Header Ads

  • Breaking News

    Hoàng Sa, 45 năm sau

    Hãy thống hận khi Đất cha ông cướp đoạt mất
    Hãy gào uất buổi Biển, Trời tổ tiên giặc chiếm, cắt
    Hãy biết xót đau,
    Hãy biết hờn căm,
    Thấm đê nhục.
    Dân Tộc cúi đầu, nín thinh, khinh miệt.

    Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng và biến thành trung tâm hành chính phi pháp.

    Ngày 19 Tháng Giêng, 1974, quân Trung Cộng đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Thiếu Tá Ngụy Văn Thà và các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa tử trận. Mời quý vị đọc bài thơ của Phan Nhật Nam để cùng tưởng niệm các vị anh hùng hy sinh vì tổ quốc.

    Hãy thống hận khi Đất cha ông cướp đoạt mất
    Hãy gào uất buổi Biển, Trời tổ tiên giặc chiếm, cắt
    Hãy biết xót đau,
    Hãy biết hờn căm,
    Thấm đê nhục.
    Dân Tộc cúi đầu, nín thinh, khinh miệt.

    Nơi quan ải phía Bắc xa một lần Nguyễn Phi Khanh bật khóc,
    nước mắt lắng sâu mạch đất.
    Giữa vùng nước phương Nam này chiến hạm Hải Quân 10 Nhật Tảo,
    hòa máu Ngụy Văn Thà đổ xuống đậm sắc biển xanh (1)
    Nơi đâu còn Bộ Đội Việt Minh vây trận Điện Biên? (2)
    Chỉ uất hận Quân Lực Cộng Hòa đơn thân gãy tan nòng pháo!
    Xé không gian nghe âm vọng bao lần người lính giữ nước xung phong
    Tát cạn đáy bày ra vạn cốt xương
    lớp lớp dân oan di tản
    Trời Nam bàng hoàng khốc tang
    Biển Đông lềnh loang bi phẫn.

    Hoàng Sa,Trường Sa
    Hãy trải rộng Nhất Thống Toàn Đồ
    Hẳn thấy lớn dài mênh mông biên cương Đại Việt
    Lẽ nào bộ chính trị, ban bí thư, chủ tịch đảng, đoàn không hề hay biết?
    Sử Việt không viết nên từ “Cách Mạng Mùa Thu, Tuyên Ngôn Tháng Chín” (3)
    nhưng bởi dòng máu lệ kiên cường chung phần độc dược
    Phan Thanh Giản uống cạn nghĩa tận trung báo quốc.
    Quân Đội Nhân Dân phanh thân đảo Gạc Ma năm 88
    Nào khác chi Lính Cộng Hòa gục ngã Cổ Thành Đinh Công Tráng (5)
    Để Hồn Nước ngời ngời hơi thở lộng mỗi khắc giây
    Để Tự Do hiến trọn ý nghĩa cao thượng cho Dân
    Và Độc Lập khởi dậy tầng tầng kiêu hãnh
    Việt Nam,
    Tên gọi đến
    Rưng rưng nước mắt cảm xúc.

    Tất cả nay đã là vô ích!
    Với một chữ ký!
    Hợp thức hóa một lần dâng giặc cướp!
    Hoàn tất trọn một lần xong bán nước!
    Đồng thuận mưu sâu Quốc Vụ Viện Bắc Kinh
    Mậu Tuất, năm “Một-ngàn chín-trăm năm-mươi-tám” (6)
    Các Vua Hùng nơi đâu?
    Cuộc hành quân xẻ dọc Trường Sơn cuối cùng gây ra thảm họa
    Tự Vệ Thành nổ lựu đạn tan thân,
    gục đầu lên giao thông hào chống xe tăng Pháp,
    Chết giữ hùng khí Thăng Long (7)
    Đảng khinh miệt gạch phăng, bôi bẩn!
    Trang lịch sử linh thiêng viết bởi máu vô vàn
    Vạn, triệu trái tim lẫm liệt Việt Nam yêu nước.
    Tất cả nay đã là vô ích!
    Không bớt lằn roi đau rạch nát tấm lưng
    Đám sinh viên oằn người trên đất cũ cha ông
    Thảm nhục hứng đòn thù công an Hà Nội,
    nơi “Thủ Đô Phẩm Giá Con Người!” (8)
    Rùa thiêng ngượng mặt lặng sâu
    Cương thổ ngập hàng lậu thuế
    Made in China.

