Header Ads

  • Breaking News

    Từ Thức - Macron: Khung cửa hẹp

    Tổng thống Pháp hôm thứ Hai đã công bố một loạt những quyết định nhằm xoa dịu bất mãn, dập tắt ngọn lửa nổi loạn của những người Áo Vàng (Gilets Jaunes) đang làm tê liệt nước Pháp.


    Trong 13 phút diễn văn, với con số người theo dõi kỷ lục: 23 triệu (trên dân số 66 triệu), chưa kể các đài phát thanh, các mạng lưới xã hội, Emmanuel Macron phải làm một việc cực kỳ khó là thuyết phục những người Áo Vàng là ông ta đã lắng nghe, đã hiểu và đáp ứng nguyện vọng, đòi hỏi của họ, đồng thời thuyết phục những người khác là chính phủ đã không thay đổi đường lối, vẫn còn đủ mạnh để quản trị nước Pháp và nhất là cải cách nước Pháp.

    Người làm xiếc

    "Người làm xiếc đi trên dây rất khó", nhưng không khó bằng Macron...

    Trước hết, phải tỏ ra vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo.

    Cứng rắn với những nhóm cực đoan, Macron tuyên bố sẽ không tha thứ những hành động bạo hành, đốt phá, lên án những chính trị gia cực tả hay cực hữu đã tìm mọi cơ hội đổ dầu vào lửa, đe dọa cả thể chế dân chủ.

    Ôn hòa với những người biểu tình, Macron xin lỗi trong quá khứ đã có những thái độ, lời nói có thể khiến nhiều người cảm thấy bị xúc phạm.

    Người ta nghĩ tới những câu tuyên bố của Macron, được các nhóm biểu tình không quên nhắc lại. Thí dụ, nói với một người trẻ than không kiếm ra việc làm: "việc làm, chỉ việc băng qua đường là có" (ám chỉ việc hàng năm có 300.000 chỗ làm không kiếm ra người, vì là những việc nặng nhọc). Thí dụ: nước Pháp đã bỏ ra "một đống tiền điên rồ (un fric de dingue) để làm việc xã hội mà không làm ai thỏa mãn (ám chỉ ngân sách 57% PIB dành cho các dịch vụ xã hội, trợ cấp đủ loại, một kỷ lục thế giới). Những câu nói, ở một nước khác, chắc chẳng ai để ý, ở Pháp đủ để đẩy nhiều người xuống đường.

    Điều người ta chờ đợi hơn cả là những quyết định để thoả mãn ít hay nhiều những người biểu tình rầm rộ từ gần một tháng nay.

    Macron công bố 4 quyết định cụ thể, sẽ áp dụng ngay tháng tới:

    - Tăng mức lương tối thiểu, gọi là SMIC, 100 euros (trên 100 dollars) mỗi tháng, dưới hình thức trợ cấp

    - Bỏ thuế cho lương làm thêm (overtime)

    - Hủy tăng thuế an sinh cho những người về hưu có lợi tức dưới 2000 euros/ tháng

    - Bỏ thuế cho những phần thưởng cuối năm các hãng xưởng dành cho nhân viên.

    Đơn giản, nhưng… phức tạp

    Những biện Pháp trên, nhìn từ xa, có vẻ đơn giản. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao không ban hành ngay khi có những đám biểu tình. Sự thực, với nước Pháp, cái gì cũng phức tạp. Với những biện pháp trên, người làm xiếc cũng phải tìm cách đu giây cho khỏi té.

    1. TĂNG LƯƠNG TỐI THIỂU, trên lý thuyết, là chuyện nên làm. Ít nhất để khuyến khích dân kiếm việc làm, tránh trường hợp người ngồi chơi xơi nước, nhận đủ loại trợ cấp, có lợi tức gần như hay đôi khi nhiều hơn người đi làm lương SMIC.

