Tuần này, liêm sỉ tiếp tục là một trong những từ được sử dụng nhiều nhất trên mạng xã hội Việt ngữ.
Cổ vũ đội nhà trong trận gặp Myanmar, 20 tháng 11. Hình minh họa. |
Tuần
trước, người ta từng nhắc đến “liêm sỉ” khi Việt Nam vượt qua
Philippine để bước vào lượt trận chung kết của Giải vô địch bóng đá Đông
Nam Á (AFF 2018) vì tại nhiều nơi, không ít người đổ ra đường ăn mừng
chiến thắng cuồng nhiệt tới mức giống như mất tri giác: Thi nhau hò hét,
tụt quần, cởi áo,… Cuối cùng, không chỉ giao thông tắc nghẽn, hỗn loạn
mà còn khiến vài chục người chết, vài trăm người bị thương và chính
quyền Việt Nam từ trung ương đến địa phương nhắm mắt làm ngơ như đã từng
nhắm mắt làm ngơ nhiều lần, bởi nhờ thế họ có thể đu theo chiến thắng
của đội tuyển quốc gia, lên hết dây cót… tự hào cho dân chúng.
Tuần
này, nhiều người đề cập đến “liêm sỉ” trên mạng xã hội với tần suất cao
hơn sau khi Việt Nam thủ hòa trong trận chung kết lượt đi ở Malaysia và
báo giới tiết lộ, hai năm vừa qua, ông Park Hang-seo, tuy là Huấn luyện
viên Đội tuyển Bóng đá Quốc gia và Đội tuyển U23 nhưng lại nhận lương
từ ông bầu Đoàn Nguyên Đức! Trong 24 tháng vừa qua, ông Đức (Chủ tịch
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, chủ Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai) –
người từng bị VFF gạt ra khỏi Ban Chấp hành vì không có… bằng tốt nghiệp
đại học - đã tự nguyện trả cho ông Park khoảng 19,2 tỉ (mỗi tháng
khoảng 800 triệu đồng) (1).
Ai
cũng biết, từ khi ông Park trở thành Huấn luyện viên Đội tuyển Bóng đá
Quốc gia và Đội tuyển U23, bóng đá Việt Nam đã sải những bước rất dài
trên con đường dẫn tới đỉnh của bóng đá Đông Nam Á và bóng đá châu Á.
Trong hai năm vừa qua, Đội tuyển U23 của Việt Nam giành Huy chương Bạc
Giải Vô địch U23 châu Á, Đội tuyển Quốc gia đứng thứ tư Olympic châu Á
và người Việt đang mơ, Đội tuyển Quốc gia sẽ đoạt được Cúp AFF 2018.
Cho
dù thiên hạ đã từng đề cập đến vai trò của những ông bầu, trong đó có
bầu Đức (bỏ tiền túi để thành lập các Câu lạc bộ Bóng đá, lựa chọn - ươm
hàng loạt mầm non để tạo ra diện mạo của đội tuyển quốc gia như hiện
nay), song ít ai dè tâm huyết, sức lực, công lao của các ông bầu, như
bầu Đức còn hơn cả thế. Đó cũng là lý do “liêm sỉ” trở thành chuyện
không thể không nêu…
Thời
luận – một group bàn thảo về thời cuộc trên facebook - thắc mắc: VFF có
biết “liêm sỉ” là gì không? Trong số hơn 1.000 người tham gia bình luận
về thắc mắc này, không ai trả lời: Có! Bởi thiên hạ cùng mắng VFF khốn
nạn, trâng tráo, điếm đàng. Không ít facebooker nhận định như Bình Dương
Nguyên: Một lũ vô liêm sỉ! Lẽ ra mấy thằng lãnh đạo VFF và ngành thể
dục thể thao phải thấy nhục khi thành tích và tiền thì chúng hưởng, công
người khác thì chúng chiếm chẳng khác gì chó tranh phân! – nên Đại Quan
– một thành viên trong group Thời luận – đẩy đưa: Quan chức nước ta
hay xấu hổ lắm. Họ liêm sỉ và sạch sẽ lắm. Cứ chửi hoài kiểu
này, họ… thôi làm lãnh đạo bỏ về quê thì những ghế ấy ai ngồi (2)?
