Header Ads

  • Breaking News

    “Ngoan” chưa chắc là tốt!

    Sinh viên không nên “nô lệ” vào sách vở. Phải nhìn vào hiện thực, soát xét mọi tín điều và nếu thấy sai thì dũng cảm làm ngược lại chứ không phải là “cắt xén hiện thực cho vừa ô lý thuyết”.

    “Ngoan” chưa chắc là tốt! Hình minh họa

    Đừng chống cái không thể chống!

    Chào PGS. TS Hoàng Dũng! Dưới góc độ một nhà nghiên cứu Ngôn ngữ, ông quan tâm thế nào đến ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay?

    Tôi rất quan tâm. Năm trước, tôi có hướng dẫn một học viên cao học làm luận văn nghiên cứu về đề tài Ngôn ngữ chat của giới trẻ. Tôi cũng có viết một số bài, trả lời phỏng vấn của một số báo lớn về vấn đề này.

    Càng ngày, giới trẻ càng cho ra đời nhiều cách diễn đạt mới lạ gọi là: ngôn ngữ tuổi teen, tiếng lóng, thành ngữ @. Có ý kiến cho rằng, người trẻ đang làm “mất đi sự trong sáng của tiếng Việt”. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

    Đa phần những người phê phán Ngôn ngữ @ là những người lớn. Họ đóng khung trong một quan niệm có sẵn và không chấp nhận cái mới. Xã hội học gọi đó là “khoảng cách thế hệ”. Nhưng vấn đề ngôn ngữ giới trẻ là vấn đề muôn thuở. Ngày trước, cha mẹ chúng tôi cũng đã từng “đau đầu” vì ngôn ngữ giới trẻ chúng tôi. Trước đó, các đời cụ, cụ của cụ… chúng tôi cũng gặp tình cảnh tương tự với thế hệ sau. Thời tôi, giới trẻ gọi cha mẹ là “ông bô bà bô” hay đi dạo phố gọi là “đi bát phố”… và nhiều từ ngữ khác không còn tồn tại.

    Giới ngôn ngữ học phương Tây đã có nhiều công trình nghiên cứu về ngôn ngữ Internet. Đặc biệt là “Language and the Internet” (2001) và “Internet Linguistics” (2011) của nhà nghiên cứu David Crystal. Giới ngôn ngữ học thường rất bình tĩnh trước những hiện tượng ngôn ngữ mới. Qua thời gian, đa phần các từ ngữ không phù hợp sẽ bị đảo thải đi. Chỉ một số ít còn tồn tại. Nhưng chỉ cần trong số đó có một vài từ còn lưu lại thì cũng có thể coi là đóng góp rất lớn cho sự phát triển ngôn ngữ rồi. Chúng ta có hàng ngàn nhà văn, nhưng số nhà văn để lại dấu ấn của mình trong tiếng Việt chắc chắn không nhiều.

    Nguyên nhân nào khiến người trẻ lại thích sáng tạo ra thứ ngôn ngữ mới cho mình?

    Thứ nhất, cùng với sự phát triển của xã hội, giới trẻ hiện nay có những suy tư, hành động, cư xử khác trước. Bởi vậy, trong văn học có một chủ đề là “cha và con” được rất nhiều nhà văn chọn khai thác. Ngay như ông Trịnh Công Sơn, người đẹp trong nhạc của ông phải là gầy guộc, mong manh… Nhưng tôi nghe nhiều bạn trẻ bây giờ khen cô lực sĩ Mỹ Linh rất đẹp. Điều đó cho thấy, sự khác biệt trong quan niệm, tư duy… sẽ dần xác lập những cách thể hiện khác. Ngôn ngữ cũng không phải ngoại lệ. Giới trẻ muốn thể hiện cái riêng, cái tôi bằng ngôn ngữ không lẫn vào đâu. Đó gọi là “biệt ngữ”.

