Khoảng thời gian cuối tháng Mười Một
năm 2018 đã chứng kiến một hiện tượng lạ: một trong những lần thật hiếm
hoi, vài tờ báo nhà nước ở Việt Nam công khai hoạt động “Trung đoàn 921
về Yên Bái: Su-22 đoàn KQ Sao Đỏ rời Hà Nội, lên chốt giữ vùng Tây Bắc” -
theo Soha.vn.
Máy bay huấn luyện của Việt Nam rơi ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An hôm 26/7/2018. Photo Zing.vn |
Chủ ý ‘làm lộ bí mật nhà nước’?
Theo
bản tin còn hơn cả đặc biệt trên, toàn bộ lực lượng máy bay Su-22, phi
công, thợ máy và vũ khí, trang bị của Trung đoàn 921 đã chuyển sân từ
Nội Bài về Yên Bái làm nhiệm vụ canh trời Tây Bắc của Tổ quốc. Sân bay
Yên Bái trước đây là căn cứ của Trung đoàn không quân 931 (nay đã giải
thể) sử dụng tiêm kích MiG-21. Để đón các máy bay Su-22 của Trung đoàn
không quân 921, sân bay Yên Bái đã được đầu tư lớn để nâng cấp, kéo dài
đường băng, xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ đơn vị đóng quân lâu
dài…
Vì
sao báo chí nhà nước lại dám công bố sự kiện trên khi việc bố trí lực
lượng quân sự và các kế hoạch chuyển quân, dù vào thời bình, vẫn thuộc
loại bí mật quân sự và được xếp trong danh mục bảo vệ bí mật của Bộ Quốc
phòng? Vì sao những tờ báo này lại không sợ bị truy tố vì ‘cố ý làm lộ
bí mật nhà nước’?
Việc
công bố trên càng trở nên lạ lùng khi từ trước tới nay trên mặt báo chí
nhà nước cực kỳ hiếm thông tin chuyển quân loại này, dù đôi khi mạng xã
hội đã phát hiện vài dấu hiệu và biểu hiện cho thấy có những cuộc vận
chuyển khí tài quân sự từ Bắc và Nam hoặc theo chiều ngược lại.
Khách
quan mà xét, có thể cho rằng cuộc chuyển quân của đoàn không quân Sao
Đỏ là hết sức bình thường và bản tin của Soha.vn cũng là chẳng có gì đặc
biệt, nếu không vướng vào yếu tố… Trung Quốc.
Hiện
tượng trên lại có nét khá tương đồng với một sự kiện khác xảy ra vào
năm 2016, chỉ có điều mãi cho đến nay vẫn chưa hề được Bộ Quốc phòng
Việt Nam hay bất kỳ tờ báo nhà nước nào công bố.
Tên lửa và dầu khí
Để
đối chọi với những quả tên lửa mà Trung Quốc đưa ra đảo Phú Lâm thuộc
quần đảo Hoàng Sa, quân đội Việt Nam đã âm thầm đưa tên lửa ra quần đảo
Trường Sa vào năm 2016. Nhưng điều lạ lùng là tin tức về chuyện Việt Nam
“can đảm” mang tên lửa ra Trường Sa không phải được công bố bởi Bộ Quốc
Phòng của viên tướng được một số người xem là “quan văn” - ông Ngô Xuân
Lịch, mà lại được tiết lộ vào tháng Tám năm 2016 bởi hãng tin Anh
Reuters, dẫn nguồn từ một “thông tin tình báo,” cho thấy Hà Nội đã vận
chuyển các giàn phóng tên lửa từ đất liền tới 5 căn cứ ở quần đảo Trường
Sa.
Bản
tin của Reuters dẫn rằng Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng
Nguyễn Chí Vịnh, đã nói với Reuters tại Singapore hồi tháng Sáu năm 2016
rằng Hà Nội không có giàn phóng tên lửa hay vũ khí như thế tại Trường
Sa, nhưng bảo lưu quyền thực hiện bất kỳ biện pháp nào. Nguyên văn lời
nói của tướng Vịnh là: “Di chuyển bất kỳ loại vũ khí nào đến bất kỳ khu
vực vào bất kỳ lúc nào trong vùng lãnh thổ có chủ quyền của chúng tôi là
quyền hợp pháp của chúng tôi”. Đây là một khẩu khí “lạ” của tướng Vịnh.
Trước đây chưa từng xuất hiện những ngôn từ này nơi viên tướng bị coi
là rất thiếu minh bạch về quan điểm đối ngoại.
Việc
Việt Nam đưa tên lửa ra Trường Sa nằm trong bầu không khí quan hệ Việt -
Trung có phần căng thẳng, Trung Quốc liên tiếp xua tàu hải giám và tàu
cá vào Biển Đông để gây hấn và bắn giết ngư dân Việt. Cũng khi đó, những
mỏ dầu khí mà Việt Nam dự kiến khai thác như Cá Rồng Đỏ (liên doanh với
Công ty Repsol của Tây Ban Nha) và Lan Đỏ (liên doanh với Tập đoàn dầu
khí Rosneft của Nga) đều bị Trung Quốc đặt vào tầm ngắm và chuẩn bị đe
dọa. Sang năm 2017, Repsol đã chính thức thất thủ và phải cuốn cờ tháo
chạy khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ bởi có đến vài trăm tàu Trung Quốc bao vây mỏ
dầu khí này. Thậm chí hải quân Trung Quốc còn đe dọa sẽ tấn công quần
đảo Trường Sa nếu Việt Nam khai thác Cá Rồng Đỏ.
