Việc người ta không còn quan tâm tới hình ảnh của đất nước với những hành vi như trộm cắp, phạm pháp ở nước ngoài hay trốn lại lao động bất hợp pháp như sự kiện vừa rồi tại Đài Loan đều do căn cước Việt Nam quá thấp, thấp tới mức người ta không còn ý thức được rằng mình phải ứng xử có trách nhiệm với căn cước này nữa. Và khi người dân đã lấy quyết định từ bỏ đất nước thì mọi vấn đề ở quy mô quốc gia đều không còn có giải pháp nữa. Điều này lý giải tính trạng bế tắc của chúng ta trong mọi vấn đề quốc gia hiện nay.
Tình trạng người Việt trốn ra nước ngoài một cách bất hợp pháp và gây ra những vấn đề ở quốc gia sở tại không có gì là mới. Ngay tại Đài Loan thì có tới 72% số du khách “biến mất" tại đây chính là người Việt. Tình trạng người Việt gây ra những vấn đề tại các quốc gia như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản hay cả các quốc gia châu Âu cũng đã được các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin trong những tháng, những năm qua. Chúng ta đều biết và phải hiểu rõ nguyên nhân để có một cái nhìn đúng hơn về sự kiện này, hơn là chỉ đổ lỗi cho những người dân gây ra chuyện.
Làn sóng người Việt Nam bỏ nước ra đi một cách hợp pháp cũng là điều đã xảy ra liên tục trong hàng chục năm qua. Theo các số liệu từ các tổ chức quốc tế (IOM, UM) thì từ năm 1990 đến năm 2015 có 2.558.678 người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Như vậy trong giai đoạn này tính trung bình mỗi năm có hơn 100.000 người Việt di cư ra nước ngoài. Và rất có thể là tình trạng này không hề suy giảm (nếu không muốn nói là trầm trọng hơn) trong 3 năm qua. Số liệu những người muốn bỏ quốc tịch Việt Nam luôn áp đảo số người muốn nhập quốc tịch Việt Nam (4.418 người xin thôi quốc tịch so với 45 người xin nhập quốc tịch trong năm 2018), và có thể là số người thôi quốc tịch còn nhiều hơn nữa nếu bộ máy hành chính của chế độ cộng sản không quá “rườm rà”...Cái gì đang xảy ra tại đất nước Việt Nam?
Tại sao người Việt muốn ra đi?
Với những người thu nhập thấp hay thất nghiệp, họ ra đi (hay trốn đi) vì mơ ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn, một công việc có thu nhập cao hơn và cũng có khi chỉ là vì bị giới buôn người lừa đảo. Những người bỏ nước ra đi không còn hy vọng hay nhìn thấy một tương lai xứng đáng nào cho mình trên đất nước này, và họ nghĩ là họ sẽ có một tương lai sáng lạn hơn ở một đất nước khác, thế là họ lấy quyết định ra đi. Một số người không có đủ điều kiện ra đi hợp pháp thì họ đi trốn, bất chấp nguy hiểm, rủi ro…đang chờ đón họ trên hành trình đó. Đây là một hành động “phạm pháp”, nhưng khi có quá nhiều người phạm pháp chỉ để được làm những công việc bình thường, thậm chí nặng nhọc, nguy hiểm, mong được bóc lột...để mưu sinh tại nước ngoài thì phải hiểu là họ đã rất tuyệt vọng về tương lai của mình và của đất nước.
