Ngay trước Hội Nghị lần thứ 9 BCH trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, dư luận bỗng nổi lên cơn bão chung quanh dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên, dự án đầu tiên trong 8 dự án đường sắt đô thị của TP.HCM mà trung tâm cơn bão là ông Lê Nguyễn Minh Quang Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR)- một người ngoài đảng hiếm hoi giữ chức vụ tương đương giám đốc sở.
Ông Lê Nguyễn Minh Quang tại công trình |
Tương tự, báo Tiền Phong và các báo khác cũng có lượng tin bài dồn dập về ông giám đốc ngoài đảng này và các “bất thường” của dự án Metro Bến Thành Suối Tiên.
Cơn bão dư luận về ông Lê Nguyễn Minh Quang còn dữ dội hơn, lấn át sự kiện Tất Thành Cang bị kỷ luật, tưởng chừng như ông Trưởng Ban ngoài đảng này là thanh củi lớn hay đống củi to cần vào lò, vả lại Ban của ông quản lý có số vốn đầu tư quá lớn.
Lê Nguyễn Minh Quang là ai? Tại sao lại được quan tâm như vậy? Ông Quang từng được trao giải thưởng Vì ngày mai phát triển của Báo Tuổi Trẻ. Ông Quang tốt nghiệp khoa xây dựng Đại học Bách khoa TP.HCM, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành xây dựng tại Pháp. Năm 2011 ông học cao học quản lý công tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Đại học Quốc gia Singapore và Trường Chính phủ Kennedy - Đại học Harvard, Hoa Kỳ. Ông đã trải qua các chức vụ giám đốc dự án Bachy Soletanche Group (Pháp), tổng giám đốc Công ty Bachy Soletanche Việt Nam. Khi đã thành đạt ông rất thiện chí tham gia nhiều hoạt động xã hội giúp giới trẻ phát triển. Năm 2000, ông đã viết lá thư lên Thủ tướng nêu ý kiến về chính sách sử dụng nhân tài, thu hút du học sinh về nước làm việc, đề nghị thay đổi quan điểm chỉ đề cử, bổ nhiệm những người đã có sẵn trong bộ máy nhà nước, đã là đảng viên.
Năm 2016, ông Lê Nguyễn Minh Quang đã tự ứng cử và trúng cử đại biểu HĐND TP.HCM. Từ Tổng Giám Đốc doanh nghiệp nước ngoài, mức lương cao ngất, ông chuyển sang làm viên chức nhà nước Trưởng Ban MAUR hàm giám đốc sở, lương thấp nhưng quản lý 8 dự án đồ sộ vốn hàng trăm ngàn tỉ đồng. Nhiều người cho rằng ông tâm huyết nhưng có người cũng hoài nghi về khả năng .
Nhưng điểm lại tất cả các cáo buộc bung xung thì trách nhiệm của ông rất cỏn con, mơ hồ giữa công và tội. Các bài báo chỉ đưa ra việc ông này có đơn xin nghỉ, Phó Ban nhưng là Bí Thư Đảng Ủy của ông (đã bỏ trốn đi nước ngoài) tố cáo nội bộ MAUR mất đoàn kết, gần 1/5 số nhân viên nghỉ việc. Quan trọng nhất là từ thông tin kết quả kiểm tra của Kiểm Toán Nhà Nước, Kết luận của Thanh Tra TP.HCM, nhóm báo chí buộc tội ông Minh Quang đã “rút ruột”, “bào mòn” một đoạn tường vây của công trình từ 2m chỉ còn 1,5 m….
Đặc biệt, cùng một thông tin cùng một con số, nhưng từ báo chí đến mạng xã hội có cách nhìn, thái độ đánh giá ý nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau. Một số báo như Tuổi Trẻ, Lao Động, Pháp Luật TP.HCM, VNexpress lại có cách nhìn khác hơn với báo Thanh Niên, Tiền Phong...
Theo báo Tiền Phong, MAUR có 4 phòng và 4 ban với tổng số viên chức, người lao động là 229 người, có vẻ như đã có cuộc tháo chạy tán loạn, hiện MAUR còn khoảng 170 viên chức, người lao động; đã có hơn 40 người nghỉ việc hoặc xin nghỉ việc với nhiều lý do khác nhau, trong đó có ông Dương Hữu Hòa, Chủ tịch Công đoàn, Giám đốc Ban Quản lý dự án 1 (thuộc MAUR), cũng đã nộp đơn xin nghỉ việc {2}.
Ông Quang thừa nhận và giải thích nguyên nhân cán bộ nhân viên nghỉ việc, do việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án metro kéo dài. Vốn liếng không có, thi công chậm trễ nên anh em mất nhiệt huyết. Tiền để quản lý dự án ban đầu tính có 5 năm, giờ dự án kéo dài 10 năm, nên hết tiền. Phí quản lý dự án không còn 4 - 5 năm nay phải tạm ứng từ ngân sách thành phố. Vừa rồi có Thông tư 73 của Bộ Tài chính về việc các cơ quan, ban quản lý dự án phải tự chủ về tài chính, nên việc tạm ứng ngân sách thành phố khó khăn, dẫn đến chậm lương, tâm lý bất an” .
