Thứ năm 22/11/2018 nhật báo TAZ của
Đức bình luận về việc Hà Nội trục xuất cô Lê Thu Hà như sau: "Lê Thu Hà
là công dân của nước Việt Nam, cô không có quốc tịch nào khác. Một quốc
gia khước từ, không cho công dân của mình nhập cảnh là một hành vi vi
phạm Công pháp quốc tế".
Bà Lê Thu Hà bị giới chức bắt hồi 12/2016 và bị trục xuất sang CHLB Đức |
Cô Hà sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, vì bất đồng chính kiến đã bị bắt bỏ tù và sau đó trục xuất sang Đức.
Cô mong trở về Việt Nam sống với mẹ già nhưng một lần nữa lại bị trục xuất phải quay lại Đức.
Luật
sư Nguyễn Văn Đài cho biết rằng "cô Hà được Đức cấp giấy tờ có hiệu lực
ba năm ở Đức bắt đầu từ ngày 1/11/2018 bao gồm sổ thông hành, giấy phép
định cư, giấy phép lao động nhưng cô ấy đã không nhận…".
Như thế chính phủ Đức đã thực hiện 'Công ước 1954 về Quy chế người không quốc tịch' trợ giúp cô Lê Thu Hà.
Trước
tiên cần tìm hiểu về quy chế "người không quốc tịch" và luật quốc tịch
tại Việt Nam hiện nay.Ta cần tìm hiểu quy chế này và luật quốc tịch
xem ra sao.
Giúp người không quốc tịch
Công
ước 1954 về Quy chế người không quốc tịch (Convention relating to the
Status of Stateless Persons) yêu cầu chính phủ các nước bảo vệ họ tối
đa, hỗ trợ giấy tờ đi lại, trợ giúp hành chính, công ăn việc làm, giáo
dục.
Thuật ngữ "người không quốc tịch" chỉ người không được coi là công dân của bất kỳ quốc gia nào.
Công
ước 1961 về việc Giảm bớt người không quốc tịch nói cần giảm số người
không quốc tịch, bao gồm quyền đi khỏi nơi bị truy bức cũng như quyền
trở về quê hương xứ sở.
Cả hai Công ước 1954 và 1961 đều chưa được chính phủ Việt Nam ký kết (xem danh sách các nước đã ký ở đây).
Một số người dịch thuật ngữ "stateless person" thành "người vô tổ quốc" là không chính xác.
Người
Việt có thể bị tước quyền công dân nước CHXHCN Việt Nam vì bất đồng
chính kiến hay vì các lý do khác thì vẫn là người Việt và tổ quốc Việt
Nam vẫn là tổ quốc của người Việt Nam.
Quyền công dân nước CHXHCN Việt Nam
Quyền công dân của người Việt Nam hiện nay rất khác quốc tế và khác cả ở miền Nam Việt Nam trước 30/4/1975.
Chính
quyền Việt Nam đã công khai trục xuất nhiều công dân bất đồng chính
kiến, buộc họ đi lưu đày, vĩnh viễn không cho về quê hương mà cô Lê Thu
Hà chỉ là một trường hợp gần nhất.
Theo
Khoản 2 Điều 17 của Hiến pháp CHXHCN Việt Nam năm 2013 thì "Công dân
Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác."
Nhưng Khoản 4, Điều 88 của Hiến pháp 2013 lại cho phép Chủ tịch nước quyền "tước quốc tịch Việt Nam".
Công
dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài, người đã nhập quốc tịch Việt Nam dù
cư trú ở trong hay ngoài lãnh thổ VN nếu có hành vi sau sẽ bị tước quốc
tịch: Có hành vi phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tôc, đến sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Tư vấn pháp lý về quốc tịch ở VN
Khoản 1 điều 31 Luật Quốc Tịch 2008 quy định về việc công dân CHXHCN Việt Nam bị tước quốc tịch.
Nhưng việc đuổi khỏi Việt Nam xảy ra cả với những người là công dân Việt Nam.
Ngày
24/4/2013, ông Phạm Văn Điệp một công dân Việt Nam sống ở Nga từ năm
1992 nhưng không xin nhập quốc tịch Nga, khi về nước đã bị chận lại và
trục xuất vì "vi phạm pháp luật Việt Nam".
Ông
Điệp cho rằng chỉ có Chủ tịch nước mới có quyền tước quốc tịch của
ông, nhưng ông vẫn bị cảnh sát áp tải ra máy bay tống khỏi Việt Nam.
Ông Điệp từng tham gia đảng Dân chủ Việt Nam và có viết bài đăng trên Đàn Chim Việt và Dân Luận.
Ông Điệp là trường hợp thứ nhất được biết tương tự với trường hợp cô Lê Thu Hà.
Nhưng theo tôi biết, nhiều công dân nước CHXHCN Việt Nam khi đến tòa Đại Sứ xin gia hạn hộ chiếu mới biết họ mất quyền gia hạn.
Một số công dân Việt Nam khi về lại Việt Nam bị tịch thu giấy thông hành.
