Header Ads

  • Breaking News

    Mối quan hệ của Huawei và chính trị phe phái ĐCSTQ

    Việc giới chức Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu đầu tháng này đã đẩy công ty viễn thông lớn nhất thế giới này vào tâm điểm chú ý của quốc tế. Huawei trên giấy tờ là một công ty tư nhân, nhưng đằng sau đó là sự chi phối rõ rệt của các quan chức ĐCSTQ, phục vụ cho lợi ích phe phái.

    Ông Nhậm Chính Phi – người sáng lập công ty Huawei (Ảnh từ Sohu)
    Mặc dù về mặt giấy tờ chính thức Huawei là công ty tư nhân, nhưng tập đoàn này lại không niêm yết tại bất kỳ thị trường chứng khoán nào và chính phủ nhiều nước trên thế giới coi Huawei là công cụ quan trọng của các nhà chức trách Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Các công tố viên Mỹ đã cáo buộc Huawei sử dụng một công ty Hồng Kông để né tránh chế tài Mỹ đang áp đặt lên Iran, giống với cáo buộc trước đây với ZTE – một công ty công nghệ hàng đầu khác của Trung Quốc đã bán thiết bị cho Iran và Bắc Hàn.

    Xem xét về giá trị cổ phần, Huawei là một công ty tư nhân thuộc sở hữu của người lao động. Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi chính thức nắm giữ 1,4% cổ phần của Huawei, trong khi đa số cổ phần còn lại được phân bổ cho 80.000 nhân viên của tập đoàn này thông qua một ủy ban công đoàn.

    Tuy nhiên, ủy ban công đoàn này không có vai trò nào khác và nhân viên Huawei sẽ tự động bị mất cổ phần của họ nếu họ rời công ty. Quyền lực thực sự thuộc về các nhà quản lý công ty và các liên kết ĐCSTQ của họ.

    Nhìn vào nhân sự cấp cao của Huawei, cho thấy rằng công ty này có mối quan hệ không chính thức gần gũi với các lực lượng an ninh, quân đội Trung Quốc và phe phái chính trị trong nội bộ ĐCSTQ liên kết với cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân.

    Ông Nhậm Chính Phi xuất thân là sĩ quan của Quân giải Phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và vợ cả của ông, bà Mạnh Quân là con gái của một sĩ quan chính trị PLA nổi tiếng. Con gái đầu của ông Nhậm và bà Mạnh là Mạnh Vãn Châu, đang bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ.

    Gia đình của ông Nhậm Chính Phi bị đàn áp trong Cách mạng Văn hóa những năm 1960 và 1970 và có thể đây là nguyên nhân khiến ông để con gái mình mang họ của vợ.

    Phụ thân của bà Mạnh Quân là ông Mạnh Đông Ba xuất thân từ PLA và sau này trở thành Bí thư của một thành phố thuộc tỉnh Tứ Xuyên và cuối cùng làm Phó Chủ tịch Tỉnh Tứ Xuyên. Ông Mạnh Đông Ba cũng là đại biểu của cả Hội đồng Nhân dân Tỉnh Tứ Xuyên và Quốc hội Nhân dân Trung Quốc trong những năm 1980.

    Ông Nhậm Chính Phi có quan hệ tốt với bố vợ và từ đó nhận được sự ủng hộ của các kết nối chính trị của ông Mạnh Đông Ba.

    Bà Tôn Á Phương là Chủ tịch Huawei từ năm 1999, cũng là một nhân vật nổi bật trong tập đoàn này và được coi là một trong những phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Theo báo cáo của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), bà Tôn xuất thân từ Bộ An ninh Nhà nước – cơ quan tình báo của chế độ Trung Quốc.

    Huawei, Gián điệp và Đấu tranh phe phái

    Ảnh hưởng của bà Tôn Á Phương tại Huawei làm lu mờ ông Nhậm Chính Phi. Năm 2010, bà Tôn đã gây áp lực buộc ông Nhậm phải từ bỏ kế hoạch đề bạt con trai ông là Nhậm Bình làm người tiếp quản tiếp theo của Huawei. Điều này cho thấy rằng cơ quan tình báo của chế độ Trung Quốc kiểm soát gần như hoàn toàn Huawei.

    Ngoài ra, trước khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng và thanh trừng phe phái, Bộ An ninh Nhà nước (MSS) được cho là nằm trong tay của ông Giang Trạch Dân và phe phái của ông này.

    Những lãnh đạo của MSS trong các năm từ 1985 tới 2016 là Giả Xuân Vượng – lãnh đạo MSS tới năm 1998 và sau đó Hứa Vĩnh Dược tiếp quản tới năm 2007 thì được thay bởi Cảnh Huệ Xương, đều có quan hệ với phe phái Giang Trạch Dân.

    Giả Xuân Vượng có mối quan hệ mạnh mẽ với ông Giang Trạch Dân và các đồng minh của ông này. Con rể của Giả Xuân Vượng là Lưu Lạc Phi, con trai của ông Lưu Vân Sơn – quan chức cấp cao của ĐCSTQ thuộc phe Giang. Trước khi nghỉ hưu hồi đầu năm nay, ông Lưu Vân Sơn là một trong bảy thành viên của Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ.

