Header Ads

  • Breaking News

    Xung quanh vấn đề phản đối xây tượng Tố Hữu tại Huế

    Đầu tháng 12/2018, một số tờ báo của nhà nước Việt Nam đưa tin rằng một khu tưởng niệm nhà thơ Tố Hữu sẽ được xây dựng tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, trị giá 28 tỉ đồng, lấy từ ngân sách nhà nước.
     
    Thông báo xây dựng khu tưởng niệm ông Tố Hữu tại Huế
    Tờ báo mạng Thừa Thiên-Huế hy vọng rằng khu tưởng niệm này sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa du lịch của Tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tờ này còn viết rằng ông Tố Hữu không chỉ là một lãnh đạo của Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam mà còn là một nhà thơ cách mạng hàng đầu.

    Ông Tố Hữu từng nắm chức vụ Phó Thủ tướng phụ trách về kinh tế của Việt Nam trong những năm 1980, thơ của ông chiếm một phần quan trọng nhất trong sách giáo khoa văn học cho học sinh Việt Nam.

    Nhưng ông cũng bị nhiều chỉ trích, cho rằng ông là một nhà thơ làm công việc tuyên truyền cho Đảng Cộng sản.

    Theo nhà văn Nguyễn Viện, một người bất đồng chính kiến sống tại Sài Gòn thì cách nhìn nhân vật Tố Hữu, cũng như thơ Tố Hữu có hai góc khác biệt rõ ràng:

    Đối với một nhân vật như ông Tố Hữu thì khó có cái nhìn công tâm, tùy theo quan điểm chính trị, lập trường của chúng ta như thế nào. Đối với những người trưởng thành trong bối cảnh xã hội chủ nghĩa, cụ thể là lớn lên ở miền Bắc, thì ngay từ thời trung học, họ đã được tuyên truyền rằng Tố Hữu là một nhà thơ tiêu biểu của cách mạng.”

    Ông Nguyễn Viện là một người lớn lên ở miền Nam, cho rằng thơ của Tố Hữu không hay, thơ của ông nặng tính tuyên truyền, đôi khi đến nỗi khát máu, và nịnh bợ quá đáng.

    Nhà thơ Hoàng Hưng, sống ở miền Bắc, thuộc thế hệ những nhà thơ nhà văn từng bị đàn áp trong vụ nhân văn giai phẩm, đồng ý với ông Nguyễn Viện rằng thơ Tố Hữu ở miền Bắc, một thời đã thấm sâu vào dân chúng còn hơn cả ca dao. Nhưng ông cho rằng Tố Hữu cũng là người có tài về mặt ngôn ngữ. Ông Hoàng Hưng lấy ví dụ bài thơ Việt Bắc của ông Tố Hữu, dù rằng vẫn là thơ tuyên truyền nhưng có những đoạn tả cảnh núi rừng thiên nhiên, thuần túy thơ ca, vẫn là những câu thơ hay.

    Nhà văn Thùy Linh có cùng quan điểm này, rằng dù sau Tố Hữu vẫn là một nhà thơ có tài, nhưng nếu đặt ông vào vị trí độc tôn trong thơ văn Việt Nam thì không đúng.

    Ông Tố Hữu bị chỉ trích nhiều nhất ở những câu thơ cổ vũ cải cách ruộng đất, mang tính sắt máu, mà người ta cho là do ông sáng tác:

    Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,

    Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,

    Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,

    Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt

    Tuy nhiên nhà thơ Hoàng Hưng, dẫn lời nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nói rằng đây là một nghi án văn chương, chưa chắc Tố Hữu đã làm những câu thơ đó.

    Về mặt văn bản học thì không đáng tin lắm đâu. Cũng có nhiều người bảo rằng không phải, chỉ bịa ra thôi. Lại Nguyên Ân bảo rằng đây là một nghi vấn, mà các nhà nghiên cứu Tố Hữu phải chỉ ra rằng có đúng hay không.”

    Theo sự cảm nhận cá nhân của nhà thơ Hoàng Hưng thì ông thấy những câu thơ mang tính giết chóc đó quá kém cỏi, có thể không phải từ một người có khả năng về ngôn ngữ như ông Tố Hữu.

