Việc Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo “xử” Tất Thành Cang tại Hội Nghị Trung Ương 9 cho thấy quyết tâm rõ hơn và mạnh hơn của ông ta trong mục tiêu “xử” Lê Thanh Hải, dù chưa biết ông Trọng có chủ ý lấy lại công bằng cho hàng chục ngàn dân oan ở Thủ Thiêm hay không.
“Tôi còn anh còn, tôi chết anh chết”
Sau khi Lê Thanh Hải buộc phải rời khỏi vũ đài chính trị ngay trước đại hội 12 vào cuối năm 2015, nhân vật có giá nhất mà ông Hải “cài” lại là Tất Thành Cang. Vị trí của Cang khi đó tương đương với một quan chức cũng được xem là “đệ ruột” của Lê Thanh Hải là Nguyễn Văn Đua – phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM, đã nghỉ hưu. Ngay sau khi Đua nghỉ, Cang đã được cho trám chỗ.
Thậm chí, mắt xích Tất Thành Cang còn trở nên xung yếu đến mức mang tính sống còn, trong bối cảnh “lò” của Nguyễn Phú Trọng bắt đầu lan đến Sài Gòn vào đầu năm 2018 và bắt đầu cháy mạnh vào cuối năm 2018, với một trong những mục tiêu chính là Lê Thanh Hải và phe cánh chính trị của “bố già” này.
Lê Thanh Hải – với tư cách là “cá mập” và từ nhiều năm qua được đồn đoán là một trong những quan chức cộng sản “mập” nhất ở Việt Nam, còn phải đối phó với chiến dịch “cá mập nuốt nhau” – gây ra bởi những nhóm quyền lực và lợi ích mới người Bắc trong cuộc xung sát ghê gớm cùng lòng tham ngút trời tại Sài Gòn – thủ phủ của rất nhiều mảnh đất vàng.
Nhưng trong gần năm 2018, nhiều khả năng Tất Thành Cang đã dùng vai trò phó bí thư thường trực thành ủy để che chắn cho Lê Thanh Hải khỏi những rủi ro chính trị và cả rủi ro mất tiền.
Vào thời còn là bí thư quận 2 (nơi có dự án khu đô thị Thủ Thiêm), và sau đó là phó chủ tịch thành phố phụ trách về đô thị, Tất Thành Cang đã trở thành cánh tay đắc lực của Lê Thanh Hải để quy hoạch và giải tỏa lố 160 hécta đất, cưỡng chế đẩy đuổi hàng chục ngàn người dân Thủ Thiêm khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất của họ, dẫn đến nhiều cái chết của người dân bởi quá phẫn uất.
Còn Lê Thanh Hải – vào thời còn là chủ tịch thành phố, đã “dọn đường” cho việc thay đổi quy hoạch Thủ Thiêm giải tỏa lố sang 160 hécta đất mà trước đó dùng làm khu vực tái định cư cho dân, đẩy đuổi thêm nhiều ngàn người dân Thủ Thiêm khỏi nơi ở và cũng là chỗ sinh nhai duy nhất của họ.
Mối quan hệ Hải – Cang cũng bởi thế đã trở thành hữu cơ và gắn bó đến độ “tôi còn anh còn, tôi chết anh chết.”
Mất sạch “đệ ruột”
Đến nay, Lê Thanh Hải đã mất khá nhiều “đệ ruột,” bao gồm những cái tên Nguyễn Hữu Tín và Nguyễn Thành Tài – hai cựu phó chủ tịch thành phố đã bị khởi tố và tống giam, và bây giờ đến lượt Tất Thành Cang.
Cả Nguyễn Hữu Tín và Nguyễn Thành Tài đều dính đậm vào những vụ bán đất vàng và tài sản công, liên quan đến một quan chức tình báo nổi tiếng gom đất vàng của Bộ Công An là Vũ “Nhôm” và những đại gia khác. Sau một thời gian chững lại với không ít hy vọng được “tại ngoại” hoặc thậm chí có thể “qua cầu,” hai quan chức này đã phải tra tay vào còng. Không biết vô tình hay hữu ý, cảnh nạn này lại xảy ra ngay sau cái chết đầy nghi vấn của cựu bộ trưởng công an và đương kim chủ tịch nước là Trần Đại Quang.
Cho đến lúc này, không còn hoài nghi gì nữa, Nguyễn Phú Trọng đã mở màn chiến dịch “chống tham nhũng” của ông ta với giai đoạn 3 “đốt lò” ngay tại Sài Gòn – một cứ điểm của phe cánh chính trị Lê Thanh Hải và Nguyễn Tấn Dũng, và cuộc xung sát khó lửa này sẽ có thể tưng bừng trong nguyên năm 2019.
Chưa bao giờ trong triều đại gần hai chục năm trời thống trị Sài Gòn và nổi lên cầu vồng chính trường như một ngôi sao mập ú mang tên “Hai Đê” (Đất – Đô), phe nhóm chính trị của cựu ủy viên bộ chính trị, cựu chủ tịch và cựu bí thư thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải lại rớt xuống sát với mặt đất để gần với vực thẳm hơn bao giờ hết vào năm 2018 này.
Lê Thanh Hải không chỉ được đồn đoán là một trong những “tư bản đỏ” kếch xù nhất trên rẻo đất chữ S quằn quại đau thương của hàng triệu dân oan đất đai, mà có lẽ còn là cái tên ngự ngay ở tốp đầu trong bản “danh sách tử thần” của Nguyễn Phú Trọng: danh sách những quan chức mà nếu bị “mổ” theo cách không kịp và không thể tẩu tán tài sản cá nhân thì đảng của ông Trọng sẽ có thể “thu hồi tài sản tham nhũng” từ $3 đến $5 tỷ mỗi năm – một thành tích không quá tệ so với việc Tập Cận Bình đã từng xử chung thân và tịch thu tài sản của “bạn” của Lê Thanh Hải là Bộ Trưởng Công An Chu Vĩnh Khang, cùng lúc trám bớt vào cái lỗ trống toang hoác của nền ngân sách Việt Nam đang lao vào thời kỳ hộc rỗng đen tối.
Thời “Hậu Quang,” với ngày càng nhiều tín hiệu và chỉ dấu về một cuộc tổng công kích lớn và hầu như không hoài nghi sẽ diễn ra của “Tổng Chủ” Nguyễn Phú Trọng vào Sài Gòn nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung mà gần như không còn gặp lực cản phá đáng kể nào. Tình cảnh của phe nhóm quan chức miền Nam vừa ăn ngập mặt vừa “thiếu lý luận” giờ đây có thể được mô tả như “thân ai người đó lo, hồn ai người đó giữ,” hay nói trắng ra thì chẳng còn tồn tại phe nhóm nào – một hình ảnh tan rã và phân hủy tự nhiên lẫn cay đắng rất đặc trưng của hình thái chất thải so với thời oan liệt “còn bạc còn quyền còn đệ tử” của nó cách đây ba năm.
Những vụ bắt Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài và kỷ luật Tất Thành Cang mới chỉ là sự khởi đầu.
Ác giả ác báo – kẻ thứ hai phá chùa Liên Trì
Tuy Tất Thành Cang chưa bị bắt, nhưng với quá nhiều dấu hiệu ốc ý làm trái ở vụ bán 32 đất Nhà Bè, vụ 4 con đường Thủ Thiêm có giá thành xây dựng không tưởng đến 1,000 tỷ đồng mỗi km, và vụ mới nhất là tuyến Metro số 1 đội vốn đến hơn ba chục ngàn tỷ đồng, nhiều khả năng Tất Thành Cang sẽ không thể tránh được số kiếp lao lý.
Việc Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo “xử” Tất Thành Cang tại Hội Nghị Trung Ương 9 cho thấy quyết tâm rõ hơn và mạnh hơn của ông ta trong mục tiêu “xử” Lê Thanh Hải, dù chưa biết ông Trọng có chủ ý lấy lại công bằng cho hàng chục ngàn dân oan ở Thủ Thiêm hay không.
Một năm trước, Thành Ủy TP.HCM đã phải chịu “hạn lớn” khi bí thư thành ủy khi đó là Đinh La Thăng bất ngờ bị loại khỏi Bộ Chính Trị, để đến cuối năm 2017 phải tra tay vào còng.
Phạm Chí Dũng
Người Việt
Không có nhận xét nào