Số lượng người gốc Việt bị Mỹ trục
xuất trong năm 2018 tăng hơn 70 phần trăm so với năm trước, theo một báo
cáo của cơ quan thi hành di trú liên bang, tiếp tục mức tăng mạnh dưới
thời chính quyền Trump vốn đang ráo riết xúc tiến chính sách di trú khắt
khe hơn.
Chính quyền Trump giờ đang diễn dịch lại thỏa thuận năm 2008 giữa Mỹ và Việt Nam bảo vệ những người Việt tị nạn chiến tranh đến Mỹ trước năm 1995 khỏi bị trục xuất. |
Báo
cáo được công bố giữa lúc nhiều bản tin của giới truyền thông trong
tuần này cho biết chính quyền Trump sẽ tái tục việc trục xuất về Việt
Nam một số người tị nạn chiến tranh đến Mỹ trước năm 1995, bất chấp một
thỏa thuận mà hai nước đã kí vào năm 2008 cung cấp sự bảo vệ cho những
người này.
Trong
năm tài chính 2018, Cơ quan Thi hành Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) đã
trục xuất 122 người được xác định mang quốc tịch Việt Nam, tăng lên từ
mức 71 người trong năm tài chính 2017, theo báo cáo tổng kết của cơ quan
công bố hôm thứ Sáu. Con số này trong năm 2016 là 35 người, 32 người
năm 2015 và 48 người năm 2014, năm đầu tiên mà ICE liệt kê cụ thể số
lượng người bị trục xuất theo nước mà họ mang quốc tịch.
Không
rõ trong số 122 người này có bao nhiêu người đến Mỹ trước năm 1995,
thời điểm mà Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao. VOA
không thể liên lạc được ngay với ICE để yêu cầu cung cấp con số cụ thể,
nhưng BuzzFeed News tuần này cho biết 11 người đến Mỹ trước 1995 đã bị
trục xuất kể từ tháng 7 năm 2017, theo số liệu mà ICE cung cấp tại tòa
án trong các vụ kiện tụng.
Tuy
nhiên trong số 86 yêu cầu trục xuất mà Mỹ đã chuyển cho Việt Nam trong
năm nay, chỉ có một yêu cầu được chấp thuận, BuzzFeed News cho biết.
Nguồn: Cơ quan Thi hành Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) |
The
Atlantic hôm thứ Tư loan tin chính quyền Trump đã tái tục chính sách
trục xuất một số người nhập cư gốc Việt mà họ đã lặng lẽ rút lại vào
tháng 8. Tạp chí này dẫn lời một phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ ở Hà
Nội nói rằng chính quyền Trump giờ diễn dịch lại thỏa thuận 2008 rằng nó
không áp dụng cho những người không có giấy tờ hoặc phạm tội hình sự.
Một
phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã
gặp các đại diện của sứ quán Việt Nam ở Washington nhưng từ chối cho
biết thêm chi tiết về thời gian và địa điểm, cũng như những gì đã được
bàn thảo tại các cuộc thương lượng đó, theo The Atlantic.
“Hiện
đang có 5.000 người ngoại quốc từ Việt Nam phạm tội hình sự đã bị kết
án với lệnh trục xuất cuối cùng – những người này không phải là công dân
Mỹ và đã bị bắt giữ, kết án và cuối cùng bị một thẩm phán di trú liên
bang ra lệnh trục xuất dưới thời các chính quyền tiền nhiệm," Katie
Waldman, một phát ngôn viên của Bộ An ninh Nội địa, được dẫn lời nói.
“Ưu tiên của chính quyền này là trục xuất những người ngoại quốc phạm
tội hình sự trở về đất nước quê nhà của họ.”
Tin
tức này đã khơi ra chỉ trích từ các nhà lập pháp Mỹ, phần lớn theo Đảng
Dân chủ, đại diện những khu vực đông người Việt sinh sống. Trong một
bức thư đề ngày 13 tháng 12, họ mạnh mẽ chống đối việc chính quyền
thương thuyết lại thỏa thuận 2008 và hối thúc ông Trump “tôn trọng tinh
thần nhân đạo” của nó.
Truyền
thông ở Mỹ cũng tường trình dồn dập về diễn biến này trên báo đài tiếng
Anh trong những ngày qua, từ vùng thủ đô Washington cho tới khu Little
Saigon ở miền nam California. Đa phần những cư dân người Việt được phỏng
vấn bày tỏ sự bất mãn, chống đối và lo ngại về những gì có thể xảy ra
sắp tới.
“Tôi
hoàn toàn không đồng tình với [chính sách đó],” một người phụ nữ nói
với đài FOX 5 DC tại khu trung tâm thương mại Eden ở thành phố Falls
Church, bang Virginia. “Chúng tôi đóng thuế và giúp hỗ trợ cộng đồng của
mình mà.”
Madison
Nguyễn, người từng là phó thị trưởng San Jose ở bắc California, được
báo The San Francisco Chronicle dẫn lời nói rằng lật ngược thỏa thuận
2008 sẽ làm tan nát các gia đình trong cộng đồng người Việt ở Mỹ.
“Chuyện đó rõ ràng là đáng hổ thẹn và tàn ác,” bà nói.
Tùng
Nguyễn, 43 tuổi, từng bị thọ án 18 năm tù vì dính líu trong một vụ cướp
của và giết người năm 16 tuổi, giờ tích cực vận động cho trẻ vị thành
niên dính vào vòng tù tội. Bị trục xuất là nỗi lo sợ thường trực của
anh.
“Bây
giờ Trump muốn tiếp tục gán cho chúng tôi là tội phạm vì điều mà chúng
tôi đã làm lúc còn nhỏ,” anh Tùng trả lời phỏng vấn của đài CBS Los
Angeles. “Vấn đề là nếu chúng tôi ra tù mà vẫn tiếp tục phạm tội thì rõ
ràng chúng tôi đáng phải chịu như vậy. Nhưng 20, 25 năm rồi chúng tôi
chẳng phạm tội gì cả, chúng tôi sống cuộc đời bình thường,”
“Điều tôi muốn nói là, hãy nhìn con người tôi bây giờ này,” anh nói.
(VOA)
Không có nhận xét nào