    Thứ hai, những “biệt ngữ” này có tác dụng liên kết. Khi lên diễn đàn mạng hay chat, chỉ cần thấy ngôn ngữ thì người ta có thể nhận ra ngay đó là người cùng giới trẻ như mình. Đồng thời, khi nói – viết các “biệt ngữ” này mà người khác không hiểu thì các bạn trẻ cảm thấy sung sướng, thú vị. Trong tôn giáo – tín ngưỡng, các ông thầy pháp, thầy cúng dùng những câu chú kỳ lạ, không ai hiểu. Đấy là thứ ngôn ngữ liên kết họ với thần linh; như thế, họ cũng gần như là thần linh. Cũng với tâm lý đó, người trẻ thích sáng tạo ngôn ngữ mới làm “thần chú” cho mình. Các bạn coi nắm bắt được những “câu chú” đó là một niềm tự hào, là đẳng cấp.

    Thứ ba, đời sống xã hội ngày càng phát triển thì khoảng cách con người ngày càng xa nhau. Ngày xưa người ta gần gũi với nhau, đối đãi bằng tình làng nghĩa xóm. Nay, hai nhà cạnh nhau có khi không biết gì nhau. Giới trẻ sinh ra trong thời đại mới. Họ cảm thấy cô đơn, muốn kết nối và nhận ra nhau. Nhất là khi Internet phát triển và các bạn nắm công nghệ rất nhanh.

    Còn những hiện tượng “thành ngữ @” kiểu như “Sát thủ đầu mưng mủ” thì sao, thưa ông?

    Thành ngữ là những ngữ cố định được ghi trong kho từ vựng của một ngôn ngữ. Cái gọi “thành ngữ thời @” thực chất không phải là thành ngữ mà chỉ là hiện tượng “giả thành ngữ”. Nó có dáng dấp của thành ngữ ở cách cấu tạo.

    Có thể thấy đa phần “thành ngữ @” là đùa cợt, giễu nhại tất cả mọi vấn đề, kể cả những vấn đề nghiêm túc. Thành ngữ chính danh thì nói: “Thuận vợ thuận chồng, tát Biển Đông cũng cạn”. Còn “thành ngữ @” thì: “Thuận vợ thuận chồng… con đông mệt quá”. Đấy là chuyện “biếm phỏng” (parody), cấp cho cách biểu đạt một sắc thái mới mẻ. Đọc vào thấy vui, buồn cười. Nó không là “một sự nổi loạn trong ngôn ngữ” như nhiều người vẫn nghĩ mà chỉ là xác lập sự khác biệt ngôn ngữ của một bộ phận giới trẻ.

    Vì cho rằng ngôn ngữ @ “làm mất đi sự trong sáng tiếng Việt” nên nhiều ý kiến muốn cấm người trẻ sử dụng nó. Ông nghĩ sao về điều này?

    Tôi cho rằng đó là nhiệm vụ bất khả thi. Làm vậy, tức chúng ta đang chống lại điều không thể chống. Tôi có xem qua một vài bài thi, đơn xin phép… của học sinh, sinh viên viết bằng “ngôn ngữ @”. Quả là không chấp nhận được. Nếu các em viết như thế trong trao đổi riêng tư giữa các em với nhau, thì đó là chuyện không có gì phải hốt hoảmg. Nhưng ngoài ranh giới đó thì không được. Và các em bị trừng phạt tức khắc: bài thi bị điểm kém, đơn xin phép không được duyệt. Vậy, vấn đề không phải là bản thân “ngôn ngữ @”, mà là ranh giới sử dụng của nó. Chỉ ra được và làm cho giới trẻ ý thức được ranh giới này, là “đánh” vào điểm cần đánh, nhiệm vụ sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều thay vì cứ cố làm cái việc nặng nề và bất khả thi là cấm cản.
    Đừng cắt xén hiện thực cho vừa ô lý thuyết!

    Thời trẻ, ông từng là học trò và từng là đồng nghiệp nghiên cứu cùng giáo sư Cao Xuân Hạo cũng như giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Ông học được gì từ hai “cây đại thụ” của ngành ngôn ngữ học Việt Nam này?