    Nhà thơ Đỗ Trung Quân, một người lớn lên ở miền Nam nhận xét về ông Tố Hữu:

    Ông ấy là một nhà thơ nổi tiếng, nổi tiếng theo kiểu là hàng đầu của văn học cách mạng. Nhưng đó là chuyện của cách mạng, không phải là chuyện của tôi. Nếu nói là Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng cộng sản, thì Louis Aragon cũng theo cộng sản, Jean Paul Sartre thời kỳ đầu cũng chủ nghĩa cộng sản. Sự hấp dẫn của chủ nghĩa cộng sản đối với những văn hào trí thức cỡ đó thì Tố Hữu đi theo chủ nghĩa cộng sản cũng là chuyện bình thường. Nhưng vấn đề là sau đó, Louis Aragon và Jean Paul Sartre đã nhìn nhận lại, đó là thái độ của người trí thức, chúng ta không phê phán sự chọn lựa bạn đầu.”

    Louis Aragon là một nhà thơ Pháp, còn Jean Paul Sartre là một nhà triết học Pháp, cả hai đều ủng hộ chủ nghĩa cộng sản trong những năm bắt đầu sự nghiệp của mình.

    Ngoài tư cách là một nhà thơ cách mạng, ông Tố Hữu còn được biết như một nhà chính trị, trong đó vai trò của ông được đặc biệt nhấn mạnh trong cuộc đàn áp giới văn chương của phong trào Nhân văn giai phẩm tại miền Bắc sau năm 1954. Nhà thơ Hoàng Hưng, một nạn nhân của cuộc đàn áp đó nói với RFA:

    Ngoài cái việc chung thì ông Tố Hữu còn có cái tư thù của ông ấy, vì nhóm Nhân văn dám làm một cuộc hội thảo để phê bình tập thơ Việt Bắc của ông ấy, trong đó có hai người là Trần Dần và Hoàng Cầm.”

    Hai ông Trần Dần và Hoàng Cầm là hai nhà thơ bị đàn áp nặng nề trong vụ Nhân văn giai phẩm.

    Theo nhà văn Thùy Linh, chính vị trí độc tôn mà cách mạng cộng sản dành cho ông Tố Hữu, cũng như vai trò đàn áp của ông trong vụ Nhân văn giai phẩm làm cho nhiều nhà văn nhà thơ Việt Nam nhìn ông Tố Hữu rất khắc khe, phủ nhận hết những gì gọi là thơ của ông ấy.

    Một giáo viên tại Đà Nẵng, gốc Huế, nói với chúng tôi rằng ông cũng có định kiến về ông Tố Hữu, vì thế rất ít đọc về tác giả này.

    Với câu chuyện xây khu tưởng niệm ông Tố Hữu tại Huế, người giáo viên này nói:

    Theo tôi thấy thì người dân Huế chẳng ai quan tâm đến Tố Hữu hết, kể cả những người hoạt động cách mạng lúc trước, cho nên một công trình bề thế như vậy không cần thiết, hơn nữa xứ Huế là xứ nhỏ nhẹ, vừa phải, không cần làm những công trình đồ sộ vớ vẫn.”

    Cả hai người, nhà thơ Hoàng Hưng và nhà văn Nguyễn Viện đều dễ dàng đồng ý với ý kiến này. Ông Hoàng Hưng cho rằng tưởng niệm một nhân vật thì không có gì quá đáng, nhưng với qui mô của dự án như vậy thì không cần thiết. Nhà văn Nguyễn Viện nói thêm rằng với tư cách một nhà chính trị thì ông Tố Hữu là là người mắc phải rất nhiều sai lầm trong những năm ông phụ trách kinh tế, mà bây giờ lập khu tưởng niệm với tiền thuế của dân nữa thì ông hoàn toàn không đồng ý.

    Nhà thơ Đỗ Trung Quân lại đưa ra một ý kiến khác:

    Cứ xây đi, để sau này người ta còn có cái để mà hạ xuống. Đó là ý kiến cá nhân của tôi.”

    Nhà văn Thùy Linh nói rằng, với hai tư cách, nhà thơ, và chính khách, Tố Hữu hoàn toàn thất bại.
     
    Kính Hòa
     
    (RFA) 

    Không có nhận xét nào