồng. Có người đã ra rồi nhưng đó là những người từ trước
đến nay không đồng hành cùng chúng tôi. Đường mương mà những người này
chiếm thì giờ họ cấu kết với chính quyền để họ ra phường lấy tiền vì đất
đó không phải của họ thì họ lãnh là được. Họ nói là nếu dụ được ai thì
họ cho tiền thưởng 5 triệu chứ người dân chúng tôi hoàn toàn không nhận
gì hết”.
Sau
vụ cưỡng chế, chính quyền quận Tân Bình nói với báo chí trong nước rằng
việc cưỡng chế chỉ phá nhà xây trái phép nhưng không lấy đất. Tuy
nhiên, chị Thi cho biết, sau ngày 8/1, người dân Vườn rau đã không thể
quay lại đất của mình vì bị cấm, và cuộc sống của họ giờ hết sức khó
khăn, phải đi tìm nhà ở thuê, ở trọ, trong khi Tết cổ truyền đang đến
gần.
(RFA)
Không có nhận xét nào