Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam có đưa Trịnh Xuân Thanh sang Đức hay không?

    Khủng hoảng ngoại giao Việt Nam và Đức tiếp tục là vấn đề được nhiều người quan tâm; đặc biệt mới đây tin từ Đức cho hay Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn sang gặp người đồng nhiệm ở Berlin để bàn về việc Việt Nam đưa trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức, sau khi đã bắt cóc ông này ở Berlin vào cuối tháng 7 năm 2017, rồi đưa về Việt Nam kết án chung thân về tội tham nhũng.
     
    Ông Trịnh Xuân Thanh ra tòa tại Hà Nội, đầu năm 2018.
    Người đưa tin này ra công chúng là nhà báo Lê Trung Khoa, của tờ báo Việt ngữ Thời báo tại Thủ đô Berlin. Ông Lê Trung Khoa đã được Bộ Ngoại giao Đức trả lời rằng:

    Họ khẳng định với phía Việt Nam những yêu cầu mà Bộ Ngoại giao Đức đã đưa ra trước đó về vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Đó là phải trả lại nguyên trạng, tức là đưa ông Thanh sang Đức. Thứ hai là phải xin lỗi bằng cách nào đó, và thứ ba là hứa không tái phạm.”

    Chúng tôi có liên lạc với Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin để xác nhận nguồn tin này nhưng không liên lạc được.

    Ông Lê Trung Khoa cũng có nói là đã nói chuyện với luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh, và được bà này cho biết là bà hy vọng rằng thân chủ của bà sẽ sang Đức, mặc dù không tiết lộ thêm chi tiết.

    Câu hỏi liệu Việt Nam có đưa Trịnh Xuân Thanh về lại Đức hay không đã được giới quan sát tình hình chính trị và ngoại giao của Việt Nam chú ý đến từ ngay sau khi có cáo buộc về vụ bắt cóc hồi năm 2017.

    Vấn đề càng được chú ý hơn khi Việt Nam bắt đầu đàm phán với Cộng đồng Châu Âu về hiệp định tự do thương mại.

    Tháng sáu năm 2018, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, nhà báo độc lập tại Sài Gòn trích dẫn báo chí từ Đức cho rằng:

    Các nguồn tin từ báo chí Đức thì có thể xác tín được. Và còn một chuyện nữa là chuyện luật sư Nguyễn Văn Đài. Đây là người mà chính quyền Việt Nam sợ nhất mà họ còn thả ra cho phía Đức, tức là họ xuống nước lắm rồi, cho nên thả Trịnh Xuân Thanh chỉ là vấn đề thời gian thôi.”

    Luật sư Nguyễn Văn Đài là người thành lập tổ chức Hội Anh em Dân chủ, chủ trương đấu tranh bất bạo động, tiến tới cạnh tranh chính trị trong một xã hội đa đảng tại Việt Nam. Tổ chức của ông bị bắt bớ rất nhiều trong thời gian qua, và bản thân ông bị kết án 15 năm tù giam, với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân. Ông được trả tự do và tống xuất sang Đức vào tháng sáu năm 2018.

    Vào tháng 9/2018 Luật sư Đài cho chúng tôi biết nhận xét của ông về khả năng trả Trịnh Xuân Thanh sang Đức, dựa trên tình tiết là mặc dù khi bị xử án ông Thanh rất hăng hái tranh cãi, nhưng sau đó lại rút lại đơn kháng án:

    Việc đó chứng tỏ họ có thỏa thuận gì với nhau rồi, nhưng vấn đề là cho ông Thanh sang Đức bây giờ thì không tránh khỏi bị truyền thông phương Tây lẫn tiếng Việt chú ý và việc đó rất bất lợi cho Việt Nam. Có thể họ sẽ thả bằng một cách nào đấy

    Tháng tám năm 2018, Giáo sư Vũ Tường, giảng dạy chính trị tại Đại học Oregon, Hoa Kỳ, nói với đài RFA rằng:

    Họ có thể trả tự do sớm cho Trịnh Xuân Thanh rồi để ông ta đi Đức.”

    Những ý kiến thiên về phía Việt Nam sẽ cho ông Thanh đi Đức có chung một lý do là Việt Nam đang rất cần hiệp định thương mại tự do với châu Âu, mà nước Đức là một quốc gia quan trọng nhất trong khối kinh tế này.

    Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam sẽ không đưa ông Thanh sang Đức, như ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, chuyên viên kinh tế đang sống tại Na Uy. Ông cho rằng làm như vậy là mất mặt lẫn nhau.

    Hiệp định thương mại với châu Âu của Việt Nam được Ủy ban châu Âu chấp nhận vào ngày 17/10/2018, để đệ trình lên Quốc hội châu Âu phê chuẩn.

    Khi việc này xảy ra, chúng tôi có hỏi chuyện ông Lê Trung Khoa rằng có phải Châu Âu nói chung và nước Đức nói riêng bỏ qua chuyện ông Trịnh Xuân Thanh để ký kết hiệp định vì những mối lợi kinh tế hay không?

    Ông Khoa trả lời rằng việc chính quyền những nước Châu Âu có thể ưu tiên cho các mục tiêu kinh tế không có nghĩa là ngành tư pháp của họ sẽ bỏ qua chuyện này, vì họ độc lập.

    Sau khi tin tức về phái đoàn ngoại giao của Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn sang Đức được đưa ra, có tin lan ra trên mạng xã hội là nội bộ những người cầm quyền ở Việt Nam đang tranh cãi nhau, Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương muốn giao ông Thanh sang Đức, nhưng người đứng đầu Đảng Cộng sản là ông Nguyễn Phú Trọng không đồng ý.

    Chúng tôi không có nguồn tin nào để phối kiểm chuyện này.

    Cho tới hiện nay, tin tức chính thức của nhà nước Việt Nam chỉ khẳng định một cách nhất quán rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã về nước đầu thú vào tháng 7/2017. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng thì bình luận với đài RFA rằng nếu Trịnh Xuân Thanh được trao cho phía Đức thì đây là một câu chuyện rất trớ trêu, một nhân vật bị cáo buộc tham nhũng lại được đưa sang nước ngoài, thoát khỏi nhà tù Việt Nam, ăn theo việc cải thiện nhân quyền, mà có thể có khi lại được bên ngoài Việt Nam xem như một trường hợp tị nạn chính trị vì ông Thanh từng viết thư tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam khi đang trốn ở Đức.
     
    Kính Hòa
     
    (RFA) 

    Không có nhận xét nào