Header Ads

  • Breaking News

    Khi Trung Quốc hào hứng với thị trường điện Việt Nam

    Chủ tịch của Trung Quốc - ông Tập Cận Bình - tuyên bố coi việc chống ô nhiễm môi trường là một trong ba “cuộc chiến” quan trọng của chính phủ nước này. Điều đó có ý nghĩa và tác động gì đến Việt Nam?

    Khi Trung Quốc hào hứng với thị trường điện Việt Nam

    Trung Quốc đang xây dựng 140 nhà máy nhiệt điện ở nước ngoài

    Với tuyên bố trên, kế hoạch năm năm lần thứ 13 của Trung Quốc đã đặt ra nhiều mục tiêu nhằm cắt giảm lượng phát thải cacbon và sử dụng nhiều năng lượng sạch hơn nữa. Trong bối cảnh đó, các tỉnh có nhiều ngành sử dụng than như luyện thép và nhiệt điện đều được yêu cầu cắt giảm công suất, thay đổi công nghệ hoặc ngừng xây mới. Dự báo năm 2040 nhu cầu sử dụng than đá là nguồn năng lượng sơ cấp tại Trung Quốc sẽ giảm khoảng 20% (xuống mức 45%).

    Cái giá của cuộc cách mạng làm sạch môi trường có thể khiến hàng trăm nhà máy nhiệt điện tại Trung Quốc phải đóng cửa và tạo ra xáo trộn kinh tế lớn cho các tỉnh công nghiệp truyền thống vùng Đông Bắc. Chỉ trong vòng sáu tháng đầu năm 2017, Trung Quốc đã ngừng kế hoạch xây dựng hơn 100 nhà máy nhiệt điện.

    Đối với các công ty năng lượng Trung Quốc, tác động kép của chính sách môi trường và chính sách năng lượng mới rõ ràng tạo ra sức ép rất lớn cả về lợi nhuận và việc làm. Để ứng phó với thay đổi này, các công ty Trung Quốc đang mở rộng đầu tư ra bên ngoài. Theo báo cáo cập nhật của Urgewald - một tổ chức bảo vệ môi trường có trụ sở ở Berlin (Đức) - các công ty điện và năng lượng Trung Quốc đang xây dựng hơn 700 nhà máy nhiệt điện, trong đó có 140 nhà máy nhiệt điện nằm ngoài Trung Quốc.

    Trong bối cảnh nhiệt điện trong nước bị ngừng lại hoặc buộc đóng cửa, công ty chế tạo máy móc thiết bị điện lớn nhất Trung Quốc - tập đoàn Điện khí Thượng Hải - tuyên bố họ đã giành được nhiều hợp đồng thầu lắp đặt nhà máy điện với tổng công suất 6.285 MW, cao gấp 10 lần số công suất xây mới tại Trung Quốc. Công ty công trình năng lượng Trung Quốc không có bất kỳ kế hoạch khởi công nào tại Trung Quốc nhưng lại có hợp đồng xây dựng lên tới 2.200 MW tại Việt Nam và Malawi (châu Phi). Trong số 20 công ty xây lắp nhiệt điện lớn nhất toàn cầu, 11 công ty là của Trung Quốc.

    Các chính sách kinh tế đối ngoại mới như Vành đai, Con đường hay Hợp tác Mekong - Lan Thương đóng vai trò quan trọng trong việc mở đường để Trung Quốc cho các nước đang phát triển ở Đông Nam Á vay vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng (sản xuất điện), đặc biệt là nhiệt điện và thủy điện. Nghiên cứu cho thấy 66% các khoản vay này là dành cho lĩnh vực nhiệt điện.

    Cầu của Việt Nam gặp cung từ Trung Quốc

    Với tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức 6-7% và khu vực công nghiệp phát triển mạnh, Việt Nam là nước có nhu cầu điện năng bình quân lớn, 1.500 kWh/người, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện sẽ khoảng 8%/năm cho đến năm 2035.

    Đến cuối năm 2015, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam đạt 38.553 MW, bao gồm 38% thủy điện, 33,5% than, 20,7% khí thiên nhiên. Điều đáng nói là khuynh hướng sử dụng nhiệt điện tại Việt Nam lại gia tăng trong quy hoạch điện của Chính phủ. Trong cơ cấu công suất nguồn điện theo Tổng quy hoạch điện VII điều chỉnh (2020-2030), nhiệt điện sẽ tăng từ 33,5% (năm 2015) lên 42,6% (năm 2020) và giữ nguyên đến năm 2030. Theo số liệu của tổ chức Global Coal Tracker, đến năm 2016, Việt Nam có 22 nhà máy nhiệt điện đang vận hành, số nhà máy đang xây dựng và được cấp phép là 52 nhà máy, số đợi cấp phép là 14. Như vậy, số nhà máy xây mới sẽ gấp ba lần số nhà máy hiện nay. Để xây dựng số nhà máy này, đến năm 2030, Việt Nam cần thêm khoảng 46 tỉ đô la Mỹ. Đây là một thách thức thực sự trong bối cảnh giai đoạn đến năm 2020 Việt Nam chỉ tự chủ được 8% tổng số vốn (chủ yếu là vốn đối ứng) và phải dựa vào vốn vay nước ngoài tới 24%. Nhu cầu phát triển nhiệt điện của Việt Nam là một nguồn đầu tư hấp dẫn với các công ty xây lắp Trung Quốc.

    Về quy mô đầu tư

    Báo cáo “Phát triển nhiệt điện than ở Việt Nam: góc nhìn tài chính” do Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (Green ID) thực hiện năm 2017 cho biết Trung Quốc là quốc gia cấp vốn vay nhiều nhất cho nhiệt điện than ở Việt Nam với 8,3 tỉ đô la Mỹ (chiếm 50% nguồn vốn đầu tư cho nhiệt điện Việt Nam). Nhưng nghiên cứu khác cho thấy con số này có thể ở mức trên 5 tỉ đô la Mỹ (theo giá không đổi năm 2010). Dù với con số nào, Trung Quốc cũng đều là nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng nhiệt điện ở Việt Nam. Nếu tính cả dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (Nghệ An) có tổng mức đầu tư khoảng 2,1 tỉ đô la Mỹ, Quảng Trạch 2 (Quảng Bình) dự kiến 2,4 tỉ đô la Mỹ được EVN và TKV đề xuất giao cho liên doanh gồm bốn ngân hàng của Trung Quốc thì số vốn đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực nhiệt điện Việt Nam sẽ tiến sát mức 15 tỉ đô la Mỹ.

    Về số dự án

    Gây ấn tượng mạnh hơn số vốn đầu tư là số dự án nhiệt điện đang xây hoặc dự kiến xây (đã được cấp phép) do Trung Quốc tiến hành với hình thức EPC (tổng thầu) hoặc tham gia một phần. Trong số 25 dự án nhiệt điện đang thi công hoặc chuẩn bị thi công, Trung Quốc tham gia tới 21 dự án, chiếm 85%. 15 dự án Trung Quốc là EPC gồm An Khánh 1, Cao Ngạn, Cẩm Phả 1 và 2, Duyên Hải 1 và 3, Hải Phòng 1 và 2, Mạo Khê, Quảng Ninh 1 và 2, Sơn Đồng, Uông Bí mở rộng, Vĩnh Tân 2, Vũng Áng 1. Sáu dự án Trung Quốc tham gia một phần gồm Hải Dương, Duyên Hải 2 và 3, Thái Bình 2, Thăng Long, Vĩnh Tân 1.

    Về cấu trúc thị trường

    Một phát hiện thú vị là hoạt động đầu tư vào lĩnh vực điện năng của Trung Quốc tại Việt Nam chỉ tiến hành giữa các công ty Trung Quốc với nhau mà thiếu hẳn sự liên kết thị trường theo hàng ngang với các công ty bản địa hoặc các công ty nước ngoài khác. Đây là điều không xảy ra trong hoạt động đầu tư vào lĩnh vực điện năng của các tập đoàn Nhật Bản hay Hàn Quốc (những đối tác cấp vốn lớn thứ 2 và thứ 3 của Việt Nam). Cách thức thâm nhập vào thị trường nhiệt điện của Trung Quốc cũng khá đặc biệt. Với với trò là ngân hàng cấp tín dụng và các chủ thầu (tham gia 100% hoặc một phần vào dự án), các dự án có yếu tố Trung Quốc này sử dụng gần như 100% máy móc và thiết bị được cung cấp bởi các công ty Trung Quốc. Điều đó tạo thành một bộ ba ngân hàng - chủ đầu tư - công nghệ hoàn toàn “made in China”, có nghĩa là Việt Nam sẽ phụ thuộc không chỉ vào vốn mà còn phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ của Trung Quốc.

    Hệ quả bỏ ngỏ

    Đối với Việt Nam, nguồn vốn vay của Trung Quốc có thể là một nguồn bổ sung quan trọng nhưng cũng có nhiều hệ lụy trực tiếp cần đánh giá kỹ lưỡng.

    Chi phí để xây dựng và vận hành các nhà máy nhiệt điện có thực sự rẻ? Những quan điểm ủng hộ điều này dường bỏ qua một số thực tế khi công trình được thực hiện bởi các nhà thầu Trung Quốc. Thứ nhất, thời gian thi công thường bị kéo dài làm tăng chi phí xây dựng ban đầu. Thứ hai, công nghệ và máy móc phải nhập khẩu từ Trung Quốc nên không có sự cạnh tranh về giá và không có nguồn hàng thay thế. Thứ ba, Trung Quốc không cấp ODA nên lãi suất cho vay thường rất cao, tính cả việc tỷ giá Việt Nam sẽ mất giá so với đồng đô la Mỹ hoặc nhân dân tệ, thì vay vốn từ Trung Quốc sẽ là một rủi ro lớn. Trong dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1, nếu vay Trung Quốc, dự kiến sẽ có hai hình thức: vay tín dụng thương mại thì lãi suất sẽ là 10,86%/năm; vay quốc tế thì lãi suất là 11,77%/năm. Cuối cùng, giá nhiệt điện than rẻ hơn năng lượng tái tạo vì chưa bao gồm chi phí ngoại biên (như chi phí môi trường, xã hội, sức khỏe). Mà vấn đề môi trường luôn là một nỗi ám ảnh từ các công trình do Trung Quốc thi công.

    Ngoài ra, các vấn đề về xã hội cũng rất phức tạp. Một đặc điểm cần tính tới là sự xuất hiện ồ ạt của lao động Trung Quốc (cả với hình thức hợp pháp và không hợp pháp) sẽ tác động lớn đến cuộc sống của người dân các địa phương có nhà máy nhiệt điện được xây dựng.

    Sự hiện diện áp đảo của Trung Quốc tại Đông Nam Á

    Trong giai đoạn 2006-2015, tổng mức tăng trưởng GDP của Đông Nam Á đạt 66%, với tốc độ này, mức độ sử dụng năng lượng thứ cấp của khu vực cũng đã tăng thêm 70%. Có thể nói giữa tăng trưởng kinh tế và sử dụng năng lượng ở Đông Nam Á có tương quan chặt chẽ. Điều này khiến chính phủ các nước Đông Nam Á ráo riết xây dựng hệ thống chính sách năng lượng nhằm đảm bảo thu hút được ngày càng nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng như duy trì tăng trưởng trong thời gian tới.

    Nhu cầu tiêu thụ điện của Đông Nam Á ngày càng lớn nhưng thiếu hụt vốn đầu tư cũng ngày càng gia tăng. Nghiên cứu của IEA cho thấy với tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện năng như trên, đến năm 2040, Đông Nam Á sẽ cần ít nhất 1.200 tỉ đô la Mỹ để đầu tư cho lĩnh vực năng lượng. Sự xuất hiện của hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris cũng có thể làm tăng nhu cầu đầu tư thêm 300 triệu đô la Mỹ - chủ yếu phục vụ cho nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

    Nhận thấy sự thiếu hụt vốn của khu vực, từ năm 2003-2016, Trung Quốc đã đầu tư vào Đông Nam Á 66 tỉ đô la Mỹ cho lĩnh vực năng lượng, chiếm tới 47% tổng số vốn đầu tư về năng lượng của Trung Quốc ra nước ngoài trong cùng thời kỳ. Số vốn đầu tư của Trung Quốc vào năng lượng Đông Nam Á có vị trí áp đảo so với khoản đầu tư mà các định chế quốc tế khác cung cấp cho khu vực này. Chẳng hạn, từ năm 2009-2016, số vốn đầu tư mà Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, Công ty Đầu tư tư nhân hải ngoại (Mỹ), Văn phòng Phát triển quốc tế (Mỹ), GIZ (Đức), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho các nước Đông Nam Á vay để đầu tư năng lượng là 6,34 tỉ đô la Mỹ, chỉ bằng một phần năm con số mà Trung Quốc cho vay trong cùng thời kỳ. Theo số liệu của AidData, trong giai đoạn 2008-2014, Trung Quốc đã đầu tư 24 dự án tại Đông Nam Á với tổng số vốn lên tới 30 tỉ đô la Mỹ. Indonesia đang chiếm tới 67% tổng số vốn từ Trung Quốc (với 10 dự án điện), tiếp theo là Philippines 14% (ba dự án), Lào 11% (năm dự án). Trong số các loại định chế cung cấp tín dụng từ Trung Quốc, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (CHEXIM) và Ngân hàng Trung Quốc (BOC) đóng góp tới 23% tổng số vốn vay (tương đương với 6,85 tỉ đô la Mỹ).

    Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất hứng thú với thị trường nhiệt điện ở Đông Nam Á. Ba nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tư tới 18 dự án nhiệt điện ở Indonesia trong giai đoạn 2010-2017. Ba ngân hàng lớn nhất của Singapore cũng cho vay 11 dự án nhiệt điện ở Indonesia và Việt Nam. Nhưng Trung Quốc là quốc gia chiếm ưu thế tuyệt đối trong đầu tư thủy điện ở Đông Nam Á. Tất cả các thủy điện lớn tại các quốc gia thuộc lưu vực Mêkông đều có bóng dáng nhà thầu Trung Quốc.


    TS. Phạm Sỹ Thành
    Kinh Tế Saigon

    Không có nhận xét nào