Với những người giàu có và có địa vị trong xã hội thì họ ra đi để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn, được đảm bảo an toàn về luật pháp, về thực phẩm, về nước uống, về môi trường, về một nền giáo dục, y tế tốt hơn và một tương lai hứa hẹn hơn cho con cái của họ, và hơn cả là để thoát khỏi một xã hội mà sự dối trá đang ngự trị. Sự ra đi của họ không phải là điều đáng trách, ai cũng có quyền tìm kiếm cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn cũng như đất nước đang cần tăng cường cộng đồng hải ngoại để kết nối với thế giới. Điều đáng buồn ở đây là phần lớn những người ra đi đều muốn tìm cho mình một tổ quốc mới và vĩnh viễn quên đi tổ quốc Việt Nam, nơi đã sinh ra họ. Cuộc di cư này được thực hiện bởi những phần tử tinh hoa nhất, làm đất nước mất đi một nguồn nhân sự, kiến thức và tài sản khổng lồ. Nó sẽ làm cho đất nước định cư trong sự thua kém trong nhiều năm nữa.
“Làm nhục quốc thể” - vì ý thức của người dân?
Quay trở lại với sự kiện nêu ra ở trên, đánh giá về vụ việc nhiều người Việt trốn lại Đài Loan trong thời gian qua nhiều nhà báo, thậm chí có một vị đại biểu quốc hội đã gọi đây là hành động “làm nhục quốc thể", họ cho rằng những người này đã làm mất thể diện đất nước. Nhưng hãy đặt ngược lại câu hỏi này chúng ta sẽ nhìn thấy vấn đề, tại sao người dân lại phải có trách nhiệm với “thể diện” của đất nước? Câu trả lời đương nhiên vì đó là đất nước của họ. Vậy nếu đất nước đó không phải của người dân thì người dân liệu có cần phải có trách nhiệm với đất nước? Đó là trường hợp của chúng ta. Đất nước này chưa bao giờ là đất nước của mọi người Việt Nam cả, trước đây nó là của một ông vua, của một dòng họ và giờ lại bị đảng cộng sản chiếm đoạt làm của riêng và không ngừng đập phá nó cũng như việc hành hạ những “người con” của nó. Và thế là những “người con” của nó lấy quyết định ra đi, kể cả phải trốn đi...
Tương tự, khi đánh giá về tình trạng ô nhiễm môi trường do người dân vứt rác, xả thải... Gần như tất cả mọi người đều cho rằng do ý thức người dân kém, không có ý thức bảo vệ không gian sống của mình. Nhận định này thiếu chính xác và chưa đủ. Người dân chỉ vứt rác, xả thải ra ngoài chứ không vứt rác, xả thải vào nhà mình vì đó là nhà của họ, họ bôi bẩn đất nước này vì đất nước này không phải là đất nước của họ. Làm sao có thể yêu cầu người dân có trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước khi đất nước này không phải và chưa bao giờ là của họ?
Cũng là thế với những người bỏ nước ra đi một cách “hợp pháp" để vĩnh viễn tìm cho mình một quê hương mới. Khó mà bắt họ phải tiếp tục chịu đựng những bất công tại đất nước này khi mà đất nước không phải là của họ, nhất là khi họ đã nhìn thấy một tương lai khác cho mình và con cái của mình.
“Ra đi” ngay cả khi đang ở trên đất nước mình!
Không chỉ là di cư ra nước ngoài mà đại bộ phận người Việt Nam hiện nay đã “đi trốn" dù đang ở trên chính đất nước mình. Nhiều người miêu tả tình trạng này bằng câu nói "Cái cột đèn nếu biết đi cũng bỏ nước ra đi”, có nghĩa là những người ở lại không phải không muốn đi mà là không thể đi, câu nói này có thể hơi quá nhưng cũng không phải là sai trong tình trạng hiện nay. Người ta nhìn thấy những vấn nạn, những lời thách đố gần như hàng ngày từ giới cầm quyền, sự phẫn nộ cộng với sự bất lực kéo dài quá lâu đã biến thành sự chán nản với đất nước. Nó khiến phần lớn người Việt Nam hiện nay đã gạt bỏ đất nước ra khỏi đầu mình. Hãy đặt câu hỏi rằng còn có bao nhiêu người nghĩ đến chuyện tranh đấu cho tương lai của đất nước, dù phải trả giá, chúng ta sẽ thấy vấn đề. Tương lai của đất nước đã nằm ngoài mọi dự tính của đa số người Việt Nam. Họ đã “ra đi" dù đang ở ngay trên đất nước mình.
