Header Ads

  • Breaking News

    Mai Quốc Ấn - Lộc Hưng, đất và quyền tư hữu

    (Cafe đắng đầu tuần)

    “Phép thử Lộc Hưng” đã diễn ra. Những căn nhà xây trái phép đã bị đập và nhiều người dân phải qua Tết không nhà. Nó cũng thể hiện được phần nào bức tranh mạng xã hội…


    Tôi vẫn khẳng định tính pháp lý bước đầu của việc cưỡng chế các nhà xây không phép là đúng bởi chính quyền có nói rõ không cưỡng chế đất. Và cũng khẳng định lại lần nữa cái tệ là cưỡng chế trước Tết.

    Nhưng vấn đề cần bàn kỹ là tính pháp lý!

    Nguồn gốc đất đai của Lộc Hưng nói riêng và nguồn gốc đất đai Việt Nam nói chung, là thứ không thể không nói đến.

    Các mốc từ khi lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoặc đến nay là nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đến nay trải qua nhiều lần biến động đất đai. Cụ thể là năm 1945 lập nước mới, 1956 cải cách ruộng đất với miền Bắc, 1975 với “giải phóng” miền Nam. Đối với cả nước là năm 1986- thời điểm đổi mới- cũng là giai đoạn chấm dứt hình hợp tác xã, người dân được ‘trở về chân đất cũ’ (nguyên văn chỉ đạo của Tổng bí thư giai đoạn đó, ông Nguyễn Văn Linh).

    Nếu căn cứ Luật Đất đai 1993 thì đất Lộc Hưng nằm trong giai đoạn tính từ xác lập đất sau 30/4/1975.

    Ngày cả khi có Luật Đất đai 1993 và luật Đất đai sửa đổi 2013 thì các mâu thuẫn đất đai tại nước ta vẫn “nóng”. Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có khá nhiều văn bản hướng dẫn sau 2013. Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, Đặng Ngọc Viết tại Thái Bình, Đăng Văn Hiến nơi Đak Nông chỉ là 3 ví dụ trong nhiều ví dụ về mâu thuẫn đất đai.

    Tại quốc gia có chiều dài lịch sử bị xâm lược và đánh giặc ngoại xâm, nhu cầu “ăn cư” của người dân là nhu cầu máu thịt. Mâu thuẫn đất đai cũng được dân gian xếp vào “vạn cổ chi thù”.

    Và không có mâu thuẫn nào mà không có nguyên nhân gốc!

    Văn bản về nguồn gốc đất Lộc Hưng bằng tiếng Pháp và tiếng Việt là cơ sở để những người dân Lộc Hưng giai đoạn 1975 tiếp tục đòi quyền lợi chính đáng. Nhưng nó vẫn chưa phải là gốc của vấn đề, mà là xác định quyền sở hữu cá nhân về đất. Không phải chỉ riêng Lộc Hưng, để không còn những ví dụ tương tự, vốn rất nhiều trước đây. Điều này cần nhìn lại Hiến pháp để đánh giá.

    Nếu diễn ra, có lẽ là cả một quá trình dài…

    Trước mắt chỉ có thể nhắc lại vài câu hỏi không mới cho bất kỳ cấp chính quyền nào: Đổi đất lấy hạ tầng là một chủ trương lớn nhưng khi hết đất thì sẽ là gì? Nhà nước đã thực sự quản lý tốt đất đai không? Nhà nước có nên để “bàn tay vô hình” của thị trường điều chỉnh nhu cầu đất đai không?

    Các loại tài nguyên thiên nhiên (gồm đất đai) có trước, tiếp đến mới là con người- nhân dân, cuối cùng mới là nhà nước, chế độ. Vậy đất đai và nhân dân là quá khứ của chế độ.

    Đừng “bắn súng lục vào quá khứ” như cách thực dân Pháp đã từng làm với quốc gia, dân tộc này sau khi kiểm soát Việt Nam…

    Mai Quốc Ấn

    (FB Mai Quốc Ấn) 

    Không có nhận xét nào