Header Ads

  • Breaking News

    Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ mở đường cải cách thể chế?

    Sau đỉnh núi sẽ là sườn dốc, cuộc chiến chống tham nhũng và tăng trưởng kinh tế cũng không thể tiếp tục đi xa hơn nếu thiếu động lực cải cách thể chế.

    Hình minh họa
    Tham nhũng sẽ không thể bị loại trừ nếu chỉ dựa vào các quy định trong đảng, và kinh tế sẽ không thể tiếp tục duy trì trạng thái ổn định cao nếu nhờ vào FDI, mà chủ yếu là Samsung (gần 30% GDP) và Formosa. Bởi thể chế nào, doanh nghiệp đó; tham nhũng nào thì thể chế đó.

    Sở dĩ đặt vấn đề cải cách thể chế vì gần đây, có những động thái hé mở vấn đề này. Vào tháng 11.2018, một cuộc tọa đàm khoa học về Đặc khu kinh tế: góc nhìn chính sách của PLD và VEPR được phản ánh trên trang báo chính thống (Tuổi Trẻ), trong đó dẫn dắt quan điểm của trợ lý cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Nguyễn Trung khi nhấn mạnh, cần phải xây dựng cơ chế để phát huy tất cả nguồn lực, tránh rơi vào trạng thái như 30 năm qua, khi huy động nguồn lực lớn nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất mục tiêu công nghiệp hóa, trong khi sự phụ thuộc FDI và TQ ngày càng gia tăng.

    Cần nhắc, ông Nguyễn Trung là tác giả của loạt bài viết về ĐH XII của ĐCSVN, trong đó bàn mạnh nhất là về cải cách thế chế, trong đó tại bài viết số 3, ông vạch rõ ra ba việccần giải quyết, trong đó: cải cách cách chính trị toàn trị; hoàn thiện kinh tế thị trường; đổi mới ĐCSVN để trở thành đảng của dân tộc. Và tại phần 4 của bài viết, ông nhìn nhận, cái trở ngại ‘duy nhất’ là thiếu quyết tâm chính trị trong cấp cao nhất của quyền lực đảng: đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Và sự ‘trì hoãn, đối kháng cuộc cải cách’ sẽ đẩy đất nước vào thời kỳ đen tối mới.

    Tuy nhiên, từ ĐH XII đến nay, tình trạng đối kháng cải cách vẫn diễn ra, câu chuyện tập trung quyền lực tối đa ở TW nhằm xây dựng 1 hệ thống chính trị tập quyền nhằm xử lý các vấn đề nội bộ thuộc trong ĐCSVN, thay vì tập trung mở rộng đường cho sự phát triển dân tộc.

    Từ đây đến ĐH XIII chỉ còn 2 năm nữa, và mới đây nhất trên Tạp Chí Cộng sản vào ngày 21.12 đăng tải bài viết ‘Xây dựng văn hóa trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam’. Mặc dù là bàn về văn hóa chính trị, nhưng bài viết này vẫn hàm chứa quan điểm về sự cải cách thể chế và đổi mới chính trị là nguồn gốc thúc đẩy sự xóa bỏ tình trạng trì trệ và khủng hoảng như Liên Xô trước đây.

    Câu chuyện cải cách thể chế trong bài này sẽ hướng về một con người thường bị dư luận chế giễu là ‘tấu hài chính trị’ bởi sự cởi mở hết mức đối với lời hoa mỹ cho các tỉnh thành: Nguyễn Xuân Phúc.

    Ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây trong một cuộc họp với TBT Nguyễn Phú Trọng, ông đã gây nên sự tranh luận với quan điểm: Không đổ lỗi cho thể chế vì mọi chính sách đều do cán bộ làm ra. Nếu hiểu theo đúng nghĩa đen, thì có thể hiểu rằng, cơ chế cơ bản là tốt, do cán bộ làm sai. Tuy nhiên, quan điểm người viết cho rằng, ông Phúc đánh trúng trọng tâm là chính sách bằng đầu từ cán bộ, bởi ở Việt Nam cán bộ làm chính sách. Do đó, nếu không giải quyết được khâu cán bộ, cán bộ không đủ nhận thức dân chủ, thì cơ chế sẽ bị sai lệch hoàn toàn.

