Header Ads

  • Breaking News

    Công dân bình thường vẫn có thể phạm tội lộ bí mật nhà nước

    Cuối tháng 10/2018, một bộ luật tên là Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (LBMNN) được Quốc hội Việt Nam thông qua.
     
    Phiên tòa xử vụ PMU18, nhà báo Nguyễn Văn Hải (đứng bên trái) và Nguyễn Việt Chiến (đứng, bên phải) bị truy tố tội làm lộ bí mật nhà nước. 2008.
    Trong bộ luật này có qui định thời gian giữ kín, không công khai các “bí mật nhà nước”, sau thời gian đó các “bí mật” đó được tự động bạch hóa.

    Lần ngược thời gian, vào năm 2009, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có ra một qui định về thời gian giải mật các tài liệu của đảng là 60 năm. Sáu năm sau, vào năm 2015, một bộ Văn kiện tên gọi là Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 1996-2000 được xuất bản, mà báo chí trong nước nói rằng trong bộ văn kiện này có những thông tin được đưa ra dựa theo qui định về giải mật của Đảng Cộng sản.

    Tuy nhiên việc cho phép giải mật vào năm 2009 chỉ là một qui định chứ không phải luật, và cũng không thấy nói là người dân thường có được phép tiếp cận những thông tin đó một cách trực tiếp hay không.

    Nhà báo Mai Phan Lợi, cũng như Thạc sĩ luật Hoàng Việt, đều cho rằng LBMNN là một tiến bộ trong việc minh bạch xã hội tại Việt Nam. Ông Hoàng Việt cho biết:

    Đây là một tiến bộ về mặt lý thuyết, vì ở Việt Nam có những chuyện không biết bao giờ mới được minh bạch, không bao giờ được thông tin, không biết là nó có thật hay không, dư luận nói thế này thế kia, nhưng không có sự xác nhận của tài liệu. Thế nên việc đưa ra luật này về mặt lý thuyết thì nó cũng tốt, ít nhất là một xu hướng minh bạch hóa thông tin.”

    Ông Hoàng Việt đưa ra một ví dụ cho việc những sự việc được đồn đãi rất nhiều nhưng không biết là có thật hay không, ví dụ như lời đồn đãi về sự nhân nhượng của Việt Nam quá nhiều cho Trung quốc, trong cái gọi là Hiệp ước Thành Đô, 1990, dẫn tới việc bình thường hóa quan hệ Việt Trung. Cho tới nay, vẫn không có tài liệu chính thức nào của nhà nước Việt Nam công bố rằng “Hiệp ước Thành Đô” là có thật hay không.
    Nếu ở các quốc gia khác, có một hệ thống tòa án độc lập thì có thể khởi kiện được chứ ở Việt Nam thì vô phương. -Thạc sĩ Hoàng Việt.
    Theo nhà báo Mai Phan Lợi, LBMNN được đưa ra là để bổ sung cho bộ luật Tiếp cận thông tin, đã được đưa ra hồi năm 2016, và có hiệu lực vào tháng 7 năm 2018. Luật này đưa ra những qui định về chuyện công dân và các tổ chức được phép yêu cầu cơ quan chức năng cung cấp thông tin như thế nào.

    Trước đấy, khi soạn thảo (Luật tiếp cận thông tin) thì người ta lường trước là sẽ đụng tới vấn đề bí mật nhà nước. Việc lập ra LBMNN như vậy là hiển nhiên nằm trong lộ trình, chỉ sợ người ta không đưa ra thì không biết làm sao thực hiện cái luật kia. Nó vừa nằm trong lộ trình, mà nó cũng là tiến bộ.”

    Tuy nhiên cả hai ông Hoàng Việt và Mai Phan Lợi đều có những nghi ngại về một số điểm trong bộ luật mới này.

    Ông Hoàng Việt nói:

    Ngay trong luật cũng có ghi rằng có thể tiếp tục gia hạn để không giải mật. Và ở Việt Nam hiện nay có vấn đề tùy tiện trong việc đóng dấu mật hay không mật. Và còn một vấn đề nữa là ở Việt Nam ai sẽ phán quyết các cơ quan nhà nước nếu họ không tuân thủ? Nếu ở các quốc gia khác, có một hệ thống tòa án độc lập thì có thể khởi kiện được chứ ở Việt Nam thì vô phương.”

    Ông Hoàng Việt đưa ra ví dụ về sự tùy tiện đóng dấu mật là những hợp đồng mà Phó Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Tất Thành Cang, ký hợp đồng giao đất tại Thủ Thiêm, đổi cơ sở hạ tầng với nhiều công ty, việc này chỉ là những hợp đồng giữa tư nhân và chính quyền mà thôi, nhưng cũng đóng dấu mật.

    Ông Tất Thành Cang vừa bị Đảng Cộng sản kỷ luật vào ngày 7/12/2018 vừa qua do những sai phạm tại Thủ Thiêm.

    Theo nhà báo Mai Phan Lợi, việc tùy tiện đóng dấu mật là do ở qui định lâu nay rằng người đứng đầu các cơ quan đơn vị được phép làm điều đó.

    Trao quyền xác định độ mật cho người thủ trưởng đơn vị rộng quá nên có thể dẫn đến việc sử dụng tùy tiện dấu mật. Như vậy người ta sẽ lợi dụng che đậy những gì người ta không muốn cho công chúng giám sát.”

    Ông dẫn ra một ví dụ gần đây, trong vụ mua công ty AVG của tập đoàn viễn thông nhà nước, chính Thanh tra chính phủ Việt Nam cũng nói rằng những hợp đồng của vụ mua bán này đã được đóng dấu mật một cách tùy tiện.
    Qui cả trách nhiệm (lộ bí mật) cho cả công dân và nhà báo là không đúng. -Nhà báo Mai Phan Lợi.
    Nhà báo Mai Phan Lợi còn đưa ra một sự khác biệt rất lớn nữa giữa LBMNN của Việt Nam và các quốc gia khác, đó là ai phải chịu trách nhiệm về việc tiết lộ bí mật thông tin:

    Qui cả trách nhiệm (lộ bí mật) cho cả công dân và nhà báo là không đúng, vì nhà báo chỉ đi săn tin, họ đâu có năng lực để biết cái nào là bí mật nhà nước.”

    Ông Mai Phan Lợi đưa ra dẫn chứng vụ án PMU18 năm 2008. Trong vụ án này, một công ty quản lý vốn xây dựng cơ sở hạ tầng là PMU18 đã sử dụng vốn sai mục đích. Trong vụ án này một viên tướng công an là ông Phạm Xuân Quắc được giao điều tra. Ông Quắc đã tiết lộ thông tin cho hai nhà báo là ông Nguyễn Văn Hải, Báo Tuổi Trẻ, và ông Nguyễn Việt Chiến, Báo Thanh Niên. Ông Mai Phan Lợi nói rằng lẽ ra chỉ có ông Phạm Xuân Quắc mới bị truy tố, nhưng cả hai nhà báo cũng bị rơi vào vòng lao lý.

    Trong dự thảo về LBMNN, vẫn còn qui định tại điều số 4 rằng trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước thuộc về cơ quan, tổ chức, và cá nhân, và việc qui định thông tin mật hay không mật vẫn được người đứng đầu cơ quan hay tổ chức có thẩm quyền qui định. Ông Mai Phan Lợi cho rằng đáng ra những người có thẩm quyền này phải là những nhân vật từ cấp bộ trưởng trở lên mà thôi.
     
    Kính Hòa
     

    (RFA) 

    Không có nhận xét nào