    Vấn đề là tăng SMIC sẽ khiến giá thành của các sản phẩm của Pháp đã cao, sẽ cao hơn nữa, rất khó cạnh tranh với những nước láng giềng, chưa kể hành hóa Tàu, Ấn, Pakistan… Và hậu quả trước mắt là khoảng 30% các hãng sở nhỏ sẽ sa thải nhân viên hay phá sản.

    Để tránh tình trạng đó, Macron quyết định 100 euros đó các hãng sở sẽ không trả đồng nào, nhà nước sẽ cáng đáng. Một hình thức trợ cấp cho người có lương nhỏ hơn là tăng lương

    - 2. HUỶ VIỆC TĂNG ÁP THUẾ cho những người về hưu có lợi tức dưới 2000 euros, sẽ làm dịu bớt sự bất mãn của những người cao tuổi, nhưng những người trên 2000 thấy mình bị bỏ quên, và những người tiền hưu quá thấp thất vọng vì không được gì, so với những người đi làm

    - 3. HỦY THUẾ CHO LƯƠNG “OVERTIME”, nghĩa là tiền lương, thường thường trả gấp 2 cho những giờ làm việc ngoài 35 giờ/ tuần, hay hơn nữa, nếu làm việc ngày lễ hay cuối tuần sẽ không bị cắt xén, thuế má, chủ trả bao nhiêu, thợ lãnh đủ.

    Ở Pháp, trên 1000 đồng tiền lương, chỉ trên dưới 700 rơi vào túi bạn, sau khi trừ các đóng góp cho xã hội, nhưng chủ hãng phải xuất trên dưới 1300 với cùng một lý do. Sau đó mới tính chuyện đóng thuế, nếu lợi tức tới mức phải đóng thuế.

    Biện pháp miễn thuế, miễn đóng góp xã hội được cả nhân viên lẫn các hãng xưởng hoan nghênh, dân ủng hộ. Vấn đề là ngân quỹ nhà nước sẽ thâm thủng hơn nữa. Nhất là nạn thất nghiệp sẽ gia tăng, hay ít nhất khó thuyên giảm, vì các hãng xưởng không tuyển người nữa, vì trả nhân viên làm “overtime” ít tốn kém hơn và đỡ nhức đầu với luật lao động, khi phải sa thải khi nhân viên nhiều hơn công việc

    - 4. BỎ THUẾ cho các tiền thưởng sẽ khuyến khích các hãng sở hăng hái hơn trong việc tặng tiền thưởng cuối năm cho nhân viên, ít nhất 1000 euros. Vấn đề là nhiều hãng nhỏ, hay gặp khó khăn, sẽ không thực hiện khuyến cáo này. Vẫn còn những bất công giữa những nhân viên làm cho các hãng sở nghèo, so với nhân viên các công ty lớn, ngoài tiền thưởng còn có lương tháng 13, 14, tiền chia lời (participation) v.v…

    Tóm lại, bất cứ biện pháp gì cũng có những ngoại lệ, sẽ là mầm mống những bất mãn sau này, ở một xứ theo “chủ nghĩa” bình đẳng (Égalitarisme) như nước Pháp

    Khung cửa hẹp

    Dù quyết định gì, Macron cũng ở trong một khung cửa hẹp (mượn chữ của André Gide: La porte étroite).

    1. Thứ nhất, trên phương diện NGÂN SÁCH.

    Những quyết định trên, Macron bắt buộc phải làm nếu không muốn nước Pháp càng ngày càng rối loạn. Nhất là đời sống càng ngày càng khó khăn của những người không theo kịp sự thay đổi của thời đại thế giới hóa là một thực tế. Nhưng các quyết định đó sẽ tốn cho ngân sách 10 tỉ Euros, hay đúng hơn từ 13 tới 15 tỉ nếu tính cả những số tiền mất mát vì “ xóa thuế giảm nghèo”. Có người nói: 13 phút (diễn văn), 13 tỉ.

