Thông tin, "Bộ chính trị (BCT) đồng ý
tăng vốn cho hai tuyến metro" của Sài Gòn bị gỡ ngay sau khi mạng xã
hội cho rằng, quyết định đó phải thuộc quyền Quốc hội. "Gỡ" không phải
là cách làm minh bạch nhưng xét ở góc độ lắng nghe thì đấy là một cách
làm có "chính trị".
"Đảng
lãnh đạo nhưng không bao biện (làm thay)” là một tiến trình chuyển đổi
rất khó khăn. Trước đây, những quyết định làm đảo lộn vận mệnh quốc gia
như "thống nhất bằng con đường bạo lực"(Nghị quyết 15); đưa quân sang
Campuchia... đều là của đảng. Thậm chí có những quyết định đặt hàng vạn
con người vào bi kịch như "Phương án II", Z30... còn được đưa ra chỉ bởi
một vài người chứ không phải là "nghị quyết".
Sau
"đổi mới 1986", các quyết định liên quan đến chính sách quan trọng nhất
vẫn bắt đầu từ đảng. "Khoán 10" theo Nghị quyết 10 của BCT (5-4-1988) -
cho tư nhân và hộ gia đình "nhận khoán ruộng và rừng" - là một ví dụ.
Bước cải cách quan trọng nhất chỉ đến sau Hiến pháp 1992.
Sau
Hiến pháp 1992, cho dù các quyết định sống còn nhất vẫn được đưa ra từ
Đảng nhưng chúng thường chỉ ảnh hưởng tới dân sau khi đã được "nhà nước
thể chế hoá". Tuy vậy, "Ước mơ" của Chủ tịch QH khoá VIII Lê Quang Đạo -
"Đảng lãnh đạo nhân dân cầm quyền chứ không phải thay dân cầm quyền" -
vẫn còn trong sách.
Cũng
sau Hiến pháp 1992, chưa bao giờ Đảng lại "danh chính ngôn thuận" khẳng
định vai trò quyền lực như mấy năm gần đây. Quyết định cho bà Nguyễn
Thị Quyết Tâm nghỉ hưu không phải là một quyết định đăng báo (dù rất
hoan nghênh các báo săn được tin này để đăng) mà vẫn được đưa lên báo
chí.
Bà
Quyết Tâm đứng đầu một cơ quan dân cử, việc miễn nhiệm bà, cho bà nghỉ
hưu phải do HĐND quyết nghị. Tất nhiên, theo nguyên tắc "đại nghị" thì
đảng đang nắm đa số trong HĐND, HĐND quyết thì cũng là "ý đảng". Nhưng,
quy trình chính trị mà quan tâm đến thái độ của dân thì đảng vẫn phải
chờ tới trước phiên họp của Hội đồng đảng mới "giới thiệu ƯCV thay thế".
BCT
cũng đã từng "rất chính trị" khi chiều ngày 8-6-2018 họp và đưa ra
quyết định ngừng thông qua luật đặc khu nhưng thông báo thì lại nói đó
là "thống nhất giữa Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ". Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc hôm ấy đang ở thăm Canada nên mãi tới 3 giờ sáng ngày
9-6-2018, Cổng thông tin Chính phủ mới bắt đầu công bố.
Quy
trình này có giá trị điều chỉnh một lỗi chính trị của bà Chủ tịch QH
Nguyễn Thị Kim Ngân. Ngày 16-4-2018, bà Ngân đã sử dụng "ông kẹ" BCT để
hối thúc thông qua luật đặc khu["Bộ chính trị đã kết luận rồi... phải
bàn để ra luật"]. Cử tri không có đủ thông tin về các hoạt động sân sau
để hiểu sự nôn nóng của bà Kim Ngân; chỉ thấy lạ là sao bà lại không tìm
hiểu lịch sử QHVN để không "sẩy miệng" mà làm hỏng việc.
Chiều
ngày 6-4-1992, mặc dù 318/422 đại biểu QH đã đồng ý đưa quyền thừa kế
quyền sử dụng đất đai vào Hiến pháp, nhưng những người đang "nắm" BCT
lúc đó chỉ muốn trao cho người sử dụng đất "3 quyền". Chủ tịch Lê Quang
Đạo "xin QH chỉnh lý" quyền thứ Tư này. Đại biểu Long An Trần Thị Sửu
phản đối, "Tôi có cảm giác ai đứng sau lưng giật giây QH". Ai. Tối
6-4-1992, các đảng viên trong QH bị triệu tập, cho dù nhiều đại biểu vẫn
cho rằng, "biểu quyết lại là sai nguyên tắc" nhưng 302/411 đại biểu vẫn
chấp hành, Hiến pháp 1992 vì thế chưa trao cho dân quyền thừa kế quyền
sử dụng đất.
Nhưng,
ngay tại QH khoá VIII vẫn có gần 100 đại biểu đảng viên không bỏ phiếu
theo nghị quyết của "đảng đoàn". Năm 2008, ở khoá XII, mức độ tuân thủ
tuyệt đối hơn.
