Header Ads

  • Breaking News

    Hãy lắng nghe chúng tôi nói: Cần hạ màn vở diễn "Thi giáo viên dạy giỏi"!

    Một nữ lãnh đạo trường ở Hà Nội gửi bài viết chia sẻ nỗi niềm của mình với góc độ của một lãnh đạo trường về Hội thi giáo viên dạy giỏi. Chị xin không công khai tên chị nhưng chị không thể không viết. Xin chia sẻ tới lãnh đạo Bộ GD&ĐT và các bạn.


    NỖI NIỀM HỘI THI GIÁO VIÊN DẠY GIỎI DƯỚI GÓC NHÌN CỦA NHÀ QUẢN LÝ

    "Đến hẹn lại lên" cứ vào đầu năm học các nhà trường phổ thông lại "dáo diết" với các cuộc thi, trong đó có Hội thi Giáo viên (GV) dạy giỏi. Chủ trương của Bộ GD và mục tiêu của cuộc thi là tốt nhưng sự "biến tướng" tại các địa phương, các nhà trường thì vô hình đã tự tạo ra một "áp lực" không hề nhỏ. Đã là Hội thi của ngành thì cần hưởng ứng, đã hưởng ứng thì phải "làm cho ra cơm ra cháo", tức là phải có giải phải đi thi Quận thi Thành phố,… Vì danh dự của nhà trường, của GV,… tất cả phải cố và chính thức bước vào guồng quay ròng rã vài tháng trời để chuẩn bị cho Hội thi GV dạy giỏi.

    Câu chuyện "hay, dở" của Hội thi GV dạy giỏi không phải là đề tài mới và đã được coi là câu chuyện "muôn thuở", ai cũng biết – Bộ biết, Sở biết, Phòng biết,…. nhưng chỉ thực sự nóng lên trên diễn đàn dư luận thời gian gần đây khi có ý kiến của Bộ trưởng Phùng Xuận Nhạ về vụ việc đúng, sai của giáo dục Hải Phòng khi tổ chức Hội thi GV dạy giỏi. Là một cán bộ quản lý trong ngành giáo dục tại một trường học trên địa bàn TP. Hà Nội, tôi xin được giãi bày "ung nhọt" của công tác thi và tổ chức Hội thi tại các nhà trường (chỉ xin phép dừng tại phạm vi các nhà trường) khi tôi có điều kiện được trải nghiệm, được tiếp xúc, được chứng kiến "mặt trái" của Hội thi GV dạy giỏi.

    Với giáo viên

    Theo quy định Hội thi GV dạy giỏi phải tổ chức từ cấp trường, chọn người giải cao nhất để dự thi cấp Quận cấp Cụm. Tuy nhiên để chọn GV đi dự thi thường là GV bị chỉ định, có GV "hết lượt" lại đến mình, chán ngán, áp lực, mọi người thường đùa "mất lứa đẻ". GV đi thi bỏ bê gia đình chồng con bởi đi sớm về khuya, về nhà lại ôm máy tính. GV bỏ bê HS các lớp mình dạy chỉ lo luyện học sinh lớp đi thi. Thi GV dạy giỏi nhưng GV lên lớp chỉ là “diễn viên” diễn xuất hay dở phụ thuộc vào sự thuộc bài của cộng sự là các HS. Theo quy định của Hội thi GV không được dạy trước bài, tôi cá không có GV nào thực hiện đúng, nếu không muốn nói dạy trước cả tháng trời mòn mỏi, dạy đi dạy lại dạy tái dạy hổi dạy đến phát chán – GV chán, HS chán, đồng nghiệp chán và cả phụ huynh cũng chán. Đối với các trường THPT có những Cụm quy định GV phải đến trường khác dạy, phòng ốc máy móc lạ, HS lạ, đồng nghiệp lạ,… lại tốn kém vô cùng thời gian đi lại, khuân vác giáo cụ, tiếp xúc gặp gỡ HS, luyện tập cho HS và "gà bài" cho HS,… Đối với các trường THCS GV tham dự dạy 02 tiết (trong đó 01 tiết tự chọn và 01 tiết bốc thăm trước 01 tuần vô cùng hình thức) bắt GV chính thức bỏ bê HS, thời khóa biểu bị xáo trộn, gia đình GV phản đối,… Nhiều GV đi thi nhưng đồng nghiệp thi cùng, BGH thi cùng,… GV chỉ là "diễn viên" trên nền kịch bản là bài giảng do cả tổ nhóm xây dựng, dàn dựng và chỉ đạo. Câu hỏi đặt ra: Ai thi? Ai giỏi? Giỏi của ai? Giỏi do ai? Cuộc thi cấp Tiểu học và THCS yêu cầu GV phải có sáng kiến kinh nghiệm được công nhận nhưng không phải GV dạy giỏi nào cũng có sáng kiến kinh nghiệm thành ra bị đi thi hay muốn đi thi lại phải copy, sao chép sáng kiến của người khác, lại phải tìm và có khi "chạy" chứng nhận sáng kiến kinh nghiệm để đủ điều kiện dự thi. Nhiều GV tâm huyết với nghề chỉ mong là một "thợ cày" giỏi, ấy vậy mà sau kỳ thi không những không "lên tay" mà còn xuống dốc không phanh bởi tâm lý thành tích đè nặng không chỉ cho mình mà cho tập thể, cho công sức có khi không hoàn toàn của mình.