Năm
2018, Việt Nam lại âm thầm định cùng Repsol khai thác Cá Rồng Đỏ. Nhưng
một lần nữa, kế hoạch này lại thất bại thê thảm bởi ‘đồng chí tốt’
Trung Quốc.
Cho
tới nay, toàn bộ các mỏ Cá Rồng Đỏ, Lan Đỏ và kể cả mỏ Cá Voi Xanh ở
ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi đều đang bị đình hoãn khai thác.
Những
biểu hiện về ‘chiến tranh dầu khí’ giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển
Đông là ngày càng rõ ràng. Nhưng liệu còn những dấu hiệu và tín hiệu nào
khác về một cuộc xung đột quân sự trên đất liền trong tương lai không
xa?
Một chỉ dấu tiền chiến tranh?
Cho
tới hôm nay, bản tin “Trung đoàn 921 về Yên Bái: Su-22 đoàn KQ Sao Đỏ
rời Hà Nội, lên chốt giữ vùng Tây Bắc” của trang Soha.vn đã tồn tại được
nhiều ngày, trong khi rất nhiều trường hợp báo nhà nước phải gỡ những
bài ‘nhạy cảm’ chỉ sau vài giờ đồng hồ đăng tải trên mạng do lệnh miệng
của Ban Tuyên giáo trung ương - một thứ vòng kim cô tư tưởng như một đặc
thù không thể thiếu của ‘nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa’ ở Việt
Nam.
Do
vậy, chỉ có thể cho rằng bản tin trên của Soha.vn được bật đèn xanh của
không chỉ ban Tuyên giáo trung ương mà còn cả từ cấp cao hơn - Bộ Quốc
phòng, Thường trực ban bí thư và thậm chí cả bí thư quân ủy trung ương
Nguyễn Phú Trọng.
Rất
có thể, mối quan hệ ‘mười sáu chữ vàng’ Việt - Trung và cả vài cuộc
giao lưu quốc phòng vừa diễn ra giữa quân đội ‘hai nước anh em xã hội
chủ nghĩa’ đã chỉ có ý nghĩa như một bức tranh che đậy cái vùng phía sau
của nó đang đen dần, như một cơn giông tố đang hình thành và lừ lừ trùm
lên vùng biên giới phía Bắc Việt Nam, nhất mà vùng Tây Bắc - nơi mà
‘’đoàn không quân Sao Đỏ anh hùng’’ vừa được chuyển đến để ‘làm nhiệm vụ
canh trời Tây Bắc của Tổ quốc’.
Cũng
rất có thể, Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng quân ủy trung ương của ông
Nguyễn Phú Trọng - bằng chỉ đạo cho công khai cuộc chuyển quân của đoàn
không quân Sao Đỏ lên vùng Tây Bắc - đang muốn lặp lại chiến thuật ‘răn
đe Trung Quốc’ khi Việt Nam mời cả một hàng không mẫu hạm của quân đội
Hoa Kỳ - USS Carl Vinson - đến ‘giao lưu quân sự’ tại cảng Đà Nẵng vào
tháng Ba năm 2018.
“Nói
về Không quân Việt Nam, không thể không nhắc tới Trung đoàn 921 - Đoàn
không quân Sao Đỏ, anh cả của lực lượng không quân tiêm kích Việt Nam
với những chiến công lẫy lừng, khiến những phi công sừng sỏ của Không
quân và Không quân hải quân Mỹ phải khiếp sợ và nể phục” - Soha.vn kết
thúc bản tin.
Chỉ
có điều cho tới nay Bộ Quốc phòng và báo chí nhà nước Việt vẫn tuyệt
đối câm lặng về vụ có đến hai chiếc Su-22 và một máy bay CASA của không
quân Việt Nam bị ‘rơi’ vào giữa năm 2016. Quá nhiều bí ẩn của vụ việc
này vẫn được cố thủ trong ngăn kéo. Nhưng nhiều thông tin ngoài lề cho
biết thủ phạm bắn rơi Su-22 của Việt Nam, không phải ai khác, chính là
‘’bạn vàng’’ Trung Quốc.
Chưa
kể một chiếc Su khác - có được từ tiền đóng thuế của hàng triệu dân
Việt - bị rơi thật - tức tự rơi mà chẳng bị kẻ nào bắn phá - vào tháng
Bảy năm 2018 tại Nghệ An, mà chỉ có thể kết luận rằng trình độ lái máy
bay, điều hành bay và có thể cả khả năng tác chiến trên không của không
quân Việt Nam là ‘trên cả tuyệt vời’.
Phạm Chí Dũng
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào