Cho dù ở cách xa nước Mỹ hàng vạn cây
số, Biển Đông có thể trở thành một trong những cuộc khủng hoảng lớn -
thậm chí một cuộc xung đột võ trang với đối thủ là Trung Quốc - mà chính
quyền Donald Trump phải đối mặt trong năm 2019. Đây là thẩm định của
giới chuyên gia đối ngoại Mỹ được nêu bật trong báo cáo công bố hôm
18/12/2018 của trung tâm tham vấn CFR, tức Hội Đồng Đối Ngoại (Council
on Foreign Relations).
Chiến hạm Mỹ USS Cowopens ghé cảng Philippines. |
Trong
bản báo cáo thường niên, Trung Tâm Nghiên Cứu Hành Động Dự Phòng
(Centre for Preventive Action), thuộc CFR, như thông lệ từ năm 2008 đến
nay đã liệt kê 30 « điểm » nóng đang tồn tại hoặc sắp xảy ra tại Mỹ hay
trên thế giới, được cho là có tác động đến lợi ích quốc gia của Mỹ. Mục
tiêu là giúp cho các nhà hoạch định chính sách của Mỹ có cơ sở để đề ra
cách thức ngăn chặn xung đột bùng nổ.
Đứng
đầu danh sách các nguy cơ hạng 1 là 5 điểm nóng, được cho là các tác
động mạnh nhất đến Mỹ. Trong số này, các chuyên gia Mỹ đã nêu lên trường
hợp Biển Đông, với nguy cơ « Xung đột vũ trang bùng nổ do tranh chấp
chủ quyền trên biển giữa Trung Quốc với một hay nhiều nước Đông Nam Á
cũng có yêu sách chủ quyền (Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam)
hoặc là Đài Loan.
Theo
bản nghiên cứu, khả năng xảy ra một cuộc xung đột ở Biển Đông được xếp
vào diện « vừa phải », nhưng sẽ có tác động thuộc diện « cao » đối với
Mỹ, có nghĩa là một « tình huống đe dọa trực tiếp Hoa Kỳ, một đồng minh
có hiệp ước phòng thủ với Hoa Kỳ, hoặc lợi ích chiến lược quan trọng của
Hoa Kỳ, và do đó có khả năng buộc Mỹ phải phản ứng mạnh bằng quân sự ».
Phải
nói là trong thời gian một năm nay, căng thẳng Mỹ-Trung ở Biển Đông có
xu hướng leo thang, với việc chính quyền Donald Trump gia tăng chỉ trích
các hành vi của Trung Quốc « quân sự hóa » vùng biển này, hù dọa các
nước nhỏ trong vùng, và khiêu khích lực lượng Mỹ có mặt tại chỗ.
Hồi tháng 9 vừa qua, tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc còn suýt va chạm nhau ở Biển Đông.
Đặc
biệt, dưới thời tổng thống Trump, Washington đã cho tiến hành tổng cộng
9 đợt tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông để thách thức các yêu sách
chủ quyền "quá đáng" của Trung Quốc, cả ở khu vực Trường Sa, nơi Trung
Quốc đã xây dựng nhiều tiền đồn mới, lẫn ở quần đảo Hoàng Sa, đã bị Bắc
Kinh chiếm trọn từ năm 1974.
Mặc
dù có căng thẳng như trên, cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn tránh một cuộc
xung đột quân sự ở vùng biển Biển Đông. Thế nhưng, các chuyên gia Mỹ
không loại trừ xung đột nổ ra.
Báo
cáo của CPA ghi nhận : « Chính quyền Donald Trump đến nay chưa phải đối
mặt với một cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng nào, trong đó tổng
thống phải đau đầu với quyết định khó khăn về việc có nên để Mỹ bắt đầu
một chiến dịch can thiệp quân sự mới và tốn kém hay không... Tuy nhiên,
chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi chính quyền Trump phải đối phó với
một cuộc khủng hoảng lớn đầu tiên ».
Vấn
đề Biển Đông được cho là đáng quan ngại nhất đối với Mỹ tương tự như 4
điểm nóng khác là môt cuộc tấn công mạng quy mô lớn phá hoại hệ thống cơ
sở hạ tầng và các mạng thông tin thiết yếu của Mỹ, căng thẳng do đàm
phán Mỹ-Bắc Triều Tiên thất bại ; xung đột võ trang giữa Iran với Mỹ
hoặc đồng minh của Mỹ ; một vụ khủng bố gây tổn thất nhân mạng cực lớn
tại Mỹ hay một nước đồng minh của Mỹ.
Điểm
đáng chú ý là Biển Đông đã thế vào chỗ của Biển Hoa Đông, từng được xem
là mối quan ngại hàng đầu của Mỹ trong những năm trước đây.
Trọng Nghĩa
(RFI)
Không có nhận xét nào