    Hiện nay, số lạm chi (déficit) của Pháp là 2,8% PIB. Nước Pháp khó hạn chế mức lạm chi dưới 3%, như đã ký kết với Liên Hiệp Âu Châu. Âu Châu đặt ra nguyên tắc này để các quốc gia thuộc Liên Hiệp phải thận trọng trong việc chi tiêu để tránh lạm phát. Những nước vi phạm quy ước sẽ bị phạt nặng.

    Với các biện pháp vừa ban hành, người ta xích lại gần con số 3,5 % trong năm tới.

    Hơn cả chuyện tiền bạc, vấn đề uy tín. Macron vẫn có tham vọng lãnh đạo Âu Châu, từ khi bà Merkel gặp khó khăn ở Đức, Anh ra khỏi Liên Hiệp, Ý rơi vào tay những đảng dân tuý.

    Tham vọng đó ngày nay đã nguội với hình ảnh bạo động ở Paris, sẽ lạnh thêm nếu Pháp bất chấp Liên Hiệp, để mức lạm phát vượt quá 3%

    2. Thứ hai, trên phương diện CHÍNH TRỊ

    Macron không thể làm khác hơn, nhưng uy tín đã bị sứt mẻ. Macron từ khi ra tranh cử, tới những ngày gần đây, vẫn chê những người tiền nhiệm không có can đảm cải cách nước Pháp. Chỉ vài nhóm xuống đường là nhượng bộ, chấp nhận mọi yêu sách, xếp những dự án cải cách vào ngăn kéo.

    Macron vẫn chủ trương phải củng cố kinh tế trước, phải giải quyết nạn thất nghiệp trước, khi kinh tế lành mạnh, lúc đó nhà nước sẽ có phương tiện làm việc xã hội. Chính vì vậy, ngay khi nhậm chức, Macron đã giúp đỡ các hãng xưởng trước khi giúp đỡ các cá nhân. Chính vì vậy, Macron quyết định bãi bỏ thuế tài sản ISF để “những nhà giầu khỏi bỏ nước”, mang tiền bạc tới định cư ở những nước láng giềng.

    ISF (Impôt de Solidarité sur la Fortune) là thuế duy nhất trên thế giới, đánh trên những người có tài sản hay bất động sản, sau khi đã nộp thuế lợi tức.

    Các đảng đối lập không ngớt nhắc tới chuyện bỏ ISF và đã thành công trong việc gán cho Macron hình ảnh “Tổng Thống của nhà giầu”.

    Một lần nữa, người ta thấy cái lợi hại của các mạng xã hội.

    Với quá khứ là cựu nhân viên cao cấp trong ngân hàng, với những câu tuyên bố vụng về, Macron trở thành một đối tượng căm hờn trên Facebook.

    Macron lãnh đủ tất cả những bất mãn của mọi tầng lớp xã hội từ hàng nhiều thập niên. Điều đó giải thích tại sao đã có nhiều Gilets Jaunes đi theo những nhóm cực tả, cực hữu, những “casseurs” nhà nghề trong các hành động đốt phá. Dù đa số Gilets Jaunes là những người ôn hoà, nhiều người muốn mình hăng hơn người khác, có photo của mình ngoạn mục trên mạng

    Macron không nhượng bộ, không tái lập ISF, dù hiểu rằng đó sẽ là một võ khí lợi hại của các phe đối lập, cực tả hay cực hữu, để thuyết phục những người bất mãn là tất cả những khó khăn của họ là vì Macron không muốn lấy tiền của người giầu.

    Macron không muốn tái lập ISF để không muốn cho giới đầu tư tiếp tục nghĩ Pháp là nước không ổn định. Kinh tế xây dựng trên sự tin cẩn. Sẽ không ai muốn đầu tư, nếu chính phủ thay đổi chính sách mỗi sáng thứ Bẩy.

    Yếu tố đó càng quan trọng hơn nữa đối với Macron trong giai đoạn ông ta đang tìm mọi cách để dụ những công ty lớn tới Pháp, khi họ đang và sẽ bỏ Anh Quốc, vì sợ hậu quả của Brexit.