Sự sụp đổ của tinh thần quốc gia - Tại sao?
Sự mong muốn được “ra đi” và tâm thế ra đi của người Việt cho thấy sự suy sụp của tinh thần quốc gia, một quốc gia ốm yếu đang tan vỡ từng ngày một. Nếu chỉ đổ lỗi cho chế độ cộng sản thì chúng ta sẽ không thể hiểu tại sao người ta lại không chống lại đảng cộng sản để tìm một tương lai mới mà tuyệt đại đa số lại “ra đi"? Chúng ta sẽ phải làm rõ vấn đề này để tìm ra lối thoát, để vực dậy tinh thần quốc gia.
Nhưng trước hết Quốc Gia là gì? Phần lớn mọi người sẽ cho rằng quốc gia là một lãnh thổ của những con người chia sẻ cùng một lịch sử, một văn hoá, một chủng tộc hay một ngôn ngữ ...Đúng là thế nếu chúng ta nhìn về hình ảnh của quốc gia Việt Nam trong quá khứ, nhưng hiện nay ý niệm quốc gia này đã bị vượt qua. Sự công phá của toàn cầu hoá, của văn hoá của phương Tây qua mạng xã hội, qua các phương tiện truyền thông, báo chí, qua âm nhạc, lối sống… làm cho những yếu tố như văn hoá, lịch sử, chủng tộc, ngôn ngữ, địa lý… bị tương đối hoá, không những không còn quan trọng nữa mà có khi chúng lại là vật cản cho tương lai của mình. Khi đó người Việt sẽ đặt ra câu hỏi liệu việc cùng nhau chia sẻ một quá khứ, nhất là một quá khứ bất hạnh, còn có ý nghĩa gì? Có thể là chẳng còn có ý nghĩa gì trong thế giới ngày nay.
Ý niệm quốc gia truyền thống sụp đổ. Trong khi đó ý niệm quốc gia mới được hiểu như là một thực thể của mọi người và cũng là của mỗi người, là đồng thuận sống chung và xây dựng một tương lai chung vẫn chưa hình thành. Trong khoảng trống đó người Việt Nam bị rơi vào một cuộc khủng hoảng căn cước, người ta không biết mình là ai, có thể và phải sống như thế nào, có thể và phải làm gì? Căn cước Việt Nam, ý thức làm người Việt Nam tan biến. Cũng trong khoảng trống đó, đảng cộng sản xuất hiện. Họ đã làm trầm trọng thêm tình trạng này khi đồng hoá quốc gia với đảng, với dối trá, với hung bạo, gian ác, và cả nhục nhã…Và thế là phần lớn người dân đã chọn “ra đi" bằng cách này hay cách khác, dù ở Việt Nam hay ở nước ngoài.
Khủng hoảng căn cước?
Trước hết căn cước là gì? Căn cước là toàn bộ những yếu tố định nghĩa mỗi người và cho phép mỗi người ý thức được sự tồn tại của mình. Mỗi người đều có một căn cước cá nhân và nhiều căn cước tập thể.(1) Căn cước đang nói tới ở bài viết này là căn cước tập thể những người Việt Nam: Căn cước Việt Nam. Căn cước Việt Nam sẽ quyết định cách chúng ta hành động và ứng xử với đất nước Việt Nam, với hình ảnh Việt Nam tại nước ngoài, với những người Việt Nam khác và cả với những kẻ đang đập phá đất nước Việt Nam.
Vì căn cước Việt Nam quá yếu nên đại đa số người Việt Nam đang sống tại Việt Nam đã chọn “ra đi” ngay trên đất nước mình, họ không còn quan tâm tới việc cải thiện căn cước việt Nam của mình, cải thiện đất nước Việt Nam, và cũng vì thế họ để mặc cho những kẻ khác đập phá đất nước, đập phá căn cước Việt Nam của mình mà không chống trả. Thậm chí có khi là chính họ cũng tham gia vào việc đập phá đất nước theo cách này hay cách khác. Cũng vì căn cước Việt Nam quá yếu nên ý niệm làm người Việt Nam hay làm người một quốc gia khác bị tương đối hoá, thậm chí là người nước khác còn tốt hơn làm người Việt Nam. Có lẽ vì thế mà những người có điều kiện lấy quyết định ra đi.
Việc người ta không còn quan tâm tới hình ảnh của đất nước với những hành vi như trộm cắp, phạm pháp ở nước ngoài hay trốn lại lao động bất hợp pháp như sự kiện vừa rồi tại Đài Loan đều do căn cước Việt Nam quá thấp, thấp tới mức người ta không còn ý thức được rằng mình phải ứng xử có trách nhiệm với căn cước này nữa. Và khi người dân đã lấy quyết định từ bỏ đất nước thì mọi vấn đề ở quy mô quốc gia đều không còn có giải pháp nữa. Điều này lý giải tính trạng bế tắc của chúng ta trong mọi vấn đề quốc gia hiện nay.
Xét cho cùng thì cuộc khủng hoảng mà đất nước đang gặp phải chính là một cuộc khủng hoảng về căn cước Việt Nam, về tinh thần quốc gia. Ý niệm quốc gia cũ sụp đổ đã đưa chúng ta tới cuộc khủng hoảng này và chúng ta vẫn chưa thể thoát khỏi nó khi mà một ý niệm quốc gia mới vẫn chưa được hình thành.
Ai phải chịu trách nhiệm?
Trước hết là đảng cộng sản, họ là lực lượng lãnh đạo đất nước hiện nay nhưng họ đã không có đủ tầm nhìn để nhìn ra sự cần thiết của một ý niệm quốc gia mới nhằm giải quyết những vấn đề mà đất nước đang gặp phải, không chỉ thế họ còn chiếm đoạt đất nước làm của riêng và không ngừng đập phá đất nước từ khi cầm quyền tới nay. Chính họ đã đẩy người dân vào tình trạng “buộc phải vô trách nhiệm” với đất nước. Làm sao có thể đòi hỏi người dân có trách nhiệm với đất nước khi đó là đất nước của đảng cộng sản, một tổ chức lưu manh và gian trá? Vị đại biểu quốc hội cho rằng người dân “làm nhục quốc thể” nên tự đặt lại trách nhiệm của mình, liệu ông có tư cách gì để lên án người dân khi ông, tự cho mình là đại điện cho người dân, mà lại chỉ biết cúi đầu phục vụ đảng cộng sản, một đảng cướp nước? Nhiều vị “đại biểu quốc hội” đã thủ sẵn cho mình một cuốn hộ chiếu nước ngoài trong túi. Đây là hành động chối bỏ căn cước của chính họ: căn cước Việt Nam. Họ còn thế thì trách người dân làm sao được?
Một nhóm người khác cũng phải chịu trách nhiệm đó là giới trí thức Việt Nam. Trình độ và khả năng của họ hơn hẳn quần chúng, họ được học hỏi và có cơ hội để tiếp xúc với thế giới, được nhìn thấy sự ưu việt của các quốc gia văn minh nhất, tuy nhiên phần lớn lại lựa chọn thái độ phục vụ đảng cộng sản để họ kéo dài thêm thời gian tồn tại, số khác thì im lặng để được yên thân. Làm sao có thể kêu gọi người dân có tránh nhiệm với đất nước khi mà những phần tử tinh hoa nhất cũng hành động một cách vô trách nhiệm với căn cước của mình?
Ra khỏi bế tắc - Một ý thức quốc gia mới?
Rõ ràng là sẽ chỉ có một tương lai mới cho đất nước nếu chế độ cộng sản chấm dứt sự tồn tại của nó. Và chúng ta cũng chỉ đánh bại được chế độ cộng sản này khi cải thiện được căn cước Việt Nam, để người dân chống lại sự tồi dở thay vì bỏ nước “ra đi". Muốn thế thì trước hết cần nhìn nhận rằng căn cước Việt Nam hiện rất thấp, những người yêu nước, những người đặt đất nước lên trước hết và trên hết, không có nhiều. Chính vì thế những người này cần đấu tranh đúng phương pháp thì mới dành được thắng lợi, lực lượng đã mỏng mà phương pháp sai thì chắc chắn thất bại. Phương pháp đúng nhất ở đây là đấu tranh có tổ chức, trong lịch sử thế giới chưa từng có việc một cá nhân đánh bại được một chế độ độc tài. Chúng tôi đã nói về phương pháp đấu tranh để đánh bại chế độ cộng sản trong rất nhiều bài viết, mọi người vẫn có thể tham khảo tại chương 7, Dự án Chính trị Dân chủ Đa nguyên: Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (bit.ly/KSKNTH-P7). Kinh nghiệm thành công trong việc đánh bại các chế độ độc tài cộng sản (hay không cộng sản) trên thế giới đều đã có nhiều, vấn đề chỉ là chúng ta có sẵn sàng học hỏi, có sẵn sàng dấn thân để đất nước có một tương lai khác hay không?
Với hình ảnh của một tập hợp những người yêu nước có tầm vóc và hùng mạnh chúng ta sẽ mang lại sức mạnh để đổi dòng lịch sử, mang lại một tương lai mới cho đất nước. Một đất nước được quản lý một cách đúng đắn, một nền kinh tế, giáo dục, y tế, văn hoá, môi trường lành mạnh…một tương lai mới cho mọi người Việt Nam, và nhất một căn cước Việt Nam mới với một quốc gia của mọi người và cũng là của mỗi người, được hiểu như là một tình cảm, một không gian liên đới, một nguyện ước sống chung và chia sẻ một tương lai chung. Một căn cước để mọi người Việt Nam có thể tự hào thay vì xấu hổ, muốn ở lại thay vì ra đi. Một tương lai mới cho mọi người Việt Nam.
Một lời cuối, tại sao chúng ta cần ý thức được rằng nguyên nhân chính của tình trạng tan nát hiện nay của đất nước là do sự khủng hoảng căn cước ở quy mô quốc gia nhiều hơn là do đảng cộng sản gây ra? (Chính do sự khủng hoảng căn cước Việt Nam mà đảng cộng sản, một tổ chức muốn xoá bỏ quốc gia, lại có thể giành được chính quyền và vẫn chưa bị đánh bại tới ngày hôm nay).
Cần hiểu rõ sự khủng hoảng căn cước này để chúng ta ý thức được rằng, hết chế độ cộng sản không phải là hết vấn đề. Những người tranh đấu phải chuẩn bị trước một dự án tương lai cho đất nước trong giai đoạn hậu cộng sản mới có hi vọng xây dựng được một căn cước Việt Nam mới. Cũng chính vì thế nên động cơ của phong trào dân chủ không thể chỉ là sự thù ghét đảng cộng sản mà là lòng yêu nước. Mục tiêu của chúng ta là xây dựng một đất nước mới, đánh bại chế độ cộng sản chỉ là giai đoạn đầu và không phải là công việc duy nhất. Dù chưa xong giai đoạn đầu nhưng tất cả chúng ta đều hiểu và ý thức được sự khó khăn của hiện tại lẫn cả trong tương lai, vì thế thì chúng ta càng phải hiểu là chúng ta không thể đi hết hành trình khó khăn này nếu không có đồng đội, không có tổ chức và nhất là không có một lộ trình khả thi.
Trần Hùng
Thông Luận
Không có nhận xét nào