Bản thân ông Lê Nguyễn Minh Quang cũng đã 2 lần nộp đơn xin nghỉ việc vào tháng 7 và tháng 9.2018 vì sức khỏe và gia đình.{3}
Báo Dân Trí đưa tin “Tuyến metro số 1 bị “rút ruột”?” Theo Dân Trí, tường vây đường hầm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) bị điều chỉnh thiết kế, giảm độ dày từ 2m xuống còn 1,5m. Việc này gây mất an toàn công trình lân cận. Cơ quan chức năng phải mời tư vấn độc lập để tính toán, đưa ra phương án điều chỉnh. Thanh tra TPHCM vừa có kết luận về việc thực hiện gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố) thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã có những sai sót và vi phạm rất nghiêm trọng trong quá trình thực hiện gói thầu trên như điều chỉnh thiết kế kỹ thuật mà chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, tường vây đường hầm tuyến metro số 1 bị điều chỉnh độ dày từ 2m xuống còn 1,5m.
Từ kết luận Thanh tra, Sở Giao thông vận tải TP đã có báo cáo với UBND TP. Sau đó, chính quyền thành phố đã có chỉ đạo xử lý sự việc này. Sở Giao thông vận tải TP phối hợp với chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị thuê tư vấn độc lập tính toán lại.
Theo kết quả tư vấn, để đảm bảo an toàn cho công trình và công trình lân cận, giải pháp được đưa ra là tăng cường khung chống tường vây”.{4} Báo Tiền Phong, Thanh Niên cũng đặt vấn đề tương tự.
Trái ngược với cách nhìn của báo Tiền Phong, Dân Trí.... về việc bào mòn hay rút ruột công trình, Kết quả kiểm toán nhà nước về việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án này ghi nhận việc thay đổi độ dày của tường vây giảm từ 2m thành 1,5m đã tiết kiệm được 93 tỉ đồng và rút ngắn thời gian thi công 5 tháng.
Ngày 26-12, trả lời báo chí về lý do việc bị xem là “rút ruột công trình” này ông Lê Nguyễn Minh Quang cho biết toàn bộ tường vây đoạn ngầm của tuyến Metro số 1 có độ dày tối đa 1,5m, ngay cả khu gần các công trình xây dựng lớn như nhà hát TP, khách sạn REX. Chỉ riêng đoạn tường từ đường Pasteur đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa lại có độ dày 2m, dù không nằm gần các công trình lân cận.
Ban quản lý dự án đường sắt đô thị nhận thấy độ dày tường vây 2m là không cần thiết nên đã đề xuất tư vấn tính toán lại. Kết quả tính toán lại của tư vấn thì độ dày của đoạn tường vây trên giảm còn 1,5m, số lượng thanh thép chống đỡ tường vây cũng giảm đi nhưng chiều cao của các thanh thép cũng như mác thép cũng được tăng lên nhằm đảm bảo khả năng chịu lực của toàn bộ tường vây.
Việc thay đổi thiết kế này được ba đơn vị tư vấn độc lập thẩm tra gồm: Nippon Koei (Nhật Bản), Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Sao Việt và Công ty cổ phần tư vấn thiết kế giao thông vận tải Hà Nội (Tedi Hà Nội) thẩm tra và có ý kiến thống nhất kết quả điều chỉnh trên.
Kiểm toán nhà nước cho rằng việc điều chỉnh thiết kế tường vây từ 2m xuống 1,5m là chưa phù hợp về mặt trình tự thủ tục. {5} Trả lời báo chí ông Minh Quang cũng thừa nhận là hiểu sai quy định của cấp trên, lẽ ra ông chỉ tổ chức thẩm định, báo cáo xin ý kiến lãnh đạo TP rồi mới điều chỉnh thiết kế nhưng ở đây ông đã thẩm định và thay đổi thiết kết rồi báo cáo sau.
Đề cập đến việc điều chỉnh độ dày tường vây, ông Trần Vĩnh Tuyến Phó chủ tịch TP.HCM cho hay mọi vấn đề tài chính, tiền bạc đều được công khai, minh bạch. Theo báo cáo của MAUR, việc hạ độ dày tường vây ngầm giúp giảm chi phí. Tuy nhiên, thiếu sót là việc điều chỉnh này chưa đúng trình tự thủ tục.
