Header Ads

  • Breaking News

    Hoa Kỳ và Trung Quốc: chiến tranh lạnh hay chiến tranh mậu dịch

    Một trong những điều đáng chú ý là tình trạng căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung hay được báo chí mô tả như là một cuộc chiến tranh mậu dịch. Có lẽ nó thể hiện một ước mơ giảm thiểu tầm nghiêm trọng của cuộc tranh chấp này.

    Việc mang Trung Cộng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu có thể là đã giúp kinh tế thế giới tăng trưởng nhanh hơn nhưng Trung Cộng là kẻ thắng lớn nhất. (Hình: Johannes Eisele/AFP/Getty Images)

    Thực tế các căng thẳng chung quanh vấn đề mậu dịch chỉ là một mặt trận của một cuộc chiến giành bá quyền giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ngay từ bây giờ chúng ta có thể thấy các mặt trận khác nhau bao gồm mậu dịch, cyber, an ninh quốc phòng (Biển Đông), kỹ thuật (AI, 5G). Ta có thể gọi nó là một cuộc chiến giữa một siêu cường trên đà đi xuống (Hoa Kỳ bị căng thẳng vì cam kết quá nhiều) và một siêu cường đang lên (Trung Quốc) một tình trạng mà sử gia Hy Lạp Thucydides đã mô tả lần đầu tiên trong cuộc chiến giữa Athens và Sparta trong thế kỷ thứ 5 Trước Công Nguyên.

    Trong cuộc chiến mậu dịch, các thị trường tài chánh thế giới hiện đang chờ đợi một thỏa thuận về quan thuế và thị trường để cho phép mọi người tiếp tục làm ăn như cũ. Ta có thể tưởng tượng sau 90 ngày trấn tĩnh để thương thuyết mà hai ông Tập và Trump thỏa thuận tại hội nghị G20, hai bên đạt được một thỏa thuận nào đó trong đó có thể cho phép Hoa Kỳ tuyên bố chiến thắng.

    Nhưng thật là hoàn toàn sai nếu ta nghĩ rằng một thỏa thuận như vậy sẽ mang lại một giải quyết lâu dài, hay là một hòa ước. Đây chỉ là cuộc chiến đấu trong nhiều cuộc chiến sẽ diễn ra trong tương lai giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Và ta có thể chờ đợi trong những ngày tới sẽ có những đụng độ khác trên các mặt trận khác. Ngay từ bây giờ ta có thể thấy trận tuyến thành hình trong vấn đề 5G qua vụ bắt bà Mạnh Vãn Chu, CFO của công ty Huawei.

    Vấn đề căn bản là cơ sở chính của quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã thay đổi. Trước khi ông Donald Trump lên làm tổng thống, quan hệ mà các chính phủ Mỹ theo đuổi có tính hội nhập – có thể nói là cộng sinh. Các chính phủ Mỹ cho rằng giúp cho Trung Cộng phát triển, đưa nước này vào trong cơ cấu kinh tế toàn cầu sẽ mang lại một trường hơp cả hai bên cùng thắng (win-win). Một Trung Quốc mạnh/giàu hơn sẽ có lợi cho tất cả mọi người. Như Milton Friedman tuyên bố một cách đầy lạc quan vào năm 1980 khi sang thăm Trung Quốc theo lời mời của Đặng Tiểu Bình: “Một Trung Quốc giàu mạnh sẽ phải là một Trung Quốc có tự do dân chủ vì kinh tế chỉ phát triển khi có tự do.”

    Nhưng ngay trước khi ông Trump lên làm tổng thống đã có một số hoài nghi rằng tình hình không có lạc quan như vậy, và đến chính quyền của Trump thì những người hoài nghi này đã trở thành đa số, một sự đồng thuận mới đã hình thành, trong đó người ta công nhận rằng chính sách hội nhập của các chính quyền trước đã thất bại.