    Made in China
    Đỗ Mười giữ ghế tổng bí thư thêm nhiệm kỳ
    Nguyễn Phú Trọng chầu Bắc Kinh hoàn tất công trình mãi quốc
    Địa giới Nam Quan cắt phăng một phần cửa ải.
    Bốn mươi-bốn năm sau ngày “giải phóng miền Nam”
    Đà Nẵng nhìn ra bóng Hồng Kỳ đỏ ngầy mặt nước.
    Chính danh, quốc sĩ mất ý nghĩa linh thiêng,
    “Tình Hữu Nghị,” món hàng tùy nghi miệng lưỡi,
    Trung Quốc mặc tình cung cấp.
    Mười năm hơn xẻ dọc Trường Sơn đánh Mỹ kiên cường
    Cuối đoạt thắng
    Quê hương dầm sâu vũng bùn hôi tanh ô nhiễm
    Phanh thây Dân bằng nanh vuốt sói lang
    Xây dựng Nước với giấy, tiền giả mạo
    Ấn chứng từ Bắc Kinh.

    Nỗi đau kinh dị làm khô sôi tròng mắt,
    Ôi giá như các anh còn chút lương tri,
    Đôi phần trí nhớ
    Ở đâu nên “độc lập/ hạnh phúc/ tự do?” (9)
    Họa chăng chỉ trên trang báo đảng
    Cơ quan trung ương, món hàng cũ xưa, hư mòn, phế thải
    Xứng đáng vất thiêu bãi lửa
    Giải hạn oan hồn vất vưỡng cõi nghiệt Việt Nam
    Để Mát-xcơ-va nên thành “thánh đô” thiện mỹ huy hoàng
    Để Bắc Kinh kết tụ “chiếc nôi hòa bình” tuyệt vời thế kỷ
    Âm u cặn máu cờ đỏ vàng sao
    Vấy bẩn màu Bồ Đề hai ngàn năm trăm hơn Đại Phật!
    Tưởng như một chuyện đời xưa
    Người chết hiện nguyên hình/ râu/ tóc/ răng/ mắt
    Theo dõi em thơ bới rác, lội cống, ngập sình
    Hốt phân thối theo kế hoạch ngũ niên, quy trình tuổi nhỏ
    Hoàn thiện mô hình “hạnh phúc”
    tiến lên thời kỳ quá độ.
    “Khăn quàng đỏ” không đủ lau khô giòng lệ ứa!
    “tự do” nào?!
    tự do, báo được phép đưa tin từ một nguồn kiểm duyệt
    tự do, giết cướp giữa ban ngày không thể tìm ra dấu vết
    tự do, phí tiêu bạc tỷ, triệu của dân
    tự do, hủy phá đền, chùa, ruộng, rừng… không cần nhận lệnh
    tự do, phán quyết con người không quyền được sống
    Từ chứng tích, tội danh lý lịch quá khứ ngụy quân,
    xếp nên hạng tiện dân,
    phận ngặt lưu đày trên quê cha, đất tổ!

    Bốn mươi-bốn năm sau lần “Đại Thắng Mùa Xuân” (10)
    Đất nước đi lên với hai chân gỗ
    Khẩu hiệu ngây ngô,
    Nghị quyết hàm hồ,
    Kết tinh trọn vinh hoa, “Tư Bản Đỏ”
    Giai cấp (cách mạng) mới
    Tổng hợp phương trình quỷ ma: “Thực dân + Vô sản”
    Nhìn xuống “bọn Sài Gòn mất tên” ứ tràn khinh miệt!
    Với trí hiểm tiếm danh, “Người Ái Quốc”
    Với hãnh tiến tự tuyên công, “Cha Già Dân Tộc” (11)
    Thây xác nằm nơi Ba Đình luôn mở mắt,
    Sống tráo trở đổi tên,
    Chết không che mặt.
    Hiển hiện toàn phần chước quỷ/ tính ma.

    Quái thai hậu nhiên phẩm chất, khối lượng rặt ròng
    Quốc hội biểu quyết “chín-chín-phần trăm” hơn nhất trí,
    Ngàn đại biểu dùng chung một miếng khẩu trang!

    Mỗi buổi sớm mai
    Mặt trời mọc nơi phương Đông vô hồi vĩnh cửu
    Rọi xuống muôn đời ô nhục
    Loang thấm dần từ vết máu Hoàng-Trường Sa
    .


    Phan Nhật Nam
    Mgười Việt
    Chú thích:

    (1) Chiến Hạm; Hạm Trưởng/QLVNCH tử trận Hoàng Sa, 19 Tháng Giêng, 1974.
    (2) Chiến trường lớn kết thúc chiến tranh (1946-54).
    (3) 19 Tháng Tám và 2 Tháng Chín, 1945.
    (4) Đồi chiến thuật quanh vòng chảo Điện Biên Phủ.
    (5) Cổ Thành Quảng Trị.
    (6) Công hàm Thủ Tướng Phạm Văn Đồng gởi Chu Ân Lai.
    (7) Trận chiến giữ Hà Nội 19 Tháng Mười Hai, 1946.
    (8) Logos của Hà Nội trong thời kỳ chiến tranh (1960-1975).
    (9) Quốc hiệu của nhà nước Cộng Sản Việt Nam.
    (10) “30/4/1975.”
    (11) Những bí danh, danh hiệu của Nguyễn Tất Thành, Hồ Quang… Hồ Chí Minh.

    Không có nhận xét nào