Header Ads

  • Breaking News

    LS Đặng Đình Mạnh - Ông kẹ quyết định 111/CP lại nhát dân vườn rau Lộc Hưng

    Một lần nữa, công chúng lại nghe nhắc đến Quyết định 111/CP từ phía chính quyền trong chuỗi sự kiện liên quan đến Vườn Rau Lộc Hưng.

    Đại diện cư dân Vườn Rau Lộc Hưng đang trình bày sự việc với các luật sư. Nguồn: LS Mạnh Đặng
    Tên pháp lý đầy đủ của văn bản như sau: Quyết định số 111/CP của Hội đồng Chính phủ Về việc ban hành chính sách quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà, đất cho thuê ở các đô thị của các tỉnh phía nam do Ông Phạm Hùng ký ban hành ngày 14/04/1977 (QĐ 111).

    QĐ 111 chỉ mặc nhiên bế mạc vai trò của nó vào tháng 10/1991 khi chính quyền ban hành Quyết định số 297/QĐ-CT trong đó có nội dung quy định có thể tóm tắt nôm na rằng : Nếu nhà đất thuộc đối tượng phải quản lý theo QĐ 111 mà SÓT thì THA.

    Trong suốt thời gian 14 năm từ khi QĐ 111 này có hiệu lực (1977 – 1991), thì văn bản này đã là ông kẹ khiến hàng triệu người dân miền nam khiếp sợ khi trở thành cơ sở để chính quyền các địa phương từ Quảng Trị trở vào truất hữu nhà đất của họ. Đối tượng bị truất hữu nhà đất không chỉ là dân chúng tham gia vào bộ máy công quyền chính quyền Sài Gòn cũ (thường được gọi với cái tên rất nổi tiếng: Diện 2/IV [1]), người tham gia các đảng phái chính trị, người đi hồi hương, kinh tế mới, vượt biên, mà còn lan rộng đến cả các hội đoàn, tôn giáo, thậm chí cả các cá nhân, tổ chức nước ngoài.

    Về thủ tục truất hữu, thì QĐ 111 là văn bản chỉ định những đối tượng bị chi phối và có tính chất như một văn bản mẹ có hiệu lực toàn miền nam, kể từ Quảng Trị trở vào, để theo đó, chính quyền các địa phương thực hiện bằng cách ban hành từng quyết định quản lý nhà đất riêng rẽ có tính chất như một văn bản con mặc nhiên truất hữu từ chủ cũ NHƯNG KHÔNG chuyển hữu sang nhà nước.

    Đến 14 năm sau, năm 1991 khi ban hành Quyết định 297/QĐ-CT thì chính quyền mới bắt đầu minh thị việc xác lập chủ sở hữu nhà nước đối với những nhà đất đã và đang quản lý theo QĐ 111.

    Đối với Vườn Rau Lộc Hưng, khi công bố với báo giới về quá trình quản lý đất tại đây, thì UBND Quận Tân Bình đã nhắc đến QĐ 111 một cách nhập nhằng, khiến cho báo giới hiểu lầm rằng đất đai khu vực này đã có quyết định riêng rẽ xác lập quản lý nhà nước từ năm 1977!? Mặc cho thực tế thì QĐ 111 là một văn bản mẹ, áp dụng cho toàn miền Nam chứ không phải áp dụng riêng rẽ cho Vườn Rau Lộc Hưng!!!

    Nếu đất đai tại Vườn Rau Lộc Hưng thuộc đối tượng bị chi phối bởi QĐ 111 thì chính quyền sở tại phải ban hành một quyết định riêng rẽ để thực hiện quản lý nhà nước. Bản thân QĐ 111 không có giá trị đương nhiên xác lập quản lý nhà nước đối với đất đai Vườn Rau Lộc Hưng. Đến thời điểm năm 1991 mà Vườn Rau Lộc Hưng vẫn chưa có quyết định quản lý nhà nước, thì buộc phải coi là trường hợp quản lý SÓT theo Quyết định 297. Theo đó, phải công nhận quyền sử dụng đất cho người dân đang trực tiếp sử dụng đất.

    Việc chính quyền sở tại phải viện dẫn đến QĐ 111 chứng tỏ rằng chính quyền chưa từng có văn bản quản lý nhà đất nào trong khu vực cho đến tận năm 2008, khi UBND TPHCM ban hành Quyết định số 1824/QĐ-UBND ngày 25.4.2008, thu hồi đất giao cho UBND quận Tân Bình để thực hiện dự án công trình công cộng và chung cư cao tầng.

    Sự cung cấp thông tin nhập nhằng của phía chính quyền sở tại là hoàn toàn có chủ ý và không phải là không có tác dụng, vì ngay sau đó, không chỉ báo lề phải đưa tin đã đành mà ngay cả một số phóng viên viết bài trên cá nhân của mình thì một mặt thể hiện thông cảm với người dân Vườn Rau Lộc Hưng vì bị phá dỡ nhà cửa trong dịp giáp tết, mặt khác, vẫn tin rằng đất Vườn Rau Lộc Hưng là đất công, vì đã có quyết định quản lý của nhà nước.

    Thế nên, về phương diện pháp lý, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng: ĐẤT ĐAI Ở VƯỜN RAU LỘC HƯNG KHÔNG PHẢI LÀ ĐẤT CÔNG!

    Bên cạnh đó, việc người dân có thời gian liên tục cư trú, trực canh, sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ thuế sử dụng đất suốt từ năm 1954 là quá đủ điều kiện pháp lý để công nhận quyền sử dụng đất của họ theo quy định của Luật Đất đai.

    Chính quyền sở tại không công nhận quyền sử dụng đất cho họ, khiến họ phải rơi vào tình trạng xây dựng nhà không có giấy phép là hoàn toàn không do lỗi của họ mà có phần lỗi từ chính chính quyền sở tại.

    Thời điểm năm 2008, khi quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án công trình công cộng và chung cư cao tầng phục vụ chương trình tái định cư thì chính quyền sở tại đã không có bất kỳ động thái nào thực hiện quy định về thương lượng, bồi thường cho dân cả? Kể cả khi đã có quy hoạch thay đổi để xây dựng cụm trường học công lập đạt chuẩn quốc gia?

    Qua đó cho thấy, việc chính quyền sở tại cố ý viện dẫn ông kẹ QĐ 111 để cho rằng đất đai ở Vườn Rau Lộc Hưng là đất công từ năm 1977 là một sự nhập nhằng khá thành công, đã có thể làm hoa mắt những người có trách nhiệm phải luôn tô hồng cho họ. Nhưng với công chúng hiểu biết và tôn trọng sự thật thì không dễ dàng gì, kể cả sinh viên luật năm thứ nhất, bởi lẽ, quá ngây ngô!

    LS Đặng Đình Mạnh

    _____

    [1] Do phần nội dung về các đối tượng bị quản lý nhà quy định ở mục 2 phần IV QĐ 111, nên những đối tượng thuộc diện này thường được gọi tắt là diện 2/IV.

    (FB Mạnh Đặng) 

    Không có nhận xét nào