Header Ads

  • Breaking News

    Quy tắc sử dụng Mạng Xã Hội: thêm ‘vòng kim cô’ đối với báo chí Việt Nam

    Tôi nghĩ rằng nhà báo cũng là một công dân cũng chịu hình phạt của bộ luật hình sự cho nên động tác của hội nhà báo đưa ra là thừa và không cần thiết, bó hẹp quyền công dân của nhà báo, nhà báo cũng là công dân đúng ra nhà báo phải có quyền lực lớn hơn, được ưu ái hơn về quyền lực nay còn thua kém cả một công dân thì tôi thấy nó không hợp lý.

    Quy tắc sử dụng Mạng Xã Hội: thêm ‘vòng kim cô’ đối với báo chí Việt Nam/Ảnh minh họa.

    Việc làm bất thường


    Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe
    Theo văn bản của Bộ quy tắc, người làm báo không được đăng tải, gỡ bài viết, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội vì mục đích tống tiền hoặc các mục đích không trong sáng khác; không đưa ra các quan điểm, chia sẻ cá nhân, hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trái với nội dung, quan điểm của tác phẩm báo chí mà bản thân đã viết, đăng tải và trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác.

    Các nhà báo Việt Nam không được bình luận, nhận xét, chia sẻ các thông tin mang với mục đích kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại có yếu tố phức tạp, nhạy cảm, thái độ tích cực mang tính xây dựng của cộng đồng và sự đồng thuận xã hội.

    Người làm báo còn không được thông tin vụ việc chưa kiểm chứng, gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế, xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ; gây tổn hại về thể chất, danh dự, nhân phẩm của công dân...

    Đây là các nội dung chính trong 8 điều quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của nhà báo do Hội Nhà báo Việt Nam công bố và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

    Đấy là trò để lừa dân người ta không biết gì thôi, còn những nhà báo những người có trình độ là người ta thừa biết đó chỉ là nhũng trò vớ vẩn mà thôi, ấu trĩ của cơ quan lập ra.

    - NB. Phạm Thành
    Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang khẳng định với chúng tôi rằng điều này không được bình thường, vì nhà báo cũng là công dân mà tất cả điều luật đối với công dân đều đã có rồi nên việc ban hành quy định này là điều dư thừa và không cần thiết.

    “Tôi nghĩ rằng nhà báo cũng là một công dân cũng chịu hình phạt của bộ luật hình sự cho nên động tác của hội nhà báo đưa ra là thừa và không cần thiết, bó hẹp quyền công dân của nhà báo, nhà báo cũng là công dân đúng ra nhà báo phải có quyền lực lớn hơn, được ưu ái hơn về quyền lực nay còn thua kém cả một công dân thì tôi thấy nó không hợp lý.”

    Ngoài ra, nhà báo Võ Văn Tạo còn nói thêm rằng nhà nước do Đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo nên họ muốn quy định điều gì thì họ sẽ ra quy định chứ không cần nó có hợp lý hay không và nhà nước không quan tâm đến việc đó.

    Còn đối với nhà báo Phạm Thành, chủ trang mạng Bà Đầm Xòe thì quy định của Hội Nhà Báo vừa nêu chỉ là trò lừa dân và vớ vẩn của cơ quan lập ra. Ông cho hay:

    “Tưởng như là nếu là bạn đọc thông thường thì cho rằng đó là một quy định tốt cho người nghe về những thông tin sạch thông tin đúng cho người cần được tiếp cận nhưng đấy chỉ là tư duy ấu trĩ thôi, đó là không biết tình hình của các quan chức cộng sản tự cho mình là thông tin đúng thôi. Đấy là trò để lừa dân người ta không biết gì thôi, còn những nhà báo những người có trình độ là người ta thừa biết đó chỉ là nhũng trò vớ vẩn mà thôi, ấu trĩ của cơ quan lập ra. Thế nhưng nó lại có tác dụng răn đe một số nhà báo tự do run sợ đi, không dám mạnh dạng tự tin vào mình nữa.”

    Đồng thời, nhà báo Phạm Thành còn trao đổi thêm rằng, hiện nay thông tin lan truyền trên mạng cơ bản 90% là đúng sự thật, bình luận từ 70-80% đúng với thực tế, nếu thông tin liên tục như thế sẽ tạo được lòng tin chứ không cần truyền thông nhà nước chính thống.

    Qui định khó thực thi

    Ảnh minh họa.
    Tại buổi công bố quy tắc sử dụng mạng xã hội đối với người làm báo Việt Nam, ông Hồ Quang Lợi phó chủ tịch hội nhà báo Việt Nam nhấn mạnh rằng: việc ban hành quy tắc là cơ sở quan trọng để hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp ở các cấp để xử lý những hành vi vi phạm đạo đức của người làm báo khi tham gia mạng xã hội.

    Nhà báo Võ Văn Tạo khẳng định rằng, ông hoàn toàn không đồng ý với điều đó bởi vì đạo đức nhà báo không phải nằm ở chuyện đó. Ông giải thích:

    “Tôi nghĩ là đạo đức báo chí không phải là chỗ đó, mà đạo đức là anh có đưa tin đúng sự thật hay không, khách quan hay không có vậy thôi. Thế còn nói theo quan điểm chính trị này, chính trị kia thì chuyện đó không phải là đạo đức gì cả. Mà ở Việt Nam thì cứ quy vào việc chính trị, cái gì cũng chính trị hóa hết lạ lùng là ở chỗ đó. Thế nên nhiều người bị trừng phạt oan uổng với những việc chính trị hóa mọi lĩnh vực đời sống xã hội.”

    Còn nhà báo Phạm Thành thì cho rằng đó chỉ là trò mà người xưa gọi là “bắt cóc bỏ đĩa”, bởi vì theo nhà báo việc đưa nguồn tin lên mạng là một điều không khó và có nhiều cách khác nhau. Cho nên để quy định chế tài xử lý các nhà báo như vậy là việc vô cùng khó và bất khả thi.

    “Bởi vì người ta có thể cung cấp thông tin cho bạn bè chiến hữu hoặc thậm chí họ lập một nick khác họ đưa lên thì cái đó cũng chỉ là dọa vớ vẫn thôi, mấy trò trẻ con thôi. Và nó cũng thể hiện một cái sự bất lực trong quản lý yếu kém, trong nền tảng thông tin bùng nổ, không chạy theo kỹ thuật đó để quản lý như thế nào cho đúng thì lại gom lại bắt người ta bưng bít thông tin của chế độ cộng sản độc tài lâu nó vẫn làm như vậy. Cho nên bắt được một người như thế là vô cùng khó khăn, làm sao bắt được.”

    Bộ Quy tắc Sử dụng Mạng Xã Hội đối với nhà báo được đưa và có hiệu lực trùng với thời điểm Luật An Ninh Mạng của Việt Nam được thi hành.

    Giới quan tâm cả trong và ngoài nước đều cho rằng những biện pháp như thế đều nhằm xiết chặt quyền tự do ngôn luận mà báo giới cũng không là ngoại lệ.


    RFA

    Không có nhận xét nào