    Giòng sông không êm đềm

    Câu hỏi đặt ra là Macron còn đủ uy tín, nghị lực và khả năng chính trị để cải cách nước Pháp hay không.

    Macron đã thực hiện nhiều cải cách (hệ thống hỏa xa, chương trình giáo dục, luật lao động…) mà những người tiền nhiệm không đụng tới, nhưng trước mắt còn những cải cách gay go hơn nữa.

    Thí dụ cải cách hệ thống hưu bổng, cực kỳ quan trọng trong một xứ càng ngày càng nhiều người về hưu. Nước Pháp có hàng chục chế độ hưu bổng, hành trăm “ngoại lệ” bất công, đôi khi kỳ cục, nhưng không chính quyền nào dám xóa tất cả để tạo một hệ thống hưu bổng duy nhất, hợp lý hơn, công bằng hơn, vì sợ dân đổ xuống đường để bảo vệ các ưu đãi, trên nguyên tắc chỉ có ở Pháp: nguyên tắc “ce qui est acquis est acquis” (những gì tôi đạt được, sẽ không ai lấy lại được). Cựu thủ tướng Michel Rocard nói: việc cải tổ hưu bổng sẽ làm đổ ít nhất 3 chính phủ.

    Macron có phục hồi được uy tín hay không, điều đó tùy khả năng có thể thay đổi đời sống hàng ngày của người dân hay không.

    Ba tuần lễ xáo trộn cho Macron một bài học: chính trị, không phải là lý thuyết, trước hết là những ưu tư hàng ngày.

    Ngay sau khi đọc diễn văn, Macron đã triệu tập các chủ ngân hàng và thành công trong việc thuyết phục đã chấp thuận sẽ bãi bỏ tất cả dự án tăng lệ phí ngân hàng trong năm tới, 2019; và hạn chế tối đa 25 euros tiền phạt những người có vấn đề, như xài quá số tiền mình có. Tới nay, mỗi lần có vấn đề, ngân hàng lợi dụng để phạt nặng, càng nghèo càng bị phạt nặng, vì ngân hàng, muốn giữ khách sộp, chỉ châm chước cho những người có lợi tức cao.

    Macron tuyên bố tất cả những tổng giám đốc các công ty có hoạt động, trụ sở ở Pháp sẽ phải đóng thuế ở Pháp.

    Chính phủ Pháp cho hay những công ty quốc tế làm ăn ở Pháp sẽ phải đóng thuế ở Pháp, đặc biệt là nhóm gọi là GAFA (Google, Amazon, Facebook, Apple) với lợi tức khổng lồ mà các nhóm Gilets Jaunes vẫn tố cáo.

    Sự thực, muốn các nhóm này đóng đủ thuế, phải có một công ước quốc tế, chuyện không thể thực hiện được, nhất là với Donald Trump, vì tất cả những nhóm này đều là các công ty Mỹ. Hay ít nhất một thoả hiệp giữa các nước Âu Châu, chuyện cũng không dễ, vì nước nào cũng hy vọng nếu GAFA bỏ một nước vì thuế má, sẽ chạy sang nước mình, mang theo dịch vụ và công ăn việc làm.

    Tóm lại, con đường trước mặt Macron đầy chông gai, không phải là một giòng sông êm đềm, trừ khi muốn vay thêm nợ (nợ của Pháp hiện nay đã lên tới 99% PIB) để thoả mãn đòi hỏi chính đáng hay không, của bá tánh. Hiện nay, Pháp vay nợ với tiền lời gần với zéro phần trăm; chỉ cần một vài dấu hiệu bất ổn, tiền lời sẽ tăng lên. Như tiền lời ở Tây Ban Nha có lúc lên tới 10%, Hy Lạp 20 %, trên nguyên tắc người ta chỉ cho nhà giầu vay tiền)

    Nếu không vay nợ, tiền đâu để thanh toán các biện pháp đó, nếu không tăng thuế giới trung lưu, những người không đủ giầu để dọn nhà sang Thụy Sĩ, Luxembourg, Belgique, không đủ nghèo để lãnh trợ cấp đủ loại, không đủ đoàn kết để gây áp lực, để chặn đường, để đốt phá, lương lậu trên giấy trắng mực đen, khó che mặt sở thuế như rất nhiều giới khác.