    Với học sinh

    HS các lớp không được chọn dạy của GV dạy thi mất quá nhiều tiết, thời khóa biểu của lớp bị xáo trộn, GV dạy thay phần lớn chỉ lên lớp quản cho HS chơi, có những trường thi giữa kỳ hay thi cuối kỳ HS gần như không được ôn môn thi. Một bộ phận HS bị huy động vào cuộc, thực tế HS của lớp lại không được học chính lớp ấy mà phải ngồi khác lớp, thậm chí khác khối. Tiết học gượng gạo, dối trá, cô đóng vai, trò đóng vai cứ răm rắp, đều đều và nhạt nhòa. Ai cũng biết cũng thấy và cứ để trôi qua từ ngày chúng tôi còn là các cô cậu HS phổ thông đến khi chúng tôi là GV đi dạy rồi làm quản lý. Một vòng quay điên đảo gần như không lối thoát.

    Với BGH và tổ nhóm chuyên môn

    - Nhiều nhà trường, BGH và tổ nhóm chuyên môn biết sai biết trái vẫn cứ làm. Cử GV đi thi GV dạy giỏi theo diện chỉ định, không cần tổ chức Hội thi cấp trường theo quy định. Đầu tư kinh phí tốn kém cho thiết bị đồ dùng dạy học, đặc biệt là các tiết học theo dự án, dạy xong thì bỏ và không áp dụng được trong thực tiễn giảng dạy. Lịch trình, thời khóa biểu bị xáo trộn do dạy thử, dạy thay,… Áp lực do “bệnh thành tích” kinh niên và danh dự của việc “ra quân” cứ đè nặng lên GV và các cán bộ quản lý.

    - Ở Hội thi cấp Cụm đối với các trường THPT thì câu chuyện khôi hài hơn nhiều, ai đi thi cũng có giải Nhất Nhì Ba, Sở giao cho Cụm trưởng mà trường Cụm trưởng cũng có GV đi thi thế là vì thành tích chung trong đó có mình đã bàn bạc thống nhất giải, thậm chí có năm 5 người dự thi thì 3 người xếp Nhất Nhì đi thi thành phố. Ai quản lý và giám sát thực tế tại các Cụm thi hay chỉ lại nghe báo cáo?!

