Header Ads

  • Breaking News

    Bạo lực học đường, cái nôi của bạo lực xã hội

    Trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội Việt Nam ngày nay, bạo lực được sử dụng không chỉ bằng hành vi, lời nói mà cả ngay trong tư tưởng con người. Bất cứ một vấn đề nào khi đối diện với những khó khăn giữa các mối quan hệ, bạo lực lại được sử dụng hoặc tính đến.

    “Khi Chủ nghĩa Cộng sản được dùng làm nền tảng xã hội, làm chỗ dựa cho bạo lực phát triển thì bạo lực phát triển là tất yếu.” (Hình: infonet.vn)

    Bạo lực có mặt mọi nơi, mọi lúc

    Bạo lực được sử dụng trong mọi mối quan hệ dân sự, trong giao thông, kinh doanh, thương mại cũng như trong các mối quan hệ giữa làng xóm, thậm chí trong gia đình, giữa vợ chồng, con cái và cha mẹ.

    Trong học đường, bạo lực được sử dụng bởi thầy cô giáo, rồi qua đó tiêm nhiễm đến học sinh và cứ thế lan ra ngoài xã hội.

    Trái với truyền thống từ ngàn xưa của dân tộc, khi người dân được giáo dục từ nhỏ về cách đối xử với nhau trong cuộc sống, trong xã hội cho êm đềm, mềm mỏng và nhân ái, ngày nay, việc sử dụng bạo lực như một phương tiện để giải quyết các vấn đề cá nhân và xã hội. Những câu ca dao như:

    “Bầu ơi thương lấy bí cùng

    Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

    Hoặc:

    “Lời nói không mất tiền mua

    Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”…

    Ngày nay đã trở thành xưa cũ, xa lạ với đời sống người dân trong chế độ cộng sản.

    Người ta có thể bắt gặp bất cứ nơi đâu những cuộc ẩu đả, những trận chém giết kinh hoàng bởi những băng đảng xã hộ chém giết lẫn nhau để tranh địa bàn bảo kê, để tranh giành những mối lợi nào đó ở nơi thâm sơn cùng cốc.

    Người ta cũng thấy từ Nam đến Bắc các cuộc bạo lực bởi chính lực lượng công an được vũ trang tận răng, đánh dân cướp đất, cướp tài sản của người dân, của nhà thờ, thánh thất ở những tôn giáo mà nhà cầm quyền không thể khuynh loát được.

    Người ta cũng có thể chứng kiến hàng loạt những hành động vô luân, vô pháp sử dụng bạo lực ngang nhiên của lực lượng công quyền ngay giữa thanh thiên bạch nhật nhằm tước bỏ quyền con người của người dân một cách trắng trợn như quyền được bày tỏ chính kiến, tư tưởng, quyền yêu nước, quyền biểu tình, quyền tự do đi lại, hội họp. Thậm chí là quyền được… rên.

    Người ta đã không còn lạ với những trò bạo lực bẩn thỉu của lực lượng côn đồ do công an giả danh ngăn cản những người yêu nước muốn thể hiện chính kiến của mình bằng cách dùng lực lượng và bạo lực để tấn công những người đàng hoàng, chân chính có tinh thần chung lo lắng cho xã hội, cho đất nước và như vậy là đi ngược với “đường lối” của đảng CSVN.

    Những tin tức nhan nhản về những vụ giết người đốt xe những tên trộm chó cho đến những trận đánh hội đồng của những học sinh lột quần áo nữ sinh hay những trận đánh ghen khủng khiếp giữa những người phụ nữ.

    Thậm chí, những tin tức về bạo hành với học sinh là con trẻ trong các trường mẫu giáo, mầm non cho đến những cô giáo, thầy giáo dùng bạo lực để dạy dỗ học trò.

    Ngược lại với truyền thống “tôn sư trọng đạo” từ ngàn đời nay, bạo lực được học sinh sử dụng đối với thầy cô giáo, phụ huynh buộc cô giáo phải quỳ…

    Tất cả những điều đó nói lên rằng: Xã hội Việt Nam lao vào vòng xoáy bạo lực như một trận cuồng phong kéo đổ sập những nguyên tắc đạo đức, những truyền thống quý báu của dân tộc xưa nay và phá vỡ các mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội.

    Và bạo lực đang hoành hành, đang được sử dụng như một phương cách để giải quyết các mối quan hệ xã hội.

