Header Ads

  • Breaking News

    Trương Nhân Tuấn - Vấn đề chủ quyền biển đảo: Thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa với “tư cách pháp nhân nào”?


    Đã nhiều lần tôi lên tiếng cảnh báo rằng nếu nhìn nhận Việt Nam Cộng Hòa đã từng là “một quốc gia” thì vấn đề tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa xem như “kết thúc”. Thật vậy, nếu VNCH có “tư cách pháp nhân” là một “Quốc gia – Etat”, thì cuộc chiến tranh Nam-Bắc là một cuộc “chiến tranh quốc tế”, quốc gia VNDCCH xâm lăng quốc gia VNCH. VNCH thua, quốc gia “giải thể – dissolution”, lãnh thổ đơn thuần “sáp nhập” vào quốc gia VNDCCH, không có kế thừa. TQ chiếm Hoàng Sa (vào các năm 1956 và 1974) là chuyện riêng của hai quốc gia VNCH và TQ. VNDCCH là quốc gia đứng ngoài, như các nước khác trong khu vực Thái lan, Mã Lai, Indinésie… Các nước này tư cách gì lên tiếng tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa với TQ?

    Vừa rồi thấy trên mạng lần nữa lại rộn lên tin các sử gia trong nước đã hoàn tất một bộ sử. Theo đó Việt Nam Cộng Hòa được “thừa nhận”, không còn gọi chính quyền Sài gòn là “ngụy quyền” nữa. Không biết các sử gia nước nhà “thừa nhận” VNCH với “tư cách pháp nhân” là gì?

    Theo tôi, nếu vẫn “thừa nhận” VNCH “đã từng là quốc gia”, như ý kiến của các “học giả” Nghiên cứu Biển Đông như Dương Danh Huy, Lê Trung Tĩnh, Phạm Quang Tuấn… đăng tải trên báo chí từ nhiều năm trước, thì e rằng bộ sử này phải gấp rút “nhuận sắc” lại.

    Nhắc lại lần nữa là: nếu nhìn nhận VNCH đã từng là “quốc gia” thì chuyện đòi Hoàng Sa, chuyện bảo vệ Biển Đông, chuyện “No U”… xem như chấm dứt.

    Tóm lược lại một số điều tôi đã viết từ nhiều năm trước. Đăng lại để sự việc tỏ tường.

    Thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa với “tư cách pháp nhân nào”?
    1/ Sự “liên tục” và “thừa kế” quốc gia về vấn đề lãnh thổ.

    “Kế thừa quốc gia” và “liên tục quốc gia” là những khái niệm thuộc Quốc tế công pháp, thể hiện qua các điều ước thuộc các công ước Vienne, điển hình là các công ước 1969 và 1978 về sự kế thừa lãnh thổ và hiệu lực các kết ước quốc tế.

    Việc kế thừa quốc gia được (công ước Vienne 1978) đặt ra trong những tình huống: 1/- một vùng lãnh thổ của quốc gia này trở thành lãnh thổ của quốc gia khác. 2/- Quốc gia vừa dành được độc lập (Phần IV, điều 16 đến điều 30 Công ước Vienne) 3/- sự thống nhứt giữa hai quốc gia và 4/- một quốc gia bị phân rã thành nhiều quốc gia.

    “Kế thừa” quốc gia được định nghĩa là việc thay thế một quốc gia bởi một quốc gia khác ở các quan hệ quốc tế, về những vấn đề liên quan đến lãnh thổ.

    Việc kế thừa quốc gia thể hiện qua các thủ tục pháp lý nhằm tái xác định (hay phủ định), trách nhiệm của quốc gia thừa kế đối với vùng lãnh thổ mới cũng như hiệu lực các kết ước, hay các tuyên bố của nhà nước tiền nhiệm đã thể hiện trước các định chế quốc tế, hay đối với các quốc gia khác.

    Trường hợp hai miền VN sau 30-4-1975:

    Câu hỏi đặt ra là các sử gia và học giả VN sẽ phải dựa vào trường hợp nào (trong 4 trường hợp dẫn trên) để khẳng định danh nghĩa chủ quyền của VN ở HS và TS?

