Header Ads

  • Breaking News

    Hội nghị trung ương 9: Tất Thành Cang mất ‘trung ủy’, rồi sao nữa?

    Hội nghị trung ương 9 của đảng Cộng sản vẫn còn cầm quyền ở Việt Nam có thể sẽ khai mạc vào tuần này, với nhiệm vụ lấy phiếu tín nhiệm của các thành viên trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thêm một ‘chuyện nhỏ’ là xử lý Ủy viên trung ương, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang.

    Hình minh họa
    Vào cuối tuần trước và có thể sát thời điểm diễn ra Hội nghị trung ương 9, việc Ủy ban Kiểm tra trung ương có “đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với ông Tất Thành Cang” cho thấy khả năng cao là Cang sẽ mất ghế ‘trung ủy’ tại hội nghị này, giống như trường hợp Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bị cách chức tại Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười năm 2017.

    Vụ ‘ăn đất Nhà Bè’ được dư luận và báo chí phát hiện từ tháng Ba năm 2018 với những bằng chứng cụ thể để không những có thể quy trách nhiệm về ‘chỉ đạo’ cho Tất Thành Cang mà còn có thể khép Cang vào tội danh ‘ăn bẩn’ trong Bộ Luật hình sự. Nhưng sự thể lạ lùng là hai tháng sau đó, Tất Thành Cang vẫn thoát nạn tại Hội nghị trung ương 8.

    Việc Hội nghị trung ương 8 bỏ qua trách nhiệm của Tất Thành Cang đã khiến dư luận bật ra một dấu hỏi lớn đối với quan điểm và hành động ‘chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng: ông Trọng có thực sự muốn giảm bớt tác hại của quốc nạn quan tham ở Việt Nam, hay ông ta chỉ ‘chống tham nhũng một bên’, nghĩa là chỉ tấn công vào những đối thủ chính trị của mình trong khi bỏ quên hoặc làm lơ cho những ‘đồng chí’ thuộc ‘phe Trọng’?

    Tất Thành Cang tuy không được xem là người của ‘phe Trọng’ như cựu bộ trưởng thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn, nhưng không hiểu nguồn cơn ẩn giấu và đủ ‘tế nhị’ nào mà đã khiến ông Trọng quá trù trừ trong việc xử lý Cang nói riêng và vụ khủng hoảng Thủ Thiêm nói chung trong suốt gần một năm qua.

    Nếu so sánh tội trạng của Tất Thành Cang với Nguyễn Xuân Anh thì có một khác biệt lớn: tuy cùng là cấp ủy viên trung ương, nhưng khi bị phát hiện ‘sai phạm rất nghiêm trọng’, tài sản nổi của Nguyễn Xuân Anh chỉ mới bị phát hiện có một căn nhà phố do Phan Văn Anh Vũ ‘tặng’, chứ không phải là gần một chục ngôi biệt thự rải rác khắp Sài Gòn của Tất Thành Cang - theo một số nguồn tin trên mạng xã hội đăng tin kèm cả hình ảnh dẫn chứng rất chi tiết mà cho tới nay không bị phản ứng hay cải chính bởi bất kỳ cơ quan nhà nước nào - cả bên đảng lẫn bên chính quyền.

    Nếu luật về truy thu tài sản có nguồn gốc bất minh sẽ được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2019 chứ không bị thất bại vì chỉ có 1/3 ủng hộ như vào tháng Mười Một năm 2018, hẳn số biệt thự trên của Tất Thành Cang - ước tính giá trị hàng chục triệu USD - sẽ tràn trề cơ hội được cống hiến cho ngân sách đảng thông qua chủ trương ‘thu hồi tài sản tham nhũng’ của ‘Tổng Chủ’ Nguyễn Phú Trọng.

    Không chỉ bị phát hiện đã chỉ đạo vụ mua bán 30 ha đất Nhà Bè với giá rẻ mạt mà do đó mang dấu hiệu cố ý làm trái và tham nhũng rõ rệt, Tất Thành Cang còn đang bị mạng xã hội và sau đó là báo chí nhà nước phanh phui vụ ông ta - vào thời còn là giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM - đã trực tiếp ký hợp đồng với Công ty Đại Quang Minh (một công ty đầu tư vào khu đô thị mới Thủ Thiêm) để thực hiện cơ chế BT (đổi đất lấy hạ tầng cơ sở), mà đã dẫn đến việc Đại Quang Minh được nhận hơn 100 ha đất vàng của Thủ Thiêm, còn giá của mỗi trong số 4 con đường thuộc hợp đồng này đã thuộc loại ‘đắt nhất hành tinh’ - hơn 1 ngàn tỷ đồng cho mỗi km!

    Và nếu so sánh các trường hợp Tất Thành Cang, Trương Minh Tuấn và Nguyễn Xuân Anh, đến nay người ta đã nhận ra một sự khác biệt rất có chủ ý: trong khi Trương Minh Tuấn - kẻ bị xem là hội tụ thừa đủ bằng chứng để kết tội đã ‘ăn đậm’ trong vụ ‘MoibiFone mua AVG’ - vẫn được ‘Tổng Chủ’ Nguyễn Phú Trọng ưu ái bố trí cho cái ghế Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo trung ương để tiếp tục răn dạy hơn 800 tờ báo nhà nước về ‘đạo đức cách mạng sáng ngời’, còn Tất Thành Cang nghe đâu vẫn đang cố gắng ‘chạy’ các ban ngành trung ương và còn thêm cả dấu hiệu ông ta và vợ vừa kéo nhau ra một tòa án địa phương để… ly hôn - động tác mà không thể khiến dư luận xã hội hiểu khác hơn là một thủ đoạn tẩu tán tài sản, quan chức Nguyễn Xuân Anh - với những bằng chứng về trách nhiệm điều hành và kể cả liên quan vật chất với Vũ ‘Nhôm’ mớờ nhạt hơn nhiều so với Tuấn và Cang, vẫn phải xuôi tay chịu đựng bản án kỷ luật và ‘cách mọi chức vụ’ mà không dám hó hé gì.

    Cho đến nay, rất tương đồng thời gian khiếu nại tố cáo vụ ‘ăn đất’ của giới quan chức TP.HCM ở Thủ Thiêm đã kéo dài vượt quá mọi giới hạn, vụ xử lý Tất Thành Cang và phía sau đó là ‘phe cánh chính trị’ Lê Thanh Hải đã nhùng nhằng, ‘nâng lên hạ xuống’ quá lâu, hoặc nói trắng ra là đã liên tiếp xảy đến những hành vi chạy chọt và thỏa hiệp giữa những đối tương tham nhũng với các ‘cơ quan chức năng’ và ngay trước mắt của quan chức vừa ngồi vào ghế chủ tịch nước từ kẻ đã ‘chẳng may qua đời dù được tận tình cứu chữa’.

    Với nhiều dấu hiệu cố ý làm trái và tham nhũng, Tất Thành Cang phải bị khởi tố, tống giam, truy tố và nhận một bản án thích đáng thì mới khiến vớt vát đôi chút ‘lòng tin của dân vào đảng’ như Nguyễn Phú Trọng luôn ao ước.

    Thường Sơn

    (VNTB)

    Không có nhận xét nào