Sự kiện Giám đốc Tài chính Huawei
Mạnh Vãn Châu bị bắt tai Canada đã khiến thế giới để ý đến Huawei. Hiện
tại, bà Mạnh đã được bảo lãnh tại ngoại, đồng thời phải chịu sự giám
sát, bên cạnh đó bà Mạnh còn có thể bị dẫn độ đến Mỹ. Vậy bước tiếp theo
của vụ án này sẽ phát triển thế nào? Nếu bà Mạnh Vãn Châu bị dẫn độ đến
Mỹ thì bà và Huawei sẽ đối mặt với điều gì?
Hiện tại bà Mạnh Vãn Châu đã được bảo lãnh tại ngoại nhưng vẫn có thể bị dẫn độ tới Mỹ (Ảnh từ Getty Images) |
Đáp ứng yêu cầu của Mỹ, ngày 1/12, phía Canada đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu tại Sân bay Vancouver.
Bà
Mạnh Vãn Châu là con gái của người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. Bà
Mạnh bị phía Mỹ cáo buộc lừa đảo nhiều tổ chức tài chính trong đó có
Ngân hàng HSBC và Standard Chartered khiến cho cơ tổ chức tài chính này
đối mặt với rủi ro vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran.
Trang
tin Tài chính của Đài CNBC đưa tin hôm 19/12 cho biết, bà Amanda DeBusk
– người đứng đầu vấn đề thương mại quốc tế thuộc Công ty luật sư
Dechert LLP cho biết, nếu bà Mạnh Vãn Châu bị dẫn độ đến Mỹ, cơ quan
quản lý của Mỹ có lẽ sẽ tham dự vào vụ án này, hơn nữa sự kiện của ZTE
hồi nửa đầu năm nay cũng có thể trở thành khuôn mẫu cho vụ án này.
Chính
phủ Trung Quốc vô cùng tức giận về việc bà Mạnh Vãn Châu bị bắt, nên đã
có hàng loạt những động thái đáp trả, trong đó có cả việc bắt giữ công
dân Canada tại Trung Quốc. Bà Amanda DeBusk cho rằng, hành động của
Trung Quốc là muốn Canada trực tiếp giải quyết vụ án này, không dẫn độ
bà Mạnh đến Mỹ.
Bà
nói, tình huống thông thường, dẫn độ nghi phạm từ Canada là việc phù
hợp với quy định thông thường, nghi phạm bị đưa về Mỹ sẽ bị truy tố hình
sự của theo quy định của Mỹ. Tuy nhiên, vụ án này lại không bình
thường.
Bloomberg
News phân tích, vụ án này vốn là vụ án liên quan đến hợp tác tư pháp
quốc tế đơn thuần, nhưng chính quyền Trung Quốc vốn thiếu quan niệm pháp
trị nên cho rằng sự kiện bà Mạnh Vãn Châu bị bắt có liên quan đến xung
đột thương mại Trung – Mỹ.
Sau
khi bà Mạnh Vãn Châu bị bắt, đã có 3 công dân Canada bị Trung Quốc giam
giữ. Năm 2014, cũng xảy ra vụ việc người Canada bị bắt giữ tại Trung
Quốc, cũng thời điểm đó, Mỹ cũng tìm cách dẫn độ một người đàn ông tên
Su Bin bị Canada bắt giữ vì giúp đỡ Trung Quốc tiến hành các hoạt động
gián điệp.
Mỹ chuyên chú vào cáo buộc lừa đảo
Người
phát ngôn Bộ Tư pháp Canada cho biết, trong thời gian 60 ngày kể từ
ngày bà Mạnh Vãn Châu bị bắt, phía Mỹ cần phải đề xuất yêu cầu dẫn độ
chính thức. Việc này bao gồm cả “tất cả chứng cứ cho phép dẫn độ”. Sau
đó, Canada sẽ có thời gian 30 ngày để quyết định có tiến hành dẫn độ hay
không.
Khi
Bộ Tư pháp Canada tiến hành điều trần về dẫn độ, công tố Mỹ đặt trọng
điểm vào cáo buộc bà Mạnh liên quan đến lừa đảo ngân hàng, chứ không chú
trọng đến việc vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran.
Bà
Amanda DeBusk từng là Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ trong vai trò thực
thi luật xuất khẩu, bà cho biết, điều này là vì vụ án liên quan đến dẫn
độ của Canada thông thường cần có cáo buộc liên quan đến tội lừa đảo
nghiêm trọng, đây là lý do vì sao các vụ dẫn độ đều tiến hành thuận lợi.
Sau
đó, Bộ trưởng Tư pháp Canada Jody Wilson-Raybould sẽ buộc phải đưa ra
quyết định về việc liệu có dẫn độ bà Mạnh đến Mỹ hay không.
Bà
Jody Wilson-Raybould cho biết, bà rất coi trọng “trách nhiệm và nghĩa
vụ dẫn độ” của mình, nếu tòa án của Canada phê chuẩn dẫn độ bà Mạnh, “là
Bộ trưởng Tư pháp, tôi đương nhiên phải bàn giao người bị dẫn độ, cũng
như đưa ra quyết định cuối cùng”.
Bà
nói: “Để đảm bảo đúng trình tự và tôn trọng sự độc lập của tòa án,
giống như tất cả các thủ tục tố tụng, nên trong vụ án này công tố viên
sẽ đệ trình lên tòa án, có sự suy xét thích là điều vô cùng quan trọng.”