    Vì sao bạo lực?

    Nhiều báo chí, nhiều người đã phân tích về nạn bạo lực trong xã hội Việt Nam, từ bạo lực học đường, bạo lực gia đình cho đến bạo lực trong mọi mối quan hệ xã hội khác.

    Ở đó, nhà cầm quyền CSVN vẫn theo thói quen nói lấy được rằng đó là “mặt trái của nền kinh tế thị trường”. Họ cứ làm như khi chưa có kinh tế thị trường, chỉ có nền kinh tế bao cấp cộng sản thì bạo lực xã hội đã không hề tồn tại.

    Ngược lại, điều mà họ không bao giờ dám công khai, công nhận rằng trong những năm tháng Việt Nam chỉ đóng cửa mọi mặt, đất nước được úp lại bằng một chiếc lồng bàn bằng sắt kín với thế giới bên ngoài bằng nền kinh tế XHCN tập trung, kế hoạch, bao cấp… thì bạo lực là phương cách duy nhất để giải quyết các mối quan hệ xã hội.

    Khi đó, không hề có luật lệ, không hề có quy định hoặc những nguyên tắc luật pháp nào được áp dụng, mọi vấn đề xử lý liên quan đến quyền lợi, đời sống xã hội nhất nhất theo “nghị quyết” và ý kiến chủ quan của một vài quan chức cộng sản.

    Người ta có thể bắt bớ, bỏ tù không cần xét xử, giam giữ cho đến chết mà không cần biết người dân đó có tội gì.

    Cái gọi là luật sư, pháp lý, pháp luật… trong thời kỳ đó là những khái niệm xa lạ.

    Cái gọi là “Chuyên chính vô sản” được sử dụng như một phương thức bạo lực khủng khiếp nhất để trấn áp người dân và giải quyết các mối quan hệ theo kiểu cộng sản.

    Đến thời kỳ “mở cửa”, mọi cái xấu, cái không hay, đều được đổ cho “mặt trái của nền kinh tế thị trường”.

    Thế nhưng cũng như mọi lời dối trá khác, điều đó không thuyết phục được ai.

    Có lẽ trong xã hội loài người văn minh, luật pháp được sử dụng để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, là cơ sở để giải quyết các mâu thuẫn luôn luôn tồn tại trong đời sống con người. Thế nhưng, ở một xã hội mà luật pháp chỉ là công cụ của đảng cộng sản dùng để trấn áp cả xã hội và dân tộc với mục đích duy nhất là duy trì ách thống trị của một nhóm người mang tên Đảng cộng sản, thì nó không có tác dụng trong thực tế đời sống của người dân.

    Những băng nhóm xã hội sẽ không tồn tại chém giết lẫn nhau, nếu luật pháp nghiêm trị những hành động vi phạm đến tài sản, quyền lợi của người dân và đời sống người dân, đời sống xã hội bảo đảm được an ninh vững chắc.

    Nhà cầm quyền sẽ không cần phải dùng bạo lực để cướp phá, bắt bớ, cưỡng bức người dân buộc họ phải chấp nhận nhìn cơ đồ, tài sản của mình bị cướp đi một cách trắng trợn và họ phản ứng, nếu chính sách và luật pháp rõ ràng vì quyền lợi của người dân và xã hội.

    Người dân sẽ không cần đánh chết tên trộm chó, nếu luật pháp nghiêm minh trừng trị những kẻ ăn trộm, ăn cướp đủ để răn đe, ngăn chặn những hành động đó. Thế nhưng, với nền pháp lý Việt Nam, việc đó là chuyện hão huyền.

    Chính quyền sẽ không cần phải dùng công an giả dạng côn đồ đánh đập, trấn áp người dân khi không muốn họ có những phản ứng với thể chế chính trị hiện nay, nếu như đó là một thể chế chính trị phục vụ người dân, quang minh, chính đại, thật sự phục vụ người dân và được người dân ủng hộ.

    Cần phải nhìn nhận rằng, bạo lực được sử dụng như một phương cách hành xử duy nhất cần thiết trong xã hội đã làm băng hoại nhanh chóng một xã hội có truyền thống tốt đẹp từ xa xưa, đưa cuộc sống người dân vào sự bấp bênh và không hề được bảo đảm an ninh.