Hoạt động điều hành, quản lý dự án thì MAUR được UBND TP.HCM ủy quyền rồi, nhưng khi có điều chỉnh gì so với phương án được duyệt ban đầu phải chờ ý kiến ủy ban. Về hướng xử lý “việc "hạ độ dày tường vây ngầm", UBND TP.HCM chỉ đạo thuê tư vấn đánh giá toàn diện lại vấn đề này, xem có đủ đảm bảo an toàn như thiết kế ban đầu hay không. Khi có kết quả, TP.HCM sẽ thông tin rõ. [5]
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng có nhận xét trên Fb “Như vậy việc thiết kế đoạn tường vây từ đường Pasteur đến đường Nam Kỳ khởi nghĩa có bề dày thay vì 2.0 m xuống 1.5 m là một đề xuất hợp lý (có tính toán độc lập của nhiều chuyên gia Nhật và Việt Nam) của Ts. Lê Nguyễn Minh-Quang, mang lại tiết kiệm cho công trình gần 4 triệu USD! Đây không phải là rút ruột công trình mà là ngược lại! ”
Như vậy, chuyện của ông Lê Nguyễn Minh Quang nếu có sai thì chỉ nhỏ như con kiến nhưng tại sao cơn bão dư luận đổ dồn về ông? Thật sự là tuyến Metro Bến Thành Suối Tiên có nhiều sai phạm lớn rất nghiêm trọng đặc biệt là thay đổi thiết kế nâng tổng vốn đầu tư lên hơn 40.000 tỉ đồng nhưng đó là chuyện của người tiền nhiệm, của người Phó Ban kiêm Bí Thư Đảng ủy đã bỏ đi nước ngoài. Cái tội của ông Lê Nguyễn Minh Quang nếu có là không tư túi, không cúi đầu, không thoả hiệp mở đường cho các nhà thầu Trung Quốc. Một con én không thể làm được mùa xuân, một cá thể dù có tài năng, nhân cách đến mấy nhưng rơi vào một bộ máy, thể chế không minh bạch, quan lêu, tham nhũng tất sẽ bị guồng máy ấy nghiền nát.
Chúng tôi sẽ phân tích những sai phạm của dự án Metro Bến Thành Suối Tiên trong bài kế tiếp.
Kiểm toán nhà nước cho rằng việc điều chỉnh thiết kế tường vây từ 2m xuống 1,5m là chưa phù hợp về mặt trình tự thủ tục. {5} Trả lời báo chí ông Minh Quang cũng thừa nhận là hiểu sai quy định của cấp trên, lẽ ra ông chỉ tổ chức thẩm định, báo cáo xin ý kiến lãnh đạo TP rồi mới điều chỉnh thiết kế nhưng ở đây ông đã thẩm định và thay đổi thiết kết rồi báo cáo sau.
Đề cập đến việc điều chỉnh độ dày tường vây, ông Trần Vĩnh Tuyến Phó chủ tịch TP.HCM cho hay mọi vấn đề tài chính, tiền bạc đều được công khai, minh bạch. Theo báo cáo của MAUR, việc hạ độ dày tường vây ngầm giúp giảm chi phí. Tuy nhiên, thiếu sót là việc điều chỉnh này chưa đúng trình tự thủ tục.
Hoạt động điều hành, quản lý dự án thì MAUR được UBND TP.HCM ủy quyền rồi, nhưng khi có điều chỉnh gì so với phương án được duyệt ban đầu phải chờ ý kiến ủy ban. Về hướng xử lý “việc "hạ độ dày tường vây ngầm", UBND TP.HCM chỉ đạo thuê tư vấn đánh giá toàn diện lại vấn đề này, xem có đủ đảm bảo an toàn như thiết kế ban đầu hay không. Khi có kết quả, TP.HCM sẽ thông tin rõ. [5]
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng có nhận xét trên Fb “Như vậy việc thiết kế đoạn tường vây từ đường Pasteur đến đường Nam Kỳ khởi nghĩa có bề dày thay vì 2.0 m xuống 1.5 m là một đề xuất hợp lý (có tính toán độc lập của nhiều chuyên gia Nhật và Việt Nam) của Ts. Lê Nguyễn Minh-Quang, mang lại tiết kiệm cho công trình gần 4 triệu USD! Đây không phải là rút ruột công trình mà là ngược lại! ”
Như vậy, chuyện của ông Lê Nguyễn Minh Quang nếu có sai thì chỉ nhỏ như con kiến nhưng tại sao cơn bão dư luận đổ dồn về ông? Thật sự là tuyến Metro Bến Thành Suối Tiên có nhiều sai phạm lớn rất nghiêm trọng đặc biệt là thay đổi thiết kế nâng tổng vốn đầu tư lên hơn 40.000 tỉ đồng nhưng đó là chuyện của người tiền nhiệm, của người Phó Ban kiêm Bí Thư Đảng ủy đã bỏ đi nước ngoài. Cái tội của ông Lê Nguyễn Minh Quang nếu có là không tư túi, không cúi đầu, không thoả hiệp mở đường cho các nhà thầu Trung Quốc. Một con én không thể làm được mùa xuân, một cá thể dù có tài năng, nhân cách đến mấy nhưng rơi vào một bộ máy, thể chế không minh bạch, quan lêu, tham nhũng tất sẽ bị guồng máy ấy nghiền nát.
Chúng tôi sẽ phân tích những sai phạm của dự án Metro Bến Thành Suối Tiên trong bài kế tiếp.
Gió Bấc
-----------------------
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
(RFA)
Không có nhận xét nào