Giữa tháng 10 năm 2018, nhà nghiên cứu
Việt Nam Carlyle A. Thayer đưa tin rằng Việt Nam đã lặng lẽ hủy bỏ mười
lăm hoạt động giao lưu quốc phòng với Hoa Kỳ đã được lên kế hoạch cho
năm 2019, bao gồm các trao đổi về lục quân, hải quân và không quân. Nếu
xét sự hợp tác chiến lược mạnh mẽ giữa hai nước trong những năm gần đây,
bất chấp những bất định mà chính quyền Trump tạo ra, thì quyết định của
Việt Nam đã khiến nhiều người băn khoăn. Vậy điều gì có thể lý giải cho
sự thay đổi thái độ đột ngột này của Việt Nam?
Quyết
định này có thể liên quan đến những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm vận động
Việt Nam giảm mua thiết bị quân sự và vũ khí của Nga và chuyển sang mua
từ Mỹ. Việt Nam có thể đã xem động thái này như là một sự can thiệp vào
công việc nội bộ của mình. Lý do này hoàn toàn có cơ sở bởi Quốc hội Hoa
Kỳ đã thông qua Đạo luật chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua trừng
phạt (CAATSA) nhằm trừng phạt các quốc gia mua sắm vũ khí và thiết bị
quân sự từ Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis đã tìm cách
thuyết phục Quốc hội miễn áp dụng luật này đối với Việt Nam, vốn đã nhập
tới 90% số vũ khí và thiết bị quân sự từ Nga. Tuy nhiên vẫn chưa có
quyết định cuối cùng nào được đưa ra. Do đó, Việt Nam có thể đã hủy các
giao lưu quốc phòng dự kiến với Mỹ như một chiến thuật đàm phán để đảm
bảo rằng Washington sẽ không áp dụng đạo luật này đối với Việt Nam.
Đồng
thời, quyết định này cũng có thể là một trong những phản ứng của Hà Nội
đối với sự cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung
Quốc. Khi cuộc đối đầu giữa hai người khổng lồ ngày càng trở nên rõ
ràng hơn, Hà Nội có thể thấy nhận thấy khó có thể củng cố quan hệ quốc
phòng với một cường quốc này mà không làm cho cường quốc kia phật lòng.
Đối mặt với rủi ro này, Hà Nội có thể đã chọn trì hoãn hợp tác quốc
phòng với Mỹ, ít nhất là tạm thời, để không làm Bắc Kinh phật ý.
Cuối
cùng, tình hình tương đối tĩnh lặng hơn ở Biển Đông trong những tháng
gần đây và các động thái ngoại giao của Bắc Kinh, như việc nêu mục tiêu
đạt được thỏa thuận với các nước ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển
Đông trong vòng ba năm tới, có thể là một yếu tố khác khuyến khích Hà
Nội làm chậm lại việc tăng cường quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ. Suy cho
cùng, miễn là lợi ích quốc gia của Việt Nam ở Biển Đông được đảm bảo, Hà
Nội sẽ không muốn từ bỏ chính sách lâu nay trong việc duy trì sự cân
bằng giữa Bắc Kinh và Washington. Nói cách khác, nếu Trung Quốc chấp
nhận một lập trường mang tính thỏa hiệp hơn đối với tranh chấp Biển
Đông, Hà Nội sẽ không sẵn sàng xích lại quá gần Hoa Kỳ.
Quyết
định của Hà Nội sẽ tác động tới triển vọng hợp tác chiến lược giữa Mỹ
và Việt Nam tới đâu vẫn là một điều chưa rõ ràng. Liệu Việt Nam có đảo
ngược quyết định trên và tiếp tục đẩy mạnh quan hệ quốc phòng với Mỹ hay
không sẽ phụ thuộc vào chính các yếu tố có thể đã làm chậm lại quá
trình đó: a) liệu Hoa Kỳ có miễn áp dụng Đạo luật CAATSA đối với Việt
Nam hay không; b) xu hướng tương lai của cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung,
và c) liệu Trung Quốc có hung hăng trở lại trên Biển Đông hay không.
Trong
khi câu hỏi đầu tiên là một câu hỏi ngắn hạn có thể sớm được trả lời
thì hai câu hỏi còn lại có nhiều sự bất định hơn. Trong trường hợp
Washington đồng ý miễn áp dụng Đạo luật CAATSA cho Việt Nam nhưng Hà Nội
vẫn tiếp tục hủy bỏ hoặc trì hoãn các hoạt động hợp tác quân sự có ý
nghĩa với Hoa Kỳ thì chúng ta có thể kết luận rằng lý do chính khiến
Việt Nam không muốn tăng cường hợp tác quốc phòng với Washington là vì
sợ làm phật lòng Bắc Kinh. Trong trường hợp đó, do cạnh tranh chiến lược
giữa Mỹ và Trung Quốc rất có thể sẽ tiếp tục tồn tại lâu dài, các hành
động của Trung Quốc trên Biển Đông có thể trở thành yếu tố quan trọng
nhất quyết định quỹ đạo tương lai của quan hệ hợp tác quốc phòng Việt
Nam – Hoa Kỳ.
Lê Hồng Hiệp
Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên ISEAS Commentary.
(Nghiên cứu Quốc tế)
Không có nhận xét nào