Từ
chuyện bầu Đức bỏ tiền túi nuôi Huấn luyện viên Đội tuyển Bóng đá Quốc
gia và Đôi tuyển U23, nhiều facebooker như Mạnh Quân nhắc lại chuyện bầu
Đức đang nợ ngập đầu mà vẫn ráng gánh thệm các chi phí để bóng đá Việt
Nam nở mày, nở mặt với thiên hạ. Quân cảm thấy tiếc là nhiều sản phẩm
của bầu Đức, ví dụ như cao su, không phải ai cũng mua được. Quân khẳng
định, nếu bầu Đức mở rộng kinh doanh, sản xuất những mặt hàng thiết yếu
như: gạo, sữa,… Quân sẵn sàng ủng hộ. Quân nhấn mạnh, không đề cập đến
VFF như mọi người vì đó một đám mà nhắc tới chỉ… bẩn mồm (3)! Cũng nhìn
vấn đề theo hướng như vậy, Hoàng Linh không phê phán VFF mà chỉ rao: Ai
nhặt được lòng tự trọng của VFF làm ơn… trả lại (4).
Họa
vô đơn chí, tin bầu Đức đưa lưng gánh vác khoản thù lao phải trả cho
ông Park suốt hai năm vừa qua được tiết lộ đúng vào lúc VFF vừa tổ chức
tổng kết hoạt động của nhiệm kỳ thứ bảy. Theo đó, VFF tiếp tục đạt được
nhiều… thành tích quan trọng. Ngoài thành công của… Đội tuyển U23, Đội
tuyển Quốc gia, thu nhập của VFF năm sau luôn cao hơn năm trước và sẽ
phấn đấu để sắp tới, mỗi năm, Ban Chấp hành VFF Khóa 8 sẽ thu về 400 tỉ
đồng. Bạch Huệ là một trong những facebooker dựa trên những thông tin ấy
để đặt câu hỏi: Không phải nuôi huấn luyện viên, không phải nuôi cầu
thủ, hưởng đủ thứ vậy tiền VFF kiếm được đi đâu, chi cho những việc gì
mà năm nào cũng than lỗ (5)?
AFF
Cup năm nay, sau khi Đội tuyển Quốc gia của Việt Nam tiến gần đến đích,
VFF lại để lòi ra thêm một vấn nạn khác: Vé! VFF tuyên bố bán vé online
nhưng gần như không ai có thể mua được vé xem các trận Đội tuyển Quốc
gia của Việt Nam đá trên sân Mỹ Đình qua Internet. Tình trạng tương tự
cũng xảy ra đối với vé bán tại các quầy vé. Chỉ có vé chợ đen với giá
cao hơn từ 15 lần đến 20 lần giá chính thức thì bao nhiêu cũng có. Bạch
Huệ nhận định, lối quản lý – điều hành hoạt động như thế là lý do khiến
VFF phải “ăn mày” những doanh nhân thất cơ, lỡ vận như bầu Đức. Giống
như Huệ, Trinh Son bất bình vì trong Ban Chấp hành VFF Khóa 8 vẫn chỉ
toàn những kẻ trâng tráo, dựa hơi bóng đá và vì thế bóng đá Việt Nam khó
mà vươn cao. Dưới mắt Son, VFF là một lũ “đĩ điếm”, lợi dụng cả những
cầu thủ trẻ lẫn tình yêu bóng đá của dân chúng, ngồi chơi rung đùi hưởng
lợi trên mồ hôi người khác (6).
Thật
ra đâu chỉ có VFF! Khi Đội tuyển Bóng đá Việt Nam sải được những bước
dài hơn, đi xa hơn trong những đợt tranh tài khu vực, vé xem Đội tuyển
Quốc gia trên sân Mỹ Đình trở thành của quý, số viên chức của hệ thống
chính trị, hệ thống công quyền nhào vào kiếm chác cả danh lẫn lợi theo
kiểu tủn mủn, vụn vặt, đông hơn nhiều.
