Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Ngọc Già - Tại sao người CSVN cấp cao không thấy họ lố lăng?

    Những hình ảnh lố lăng của người CSVN cấp cao trong nhiều sự kiện quốc tế và quốc nội đầy dẫy khắp MXH, nhưng ... nó vẫn tiếp diễn và không có dấu hiệu cho thấy họ ngừng lại để suy ngẫm.
     
    Hình minh họa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa hàng trên) phát biểu tại lễ bế mạc Đại hội đảng 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016
    Tại sao đến nông nỗi đó?

    Có lẽ, quý độc giả biết nhiều về truyện cổ tích Andersen, trong đó có câu chuyện "Bộ quần áo mới của Hoàng Đế" - truyện cổ tích này, chế giễu vị vua vốn luôn thích những lời nịnh bợ.

    Ông vua này dường như không thể nào sống nổi, nếu một ngày không được nghe những lời "mật ngọt" êm ả rót vào tai. Cả cuộc đời ông vua, luôn được những lời ton hót, tâng bốc vây quanh và bịt kín như cánh rừng già âm u mà "ánh sáng sự thật" không tài nào rọi tới nổi !

    Câu chuyện thú vị vô cùng, bởi tác giả không để độc giả dừng lại ở sự kệch cỡm, thói rởm đời, chất khoe mẽ và tính hãnh hão về trí tuệ uyên bác, cũng như sự thông thái luôn ngập tràn trong tâm trí của tầng lớp cận thần, vương giả vây quanh "đức vua" mà Andersen đã làm cho những thói hư tật xấu đó lan ra khắp muôn nẻo trong chúng dân!

    Tác giả H.C Andersen đã "khuếch tán" thói đạo đức giả như "hạt mầm man trá" được ấp ủ dẫn đến sinh sôi rồi lan rộng và thấm sâu vào ngay cả tầng lớp bình dân nhất trong xã hội.

    Thói đạo đức giả đi cùng việc chối bỏ sự thật nhằm để tồn tại, để an toàn, để mưu cầu lợi danh và để... mỗi người buộc phải "giống như tất cả" nếu không muốn trở thành một kẻ bị xã hội bỏ rơi và đào thải.

    Người dân xứ ấy bằng lòng, hài lòng và thỏa lòng với lối sống như vậy!
    Cho đến một ngày, điều đó dẫn đến tai họa thảm khốc cho "vì vua anh minh" nọ - Ông vua ở truồng trước muôn người mà không hề hay biết! Ngay cả chúng dân cũng ngỡ mình thông thái - tựa như những thức giả uyên bác mới đủ trình độ để nhìn thấy bộ đồ "có một không hai" trên cõi đời! Ngoại trừ một câu bé chỉ thẳng sự thật rằng:

    – "Nhìn kìa, đức vua trần truồng!"

    Mãi cho đến lúc đó - không vội hơn, không muộn hơn - toàn bộ thần dân xứ đó như sực tỉnh khỏi 'cơn mê giả dối" mà họ vốn "ngủ vùi" trong nhiều năm.

    Andersen viết tiếp:

    "Đám đông im bặt. Sau đó, bắt đầu có những tiếng xầm xì nhỏ to:

    – Hoàng thượng không mặc gì hết! Có một thằng bé nói như vậy!

    “Hoàng thượng không mặc gì hết! Hoàng thượng không mặc gì hết!…”, lời bàn tán mỗi lúc một lớn.

    Hoàng đế chợt rùng mình, choáng váng vì ngài thấy hình như họ nói đúng. Nhưng ngài nghĩ: “Ta phải tiến hành cho xong nghi thức của buổi lễ đã”. Vì vậy, nhà vua tiếp tục rảo bước, khuôn mặt thậm chí càng cố lộ vẻ tự hào. Đám tùy tùng theo sau không biểu lộ một chút cảm xúc, tay vẫn nâng đuôi chiếc áo choàng tưởng tượng". (Hết truyện).

    Ngẫm từ câu chuyện trên, quý độc giả sẽ thấy người CSVN không khác với "vị vua ở truồng", bởi :

    - Sự thật không còn chỗ để tồn tại dù là một khoảng không gian nhỏ hẹp nhất trong xã hội dẫy đầy sự man trá, độc ác và bạo ngược.

    - Xã hội đã biến thành một đám đông hỗn độn về tri thức & bát nháo về nhân cách - Sự khốn cùng đó gây ra bởi... nỗi "hân hoan khôn tả" được coi là "tự hào dân tộc" (!)

    Vâng! Từ già đến trẻ; từ nam đến nữ; từ bậc "trí giả" cho đến người bình dân v.v... Ngập tràn!

    Dường như "đám đông đủ mọi thể loại" đó, không còn biết gì khác ngoài "hương vị ngất ngây" của "men say chiến thắng" lên đến tột đỉnh của... vinh quang - Một loại "vinh quang" chỉ tồn tại trong chốc lát rồi... vội vã tan biến như bọt xà phòng trương phình! Chỉ vậy thôi!

    Suy tận cùng, xã hội rữa nát về nhân cách và tan hoang về vật chất như hiện nay cũng do "Sự Thật Đã Rời Bỏ Người Việt Nam"!

    Nếu như vị vua trong truyện cổ Andersen không thích nịnh bợ? Mọi người dân xứ đó, có ham hố trở thành "nịnh thần-dân"? Nếu như người CSVN cấp cao không thích tâng bốc?...

    ...Biết đâu Việt Nam - quê mình - đã... "không khó đỡ" như bây giờ...

     Nguyễn Ngọc Già

    * Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
     

    (RFA) 

    Không có nhận xét nào