    Nguyên nhân của bạo lực được nói đến nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân để bạo lực xã hội “phát triển mạnh mẽ và bền vững” như ngày nay, chính là hệ ý thức cộng sản lấy bạo lực và dối trá làm cơ sở tồn tại.

    Và cơ sở để ươm mầm và phát triển mạnh mẽ bạo lực xã hội nhanh chóng nhất, có cơ sở bền vững nhất chính là nền giáo dục Việt Nam.

    Ở nền giáo dục đó, với phương châm là “hồng hơn chuyên” nhằm đào tạo ra những cỗ máy phục vụ cho sự tồn tại và thống trị của đảng Cộng sản.

    Với nền giáo dục dựa trên nền tảng Chủ nghĩa Mác – Lenin, lấy chủ nghĩa vật chất làm trung tâm, lấy chủ nghĩa vô thần làm tư tưởng, lấy đấu tranh giai cấp làm nền tảng và động lực, nhà cầm quyền CSVN đã sử dụng bạo lực như một cách duy nhất đúng để xử lý mọi vấn đề xã hội.

    Chính vì hệ ý thức tư tưởng “đấu tranh giai cấp” mà những giáo trình, những sách giáo khoa được đưa vào sử dụng như những công cụ phục vụ cho việc đào tạo giáo dục học sinh.

    Ở nền giáo dục Việt Nam ngày nay, việc giáo dục đạo đức, luân lý, về thiện ác, về những vấn đề thuộc tinh thần, tâm linh bị loại bỏ để duy nhất tôn thờ chủ nghĩa duy vật, lấy vật chất và chiếm đoạt vật chất làm động lực, làm đầu.

    Trong bài viết gần đây “Giáo dục: Qua những câu chuyện trong sách giáo khoa”, chúng tôi đã phân tích vì sao những câu chuyện chém giết, bạo lực, khôn lỏi và sống vô đạo đức như “Tấm Cám”, “Trí khôn của ta đây” lấy từ chuyện cổ tích cũng như câu chuyện Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu và những “thiếu niên anh hùng” miền Nam với thành tích giết được hàng loạt người… đã trở thành biểu tượng được đưa làm gương cho con trẻ.

    Mới đây, câu chuyện một cô giáo ở Quảng Bình đã tặng cho một học sinh lớp 6 đến 231 cái tát đến mức em phải nhập viện. Đây không phải lần đầu có việc đó, thậm chí cô giáo này đã từng tặng cho 11 học sinh lớp này đến 2541 cái tát khác thì xã hội lại nhao lên về nạn bạo lực học đường bởi chính các thầy cô giáo.

    Điều tệ hại hơn, là chuyện đó đã không chỉ diễn ra âm thầm, mà cả nhà trường, phòng giáo dục biết nhưng đã… im lặng.

    Và vấn đề không chỉ ở hành động này của cô giáo kia, mà nó có căn nguyên ở chính tư tưởng, đường lối giáo dục Cộng sản.

    Rồi cứ thế, việc sử dụng bạo lực trong học đường như chuyện hết sức bình thường không có điều gì đáng quan tâm cho bằng các dự án, bằng các cách kiếm chác dạy thêm, học thêm nhằm nặn lột chính cha mẹ chúng.

    Và hẳn nhiên, khi con trẻ được giáo dục bằng bạo lực, lấy bạo lực làm đầu, làm phương thức hành động, chúng sẽ được trang bị sẵn một ý thức coi bạo lực là chuyện hiển nhiên trong đời sống và sẵn sàng đưa ra “phục vụ xã hội”.

    Thế rồi từng lớp, từng lớp người đó được sử dụng trong xã hội vô luân, vô pháp, thì bạo lực được nhân lên, trở thành một điều bất khả kháng từ trong tư tưởng đến hành động con người.

    Khi Chủ nghĩa Cộng sản lại được dùng làm nền tảng xã hội, làm chỗ dựa cho bạo lực phát triển thì bạo lực phát triển là tất yếu.

    Và nguyên nhân cơ bản để bạo lực hoành hành trong xã hội Việt Nam, chính là bởi một chế độ độc tài toàn trị đứng đầu là một tổ chức mang tên Đảng Cộng sản vô thần, đứng trên cả luật pháp cũng như mọi luật lệ của xã hội loài người.


    J.B Nguyễn Hữu Vinh
    Blog RFA

    Không có nhận xét nào