Hết
ca sĩ Đinh Hiền Anh hồn nhiên khoe đặc lợi vì là… phu nhân của đồng chí
Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Tài Chính, trên facebook: Dân tình sốt xình
xịch vì vé khan hiếm và khó mua. Ngoài luồng thì giá cắt cổ. Em vẫn
được ưu ái 50 vé mời cho người thân. Đa tạ (7)! - tới Ban Dân nguyện của
Quốc hội thản nhiên soạn công văn, gửi cho VFF, đề nghị bán 200 vé xem
trận chung kết lượt về cho lãnh đạo Ban Dân nguyện và công chức Vụ Dân
nguyện “trực tiếp theo dõi, cổ vũ tinh thần cho Đội tuyển Bóng đá Quốc
gia” (8)…
Chắc
chắn không chỉ có phu nhân Thứ trưởng Tài chính hưởng đặc lợi kiểu đó,
chắc chắn không chỉ có Vụ Dân nguyện đòi đặc quyền kiểu đó, sẽ có rất
nhiều cơ quan thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, Quốc hội, Nhà
nước, Chính phủ của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia giành
đặc quyền này.
***
Chưa
biết Đội tuyển Bóng đá Việt Nam có đoạt được Cúp AFF năm nay hay không
nhưng Hà Phan dự đoán: Nếu những cầu thủ trẻ của Đội tuyển Bóng đá Việt
Nam qua mặt Đội tuyển Bóng đá Malaysia vào ngày 15 tháng 12 thì… chiến
thắng ấy thuộc về VFF. VFF sẽ có đủ đường thu, đủ kiểu để kể công. Trong
diễn văn mừng chiến thắng hẳn sẽ có câu “Dưới sự lãnh đạo tài tình và
sáng suốt của VFF, bóng đá Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi
khác...” và các quan chức của VFF sẽ nhảy bổ lên đầu xe chở đoàn quân
chiến thắng diễu hành, sẽ chen vào chỗ đẹp nhất để chụp hình với lãnh
đạo. Ngược lại, khi thất bại trách nhiệm chính sẽ thuộc về Huấn luyện
viên Park và các cầu thủ, VFF chỉ… rút kinh nghiệm sâu sắc, lấy đó làm
bài học quý báu để tiếp tục lãnh đạo nền bóng đá nước nhà và hành hạ
người hâm mộ Việt Nam (9)...
Dự
đoán của Hà Phan dẫu đúng nhưng chưa đủ. Nào phải chỉ có VFF. Hồi tháng
giêng năm nay, khi Đội tuyển U23 Việt Nam vào đến chung kết Giải vô
địch Bóng đá trẻ Châu Á 2018, đối đầu với Đội tuyển U23 Uzbekistan,
chẳng phải tờ Nhân Dân vội vàng tuyên bố “Thế nước mạnh, vận nước lên!”
đó sao (10). Đừng nghĩ tờ Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng CSVN – hàm hồ khi khẳng định chắc nịch, chuyện “lần đầu
tiên trong lịch sử bóng đá nước nhà, đội tuyển U23 Việt Nam hiên ngang
tiến vào trận chung kết giải bóng đá U23 châu Á 2018” cùng với “những
thành tích nổi bật và toàn diện của quân dân cả nước, tạo nên những bước
đột phá về kinh tế - xã hội, văn hóa, thể thao, đặc biệt là kết quả về
xây dựng Ðảng và đối ngoại... trong năm 2017” chính là bằng chứng “thế
nước mạnh, vận nước lên, lòng dân đồng thuận, nước nhà hưng thịnh” và
chắc chắn “việc gì cũng thành công”!
Đâu
phải chỉ VFF vô liêm sỉ và đâu phải tự nhiên mà VFF dù tày hoày, toét
hoét nhưng vẫn vững như bàn thạch. VFF mà khác Ban Chấp hành Trung ương
Đảng CSVN, khác Quốc hội, khác Nhà nước, khác Chính phủ, VFF có tồn tại
được không?
Trân Văn
---------------
Chú thích
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào