The Economist tuần này đã đặt ra câu
hỏi : « Liệu Hoa Vi có thể sống sót sau một loạt những biện pháp hạn chế
hoặc cấm đoán từ Hoa Kỳ và một số nước khác hay không ? »
Logo tập đoàn Hoa Vi (Huawei) tại văn phòng ở Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 06/12/2018. |
Rúng động vì vụ bắt Mạnh Vãn Châu
Bà
Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) không tìm kiếm sự nổi tiếng. Là con gái
của Nhậm Chính Phi ((Ren Zhengfei), người sáng lập Hoa Vi (Huawei), một
trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất của Trung Quốc, bà bắt đầu bằng
công việc thư ký, và 25 năm sau mới giữ chức giám đốc tài chính. Nếu các
doanh nhân giàu có thường là những ngôi sao, thì bà Mạnh khá lặng lẽ.
Nhưng
đến ngày 05/12/2018, mọi cái nhìn đều tập trung vào bà. Cảnh sát Canada
cho biết Mạnh Vãn Châu đã bị bắt trước đó bốn ngày ở Vancouver khi định
đi Mêhi cô. Canada bắt theo yêu cầu của Mỹ, do cáo buộc đã giấu nhẹm
việc một chi nhánh của Hoa Vi buôn bán với Iran, vi phạm cấm vận của
Washington. Ngày 11/12/2018, tòa án Vancouver cho phép Mạnh Vãn Châu
được tại ngoại, buộc đeo vòng điện tử.
Trung
Quốc đòi thả ngay bà Mạnh, đe dọa « hậu quả nghiêm trọng » đối với
Canada. Cả thủ tướng Canada Justin Trudeau và đại diện thương mại Mỹ
Robert Lighthizer đều nhấn mạnh vụ bắt giữ bà Mạnh chỉ đơn thuần là vấn
đề của tư pháp, là một phần của cuộc điều tra về Hoa Vi và các đối tác
từ nhiều năm qua. Tuy nhiên tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm phương hại
đến nỗ lực của ông Lighthizer khi tuyên bố hôm 11/12 là ông có thể can
thiệp (được cho là có lợi cho bà Mạnh), nếu việc này góp phần tạo thuận
lợi cho cuộc thương lượng về thương mại Mỹ-Trung.
Hoa Vi, chìa khóa của « Made in China 2025 » gây lo sợ
Từ
lâu Hoa Vi vẫn gây nhiều quan ngại. Hoa Vi nhanh chóng lớn mạnh, từ một
nhà sản xuất hàng điện tử giá rẻ, trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn
thông lớn nhất thế giới. Doanh số bán từ 93,8 tỉ nhân dân tệ (12,8 tỉ đô
la) năm 2007, nay đã lên đến 603 tỉ nhân dân tệ, đứng ngang hàng với
những tên tuổi lớn như IBM và Microsoft. Mới đây Hoa Vi đã qua mặt
Apple, trở thành tập đoàn bán điện thoại thông minh thứ nhì thế giới.
Với
mục tiêu thống trị thị trường thông qua việc cung cấp thiết bị cho các
công ty viễn thông cần thiết lập mạng điện thoại thế hệ thứ năm (5G),
Hoa Vi là chìa khóa của kế hoạch « Made in China 2025 ». Do tham vọng
của mình, Hoa Vi nay là trung tâm quan ngại của phương Tây, liên quan
đến an ninh quốc gia và trọng lượng kinh tế của Trung Quốc.
Hoa
lục là thị trường lớn nhất của Hoa Vi, chiếm phân nửa thu nhập. Hoa Vi
cũng rất thành công khi vươn ra nước ngoài, ký kết nhiều hợp đồng cơ sở
hạ tầng cho các mạng lưới, từ Đan Mạch cho đến Ấn Độ ; và chiếm được thị
phần của các công ty lâu đời hơn như Ericsson của Thụy Điển, Nokia của
Phần Lan.
Khi
những luồng dữ liệu ngày càng được lưu thông nhiều hơn qua các mạng
lưới của Hoa Vi, cái tên Hoa Vi hiện diện khắp nơi, thì các chính phủ
bắt đầu lo lắng. Ngay sau khi bà Mạnh Vãn Châu bị bắt, ông Andrus Ansip,
một viên chức Ủy ban Châu Âu nói rằng người ta có lý khi quan ngại về
tập đoàn Trung Quốc. Ông cảnh báo khả năng các mã độc được cài trong
thiết bị của Hoa Vi có thể chuyển thông tin về Bắc Kinh, và ngay cả việc
mở ngõ vào cho tin tặc nhà nước.
Đồng minh của Mỹ ngại ngần
Một
số nước đặc biệt là đồng minh của Mỹ, sau đó tỏ ra ngần ngại. Úc cấm
Hoa Vi bán thiết bị cho các công ty trong nước, Đài Loan cũng thế. Trước
khi bà Mạnh bị bắt, New Zealand cũng đã cấm công ty Spark mua thiết bị
5G của Hoa Vi vì lý do an ninh quốc gia. Vài ngày sau đó, Nhật loan báo
chính sách mới, dường như đưa ra để ngăn chận Hoa Vi và ZTE hoạt động
tại xứ phù tang.
