BCT giới thiệu nhân sự quy hoạch
hai năm trước đại hội là một cách làm mới nhưng để kết quả không như cũ
thì Đảng phải công khai ngay danh sách cho dân giám sát.
Tổng Bí Chủ Nguyễn Phú Trọng |
Nếu
"nhà nước thực sự là của dân" như Đảng tuyên bố thì nhân sự không phải
là công việc nội bộ của Đảng. Phần lớn trong 200 con người được quy
hoạch đó đang hoặc sẽ nắm giữ những quyền lực then chốt nhất của nhân
dân. Nên nhớ là những Nguyễn Tấn Dũng, Trần Đại Quang, Đinh La Thăng,
Tất Thành Cang... đều được quy hoạch từ rất sớm.
Nhưng
bản chất của "quy hoạch vẫn là sự lựa chọn của các bậc cha chú. Ông Võ
Văn Kiệt thường nói, "Lãnh đạo phải hơn người khác một cái đầu; nhưng
khi không hơn người khác, họ thường có khuynh hướng chọn người kém mình
một cái đầu". Bộ máy cũ không những đẻ ra chính nó mà còn đẻ ra một thế
hệ kế tục kém xa hơn nó. Đó là kết quả sinh sản của những cuộc hôn nhân
cận huyết.
Hơn 70 năm qua đã có 3 thế hệ nắm quyền, cả ba thế hệ đều không có vai trò của dân thông qua những thiết chế thực quyền.
Thế
hệ các bậc "công thần khai chế độ", bao gồm những người cho dù xuất
thân là vô sản, giang hồ hay trí thức, thì cũng đều là những người có
khát vọng. Lựa chọn của họ có thể quăng quật đất nước qua biết bao tao
loạn nhưng tham vọng của họ không tủn mủn như vàng bạc hay chức tước cho
vợ con. Họ biết chuẩn bị một thế hệ kế tục "con đường" của mình.
Thế
hệ được lựa chọn này có thể tính từ Phan Văn Khải, Nguyễn Đình Lộc, Đậu
Ngọc Xuân, Vũ Khoan... và những người tiếp theo như Đỗ Quốc Sam, Trần
Xuân Giá, Võ Hồng Phúc... Họ hoặc là có nguồn gốc trí thức hoặc được
Đảng cho ăn học nhưng vẫn mang khí chất của những người trí thức.
Cho
dù được chuẩn bị để "kế tục sự nghiệp", nhưng khi họ cầm quyền cũng là
khi Liên Xô sụp đổ. Nhiều người trong số họ tự giải phóng đầu óc mình ra
khỏi tình trạng "bị cầm tù trong sự giáo điều". Dù nhiều người không
hẳn là liêm khiết, khí chất kẻ sỹ vẫn giúp họ đặt khát vọng quốc gia,
dân tộc cao hơn lợi ích cá nhân. Chính họ nhìn thấy sự lầm than chủ yếu
vì "lỗi hệ thống" chứ không đổ cho chiến tranh, chia cắt.
Họ
khôn ngoan cài cắm các khái niệm tích cực vào các văn kiện, rồi mềm dẻo
"thể chế hoá" chúng. Hiến pháp 1992, Luật Đất Đai 1993, Luật Doanh
Nghiệp 1999..., những chính sách mang dấu ấn của họ, đã thiết lập các
hành lang pháp lý để VN có thể đặt chân đến cánh cửa của kinh tế thị
trường. Họ là thế hệ thấu hiểu mô hình Xô - Viết, chính họ đã khôn ngoan
biến công cuộc đổi mới của Đảng (từ 1986) - khởi xướng bởi những người
từng là con đẻ của Xô - Viết - trở thành một công cuộc từng bước đưa VN
thoát khỏi mô hình Xô - Viết.
Tiếc
thay, họ thường nghiêng về kỹ trị hơn là chính trị. Họ thua ngay những
người gần như cùng thời với mình như Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh
Hùng...
Thế
hệ thứ Ba, không phải không còn những người có khí chất, biết giữ gìn.
Tuy nhiên, những người còn chút lòng với đất nước này nhanh chóng bị đẩy
vào nhóm thiểu số. Nguyên tắc "tập trung dân chủ" từng tập trung vào
tay Tổng bí thư, trong hai nhiệm kỳ gần như nằm trong tay Nguyễn Tấn
Dũng.
Nguyễn
Tấn Dũng được cơ cấu vào dự khuyết Trung ương năm 1986, khi đang là Bí
thư Hà Tiên. Chẳng phải Võ Văn Kiệt, hay Lê Đức Anh mà chính học thuyết
"pháo đài cấp huyện" của Lê Duẩn đã chọn ông, một người chẳng tài cán,
chưa công lao, như đã chọn Nguyễn Thị Xuân Mỹ (Quận Lê Chân, Hải Phòng),
Trương Mỹ Hoa (Tân Bình)... Cơ hội thực sự của Nguyễn Tấn Dũng là được
đón Lê Đức Anh tới thăm Kiên Giang vào ngày 5-5-1993. Chỉ mấy tháng sau,
Ba Dũng được đưa ra làm thứ trưởng Bộ Nội Vụ thay thế Tướng Võ Viết
Thanh, trong một ý đồ nắm Bộ sức mạnh này của Lê Đức Anh.
Ai
từng biết Ba Dũng trước khi ông ta lên Thủ tướng thì mới thấy đó là một
con người hoàn toàn khác, ngoan ngoãn, nhất mực vâng lời các cha chú
Anh - Kiệt - Mười. Võ Văn Kiệt thích Ba Dũng vì tính quyết đoán. Đỗ Mười
chọn ông ta vì "con liệt sỹ, lại đã kinh qua chiến đấu, kiên định vững
vàng". Ông Võ Văn Kiệt nhận ra con người Ba Dũng ngay sau một năm ông ta
trở thành Thủ tướng. Tam nhân chọn lựa nhưng chỉ có Lê Đức Anh là đứng
rất lâu sau lưng Ba Dũng.
Hai
thập niên ông tướng này bảo vệ đất quân đội cũng vì quyền lực; rồi
chính ông để cho Ba Dũng, Phùng Quang Thanh... chia chác đất quân đội
cũng vì tiếp tục muốn có ảnh hưởng quyền lực. Trước Đại hội, khi sức đã
tàn ông Tướng vẫn còn can thiệp để giữ "anh Ba" ở lại.
Điểm
nổi bật của "thế hệ thứ Ba" là hiểu biết rất "ba chớp ba nhoáng" về mô
hình Xô - Viết nhưng lại cầm quyền vào thời điểm quyền lực rất có màu.
Những người tôn thờ tiền bạc nhất lại rất giỏi nói những lời có cánh về
"định hướng". Họ tăng trưởng nhanh giới thời Ba Dũng. Họ không chỉ tự
tha hoá mình về mặt con người, mà còn làm vô hiệu các nỗ lực cải cách
thể chế của những người tiền nhiệm. Giai đoạn sau 2006, Việt Nam thay vì
có thể vững chắc đi đến thị trường, con đường tích tụ tư bản của các
doanh nghiệp phần lớn bị đặt ở sân sau, hoang dã.
Đúng
là lỗi hệ thống nhưng chính những người như Nguyễn Tấn Dũng đã chung
chạ bừa bãi với phần lăng loàn nhất của thể chế để "đẻ" ra những Đinh La
Thăng, Bắc Hà, Phan Văn Vĩnh... và "khối doanh nghiệp sân sau". Tất
Thành Cang không chỉ nằm trong số đó mà còn là truyền nhân nguy hiểm
nhất. Cang không chỉ giỏi ton hót Lê Thanh Hải, Nguyễn Tấn Dũng... mà
còn chơi trong nhóm các cậu ấm Nguyễn Thanh Nghị, Lê Trương Hải Hiếu...
Người dân Sài Gòn không phải không biết Cang là ai. Vấn đề là quy trình
cán bộ đưa Cang lên nắm quyền không có vai trò của các đảng viên tử tế,
đừng nói chi vai trò của dân.
Đội
ngũ lãnh đạo đất nước này phần lớn được lựa chọn trong mười năm qua;
nhung nhúc "những đứa con cận huyết". Họ chỉ kém sự du côn của Cang và
không được vẫy vùng trong lãnh địa của "anh Hai". Các quy trình đã từng
đưa họ lên, khi có cơ hội sẽ đưa họ thành Cang, thành Thăng, thành
Vĩnh...
Cả
ba thế hệ đều đã lệ thuộc rất nhiều vào cá nhân, thế hệ nào cũng không
tránh được sự tha hoá. Đừng để "thế hệ thứ Ba" khi có cơ hội lại đưa đất
nước quay lại "thời kỳ Ba Dũng". Phải để những kẻ tha hoá biết sợ dân,
sợ thể chế chứ không chỉ sợ một người; phải để cây thành rừng, thành gỗ
chứ không chỉ thành củi. Dân chúng hân hoan khi thấy bọn tham nhũng bị
tống vào tù; nhưng dân chúng cần có đủ niềm tin vào thể chế để tìm cảm
hứng phát triển ngay cả khi "lò" tắt.
Huy Đức
(FB Trương Huy San)
Không có nhận xét nào