Một số khác mặc dù có thẻ thông hành nhưng bị cấm xuất ngoại.
Luật
pháp Việt Nam khá tùy tiện và như cố luật sư Ngô Bá Thành từng diễn tả
là "có cả rừng luật, nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng".
Ngày 24/6/2014, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008.
Khoản 2, Ðiều 13 kêu gọi người Việt sống ở nước ngoài làm đơn xin giữ quốc tịch Việt Nam.
Trên 4 triệu người Việt sống ở nước ngoài số người xin giữ quốc tịch không nhiều.
Sau
30/4/1975, nhiều người ở miền Nam phải ra đi vì bị tù cải tạo, bị phân
biệt đối xử, bị tước quyền công dân…nay đa số những ai ra nước ngoài đều
đã thành công dân các quốc gia họ tỵ nạn.
Nhưng có cả trường hợp họ chọn làm "người không quốc tịch" thay vì phải làm người mang quốc tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Thanh lọc công dân qua các ví dụ quốc tế
Công
ước 1954 ra đời để giúp đỡ các nạn nhân bị nhà cầm quyền trục xuất như
trường hợp Adolf Hitler tước quốc tịch Đức, trục xuất và diệt chủng
người Do Thái.
Thời
Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và Đông Âu cũng tước quốc tịch và trục xuất
các nhà bất đồng chính kiến, các văn nghệ sỹ và người Do Thái ra khỏi
xứ.
Hằng triệu công dân Liên Xô dân tộc Tatar bị cưỡng bách di dân và không được phép quay trở lại quê hương của họ.
Thanh
lọc sắc tộc, cưỡng bức lưu đày đã xảy ra ở Campuchia sau khi phe Khmer
Đỏ chiến thắng, và ở Nam Tư cũ sau khi chế độ cộng sản tan rã.
Ở Cuba vào ngày 6/4/1980, 7.000 người lao vào đại sứ quán Peru tại Havana xin tị nạn chính trị.
Image caption Myanamar không công nhận quyền công dân cho người Rohingya
Fidel Castro ra lệnh mở cảng Mariel và mở cửa trại tù cho bất kỳ ai muốn rời Cuba được ra đi.
Kết quả chỉ hơn hai tháng có trên 125 nghìn người Cuba đã di cư sang Mỹ.
Năm
1998 có xung đột biên giới Eritrea -Ethiopia, chính quyền Ethiopia đã
vây bắt hàng nghìn công dân và tống họ sang Eritrea với lý do họ thuộc
sắc tộc Eritrea.
Myanmar
cũng thanh lọc sắc tộc, khiến hơn 300 nghìn dân Hồi giáo Rohingya
không được coi là công dân phải bỏ chạy sang Bangladesh hồi cuối tháng
8/2017.
Sau vụ Thiên An Môn tháng 6/1989, Trung Quốc cũng đã thanh lọc nhiều công dân bất đồng chính kiến.
Gần
đây có tin cả triệu người Hồi giáo ở Tân Cương đã bị Bắc Kinh tước
quyền công dân, đưa vào các trại cải tạo như ở Việt Nam sau 30/4/1975.
Các nước đảm bảo quyền công dân
Xin kể về các quyền gắn liền với quốc tịch Úc, nơi tôi đang sinh sống, để có sự so sánh
Úc có truyền thống đơn tịch bắt đầu với Đạo luật Quốc tịch năm 1903 (Naturalization Act 1903).
Image
caption Ivana Dolezalova hồi 1968 và hiện nay. Sau khi Liên Xô đem quân
vào Praha năm 1968, hàng vạn người Czech và Slovakia đã vượt biên,
những người ở lại bị tước quyền xuất cảnh
Khi xin gia nhập Quốc tịch Úc, người đứng đơn không bị đòi hỏi bỏ quốc tịch gốc.
Năm
2002, Đạo luật Tu chính Quốc tịch Úc bỏ quy định công dân Úc đương
nhiên mất quốc tịch Úc khi nhận quốc tịch của quốc gia khác.
Nghĩa là Úc công nhận tình trạng song tịch hoặc đa tịch.
Cuối
năm 2015, tu chính Luật Quốc tịch cho phép tước quốc tịch Úc những
người đã xin vào quốc tịch, còn giữ song tịch mà phạm tội hoặc liên can
tới khủng bố.
Còn
tại Đức thời Chiến tranh Lạnh, phía Đông Đức năm 1967 đã ban hành Luật
mới về quốc tịch, nhưng phía Tây Đức vẫn áp dụng Luật quốc tịch theo
huyết thống từ 1913: "Mọi người Đức đều là công dân Đức".
Luật quốc tịch 1913 được tiếp tục sử dụng khi nước Đức thống nhất.
Luật Đức đòi hỏi khi nộp đơn xin quốc tịch Đức phải chính thức từ bỏ quốc tịch gốc.
Công
dân Đức bị mất quốc tịch khi trở thành công dân nước khác nhưng không
thể bị tước quốc tịch hay bị trục xuất khỏi nước mình vì bất cứ lý do
gì.