Hoa
Vi bác bỏ những cáo buộc, nói rằng không có bằng cớ gì. Vincent Pang,
giám đốc chi nhánh Hoa Vi ở Tây Âu biện minh là tập đoàn Trung Quốc có
mặt ở 170 nước không hề dọ thám khách hàng. Tuy nhiên vẫn không thể trấn
an được các nước, do ông Nhậm Chính Phi xuất thân từ quân đội Trung
Quốc, và luật pháp Trung Quốc buộc các công ty tư nhân phải hỗ trợ Nhà
nước khi được yêu cầu.
Như
Edward Snowden đã tiết lộ năm 2013, các tình báo viên Mỹ đã chỉnh sửa
những sản phẩm công nghệ để nghe lén mục tiêu theo dõi, thì không có lý
do gì mà các đồng nghiệp Trung Quốc lại không sử dụng chiến thuật tương
tự.
Vụ
bà Mạnh Vãn Châu bị bắt ảnh hưởng đến Hoa Vi như thế nào, còn tùy thuộc
vào phản ứng của các nước. Nhưng các quyết định quan trọng nhất là từ
Hoa Kỳ, nơi mà nghi ngờ đối với tập đoàn này hết sức lớn. Washington gây
áp lực lên các đồng minh, đặc biệt tại châu Âu – thị trường lớn thứ nhì
của Hoa Vi – để cấm đoán hoặc hạn chế tập đoàn viễn thông Trung Quốc.
Hoa Vi sẽ có cùng số phận với ZTE ?
Theo
ông Shaun Collins, công ty tư vấn CCS Insight, thì đây là một vố rất
đau cho Hoa Vi nhưng chưa đến nỗi làm công ty này phải phá sản. Các thị
trường khác vẫn có triển vọng, nhất là Hoa lục : Trung Quốc có thể là
thị trường lớn nhất và phát triển nhanh nhất đối với 5G trong những năm
tới.
Nhưng
còn có những khả năng khác nữa. Tương tự như trường hợp bà Mạnh, năm
2017 một tập đoàn khác của Trung Quốc là ZTE cũng bị cáo buộc là vi phạm
lệnh cấm vận đối với Iran. Tháng Tư năm ngoái, các công ty Mỹ bị cấm
bán thiết bị cho ZTE, khiến tập đoàn này có nguy cơ phá sản vì phải sử
dụng chip điện tử và phần mềm của Mỹ. Nhờ sự can thiệp của tổng thống
Donald Trump – một động thái ưu ái cho Tập Cận Bình – mà ZTE mới có thể
tồn tại. Trong báo cáo mới nhất, ZTE cho biết bị thiệt mất 7,2 tỉ nhân
dân tệ trong năm, so với năm trước đó lợi nhuận đạt được 4,6 tỉ nhân dân
tệ.
Một
số chính khách Mỹ, trong đó có ông Mark Warner, phó chủ tịch (Dân Chủ)
Ủy ban Tình báo Thượng Viện, cho rằng các biện pháp tương tự cần được áp
dụng với Hoa Vi.
Nếu
điều này xảy ra, Hoa Vi sẽ bị tê liệt, mặc dù chính quyền Trung Quốc
hay các ngân hàng quốc doanh vẫn có thể rót thêm vốn nếu cần thiết.
Lệ thuộc vào công nghệ Mỹ
Cũng giống như ZTE, Hoa Vi lệ thuộc vào các thiết bị của Mỹ, như hệ điều hành Android của Google và chip điện tử của Qualcomm.
Trong
báo cáo mới đây, ngân hàng Jefferies cho biết Hoa Vi không thể tự sản
xuất điện thoại thông minh hay các trạm thu phát sóng điện thoại di
động, nếu không có các sản phẩm Mỹ. Cũng như nhiều công ty công nghệ
khác, Hoa Vi phải dựa rất nhiều vào những con chip được thiết kế theo
giấy phép của ARM, một công ty Anh thuộc quyền sở hữu của SoftBank, một
công ty Nhật. SoftBank nay đang có kế hoạch gỡ bỏ một số thiết bị Hoa Vi
khỏi mạng lưới của mình.
Hồi
tháng 11, Hoa Vi đã tổ chức lễ trao giải thưởng cho 92 nhà cung cấp
hàng đầu, trong đó có 33 nhà cung cấp Mỹ. Intel (sản xuất chip vi xử lý,
Mỹ) và NXP (sản xuất chất bán dẫn, Hà Lan được tặng bằng danh dự để
đánh dấu một thập kỷ cùng làm việc. Trông cậy vào sự hợp tác trong quá
khứ, ông Pang tỏ ra lạc quan là cơn bão sẽ đi qua.
Tuy
nhiên mới đây tập đoàn Orange của Pháp loan báo sẽ không mời Hoa Vi
tham gia thiết lập mạng lưới 5G, và Deutsche Telekom, tập đoàn điện
thoại lớn nhất nước Đức cũng cho biết sẽ xem xét lại các nhà cung cấp,
vì « hết sức quan tâm đến cuộc tranh luận trên thế giới về tính an toàn
của các thiết bị Trung Quốc ».
Xem ra số phận của Hoa Vi khá mong manh.
Thụy My
(RFI)
Không có nhận xét nào