    - Để đánh giá GV giỏi, giỏi gì và giỏi như thế nào chỉ qua 1-2 tiết giảng. Nhiều GV đạt danh hiệu GV dạy giỏi qua Hội thi nhưng hàng ngày dạy HS không hiểu, HS phản đối, phụ huynh có ý kiến. Đối với Hội thi GV dạy giỏi cấp Tiểu học và THCS giám khảo chấm thi cấp Quận thường là các Tiến sĩ, Thạc sĩ, các giảng viên được mời về từ các Viện nghiên cứu, các trường Sư phạm nhưng tính lý luận thì nhiều và thực tế lại ít, có thực tế nhưng là thực tế của tầm "vĩ mô" không sát với chương trình phổ thông và HS phổ thông. Một số Hội thi cấp Tiểu học và THCS mời giám khảo đi chấm thi GV dạy giỏi nhưng giám khảo có khi lại là những người chưa từng đi thi GV dạy giỏi. Đối với Hội thi cấp Cụm của các trường THPT giám khảo lại là chính GV dạy ở các trường có GV đi thi. Không phải GV nào cũng đủ trình độ và kinh nghiệm đi chấm thi GV dạy giỏi. Có những GV làm giám khảo đi chấm thi nhưng dạy trên lớp hàng ngày còn không nổi khi các trường chỉ có một GV thì không cử GV yếu kém đi thì cử ai?!

    Với phụ huynh học sinh

    Nhiều phụ huynh HS chia sẻ cảm thấy chán ngán, bức xúc khi về nhà con kể chuyện, kêu ca. Thậm chí ngày nghỉ học phụ huynh HS vẫn phải chở con đến trường đến lớp để tập luyện hỗ trợ cô, "phục vụ" cô thi GV dạy giỏi. Nếu họ biết nội tình như những gì chúng ta biết thì giáo dục của chúng ta sẽ như thế nào trong con mắt của phụ huynh học sinh.

    Thực tế như Hội đồng thi GV dạy giỏi ở Hải Phòng cho HS nghỉ học hàng loạt là cũng là chuyện bình thường ở nhiều nhà trường, hoặc HS khá giỏi vào thi HS yếu kém và hiếu động cho lên lớp "nhốt". Bộ biết, Sở biết, Phòng biết và chúng tôi biết, ai cũng biết sao cứ vẫn để tồn tại hàng nhiều năm nay. Bất cập là thế nhưng ai dám thay đổi?! Chúng tôi hi vọng cách làm mang tính đột phá và quyết liệt của Bộ trưởng Bộ GD và công luận. Có lẽ chỉ khi nào công luận và truyền thông lên tiếng thì Bộ ngành mới vào cuộc hay sao?! Năm nào cũng nói cải cách cải tổ nhưng người ban hành chính sách, hướng dẫn ở trên còn chúng tôi "dân đen" ở dưới cứ mãi lao vào vòng luẩn quẩn, làm như một "cái máy thành tích" mà không biết mình gặp tai nạn khi nào.

    Thiết nghĩ, nếu "mặt trái" của Hội thi GV dạy giỏi đang dần "lộ diện" với nhiều góc nhìn của người dạy, của người học, của phụ huynh HS và của người quản lý,… thì Bộ GD cần thiết phải xem lại công tác chỉ đạo, tổ chức và triển khai Hội thi, sự "giao quyền" xuống cấp Sở, cấp Phòng đã thực sự có sự giám sát chặt chẽ hay chưa, hay chỉ là thị sát lấy uy hoặc nghe qua "báo cáo". Xét ưu điểm và nhược điểm, hạn chế và bất cập của Hội thi để Bộ GD cần đưa lên "bàn cân" và quyết định "nên" hay "không nên" tổ chức kỳ thi. Trong một chuyến công tác vừa qua tại tỉnh Yên Bái của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ông đã khẳng định việc thi GV dạy giỏi hiện nay chỉ là "diễn", là gây áp lực cho GV, trong khi đó GV của chúng tôi thừa nhận mình không muốn "diễn" và không muốn bị "áp lực". Vậy tại sao "vở kịch" giả dối đó cứ bị "diễn đi diễn lại"?!?!?!

    Xin hãy lắng nghe chúng tôi nói!

    Nếu được hỏi, chúng tôi sẽ nói CẦN BỎ chứ không phải NÊN BỎ, NÊN CẢI TIẾN HAY NÊN ĐIỀU CHỈNH,… bởi thực tế cho thấy đã nhiều lần cải tiến, nhiều lần điều chỉnh nhưng chung quy cái "mất" vẫn nhiều hơn cái "được".

    Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2018

    Người viết

    N.L.N

    (Tác giả xin tạm thời đề nghị không ghi tên)

    (BigSchool)

    Không có nhận xét nào