Nếu
Bộ trưởng Tư pháp Canada phê chuẩn yêu cầu dẫn độ, và người bị dẫn độ
không kháng cáo, trong vài tháng sẽ bị dẫn độ đến nước có yêu cầu. Nhưng
nếu người bị dẫn độ kháng cáo, thì quá trình này sẽ bị kéo dài.
Đài CBC của Canada đưa tin, 10 năm qua, có 90% người bị bắt ở Canada được bàn giao cho nước có yêu cầu dẫn độ.
Nơi ở của bà Mạnh Vãn Châu tại Vancouver, Canada (Ảnh: Getty Images) |
Nếu Mạnh Vãn Châu bị dẫn độ thì sẽ xảy ra chuyện gì?
Nếu
cuối cùng bà Mạnh Vãn Châu bị dẫn độ đến Mỹ để xét xử, thì cơ quan quản
lý của Mỹ có thể sẽ tham dự vào vụ án này, bao gồm Bộ Tư pháp và Văn
phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của Mỹ, đây là văn phòng này xử lý
hành vi liên quan đến vi phạm lệnh trừng phạt.
Bà
Amanda DeBusk còn dự tính, Cục Công nghiệp và An toàn Bộ Thương mại Mỹ
và cơ quan thực thi pháp luật của Hải quan của Mỹ có thể tham dự vào vụ
án này. Bởi vì những cơ quan này có thể tiến hành theo dõi và điều tra
giao dịch tài chính giữa Huawei và Iran, và những giao dịch với tổ chức
tài chính của Mỹ, đồng thời có thể tra ra bất cứ lời khai giả nào của
Huawei.
Mấu
chốt của vụ án này là hai công ty và một ngân hàng. Ngoài Huawei, còn
có một công ty nữa có trụ sở đặt tại Hồng Kông là Skycom, tiêu điểm là
mối quan hệ giữa Huawei và Skycom.
Ngày
30/12/2012, Reuters xuất bản bài báo “Độc quyền: Huawei và đối tác từng
có ý định bán thiết bị máy tính của công ty HP cho Iran”, bản tin chỉ
ra, đối tác của Huawei – tức Skycom không để ý tới lệnh trừng phạt
thương mại đối với Iran của Mỹ, cuối năm 2010, Skycom đề nghị xuất khẩu
thiết bị máy tính của công ty HP (công ty Mỹ) cho công ty viễn thông di
động lớn nhất Iran (MCI).
Bản
tin cho biết, theo tài liệu mà Reuters có được, trong dự án bán sản
phẩm cho MCI, có ít nhất 13 nội dung được ghi rõ là “thông tin cơ mật
của Huawei” và có logo của Huawei.
Mỹ
cáo buộc bà Mạnh Vãn Châu lừa dối nhiều ngân hàng rằng Huawei và công
ty Skycom (được cho là có giao dịch với Iran) không có mối quan hệ nào
để né tránh lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran trong thời gian từ năm
2009 đến năm 2014.
Gần
đây Reuters đưa tin, nếu cuối cùng bà Mạnh bị dẫn độ tới Mỹ, bà sẽ phải
đối mặt với các cáo buộc “âm mưu lừa đảo nhiều tổ chức tài chính”, tổng
cộng mức án cao nhất có thể đối mặt là 30 năm tù.
Bà
Amanda DeBusk còn cho biết, án lệ nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE
của Trung Quốc có thể làm tham chiếu cho vụ tố tụng đối với Huawei.
Nửa
đầu năm nay, ZTE đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Bắc
Triều Tiên, và còn báo cáo giả dối cho nên đã bị Bộ Thương mại Mỹ kích
hoạt lệnh cấm khiến ZTE lâm vào trạng thái dừng sản xuất. Vài tháng sau
khi lệnh cấm có hiệu lực, ZTE đồng ý ký cam kết hòa giải, đồng thời nộp
số tiền lớn để giải trừ lệnh cấm. Đây là một trong những cam kết có quy
mô lớn nhất trong lịch sử Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của Mỹ.
Nhật
báo Phố Wall (WSJ) cũng đưa tin, nếu Mỹ xác định Huawei vi phạm lệnh
trừng phạt của Mỹ, có thể sẽ có hành động tiếp theo. Tháng 10 vừa qua,
chính phủ Mỹ cũng thực thi lệnh cấm tương tự đối với công ty sản xuất
chip điện tử của Trung Quốc là Công ty sản xuất mạch tích hợp Tấn Hoa (
Fujian Jinhua Integrated Circuit, JHICC) tại Phúc Kiến.
Ngày
9/12, Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio cho biết, trong vụ án của Huawei,
Mạnh Vãn Châu bị cáo buộc vi phạm lệnh cấm đối với Iran. Ông nói, khi
những công ty này vi phạm lệnh trừng phạt, Mỹ cần đối đãi giống như từng
đối đãi với ZTE, thực thi lệnh cấm xuất khẩu đối với họ, “chúng ta ủng
hộ chính phủ nhanh chóng làm như vậy”.
Nhà
phân tích Chính sách Trung Quốc Yanmei Xie thuộc công ty Gavekal
Dragonomics cho biết: “Nếu Mỹ lựa chọn biện pháp trừng phạt giống như
trừng phạt ZTE trước đó, Trung Quốc sẽ không có cách nào để ngăn chặn
Huawei khỏi sụp đổ”.
Huệ Anh
(Tri thức VN)
Không có nhận xét nào