Còn
tại Hoa Kỳ, Hiến pháp định nghĩa công dân theo nguyên tắc huyết thống:
con của công dân Mỹ ra đời ở mọi nơi nào trên thế giới đều mang quốc
tịch Mỹ.
Sau
đó, để tránh trường hợp bị kỳ thị màu da, Tu chính án 14 về người da
đen đã công nhận quyền công dân cho mọi người sinh ra ở Mỹ.
Lợi dụng Tu chính án 14, người ngoại quốc tới Mỹ đẻ con để trẻ em được hưởng quyền công dân và sau này có thể di dân đến Mỹ.
Tổng thống Trump nói sẽ ra sắc lệnh ngăn cấm việc lạm dụng này.
Luật Mỹ không công nhận song tịch mà cũng không cấm song tịch.
Theo
Ðiều khoản 349 INA của Luật Quốc tịch Mỹ, "công dân Hoa Kỳ có thể mất
quốc tịch Mỹ nếu nhập quốc tịch khác hoặc tuyên thệ trung thành với nước
khác".
Nhưng thông thường chỉ khi công dân Mỹ làm đơn và tuyên thệ xin từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ thì mới được xem là mất quốc tịch.
Luật pháp Mỹ không cho phép bất cứ quan chức tước đoạt quyền công dân của người khác.
Chỉ trong một số trường hợp công dân Mỹ không được phép hay bị cấm tới một số khu vực vì lý do an ninh hay chính trị.
Quyền công dân thời Việt Nam Cộng Hòa
Việt Nam Cộng Hòa sử dụng luật huyết thống nên người Việt và con cái họ mang quốc tịch Việt Nam.
Thêm
vào đó, ngày 7/12/1955, Tổng thống Ngô Đình Diệm còn ban hành Dụ số 10
quy định tất cả những ai sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đều là người
Việt Nam.
Lãnh
thổ Việt Nam trong Hiến pháp 1956 và Hiến pháp 1967 là từ Ải Nam Quan
đến Mũi Cà Mau, nên người miền Bắc hay Nam đều là công dân Việt Nam.
Người có quốc tịch Việt Nam sống ở bất cứ nơi vẫn là người Việt Nam và không ai có quyền tước quốc tịch của người Việt Nam.
Người Bắc di cư hay vượt tuyến vào Nam đương nhiên được hưởng mọi quyền lợi và nghĩa vụ công dân VNCH.
Chính sách chiêu hồi tạo cơ hội cho hơn 230 ngàn cán binh cộng sản trong đó rất nhiều cán binh từ miền Bắc, về hồi chánh.
Họ đã được tự động nhận mọi quyền lợi và nghĩa vụ công dân.
Theo Hiến pháp 1967 đa số người Việt hải ngoại hưởng đủ quyền bầu cử và ứng cử kể cả các chức vụ cao nhất là Tổng thống.
Điều 13.2 quy định:
"Mọi công dân đều có quyền bầu cử, ứng cử và tham gia công vụ trên căn bản bình đẳng theo điều kiện và thể thức luật định."
Điều 53.1 quy định quyền ứng cử Tổng Thống hoặc Phó Tổng Thống cho những công dân hội đủ các điều kiện sau đây:
"Có
Việt tịch từ khi mới sanh ra và liên tục cư ngụ trên lãnh thổ Việt Nam
ít nhất mười (10) năm tính đến ngày bầu cử. Thời gian công cán và lưu
vong chánh trị tại ngoại quốc được kể như thời gian cư ngụ tại nước
nhà."
Vấn đề quốc tịch và tổ quốc ngày nay
Người
Việt hải ngoại dù là thuyền nhân, vượt biên đường bộ, đi theo diện HO, ở
lại các quốc gia thuộc Liên Xô và Đông Âu hay nay bị trục xuất như cô
Lê Thu Hà, theo tôi đều là tỵ nạn chính trị.
Những
ai ra đi chính thức nhưng có hoạt động về thông tin, văn hóa, chính
trị trái ý với Đảng Cộng sản bị cấm không thể trở về Việt Nam đều có
thể được xem là "lưu vong chánh trị".
Những người được gia đình bảo lãnh hay sinh ra ở hải ngoại vẫn được xem là những người tỵ nạn chính trị.
Khi
thể chế tại Việt Nam thay đổi thì mới có được chuyển tiếp, gồm bầu ra
Quốc Hội lập hiến soạn thảo hiến pháp mới cho Việt Nam.
Hiến
pháp mới và luật pháp tương lai nên dựa trên tinh thần nhân bản, hòa
đồng dân tộc, Hiến chương LHQ và các Công ước quốc tế về quyền công dân
không bị tước quốc tịch, với những điểm tương tự như Hiến pháp VNCH
1967.
Nguyễn Quang Duy
Gửi cho TTHN từ Melbourne, Úc
(Tin tức Hàng Ngày)
Không có nhận xét nào