    Từ trước tới nay, bao giờ giới này cũng là con dê tế thần. Cái phiền cho Macron: đó chính là những cử tri đã đưa Macron vào Elysées

    Stop Ou Encore? Ngưng hay tiếp tục?

    Truyện trước mắt: các món quà Giáng sinh của Macron có dập tắt phong trào Gilets Jaunes hay không. Sau diễn văn của Macron, đa số dân Pháp ủng hộ các biện pháp, mặc dù nhiều giới vẫn ấm ức thấy mình bị bỏ quên. 54 % nghĩ phong trào Áo Vàng nên tiếp tục, so với 70% những tuần trước.

    Trong hàng ngũ Áo Vàng, hai khuynh hướng: những người muốn ngưng vì đã thoả mãn một phần lớn các yêu sách; một khuynh hướng, đa số là cử tri của các đảng cực ta hay cực hữu, muốn đi tới cùng, nghĩa là muốn Macron từ chức. Các lãnh tụ cực tả như Mélenchon, hay cực hữu, như Le Pen đều xúi những người biểu tình theo con đường này, để dồn Macron vào đường cùng, giải tán quốc hội, bầu cử lại.

    Trong số “Áo Vàng”, nhiều người sẽ tiếc cái không khí huynh đệ bên ngọn lửa ở ngã tư đường. Có người nói đã tìm thấy một gia đình mới. Nhiều “lãnh tụ” địa phương, hôm trước vô danh, hôm sau xuất hiện mỗi ngày trên TV, trên mạng xã hội, hôm trước có vài ba người bạn, một sau có hàng trăm ngàn “friends”, “followers” trên Facebook. Gilets Jaunes là một cuộc cách mạng facebook

    Phía chính phủ, người ta hy vọng những quyết định của Macron sẽ làm yên những người ôn hoà, những người thấy phong trào phản kháng đã có hậu quả đáng ngại tới các sinh hoạt kinh tế. Những người có cảm tình với Gilets Jaunes nhưng muốn đời sống bình thường trở lại. Những thương gia tham dự phong trào vì bất mãn về thuế má, đã thấy việc làm ăn buôn bán của họ bị đe dọa nghiêm trọng, nhất là trong những tuần lễ trước Giáng Sinh, trước những ngày lễ cuối năm là giai đoạn quan trọng nhất đối với thương gia.

    Một yếu tố khác, là yếu tố thời sự. Giờ này, chuyện dư luận Pháp chú trọng nhất không phải là Gilets Jaunes, mà là chuyện thảm sát ở chợ Tết Strasbourg, ít nhất 3 người chết và hàng chục người bị thương, với nhiều dấu hiệu cho thấy đó là một cuộc khủng bố.

    Nước Pháp sẽ đi về ngả nào? Sẽ quay trở lại với “vieux monde” (thế giới cũ), sống như thế giới chưa hề thay đổi; hay sẽ nhân cơ hội này, thay đổi toàn diện, đặt tất cả vấn đề lên bàn để cùng nhau giải quyết, như De Gaulle đã tâm sự với Raymond Aron: “nước Pháp chỉ cải cách SAU những cuộc cách mạng.”

    Phải nghĩ gì về phong trào Áo Vàng?. Những người chống chỉ trích những đòi hỏi không giới hạn, nhất là những bạo hành làm tê liệt quốc gia. Những người ủng hộ trả lời: từ trước tới nay, những thay đổi xã hội đều là kết quả của đấu tranh.

    Sự thực, như thông lệ, có lẽ nằm, hay đứng, ở giữa.

    Paris 12 DEC 2018

    Từ Thức

    (Dân Làm Báo) 

    Không có nhận xét nào