Chuyển động kinh tế và chính trị ở
Việt Nam hiện nay được phản ánh bởi hai hướng có vẻ trái ngược về tính
chất: kinh tế theo hướng thị trường hơn và chính trị theo hướng tập
trung quyền lực cao hơn.
Hai xu hướng này khởi đầu từ việc ứng phó với suy giảm kinh tế trong các năm 2009 - 2015, mạnh lên từ 2016 và hỗ trợ nhau để tạo nên tăng trưởng kinh tế cao năm 2018, sẽ giao động không lớn năm 2019. Việc phân tích khái quát về hai hướng này được minh chứng bằng những sự kiện và số liệu gần nhất, cải cách thể chế thực chất cần được nhấn mạnh là dư địa tiềm tàng cho tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Biển hiệu chào mừng ngày thành lập đảng Cộng sản Việt Nam được dựng lên hàng năm. |
Về kinh tế
Tăng
trưởng GDP không chỉ là thước đo về thành tích kinh tế mà còn là sự
biểu thị tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam và nỗ lực điều hành
của Chính phủ, nên nó đặc biệt quan trọng thu hút sự quan tâm.
Tổng
cục thống kê vừa công bố tỷ lệ tăng GDP của cả nước là 7,08% với tỷ
trọng vượt trội của nhóm ngành sản xuất, chế biến. Một số số liệu liên
quan như chỉ số giá, tín dụng, tăng thu ngân sách… cũng được đưa ra để
phản ánh sự thay đổi tích cực của chỉ tiêu này. Truyền thông nhà nước
bình luận đây là một trong 10 sự kiện kinh tế đáng chú ý của năm sau một
thập kỷ tính từ 2008.
Ngay
sau đó, trong phiên họp cuối năm ngày 28/12/2018 của Chính phủ có sự
tham dự của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các lãnh đạo
chủ chốt các ban ngành và địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn
mạnh: "… niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng … chưa bao giờ
lớn và sâu sắc như lúc này". Sự phấn khởi này là có thể hiểu được.
Kết
quả tăng GDP cao năm 2018 là sự tiếp nối của xu hướng khắc phục sự suy
giảm trong giai đoạn trước và ứng phó với tình hình mới. Sự điều hành
tích cực của Chính phủ bởi chính sách kinh tế thích ứng đã tạo nên động
lực thúc đẩy. Chính sách này được vận hành từ đầu năm 2016 với sự cam
kết mạnh mẽ của 'Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ người dân và
doanh nghiệp'. Các hoạt động của Chính phủ theo hai hướng chính, một là
khuyến khích tự do kinh kinh doanh, từ khởi nghiệp doanh nghiệp đến thúc
đẩy đầu tư tại các địa phương trong nước và nước ngoài, và hai là giảm
thiểu, loại bỏ các rào cản từ bộ máy hành chính quan liêu trong điều
kiện thể chế còn nhiều bất cập.
Chính
sách nêu trên với nội hàm kinh tế trọng cung và mang tính thực dụng có
ba đặc điểm chủ yếu. Thứ nhất, nó không những tạo được sự khác biệt với
người tiền nhiệm với cách tiếp cận thực tế hơn mà còn hướng tới khắc
phục những hậu quả nặng nề về kinh tế và thể chế do khủng hoảng từ thập
kỷ trước. Thứ hai, nó phần nào 'tránh' được sự ảnh hưởng của tư tưởng ý
thức hệ giáo điều về chủ nghĩa xã hội, quan niệm về bóc lột lao động,
phân biệt đối xử với kinh tế tư nhân… còn nặng nề trong hệ thống chính
trị hiện hành. Thứ ba, nó khơi thông các nguồn nội lực, đặc biệt từ kinh
tế tư nhân, các hộ cá thể và phát huy những lợi thế từ nông nghiệp, du
lịch… hướng tới tăng trưởng.