Mặc
dù, khi lấy phiếu thăm dò quyết định nhập Hà Tây và phần đất của 3 tỉnh
khác vào Hà Nội chỉ có 226 đại biểu đồng ý (45%); nhưng sau nhiều lần
quán triệt ở "đảng, đoàn", chiều 29-5-2008, khi bỏ phiếu chỉ còn 4 người
phiếu chống, 458/475 đại biểu đảng viên đã đồng ý để Hà Nội phình to
như hiện nay.
Tôi
không rõ trong vụ Metro, BCT quyết ra sao. Nhưng, với những vụ việc
liên quan đến kinh tế mà để BCT quyết là rủi ro rất lớn. Bauxite Tây
Nguyên là một bài học. Cho dù phía Đảng khi "chủ trương" đã thòng điều
kiện, giao chính phủ, thấy có hiệu quả và bảo đảm không tác hại môi
trường thì làm. Nhưng ở QH và Chính phủ, phần được tiếp thu chỉ là "làm
theo ý Đảng".
Dự
án Junin 2, Venezuela, có vốn đầu tư và "phí tham gia hợp đồng" là
1,825 tỷ USD, theo luật là thuộc thẩm quyền QH. Nhưng, Nguyễn Tấn Dũng
thay vì trình QH lại chỉ trình BCT. Tháng 10-2010, khi Đại hội XI đã cận
kề, BCT chỉ còn thời gian cho nhân sự và Nông Đức Mạnh thì còn có mối
quan tâm khác nữa là "lót ổ" vào TW cho ông con, không thể nào nhóm họp
riêng cho vụ Junin 2 nữa.
Bộ
Kế hoạch Đầu Tư và Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị các lập luận phản đối
khi BCT họp thông qua. Nhưng, BCT chỉ phát phiếu lấy ý kiến từng thành
viên. Nguyễn Tấn Dũng không đưa các ngành phản đối đi gặp các uỷ viên mà
cử kẻ chủ mưu Đinh La Thăng gặp từng người "thuyết phục". Tuy vẫn có
một số uỷ viên BCT không đồng ý, đa số đã hợp thức hoá cho một hợp đồng
mà Đinh La Thăng đã "tiền trảm", cho ký với Venezuela từ 29-6-2010. Chỉ
riêng khoản chi của PVEP ở Junin 2 (chưa kể các ngành khác của PVN cũng
ném vào đây một con số rất lớn) đã là 532 triệu USD; hàng chục ngàn tỷ
của dân đã một đi không trở lại.
Tôi
đã từng phỏng vấn hàng chục uỷ viên BCT, có người ở trong BCT tới 3, 4
khoá liền, nhiều người thừa nhận là không đủ thời gian để đọc các tài
liệu và khi quyết định một vấn đề không phải lĩnh vực mình phụ trách thì
thường ít người nghiên cứu kỹ. Các quyết định đưa ra ở BCT thường không
đủ phản biện. Một dự luật "phá sản" như Đặc khu mà khi thảo luận chỉ có
một uỷ viên BCT phản đối bằng văn bản.
Quy
trình ban hành chính sách không những cần sử dụng đủ các công cụ để
đánh giá tác động nhiều mặt của nó mà còn phải tìm sự đồng thuận trong
xã hội. Bởi vậy, chính sách mà ban hành trong phòng kín, không có sự
tham gia của những đối tượng bị điều chỉnh bởi chính sách đó, thiếu sự
phản biện của xã hội thì nếu không què quặt, cũng khó lòng thuyết phục.
Tháng
7-1993, QH đã sửa sai cho quyết định tối 6-4-1992 của các bậc tiền
nhiệm. Luật Đất đai 1993 đã công nhận quyền thừa kế cho người sử dụng
đất. Việc mở rộng Hà Nội chỉ làm tăng các dự án phân lô bán nền chứ chưa
giải quyết được các vấn đề nêu trong "tờ trình". Nếu như, vào tháng
4-1992 và tháng 5-2008, đảng sử dụng trí tuệ đa số của QH thay vì dùng
quyền của đảng thì cái sai đã không tồn tại lâu như thế.
Các
ý kiến phản biện trong QH tuy chỉ có giá trị "xả xú pắp" cho dân nhưng
nếu biết lắng nghe thì cơ may giảm thiểu các quyết định sai càng cao -
những quyết định không chỉ mất tiền bạc như Junin 2, Bauxite Tây
Nguyên... mà còn tiềm ẩn các rủi ro chính trị như luật đặc khu năm 2018.
Chưa
ai đủ sức thách thức vai trò lãnh đạo của đảng. Nhà nước này vẫn là của
đảng chứ chưa phải của dân. Đảng đã nắm cả lập pháp, hành pháp và tư
pháp thì đừng nên lo lắng quá. Thay vì đan lồng nhốt quyền lực, cần phải
giải phóng quyền lực.
Đã
không có đối lập trong các cơ quan dân cử thì đảng đoàn quốc hội, thay
vì dùng kỷ luật đảng để buộc các đảng viên đại biểu tuân thủ các quyết
nghị chưa được bàn thảo thấu đáo, nên khơi gợi các ý kiến từ các ông
nghị không gật, những ý kiến không chỉ giúp tránh các chính sách sai mà
còn có giá trị bổ sung cho ý đảng.
(FB Trương Huy San)
Không có nhận xét nào