    Có thể nói, nghiên cứu đến với tôi như là cơ may. Năm 1980 tôi từ Huế vào Sài Gòn học lớp bồi dưỡng ngôn ngữ học cho cán bộ trẻ. Một trong những người giảng dạy là thầy Cao Xuân Hạo. Trong học thuật, đấy là người không sợ bất cứ ai, kể cả những tượng đài ngôn ngữ học. Những ý kiến, lập luận ông đưa ra đầy thách thức. Nhờ ông, tôi mới thực sự thoát ra được cách học cũ để đến với khoa học. Điều quan trọng nhất là tôi đã hình dung ra được ngôn ngữ học thực chất là gì và giới hạn của nó đến đâu. Một trong những cách tôi học thầy Hạo là… tranh luận với thầy. Mỗi lần tôi đưa ra được lập luận xác đáng, giáo sư Cao Xuân Hạo rất vui vẻ chấp nhận. Sau thời gian học lớp đào tạo ngắn hạn với thầy Cao Xuân Hạo, tôi ra Hà Nội học thạc sĩ rồi tiến sĩ với giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Thầy Cẩn là người có chuyên môn sư phạm cực giỏi, luôn truyền được hứng thú cho sinh viên. Thầy khiến cho chúng tôi tự tin, bạo gan nghĩ rằng mình cũng có thể làm ngôn ngữ học

    Khi giảng dạy, ông đánh giá cao những sinh viên có tố chất gì?

    Cách học nhồi nhét sẽ khiến sinh viên ngồi trên giảng đường đại học chẳng khác nào học sinh cấp 3. Nếp dạy bắt phải ngoan ngoãn chấp nhận sẽ khiến người học trở nên những “nô lệ” trong tư duy. Bởi vậy, tôi đánh giá cao những bạn biết suy nghĩ độc lập, biết nghi ngờ những gì thầy giảng và những gì mình đọc được. Khi nghe một thông tin, người nghe phải so sánh cái đã biết và cái chưa biết và nghi ngờ – phản biện lại cái vừa nghe, truy vấn cho đến cùng. Khi ra trường, kiến thức trên giảng đường có thể không cần cho công việc nhưng tư duy sắc bén sẽ theo bạn mãi.

    Ông có lời khuyên nào giúp các bạn nâng cao khả năng lập luận, tư duy phản biện?

    Tôi muốn nhấn mạnh, xã hội phát triển nhờ những bạn trẻ “không ngoan”, biết cãi lại, biết phản biện. Ngày xưa, nếu nói “Cưỡi ngựa là tốt lắm rồi” và ai cũng coi đó là chân lý thì sẽ không bao giờ có xe hơi. Ở các nền giáo dục tiên tiến, nhiều trường đại học dạy sinh viên môn quan trọng là Tư duy phản biện (Critical Thinking). Ở Việt Nam, Đại học Hoa Sen là nơi đầu tiên có đào tạo bài bản, nhưng đến nay không hiểu sao môn này hình như đã ngưng đào tạo!

    Tôi thường khuyên sinh viên không nên “nô lệ” vào sách vở. Phải nhìn vào hiện thực, soát xét mọi tín điều và nếu thấy sai thì dũng cảm làm ngược lại chứ không phải là “cắt xén hiện thực cho vừa ô lý thuyết”. Thực tế, nhiều bạn có thể có những suy nghĩ ngược lại, thậm chí suy nghĩ rất xác đáng. Nhưng vì quá ngại ngùng, sợ hãi vì bị nhồi nhét “điều thầy nói thì không thể sai”, mà các bạn tự gạt đi. Đừng để “người chết ám người sống” dù “người chết” có là tượng đài đi nữa.

    Xin cảm ơn ông!


    Sinh Viên Việt Nam

    1 nhận xét:

    1. Hay quá." Đừng để người chết ám người sống dù người chết có là tượng đài đi nữa." Ở VN bây giờ có người chết lâu ròi vẫn đang ám người sống, ám thường xuyên, ám liên tục đấy thôi.Có người gọi hiện tượng đó là " Ăn mày dĩ vãng."

      Trả lờiXóa