Header Ads

  • Breaking News

    Nhà báo VN: 4 điểm 'cần làm' và 8 điểm 'không được' trên mạng xã hội

    Hội nhà báo Việt Nam vừa công bố "Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam", áp dụng cho cả nhà báo có thẻ và "chưa được cấp thẻ", những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí nói chung.

    Ảnh minh họa
    Có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, bộ quy tắc nêu ra bốn điểm 'cần làm' và tám điểm 'không được làm' khi những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí tham gia mạng xã hội.

    Trong số những điểm 'cần làm', có yêu cầu phải "chia sẻ, đăng tải, cung cấp, định hướng thông tin có ích cho xã hội và đất nước", và "thông báo cho cơ quan có thẩm quyền những thông tin sai sự thật bị phát tán trên mạng xã hội có ảnh hưởng xấu, gây tổn hại đến lợi ích của cộng đồng, đất nước, uy tín của tổ chức, cá nhân".

    Trong danh sách những điểm 'không được làm', các nhà báo khi tham gia mạng xã hội được yêu cầu không đăng tải, trích dẫn tin, bài, hình ảnh, ý kiến, cũng không được bình luận hoặc nêu quan điểm cá nhân "trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước" hoặc "trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác".

    Họ cũng không được bình luận, nhận xét, chia sẻ thông tin "có mục đích kích động" hoặc "lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực" đối với các vấn đề "có yếu tố phức tạp nhạy cảm" liên quan tới chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại, bên cạnh các vấn đề khác.
    'Tác động tới những người làm cho báo chí chính thống'

    Những quy tắc này sẽ "trở thành cơ sở để Hội Nhà báo Việt Nam tước thẻ của những nhà báo mà họ cho là vi phạm quy tắc của hội", nhà báo, cây viết tự do Khải Đơn nói với BBC.

    Việc hạn chế quyền bình luận, chia sẻ thông tin như trên sẽ khiến Facebook, không gian để các nhà báo thảo luận tự do, yếu dần và biến mất, nhà báo Khải Đơn nói thêm.

    "Nếu các nhà báo hoàn toàn ngưng đăng tải livestream, các bình luận hay đăng các văn bản (dù là được công khai) trên Facebook cá nhân, sức mạnh của việc đào sâu các thông tin đang gây tranh cãi sẽ bị dìm xuống vì trên mặt báo chắc chắn nhà báo sẽ không thể đăng tải những gì họ cần nói và biết rõ," nhà báo Khải Đơn bình luận.

    Quy định này có thể không ảnh hưởng tới các nhà báo độc lập, nhà báo Khải Đơn nhận xét, nhưng sẽ ảnh hưởng rõ nét tới các nhà báo đang làm việc trong các cơ quan báo chí chính thống.

    "Nếu đưa các thông tin bị cấm cản lên mạng xã hội, họ sẽ có nguy cơ bị phạt hoặc bị kiểm điểm, không thể tác nghiệp như trước."

    "Người làm báo Việt Nam vi phạm Quy tắc, tùy mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trong các cơ quan, đơn vị. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xem xét, xử lý theo Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam và quy định của pháp luật."

    (Theo "Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam")

    Nhà báo Khải Đơn cũng cho rằng cùng với việc chưa từng chủ động bảo vệ nhà báo khi họ bị tấn công cả về thể chất lẫn trên mạng, hay bị bắt giam oan sai, những quy định này một lần nữa "khẳng định Hội Nhà báo Việt nam sẽ không đứng về phía quyền lợi của nhà báo."

    Tuy nhiên, nhà báo Khải Đơn nhận xét việc yêu cầu nhà báo phải "phát hiện, khai thác có kiểm chứng, có chọn lọc thông tin về những vấn đề mới của xã hội để phục vụ tác nghiệp báo chí" là điều cần thiết, và đây sẽ là lần đầu tiên có quy định buộc quá trình tác nghiệp của phóng viên phải cân nhắc các yếu tố như fake news, tin giả, tin đồn, tin mang tính hãm hại bôi nhọ.

    Những tin tức dạng này "vốn trước đây được các trang tin điện tử tận dụng triệt để để kiếm view làm quảng cáo".


    Mạng xã hội nói gì?

    Một số Facebooker có lượng followers lớn cũng bày tỏ ý kiến trên trang cá nhân về quy định này.

    Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng quy định này "triệt tiêu phản biện".

    "Từ đó đưa đến hàng loạt sai phạm trong hệ thống cầm quyền, hàng loạt cán bộ tham ô nhũng nhiễu qua nhiều năm mà luôn được bưng bít," ông Chênh viết.

    "Dân oan khắp cả nước từ đây mà ra, tham ô hàng ngàn tỉ từ đây mà ra, các đại án từ đây mà ra, củi tràn ngập để ông Trọng có cớ đốt lò từ đây mà ra."

    "Và tương lai do không có phản biện xã hội, vì nhà báo còn bị bịt mồm thì ai dám lên tiếng, củi cứ tiếp tục sinh sôi tràn hê thì liệu việc đốt lò có ý nghĩa gì ngoài việc lấy cớ để đấu đá phe nhóm."

    Luật sư Huỳnh Công Út cho rằng Hội Nhà báo Việt Nam "hù dọa" nhà báo bằng các quy định "mơ hồ". Ông viết:

    "Thế nào là mục đích trong sáng? Thế nào là mục đích không trong sáng? Thế nào là không nhằm mục đích gì cả? Hù dọa các nhà báo bằng những quy định mơ hồ thì còn cãi nhau to."

    Facebooker Nguyễn Tiến Trình thì cho rằng các hành vi nêu trong quy định của Hội Nhà báo Việt Nam thật ra đã được điều chỉnh bởi các luật hiện hành như Luật Báo chí, sau này là Luật An ninh mạng, và trong hàng loạt các quy định pháp luật chung khác.

    "Thiết nghĩ, Hội Nhà báo Việt Nam có nhiều việc cần làm hơn, như kịp thời bảo vệ hội viên khi họ bị xâm phạm quyền tác nghiệp; chia sẻ với nhiều hội viên gặp khó khăn đời sống, công việc; ngay cả trong các phiên tòa xét xử hội viên thì hầu như không thấy anh cán bộ hội nào có mặt... để giám sát, truyền thông điệp nào đó về vụ việc hay giữ lửa cho đạo đức nghề. Hội nhà báo đâu chỉ là cơ quan... tổ chức giải," cây bút này viết.

    (BBC) 

    Không có nhận xét nào