    Việc mang Trung Cộng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu có thể là đã giúp kinh tế thế giới tăng trưởng nhanh hơn nhưng Trung Cộng là kẻ thắng lớn nhất. Thay vì một quan hệ cộng sinh, nó đã trở thành khai thác. Trung Cộng không hề có ý định hội nhập vào hệ thống chính trị kinh tế toàn cầu mà chỉ muốn lợi dụng nó để làm lợi cho mình. Và đó có thể nói là kết luận đồng thuận mới tại Mỹ và tại các nước phương Tây.

    Thành ra bất chấp những hy vọng của giới tài phiệt tại các thị trường tài chánh, ta có thể chờ đợi một giai đoạn dài – có thể nói là nhiều năm – đấu tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trên khắp các mặt trận kể trên. Đây là một cuộc chiến tranh lạnh mới. Nhưng khác với cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, cuộc chiến tranh lạnh mới này sẽ diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau.

    Trái với Liên Xô, kinh tế Trung Quốc đã hội nhập nhiều vào với kinh tế thế giới. Thành ra một cuộc chiến thương mại lâu dài sẽ gây tác hại rất lớn cho kinh tế thế giới. Thành ra có triển vọng rằng chính quyền Trump sẽ nhận tất cả những gì mà Trung Quốc đưa ra nhượng bộ lần này và tuyên bố chiến thắng, nhưng mọi thỏa thuận chỉ có tính cách tạm thời.

    Chiến lược của Mỹ có thể là giữ cho Trung Quốc không biết chắc là tình thế sẽ biến chuyển như thế nào, không phải chỉ chung quanh lãnh vực mậu dịch mà còn chung quanh các lãnh vực khác nữa. Qua việc giữ cho Trung Quốc và các thị trường tài chánh không biết chắc về tình trạng của quan hệ hai bên, chính quyền Mỹ sẽ tạo ra môt cuộc khủng hoảng niềm tin vào Trung Quốc trong lòng những người đầu tư cả trong nước lẫn ngoại quốc. Và đó là cách đối phó tốt nhất chống lại việc hầu như độc quyền tăng trưởng của Trung Quốc trong mấy chục năm qua. Chúng ta có thể thấy một số dấu hiệu của sự mất niềm tin này qua những mẩu chuyện xuất xứ từ bên trong Trung Quốc.

    Có lẽ tại đây ta cũng nên nhắc lại một chút về cuộc Chiến Tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô vốn kéo dài trên 40 năm. Trong hầu hết giai đoạn này hai bên đều biết rõ đường giới tuyến của nhau để dừng lại trước khi một cuộc chiến tranh nóng có thể xảy ra. Thế nhưng họ chỉ thấy được sau khi thử thách tỷ như vụ cầu hàng không Berlin, cuộc khủng hoảng Cuba, Budapest 1956, mùa Xuân Prague…

    Tất cả những vụ đó đều là những vụ gây căng thẳng, nhưng qua đó hai bên biết được đường giới tuyến của nhau. Hậu quả là đến 1980 hai bên đã đạt được một sự cân bằng nào đó mang lại một mức ổn định. Sự ổn định này bị Liên Xô say men chiến thắng tại Việt Nam phá vỡ và can thiệp vào Afghanistan dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang với Tổng Thống Ronald Reagan. Chạy đua vũ trang cho thấy nhược điểm trí mạng của kinh tế Xô Viết mà kết quả chúng ta đều biết.

    Điều này khuyến dụ rằng trong cuộc Chiến Tranh Lạnh mới này giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chúng ta có triển vọng cũng sẽ thấy nhiều cuộc khủng hoảng, trong đó hai bên tìm hiểu đường giới tuyến của nhau cũng như những cuộc chiến gián tiếp như cuộc chiến Việt Nam nhưng có thể dưới hình thức khác không phải là quân sự. Nhưng ai thắng ai sẽ còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà hiện ta chưa biết được.


    Lê Mạnh Hùng
    Người Việt

    Không có nhận xét nào