Lại có thêm scandal. Lần này là tuyến
metro Bến Thành – Suối Tiên ở TP.HCM. Đây không phải lần đầu tiên xảy
ra scandal trong lĩnh vực xây dựng mạng lưới metro ở Việt Nam nói chung.
Còn nói riêng thì đây cũng không phải lần đầu tuyến metro Bến Thành –
Suối Tiên trở thành tâm của những trận bão dư luận.
Lúc
đầu, tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên trở thành lùm xùm vì tổng vốn
đầu tư tăng không ngừng, mỗi lần tăng là thêm hàng chục ngàn... tỉ. Lao
đã phóng, phải theo. Tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên phát sinh thêm
chuyện nhà thầu dọa ngừng thi công, không chỉ một lần!
Chuyện
tới đó chưa hết! Tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên giờ là chỗ thiên hạ
trông vào, ngẫm nghĩ, luận bàn về tương quan dự án - con người khi
Trưởng, Phó rồi các thành viên của Ban Quản lý dự án (Ban QLDA) đồng
loạt xin nghỉ, chưa kể ông Phó Ban QLDA tùy tiện xuất dương khi chưa
được phép.
Trong
mớ bòng bong liên quan đến tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên có một cái
tên làm người ta chú ý: Lê Nguyễn Minh Quang - từng là một trong những
tấm gương vượt khó của thế hệ trẻ đầu thập niên 1990 - nhà nghèo, học
giỏi, được cấp học bổng du học tại Pháp, khi thành tài không ở lại mà
quay về...
Quang
thành đạt nhưng không ích kỷ, luôn sẵn sàng xăn tay áo, góp sức giúp
những thế hệ sau có thể đứng lên, vươn tới. Là người muốn làm gì đó cho
xứ sở của mình, dân tộc của mình, Quang tự ứng cử vào Hội đồng nhân dân
TP.HCM, rồi bỏ việc đang làm, nhận lời điều hành Ban QLDA metro Bến
Thành – Suối Tiên...
Đó
cũng là lý do hồi giữa tháng này, khi Kiểm toán Nhà nước công bố kết
quả kiểm tra việc thực hiện tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên, nhiều
người tỏ ra thất vọng vì một số tờ báo dựa vào đó bóng gió rằng Quang
phải chịu trách nhiệm chính trong chuyện tự ý thay đổi thiết kế để trục
lợi.
Chẳng
riêng Quang, nhiều người và một số tờ báo khác đã nói lại cho rõ:
Chuyện thay đổi thiết kế là cần thiết và đã được tiến hành một cách cẩn
thận. Nhờ vậy, giúp tiết kiệm được 90 tỉ đồng vốn là tiền đi vay, phải
trả lãi, chưa kể thời gian thi công được rút ngắn, ít nhất cũng năm
tháng và lợi ích nếu quy ra tiền chắc chắn không nhỏ.
Có
nhà báo như Hương Quỳnh, kể trên facebook những chuyện… lặt vặt về Lê
Nguyễn Minh Quang, người mà cô tự nhận là nhân vật trong hoạt động nghề
nghiệp của mình suốt 15 năm qua: Khi là Tổng Giám đốc của Bachy
Soletance Vietnam (Chi nhánh tại Việt Nam của Tập đoàn Bachy Soletance –
Pháp), Quang dùng Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung đặt tên
cho các phòng họp trong trụ sở Bachy Soletance Vietnam. Lúc Quang trở
thành Trưởng Ban QLDA metro Bến Thành – Suối Tiên, nơi này có các phòng
họp mang tên Chi Lăng, Bạch Đằng,…
Hương
Quỳnh đề nghị các đồng nghiệp đối chiếu những tình tiết mà Kiểm toán
Nhà nước đã nêu trong báo cáo kiểm tra việc thực hiện tuyến metro Bến
Thành – Suối Tiên như: Điều chỉnh qui mô đầu tư nhà ga từ hai thành bốn
tầng. Điều chỉnh kết cấu hầm từ vòm sang hộp kết hợp với tường vây. Điều
chỉnh kiểu dáng dầm (làm tổng vốn đầu tư tăng thêm 1.420 tỉ đồng). Giá
thiết bị trong dự toán cao hơn hẳn giá mà các nhà thầu đề nghị vài
lần (giá toa tầu cao hơn 1,5 lần, các trạm điện cao hơn khoảng 3,5 lần,
hệ thống thu phí cao hơn 2,8 lần)… với thời điểm ký kết, để xem có phải
tất cả những yếu tố khiến tổng vốn đầu tư tăng thêm vài chục ngàn tỉ ấy
xảy ra trước tháng 6 năm 2016 (thời điểm Quang đảm nhận vai trò Trưởng
Ban QLDA metro Bến Thành – Suối Tiên) hay không?
Trên
Một Thế Giới, Lê Học Lãnh Vân khẳng định: Nhìn vào cách một xã hội dùng
những người đạo đức và có hoài bão cống hiến, người ta biết xã hội đó
đang phát triển hay suy đồi. Nhìn vào một bộ máy hành chánh, xem tỉ lệ
những người đạo đức và có hoài bão cống hiến, người ta đánh giá được bộ
máy đó như thế nào! Lê Học Lãnh Vân cho rằng những cá nhân như Lê
Nguyễn Minh Quang gạt bỏ những lợi ích cá nhân (lương cao, công việc ổn
định), biết rõ những bất cập nhưng vẫn dấn thân vì muốn góp sức cùng dân
tộc. Do vậy, những ngày này, nhiều người đang nhìn vào trường hợp Lê
Nguyễn Minh Quang để xem chỗ của những cá nhân có trình độ cao về quản
lý dự án và hoài bão cống hiến như thế nào trong xã hội Việt Nam!
***
Kẻ
viết bài này “biết” Lê Nguyễn Minh Quang hồi đầu thập niên 1990, lúc tờ
Tuổi Trẻ bắt đầu thực hiện chương trình “Vì ngày mai phát triển” – trao
học bổng, hỗ trợ cho những học sinh, sinh viên nghèo, giúp họ theo đuổi
việc học hành, hoàn tất những đề tài nghiên cứu.
Y
chú ý tới Lê Nguyễn Minh Quang vì lúc giao lưu, Quang vừa khiêm tốn
trước những thành tích của mình trong học hành, vừa chững chạc cho dù
Quang là con một “sĩ quan ngụy” phải cải tạo nhiều năm và mẹ Quang trở
thành một người buôn gánh, bán bưng, bám vào lề đường tìm cơm áo cho cả
mình lẫn chồng con.
Giống
như nhiều người tham dự buổi giao lưu ấy, y nhớ mãi hình ảnh một người
đàn ông tàn tật, sau khi “công thành, danh toại” quay về Việt Nam, hỗ
trợ tài chính để tờ Tuổi Trẻ thực hiện chương trình “Vì ngày mai phát
triển”, nhẹ nhàng nhắn nhủ những cá nhân như Quang, đừng nhớ tới ông,
nếu cảm thấy hàm ơn, muốn trả, hãy trả cho xứ sở, giúp đỡ đàn em và thật
ra, chuyện ông cùng tờ Tuổi Trẻ thực hiện chương trình “Vì ngày mai
phát triển” cũng chỉ là báo đền!
Quang
là một trong những người ra đi rồi quay lại và khi có thể, cùng tờ Tuổi
Trẻ thực hiện tiếp các chương trình “Vì ngày mai phát triển”. Quang có
lẽ là nhân vật đầu tiên đảm nhận vai trò mà vị trí ngang giám đốc một sở
nhưng không phải đảng viên. Có người trách Quang không tự lượng sức
mình, Quang sẽ không thể làm được điều gì đáng kể khi tòan hệ thống đã
mục ruỗng.
Tại
sao khát vọng làm được những điều có ích cho xứ sở, cho dân tộc trở
thành thái quá, vô vọng? Tại sao trọng dụng nhân tài lại có dáng dấp như
một thứ bẫy đủ sức nghiền nát tất cả những cá nhân đủ cả khả năng, tư
cách và có cao vọng? Nghèo khổ, bất công đã song hành, dường như không
thể rũ bỏ, chỉ có chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc là mờ mờ ảo ảo ở
phía trước mặt, tại sao vẫn kiên định bước tới chứ không chịu lùi?
DongPhungViet
(Blog RFA)
Không có nhận xét nào