Đầu
tháng 12 vừa qua, chiến dịch "Mẹ ơi. Đừng giết con!" được công bố bởi 2
người sáng lập là Lê Hoàng Thạch và Lê Huỳnh Hà.[1] Chiến dịch nhằm thu
thập 100 ngàn chữ ký cho kiến nghị ban hành luật cấm phá thai tại Việt
Nam, đồng thời, thúc đẩy nhận thức của mọi người trong việc bảo vệ mạng
sống của các thai nhi.
Hình quảng bá của chiến dịch Mẹ Ơi Đừng Giết Con trên Facebook |
Theo
2 người sáng lập, tình trạng phá thai tại Việt Nam là "một thảm họa
nhân đạo vô cùng tồi tệ và cần được chấm dứt ngay lập tức". Các bạn chỉ
ra rằng Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về phá thai với hơn 300 ngàn ca mỗi
năm và con số trẻ em tương ứng bị cướp đi mạng sống mỗi ngày.[2]
Hai
trong số bốn tác động dự kiến của chiến dịch là (1) cứu được hàng trăm
ngàn sinh mạng của trẻ nhỏ mỗi năm, góp phần giảm thiểu tỷ lệ phá thai
rất cao tại Việt Nam, và (2) mang lại cơ hội bảo vệ phụ nữ, bảo đảm các
quyền cho họ cùng con của họ, và hạn chế các hậu quả do phá thai gây
ra.[3]
Bài
viết này bàn về hai tác động dự kiến nêu trên của chiến dịch. Câu hỏi
được đặt ra là liệu chiến dịch, mà trọng tâm là luật cấm phá thai, sẽ
làm giảm tỷ lệ phá thai và hạn chế các hậu quả về thể chất (không nói
tới hậu quả về tinh thần) do phá thai gây ra (?). Câu trả lời có thể
được tìm thấy qua các nghiên cứu về tình trạng phá thai trên thế giới.
Trong
một nghiên cứu của mình mang tên "Phá thai an toàn: hướng dẫn kỹ thuật
và chính sách cho các hệ thống y tế",[4] Tổ chức Y tế Thế giới (World
Health Organization, WHO) chỉ ra rằng:
1.
Dù phá thai có bị hạn chế về mặt pháp lý hay không, khả năng một phụ nữ
sẽ phá thai do mang thai ngoài ý muốn hầu như không đổi. Các hạn chế
pháp lý khiến nhiều phụ nữ tìm đến các dịch vụ phá thai không an toàn,
thiếu kỹ năng, mất vệ sinh, nên có nguy cơ cao về tử vong hoặc dị tật.
Tỷ lệ tử vong ở mẹ do phá thai không an toàn trên 100 ngàn ca sinh sống ở
các quốc gia có nhiều hạn chế về phá thai cao hơn ở các quốc gia có ít
hoặc không có hạn chế về phá thai.
2.
Ở hầu hết các quốc gia đã phát triển, phá thai an toàn là được phép dựa
trên yêu cầu hoặc cơ sở kinh tế xã hội của thai phụ, và các dịch vụ phá
thai là sẵn có và dễ dàng tiếp cận. Còn ở các quốc gia cấm hoặc hạn chế
phá thai cao độ, phá thai an toàn trở thành đặc quyền của người giàu,
trong khi người nghèo có ít lựa chọn ngoài các cơ sở phá thai không an
toàn, dẫn đến tử vong và dị tật nhiều hơn.
3.
Bằng chứng cho thấy việc dỡ bỏ các hạn chế đối với phá thai dẫn đến
giảm tử vong ở mẹ do phá thai không an toàn, và do đó, giảm tử vong ở mẹ
nói chung.
Viện
Guttmacher (Guttmacher Institute), một tổ chức phi chính phủ về sức
khỏe sinh sản, cũng có các nghiên cứu đáng tin cậy về phá thai. Sau đây
là một số kết quả nghiên cứu của viện này và WHO trong báo cáo "Thực
tiễn về phá thai trên thế giới":[5]
1.
Luật hạn chế phá thai không làm giảm tỷ lệ phá thai. Ví dụ, tỷ lệ phá
thai tính trên 1000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 29 ở châu Phi, 32 ở
châu Mỹ La-tinh, là các vùng mà cấm phá thai trong hầu hết trường hợp.
Tỷ lệ này là 12 ở Tây Âu, nơi phá thai nhìn chung được cho phép rộng
rãi.
2.
Khi phá thai được cho phép rộng rãi, phá thai nhìn chung là an toàn, và
ở nơi nào phá thai bị hạn chế cao độ, phá thai đặc biệt là không an
toàn. Riêng tại các quốc gia đang phát triển, các quốc gia nào có luật
cho phép phá thai tương đối tự do có ít hậu quả tiêu cực về sức khỏe do
phá thai không an toàn hơn các quốc gia có luật hạn chế phá thai cao độ.
3.
Ở Nam Phi, nơi tự do hóa phá thai vào năm 1997, số ca tử vong liên quan
đến phá thai giảm 91% giữa 1994 và 1998 – 2001. Ở Nepal, nơi phá thai
được cho phép rộng rãi vào năm 2002, các biến chứng liên quan đến phá
thai có vẻ giảm. Một nghiên cứu cho thấy các biến chứng liên quan đến
phá thai chiếm 54% các ca bệnh về thai sản được điều trị vào năm 1998,
trong khi tỷ lệ này là 28% trong các năm 2008 – 2009.
Hai
nghiên cứu trên đây cho câu trả lời rõ ràng rằng các hạn chế pháp lý về
phá thai không dẫn đến giảm tỷ lệ phá thai cũng như các hậu quả về thể
chất do phá thai gây ra. Nhiều nghiên cứu của các cá nhân, tổ chức khác
cũng cho thấy như vậy. Điều này đúng ít nhất trên bình diện chung của
thế giới.
Đối
với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, điều này rất có thể
đúng. Do đó, việc ban hành luật cấm phá thai tại Việt Nam rất có thể
không giúp ích gì cho các mục tiêu cao đẹp của 2 người sáng lập chiến
dịch, mà có thể gây tác động trái ngược với các mục tiêu đó.
Thiết
nghĩ, các bạn Thạch và Hà có thể tạm ngưng chiến dịch để thực hiện
nghiên cứu đầy đủ dựa trên bằng chứng, tự mình hoặc với sự giúp sức của
các cá nhân và tổ chức khác, nhằm tìm ra các giải pháp thích hợp và toàn
diện cho vấn nạn phá thai tại Việt Nam.
Cuối
cùng, chia sẻ quan điểm với 2 người sáng lập chiến dịch, người viết
không ủng hộ phá thai tự do. Song, để giảm thiểu tỷ lệ phá thai và hạn
chế các hậu quả về thể chất do phá thai gây ra, luật cấm phá thai tại
Việt Nam dường như không phải là giải pháp. Thay vào đó, giải pháp có
thể là giáo dục giới tính, dẹp bỏ các cơ sở phá thai không an toàn hoặc
chuyển đổi chúng thành các cơ sở phá thai an toàn, và cùng với đó là
nâng cao nhận thức về quyền thai nhi trong tương quan với quyền sinh sản
của phụ nữ.
Nguyễn Trang Nhung
--------------------
Chú thích:
[1] Website của chiến dịch
[2][3] Như [1]
[4] WTO (2012), Safe abortion: technical and policy guidance for health systems
[5] Guttmacher Institute và WHO (2012), Facts on induced abortion worldwide
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
(RFA)
Không có nhận xét nào