    Hứa Vĩnh Dược là con trai của một quan chức ĐCSTQ khác và cũng liên kết với phe Giang. Ông Hứa làm Bộ trưởng Bộ An ninh Nhà nước vào thời kỳ ảnh hưởng của ông Giang Trạch Dân ở đỉnh cao nhất.

    Cảnh Huệ Xương từng làm việc gần gũi với Chu Vĩnh Khang – một cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ. Ông Chu là nhân vật trung tâm của phe Giang và hiện đang bị tù giam vì tội tham nhũng và âm mưu làm mất uy tín Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Chu Vĩnh Khang ngã ngựa năm 2014 và một năm sau đó bị kết án tử hình, sau đó được giảm xuống án tù chung thân.

    Cảnh Huệ Xương bị điều tra vào năm 2016. Vào tháng 11/2016, vị trí của ông Cảnh tại Bộ An ninh Nhà nước được thay bằng ông Trần Vĩnh Thanh – cựu phó chủ tịch của một ủy ban của ĐCSTQ tại tỉnh Phúc Kiến. Ông Trần được cho là đồng minh của ông Tập Cận Bình.

    Vai trò của Huawei trong Cơ sở hạ tầng Kiểm duyệt của ĐCSTQ

    Ông Giang Trạch Dân là Tổng bí thư của ĐCSTQ từ năm 1989 tới năm 2003. Sau khi ông Giang nghỉ hưu, nhiều người trong số những thuộc cấp của ông đã được đề bạt lên các vị trí cấp cao trong ĐCSTQ và trong chính phủ Trung Quốc, tiếp tục thực thi ảnh hưởng của ông Giang xuyên suốt hai nhiệm kỳ của lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

    Các cá nhân trong mạng lưới bảo trợ rộng lớn này vẫn đang bị thanh trừng trong một chiến dịch chống tham nhũng liên tục, nhiều năm sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền từ năm 2013.

    Ông Vương Hữu Quần, từng là quan chức của ủy ban kỷ luật của ĐCSTQ từ năm 1993 tới năm 2002, nói với Epoch Times rằng theo một cựu nhân viên Huawei mà ông quen, Huawei là một công ty được sử dụng cho tình báo và nó đã phục vụ cho “triều đại trước đó”, tức dưới thời của ông Giang Trạch Dân.

    Ngoài việc lạm quyền và tham nhũng, ông Giang Trạch Dân còn khét tiếng vì khởi đầu những hành vi lạm dụng nhân quyền mới dưới thời ĐCSTQ, nổi bật nhất là chiến dịch toàn quốc chống lại môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công năm 1999.

    Để giám sát và kiểm duyệt quan điểm trực tuyến tốt hơn, ông Giang đã tiến hành xây dựng hệ thống kiểm soát internet khổng lồ tại Trung Quốc, được biết đến là Vạn lý Tường lửa của Trung Quốc (Great Firewall).

    Với những kết nối thân cận với chế độ Trung Quốc dưới thời Giang Trạch Dân, Huawei đã đóng một vai trò sâu rộng trong việc xây dựng và nâng cấp Vạn lý Tường lửa.

    Một thành tố quan trọng trong những giai đoạn đầu của tường lửa này là Dự án Lá chắn Vàng – được thiết lập để theo dõi người dùng internet khắp Trung Quốc.

    Vạn lý Tường lửa và Dự án Lá chắn Vàng được thiết lập dưới sự giám sát của con trai ông Giang Trạch Dân là ông Giang Miên Hằng – người có mối quan hệ gần gũi với Huawei.

    Năm 2003, Đài Truyền hình Trung Ương Trung Quốc (CCTV) đã đưa tin rằng giai đoạn đầu của Dự án Lá chắn Vàng, bắt đầu từ năm 2001, và tới cuối năm 2002 đã tiêu tốn 6,4 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 770 triệu USD theo tỷ giá thời điểm đó). Những khoản chi tiêu sau đó của dự án này đã không được công bố công khai.

    Với quy mô, chi phí và tầm quan trọng liên quan tới Vạn lý Tường lửa, Ông Giang Trạch Dân có lẽ đã không chọn Huawei nếu ông không tin tưởng công ty này và không hài lòng với nền tảng chính trị của Huawei.

    Nhà bình luận chính trị Trung Quốc Đường Tĩnh Viễn tại Mỹ hôm 10/12 nói với Epoch Times rằng bà Tôn Á Phương có thể do phe phái Giang Trạch Dân chỉ định làm Chủ tịch Huawei và từ đó khiến cho vị thế chính trị của công ty này được nâng cao dưới con mắt của phe Giang.

    Ông Đường nhận định: “Họ [các nhân vật trong phe Giang] đã coi Huawei là công việc riêng của họ kể từ đó. Thật dễ hiểu vì sao ông Giang Miên Hằng lại đặt hàng Huawei”.

    Theo The Epoch Times,

    Tân Bình biên dịch

    (Tri thức vn) 

    Không có nhận xét nào