Ngày 16/01/2019, kết thúc chuyến thăm
Cam Bốt, phó trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đặc trách Nam Á và Đông Nam
Á đã cảnh báo về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trên đất nước Chùa
Tháp.
Ảnh minh họa : Một sân bay do tập đoàn Trung Quốc Union Development Group xây dựng ở Koh Kong, từ đây có thể đi thẳng đến các bãi biển Sihanoukville. |
Lời
cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh mới đây, Phnom Penh đã bác bỏ
tin đồn về khả năng giao cảng Koh Kong cho Trung Quốc để lập căn cứ hải
quân. Trong một bài phân tích ngày 12/01, giáo sư Carl Thayer thuộc Học
Viện Quốc Phòng Úc (Đại Học New South Wales) cho biết là Trung Quốc đang
xây một sân bay lớn ở vùng Koh Kong, hoàn toàn có thể được sử dụng vào
mục tiêu quân sự.
Đó
là sân bay quốc tế Dara Sakor do một tập đoàn Trung Quốc xây dựng ở
tỉnh Koh Kong, một trong những dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn do Trung
Quốc tài trợ ở Cam Bốt. Điều đáng nói, theo giáo sư Thayer, là tập đoàn
Trung Quốc Union Development Group (UDG) đã được Cam Bốt cho thuê khu
vực này trong thời hạn 99 năm để xây dựng một khu nghỉ dưỡng du lịch ở
Koh Kong, và sân bay là một phần của dự án này.
Công
việc xây dựng đang được tiến hành nhanh chóng, bắt đầu khởi công vào
tháng 6 năm ngoái và một phần phi đạo đầu tiên sẽ đi hoạt động vào cuối
năm 2020. Đối với giáo sư Thayer, phi đạo của sân bay mới này dài 3,4
km, do đó có thể được dùng cho các loại phi cơ lớn như Boeing 777 và
Airbus A340, và cũng như ba đường băng dài 3km mà Trung Quốc đã xây trên
các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi),
đều có thể tiếp nhận tất cả các loại phi cơ quân sự trong biên chế hiện
nay của quân đội Trung Quốc.
Sân
bay quốc tế Dara Sakor cũng có một lợi thế là nằm gần cảng nước sâu tại
Koh Kong, mà mới đây các quan chức Cam Bốt đã bác bỏ tin đồn cho rằng
nơi đây sẽ được biến thành căn cứ hải quân của Trung Quốc. Trong tình
hình quan hệ quân sự Trung Quốc – Cam Bốt được tăng cường đáng kể trong
thời gian gần đây, giáo sư Thayer cho rằng cả cảng nước sâu tại Koh Kong
và sân bay Dara Sakor có thể được dễ dàng biến đổi để dùng vào mục tiêu
quân sự.
Việc
Trung Quốc triển khai lực lượng hải quân hay không quân đến Koh Kong
hoàn toàn có thể nhằm mục tiêu dân sự, như hỗ trợ nhân đạo trong trường
hợp xảy ra thảm họa thiên nhiên lớn ở Vịnh Thái Lan. Chẳng hạn vụ máy
bay Malaysia MH370 biến mất khi bay qua Vịnh Thái Lan trước đây, Cam Bốt
lúc đó chỉ có thể cung cấp một số lượng máy bay trực thăng hạn chế cho
công cuộc tìm kiếm ban đầu. Nếu một thảm họa hàng không khác xảy ra với
hành khách Trung Quốc, Bắc Kinh có thể nhanh chóng lấy Koh Kong làm bản
doanh cho các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ.
Về
mặt quân sự cũng vậy. Trong trường hợp căng thẳng gia tăng hoặc khủng
hoảng ở Biển Đông và vùng biển lân cận, Trung Quốc có thể dễ dàng triển
khai tàu chiến và máy bay quân sự tới Cam Bốt. Việc này sẽ không khó, vì
do quan hệ quốc phòng rất mật thiết với Trung Quốc, Phnom Penh sẽ tuân
thủ ngay lập tức yêu cầu của Bắc Kinh.
Cuối
cùng, các cơ quan tình báo Úc và đồng minh đã đánh giá rằng mục tiêu
dài hạn của Trung Quốc là thiết lập các cảng quân sự trên khắp khu vực
Ấn Độ - Thái Bình Dương. Các cảng này có thể đóng vai trò điểm dừng cho
chiến hạm hay là căn cứ thường trực cho hải quân Trung Quốc.
Về
trường hợp Koh Kong, theo giáo sư Thayer, cần phải chờ đến khi các dự
án cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc ở Cam Bốt được hoàn tất, thì sẽ
rõ hơn về ý định của Bắc Kinh là dùng các cơ sở lưỡng dụng này vào mục
tiêu nào.
(RFI)
Không có nhận xét nào