Header Ads

  • Breaking News

    Tàu chiến Mỹ lại đi sát quần đảo Hoàng Sa

    Một lần nữa tàu chiến Mỹ lại đi sát quần đảo Hoàng Sa hiện do Trung Quốc trấn giữ.

    Tuần dương hạm USS Chancellorsville tại hong Kong, 21/11/2018.
    Hãng tin CNN của Mỹ, vào ngày 29/11/2018 loan tin rằng tuần dương hạm mang tên lửa USS Chancellorsville đã đi tuần tra sát quần đảo Hoàng Sa vào hôm ngày thứ hai 26/11.

    Phát ngôn nhân Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, ông Nathan Christensen được dẫn lời rằng hải trình lần này của tàu chiến Mỹ là để thách thức những tuyên bố lãnh hải vô lý, cũng như bảo vệ quyền tự do hàng hải.

    Ông cũng nói rằng chuyện tàu Hải quân Mỹ đi lại hàng ngày tại Ấn Độ- Thái Bình Dương là hoạt động thông thường mà thôi.

    Các viên chức Mỹ có nói với CNN rằng Bắc Kinh đã gửi cho phía Hoa Kỳ một văn kiện ngoại giao để phản đối hoạt động tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải mới nhất tại Biển Đông mà Hải Quân Hoa Kỳ tiến hành.

    Vào ngày 30 tháng 11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng xác nhận biện pháp phản đối vừa nêu đối với phía Mỹ.

    Phát ngôn nhân Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lên tiếng trong cuộc họp báo thường nhật rằng tàu chiến Hoa Kỳ đã đi vào vùng biển của Hoa Lục mà không được phép.

    Còn phía Quân đội Trung Quốc thì cho biết có cử tàu chiến và máy bay ra để giám sát hoạt động của chiến hạm USS Chancellorsville, cũng như phát đi cảnh báo phải rời khỏi vùng biển Hoàng Sa.

    Diễn biến mới nhất vừa nêu diễn ra chỉ chưa đầy một tuần trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp bên lề hội nghị G20 tại Argentina. Đây là một diễn đàn kinh tế bao gồm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

    Như vậy là chỉ trong vòng hai tháng hải quân Mỹ đã liên tục thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải sát các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Hồi cuối tháng 9 vừa qua, chiến hạm Decatur của Mỹ đã đi vào quần đảo Trường Sa, gần các điểm mà Trung Quốc đang chiếm đóng. Tàu Trung Quốc đã đeo bám và thách thức tàu Mỹ ở cự ly gần mà Hoa Kỳ cho là rất nguy hiểm.

    Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền của họ đến 90% diện tích Biển Đông, trong đó họ đang chiếm đóng trọn quần đảo Hoàng Sa ở phía Bắc, và vào đảo nhỏ tại Trường Sa phía Nam.

    Tuy nhiên theo công ước về luật biển quốc tế thì xung quanh cácđảo đá và bãi cạn tại hai quần đảo này, quốc gia nào chiếm giữ cũng không thể tuyên bố chủ quyền của mình trên vùng biển xung quanh.

    Chiến dịch tự do hàng hải của hải quân Mỹ đã bắt đầu dưới thời Tổng thống Obama để thách thức tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc.

    Cũng liên quan đến Biển Đông, tờ Nikkei của Nhật Bản cho biết là Việt Nam và Nga đang xúc tiến các dự án khai thác khí đốt tại Biển Đông.

    Nikkei cho hay là vào đầu tháng 11 /2018 Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội để bàn về việc hợp tác khí đốt này.

    Trong cuộc gặp này Thủ tướng Phúc cũng đã nhắc đến sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và nói rằng các nước nên giải quyết bất đồng một cách hòa bình.

    Theo Nikkei, nước Nga đang cố gắng mở rộng sự hợp tác với Việt Nam một cầu nối với vùng Đông Nam Á để tránh sự cấm vận của Phương Tây, đồng thời muốn hợp tác với Việt Nam để tránh lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc về thương mại.

    Nhưng các dự án khí đốt tại Biển Đông rất dễ bị Trung Quốc phản đối vì sự tuyên bố chủ quyền gần như trọn Biển Đông của nước này.

    (RFA) 

    Không có nhận xét nào