    Cách đây 4 năm, chính ông Nguyễn Xuân Phúc, lúc đó đang còn làm Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ cũng có một nhận định hết sức cấp tiến, mà theo ông, nếu muốn phát triển nhanh, bền vững thì cần ưu tiên cải cách thể chế. Quan trọng hơn, ở góc độ năm 2014, nhưng quan điểm ông giống quan điểm ông Nguyễn Trung năm 2018 khi thẳng thắn thừa nhận, qua gần 3 thập kỷ đổi mới, ‘nhiều vấn đề bất cập, hạn chế như một căn bệnh kinh niên, mãn tính đều có nguyên nhân sâu xa từ chất lượng thể chế yếu kém.’. Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng gây chú ý khi đề nghị tổ tư vấn làm rõ, 3 trụ cột gồm ‘nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, và xã hội dân chủ’. Những yếu tố mà có thể khiến cho người khác dễ dàng liên tưởng đến tam quyền phân lập và xã hội dân sự thực tế, chỉ khác đi về mặt câu chữ. Và mặc dù nhiều nhà hoạt động dân sự không kỳ vọng về những điều này, do ông Thủ tướng không đề cập đến ‘xã hội dân chủ’, nhưng người viết cho rằng, bản thân ông Phúc vẫn là Đảng viên, và vẫn còn Quyết định 102-QĐ/TW (về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm) ràng buộc chính ông.

    Có một quan điểm cho rằng, bản thân ông Phúc khi đứng ở vị trí người đứng đầu Chính phủ, gánh các khoản nợ được đẩy từ di sản Nguyễn Tấn Dũng sang, ông đã có cái nhìn cởi mở hơn với sự cải cách thể chế, và ở mức độ nào đó. Và cũng cần nhắc lại rằng, về kinh nghiệm địa phương và vị thế chính trị (bao gồm cả vai trò Ủy viên Bộ Chính trị) thì ông Nguyễn Xuân Phúc là người tiệm cận tốt nhất cho chức vụ Tổng Bí thư trong tương lai.

    Nếu ông Phúc nhận ra bản chất của sự phát triển thông qua cải cách thể chế theo hướng dân chủ có xu hướng như cách mà ông Nguyễn Trung từng trình bày trước thềm ĐH XII thì cải cách thể chế sẽ diễn ra như một yếu tố đặc trưng của ĐH XIII. Nhất là những dự đoán về sự phụ thuộc Trung Quốc và FDI trong cả lĩnh vực chống tham nhũng lẫn phát triển kinh tế vẫn đang ngày một hiển thị rõ trong những năm gần đây. Bản thân ông Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ không thể tiếp tục ‘phấn khởi’ với 7,08% tăng trưởng nếu như vẫn duy trì hiện trạng đẻ ra nhiều thuế phí, nợ đáo hạn nước ngoài vẫn đang diễn ra như thế này trong nửa nhiệm kỳ sắp tới, thậm chí là càng khó khăn nếu ở nhiệm kỳ 2 tại ĐH XIII.

    Việt Nam hiện giờ đã cạn kiệt tài nguyên và nội lực, bởi tính riêng yếu tố dân số vàng, trong khi Nhật Bản (giai đoạn 1965 – 2000) và Hàn Quốc (1965 – 2014) đã tận dụng cực kỳ tốt cơ cấu dân số vàng để tăng trưởng kinh tế, đưa đất nước nghèo nàn do chiến tranh lên vị trí nền kinh tế hàng đầu Á châu, thì Việt Nam đã bị đánh mất cơ hội này trong thời kỳ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và cơ cấu dân số vàng hiện giờ cũng gần như biến mất khi số thanh niên Việt Nam trong độ tuổi từ 16-30 ước tính khoảng 23,3 triệu vào năm 2018, chiếm 24,6% dân số cả nước, giảm 0,6% so với năm trước, và sẽ giảm tiếp trong những năm tiếp theo.

    Cải cách thể chế do đó phải là điều bắt buộc đối với ĐHXIII, tương đương với đổi mới kinh tế một phần vào ĐH VI, bởi nếu không thì chính ĐH XIII sẽ đẩy chế độ xã hội đi nhanh vào con đường khủng hoảng như thập niên 80 (XX). Và thời điểm khủng hoảng cũng sẽ thách thức vai trò cầm quyền của ĐCSVN.

    Chỉ có cải cách thể chế triệt để dựa trên lợi ích tối cao của lợi ích quốc gia mới giúp cho chính quyền Quảng Ninh (mà cụ thể là sự kỳ vọng của ông Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long), dù không làm đặc khu cũng có thể phát triển kinh tế một cách 'đột phá' nhất.

    Một quyết tâm chính trị cao, một lợi ích quốc gia đứng trên quyền lực cao nhất của đảng là cần thiết đối với những cán bộ đảng và nhà nước cao cấp nhất của Việt Nam, trong đó có ông Nguyễn Xuân Phúc.

    Ánh Liên

    (VNTB)

    Không có nhận xét nào