Thời
kỳ 30 năm đổi mới, trong đó có thập kỷ 'bất ổn' vừa qua ở Việt Nam và
sự vận hành của chính sách kinh tế hiện nay cho thấy kinh tế thị trường
là sản phẩm quá trình phát triển tất yếu của nhân loại với những tính
quy luật và các nguyên tắc nội sinh. Chúng không ngừng được khám phá và
áp dụng vào thực tiễn bởi con người để tạo sự thịnh vượng cho mình. Việc
chuyển đổi kinh tế sang thị trường đòi hỏi sự nhận thức đúng và tuân
thủ các quy luật và nguyên tắc của nó. Quan niệm thị trường chỉ là 'cứu
cánh' tạm thời cho chế độ là nguyên nhân chủ yếu của những chính sách
sai lầm, duy ý chí và quản lý yếu kém trong một số giai đoạn. Bởi vậy,
chính sách kinh tế thích ứng đang thúc đẩy xu hướng thị trường mạnh lên.
Xu hướng này cần được hỗ trợ bởi cải cách thể chế mới có thể đảm bảo
tăng trưởng bền vững.
Về chính trị
Chuyển
động chính trị chủ đạo là sự tập trung quyền lực của Đảng Cộng sản. Đây
là sách lược được ưu tiên thực hiện để củng cố chế độ và ổn định xã
hội. Giải pháp chính trị này được đánh giá là thực tế ở Việt Nam khi
không có sự lựa chọn khác để tránh khủng hoảng. Sự ảnh hưởng của yếu tố
Trung Quốc, quốc gia có hệ thống chính trị tương với Việt Nam cũng được
tính đến. Ngoài ra, một số quốc gia chuyển đổi sang chế độ theo kiểu
phương Tây kiểu 'cách mạng cam' cũng là những bài học kinh nghiệm.
Chống
tham nhũng 'không vùng cấm'và các nhóm lợi ích, cải tổ Bộ Công an, Bộ
Quốc phòng, cải cách hành chính… là các động thái mạnh và được nhìn nhận
ở cả hai phương diện. Một là, tham nhũng đang là nguy cơ đối với sự tồn
vong của chế độ, chống tham nhũng để lấy lại niềm tin. Hai là, trong
Đảng đã và đang hiện diện các phe nhóm chia rẽ sự thống nhất mang tính
nguyên tắc, chống tham nhũng là cách loại bỏ chống đối nhằm tập trung
quyền lực.
Trong
chiến dịch chống tham nhũng này đã có 40 vụ án và 500 bị cáo trong tổng
số gần 60 vụ việc tham nhũng đã được đưa ra xét xử. Chỉ tính riêng từ
đầu nhiệm kỳ khoá 12 đến nay đã xét xử sơ thẩm 21 vụ với 263 bị can,
trong đó 3 bị cáo bị kết án tử hình, 9 bị cáo án chung thân. Hơn nữa, 60
cán bộ thuộc diện TƯ quản lý, trong đó có 5 uỷ viên trung ương đương
nhiệm cũng đã bị thi hành kỷ luật. Việc cách chức Uỷ viên trung ương đối
với ông Tất Thành Cang tại Hội nghị TƯ 9 ngày 26/12/2108 dự báo các đại
án sẽ vẫn tiếp tục trong năm tới.
Sự
kiện Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội khoá 14 bầu làm Chủ
tịch nước, sau khi ông Trần Đại Quang qua đời, được giới truyền thông
bình chọn là tiêu biểu năm 2018. Sự kiện này được bình luận sẽ thúc đẩy
nhất thể hoá, vốn đang có chủ trương thí điểm ở cấp địa phương.
