Header Ads

  • Breaking News

    Kỳ vọng gì khi thủ tướng đề nghị tư vấn về XH dân chủ?

    Thủ tướng Việt Nam mới đây đề nghị tổ tư vấn của ông đưa ra ý kiến về mối quan hệ giữa 3 trụ cột gồm “nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, và xã hội dân chủ”. Báo chí trong nước cho hay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn “lắng nghe hiến kế” của tổ tư vấn tại một cuộc gặp hôm 22/12.

    Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc họp với tổ tư vấn hôm 22/12/2018
    Báo Điện tử của Chính phủ, An Ninh Thủ Đô, Tiền Phong và một số báo khác đưa tin rằng bên cạnh chủ đề nêu trên, Thủ tướng Phúc muốn tổ tư vấn giúp giải bài toán khó là “làm sao năm 2019 tăng trưởng đạt khoảng 7%, đồng thời giữ được mục tiêu ổn định vĩ mô”.

    Vẫn tường thuật của báo chí cho biết thêm rằng ông Phúc cũng mong muốn lắng nghe góp ý về “những ưu tiên cho năm 2019, cho 5 năm, 10 năm tới”.

    Các bài báo trích lời Thủ tướng Phúc đặt hàng với tổ tư vấn rằng họ cần đưa ra lời khuyên để “làm sao tránh được bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công, bẫy ‘thiên đường ô nhiễm’ xảy ra ở Việt Nam”.

    Tổ tư vấn của Thủ tướng Phúc được thành lập hồi cuối tháng 7/2017, với 15 thành viên gồm một số cựu quan chức cấp bộ trưởng, các chuyên gia nghiên cứu cao cấp và các nhà khoa học kỳ cựu. Trong số họ có những người còn trẻ tuổi, từng làm việc cho các trường đại học ở Mỹ, Pháp hay Nhật Bản.

    Đáp lại lời đề nghị của thủ tướng đặt ra hôm 22/12, tổ tư vấn đưa ra ý kiến rằng năm 2019, Việt Nam có thể “phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,9-7% và lạm phát dưới 4%”, theo báo chí.

    Tổ tư vấn nói để đạt được mục tiêu đó, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ phải được coi là “hai động lực chính” và “phải đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2018”.

    Các bài tường thuật không cho biết liệu tổ tư vấn đã trả lời cụ thể đến đâu về mối quan hệ giữa 3 trụ cột mà Thủ tướng Phúc đề cập đến là “nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, và xã hội dân chủ”.

    Thông tin trên báo chí chỉ cho biết tổ tư vấn kiến nghị ưu tiên nhắm tới “tháo gỡ 4 nút thắt căn bản”, trong đó có “nút thắt trong khai thông nguồn lực xã hội”, bên cạnh 3 vấn đề khác là “vướng mắc trong triển khai dự án lớn, trở ngại trong bứt phá khu vực tư nhân, và khó khăn của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp”.

    Tổ tư vấn cho rằng cần phải coi đó là “những trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo điều hành”.

    Khi được hỏi liệu việc Thủ tướng Phúc quan tâm đến “xã hội dân chủ” có phản ánh một tư duy mới của ông nói riêng, của chính quyền nói chung hay không, tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động nổi tiếng nói với VOA rằng “không có gì mới”. Tiến sĩ Quang A giải thích thêm:

    “Nếu mà thay vì ‘xã hội dân chủ’ ông ấy nói về ‘xã hội dân sự’ thì tôi nghĩ có một sự thay đổi quan trọng, chí ít là trong nhận thức của ông ấy. Bởi vì nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự là ba chân kiềng của một xã hội. Nếu ba chân đấy đều nhau, hỗ trợ cho nhau, chống đỡ cho nhau, giám sát lẫn nhau để cùng phát triển, thì mình sẽ có một xã hội lành mạnh”.

    Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng là một chuyên gia kinh tế, ông là người đã cùng 8 nhà nghiên cứu khác thành lập ra Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS). Ông nói với VOA rằng không nên xem các hội, nhóm xã hội dân sự là “chống đối nhà nước”.

    Ông nói như đã thấy ở nhiều nước, các tổ chức xã hội dân sự “đóng vai trò rất quan trọng” trong việc cung cấp các dịch vụ mà nhà nước và thị trường không cung ứng, không đáp ứng được, chứ họ không chỉ giám sát, phản biện các chính sách, hoạt động của nhà nước.

    Những động thái kỳ quặc như vậy cho thấy ngay cả những tổ chức xã hội dân sự có đăng ký với nhà nước mà họ cũng hành xử như vậy thì tôi không nghĩ họ nhận thức ra về vai trò của xã hội dân sự một cách đúng đắn.

    Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói rằng điều đáng tiếc là ở Việt Nam xã hội dân sự bị “khinh miệt” và tình trạng này làm cho các chân kiềng của xã hội bị “khập khiễng”.

    Ông đưa ra dẫn chứng mới nhất là trong buổi sáng ngày 19/12, chính quyền đã can thiệp, giải tán cuộc hội thảo về chủ đề "vai trò của các tổ chức xã hội, nhà nước và các bên liên quan trong cung cấp và giám sát dịch vụ công" không lâu sau khi nó bắt đầu diễn ra tại một khách sạn ở Hà Nội.

    Theo lịch, hội thảo thường niên lần 3 của các tổ chức xã hội dân sự, trong đó có nhiều tổ chức đã có đăng ký hợp pháp, lẽ ra kéo dài trong một ngày rưỡi.

    Bình luận về sự cố này, tiến sĩ Quang A nói với VOA:

    “Chính quyền họ moi một cái sắc lệnh từ thời năm, sáu mươi năm trước, để họ nói là có tụ tập trên 5 người ở khu vực công cộng mà không báo trước cho họ thì như vậy phải dẹp. Những động thái kỳ quặc như vậy cho thấy ngay cả những tổ chức xã hội dân sự có đăng ký với nhà nước mà họ cũng hành xử như vậy thì tôi không nghĩ họ nhận thức ra về vai trò của xã hội dân sự một cách đúng đắn”.

    Ngoài nhận định rằng việc thủ tướng đề cập đến “xã hội dân chủ” khi ông họp với tổ tư vấn không phải là tín hiệu gì mới, tiến sĩ Quang A cũng đưa ra nhận xét về tổ tư vấn hiện nay của thủ tướng.

    Theo vị tiến sĩ, việc thủ tướng ngồi họp với tổ tư vấn theo tần suất “năm thì mười họa” cho thấy tổ này dường như chỉ có tính hình thức.

    Để tổ tư vấn thực sự làm việc hiệu quả, tiến sĩ Quang A nói Thủ tướng Phúc “cần phải dám” khôi phục một tổ tư vấn như dưới thời các Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, gồm hàng chục chuyên gia, nhà nghiên cứu làm việc 8 giờ hàng ngày bên cạnh thủ tướng, đưa ra những ý kiến về các chính sách, các động thái của chính phủ ngay từ khi chúng hình thành.

    Tại cuộc họp hôm 22/12, Thủ tướng Phúc đã ghi nhận các ý kiến của tổ tư vấn và cho rằng tổ “đã đưa ra nhiều nhận định, nhiều đánh giá sát với thực tế, trong đó có đề xuất mới, cụ thể, có tính thực tiễn cao”, theo báo chí trong nước.

    (VOA) 

    Không có nhận xét nào