Một
số hoạt động lập pháp của Quốc hội như ban hành Luật An ninh Mạng, đồng
thuận tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình
Dương (CPTPP), và đặc biệt việc hoãn thông qua Dự luật về ba đặc khu
không những chỉ thể hiện ý chí của Đảng và nhà nước, mà phần nào phản
ánh ý kiến của người dân. Trước đó, các đợt biểu tình của đông đảo nhân
dân phản đối dự luật này,
Một số điểm đáng chú ý được rút ra từ xu hướng chuyển động chính trị là:
Một,
những bất cập của thể chế kể cả về các quy tắc, luật lệ, tổ chức, nhân
sự đang được bộc lộ, phản ánh sự không phù hợp, trì trệ của thể chế hiện
hành với sự chuyển đổi kinh tế sang thị trường;
Hai,
các giải pháp mạnh về chống tham nhũng tạo phản ứng tích cực về niềm
tin từ nhân dân và doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ chính sách kinh tế
thích ứng để tăng trưởng;
Ba,
việc củng cố tổ chức, nhân sự của Đảng theo hướng tăng quyền lực cho Bộ
Chính trị, Ban bí thư thể hiện sự thận trọng, cân nhắc về đề cao, sùng
bái cá nhân khi chưa có cơ chế giám sát quyền lực hữu hiệu khác;
Bốn,
một số nội dung trong lĩnh vực tư tưởng như 'tự chuyển hoá', 'tự diễn
biến', 'tự nêu gương'… mang tính đức trị, khó áp dụng trong thực tế.
Việc kỷ luật khai trừ GS Chu Hảo gây hiệu ứng trái chiều, đặc biệt trong
giới trí thức.
Dự báo 2019
Nhận
định về bối cảnh trong nước và quốc tế năm 2019 là phức tạp, thay đổi
nhanh và khó lường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các lãnh đạo 'không
ngủ quên trên vòng nguyệt quế' và tìm kiếm cách thức tăng trưởng nhanh
và bền vững dựa vào ba trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường. Ông
'đặt bài' Tổ tư vấn kinh tế "làm sao tránh được bẫy thu nhập trung bình,
bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công, bẫy 'thiên đường ô nhiễm'", thậm chí
đề nghị nghiên cứu về mối quan hệ giữa 3 trụ cột gồm "nhà nước pháp
quyền, kinh tế thị trường, và xã hội dân chủ".
Tuy
nhiên, dựa vào những phân tích tình hình năm 2018 những dự luận về
chuyển động kinh tế chính trị năm 2019 có một số điểm chú ý sau:
Một
là, tăng GDP năm 2019 vẫn là khả quan, gần đạt 7% chủ yếu nhờ quán tính
của chính sách kinh tế thích ứng của Chính phủ và 'sự nhượng bộ' của
Đảng trong lĩnh vực kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng.
Hai
là, chính sách kinh tế trọng cung sẽ gặp khó khi lượng cầu trên thế
giới và trong nước sẽ suy giảm do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lan
rộng. Các nhận định về tác động đối với Việt Nam và sự chuẩn bị đối phó
là chưa có phương án rõ ràng, cụ thể.
Ba
là, cải cách thể chế, mặc dù được cho là quan trọng, thậm chí coi là dư
địa của tăng trưởng, song không thể có đột phá theo hướng thúc đẩy mạnh
thị trường, mà tuỳ thuộc vào những cân nhắc thận trọng của Đảng về tăng
trưởng kinh tế và tăng cường tập trung quyền lực.
Bốn
là, sẽ không thể tập trung quyền lực vào tay cá nhân và được thể chế
hoá theo kiểu Tập Cận Bình ở Trung Quốc, nhưng xu hướng tập trung quyền
lực của Đảng mạnh lên. Nhất thể hoá sẽ vẫn là sự cân nhắc thận trọng.
Tóm
lại, mức tăng trưởng cao trong năm 2018 tạo nên sự phấn khích chính
trị, xã hội, nhưng để có tăng trưởng nhanh trong một thời gian dài, như
'điều thần kỳ' từng diễn ra trước đây đối với một số nước như Nhật Bản,
Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore…, kể cả Trung Quốc đối với Việt Nam là hy
vọng. Các cải cách trong giai đoạn tới, kể cả năm 2019 sẽ rất quan trọng
cho sự phát triển của đất nước.
TS. Phạm Quý Thọ Gửi cho BBC từ Hà Nội
*
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Phó Giáo Sư, Tiến sĩ Phạm Quý
Thọ từ Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư,
Việt Nam.
(BBC)
Không có nhận xét nào