    Trường hợp nào sẽ chứng minh cho sự “liên tục” của “quốc gia” VN ở HS và TS? Tức chứng minh được tính pháp nhân của “quốc gia” VN luôn tồn tại, cũng như danh nghĩa chủ quyền của VN ở hai quần đảo HS và TS luôn “liên tục”, từ thời xa xưa các vua chúa VN khám phá, khai thác và quản lý (không gián đoạn) đến nay, bất chấp những biến cố đã làm thay đổi về lãnh thổ, dân số, chính trị, hay tên nước…?

    Đồng thời trường hợp nào sẽ xóa bỏ hiệu lực các kết ước, như công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, các tài liệu lịch sử… phát xuất từ VNDCCH, mà phía TQ sử dụng lâu nay như là những bằng chứng pháp lý?

    2/ Thế bí về các lập luận chủ quyền của các học giả VN.

    a) Về lập luận “có hai quốc gia VN”.

    Hầu hết các học giả VN đều quan niệm rằng có hai “quốc gia Việt Nam” độc lập, có chủ quyền trong khoảng thời gian từ 1954 đến 30-4-1975. Quan điểm này có (rất) nhiều điều không ổn, về pháp lý cũng như trên thực tế. Hệ quả là không thuyết phục được dư luận quốc tế.

    Quan điểm này cho rằng chủ quyền của VN tại HS và TS được thụ đắc từ sự “kế thừa”: Chủ quyền HS và TS từ VNCH chuyển sang Chính phủ CMLT CHMNVN. Sau đó thực thể này thống nhứt với VNDCCH trở thành CHXHCNVN ngày hôm nay.

    Về pháp lý, nếu VNCH là một “quốc gia độc lập, có chủ quyền”, thì việc TQ chiếm HS là việc “nội bộ” giữa hai “quốc gia độc lập, có chủ quyền” là VNCH và TQ. VNDCCH là “quốc gia” thứ ba, không có liên can.

    Tức là, khi quan niệm có “hai quốc gia” VNCH và VNDCCH thì sẽ không còn tranh cãi nào về chủ quyền HS và TS. TQ chiếm HS là chiếm trên tay VNCH. VNDCCH lấy tư cách gì để phản đối?

    Ngoài ra, tuyên bố đơn phương của “quốc gia” VNDCCH, còn gọi là công hàm 1958 của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, nội dung nhìn nhận yêu sách về lãnh thổ và hải phận của TQ. Mặc dầu một số học giả VN cho rằng đó là “vũ khí tuyên truyền của TQ”, nhưng thực tế cho thấy đây là một bằng chứng quan trọng của TQ nhằm chứng minh chủ quyền của họ ở HS và TS.

    Theo tập quán quốc tế, việc im lặng trong trường hợp (bắt buộc một quốc gia phải lên tiếng) đã là sự “đồng thuận ám thị – acquiescement implicite”. Huống chi VNDCCH còn ra tuyên bố công khai “nhìn nhận” yêu sách của TQ.

    Tức là, khi quan niệm “có hai quốc gia VN”, thì mọi vận động, mọi chứng cứ về chủ quyền của VN ở HS và TS sẽ là điều vô ích.

    Trong trường hợp này VNCH đơn giản là một “quốc gia” bị “giải thể”, không có thừa kế. Lãnh thổ HS và TS của VNCH được “sáp nhập” đơn thuần vào lãnh thổ một nước khác. Mọi kết ước của VNCH ký kết với các tổ chức quốc tế hay các quốc gia khác, trở thành “vô hiệu lực – caduc”.

    b) Về lập luận “quốc gia vừa dành được độc lập”.

    Đây (có lẽ) là quan điểm chính thức của VN hiện nay, vì nó thể hiện đúng trên lý thuyết “trình tự lịch sử khai sinh ra nước VNDCCH”.

    Nguyên tắc (pháp lý) áp dụng trong trường hợp này là “table rase”. Có nghĩa là quốc gia (vừa mới độc lập) không bị chi phối bởi các kết ước do quốc gia tiền nhiệm ký kết.

    Nhưng điều này không còn thuyết phục.

    Trên thực tế, Mỹ không hề có tham vọng về lãnh thổ ở miền Nam. Sự có mặt của Mỹ ở miền Nam không khác với việc quân Mỹ có mặt ở Tây Đức (trước khi thống nhứt với Đông Đức đầu thâp niên 90), hay ở Nam Hàn, Nhật hoặc ở các nước đồng minh hiện nay.

    MTGPMN “trương cờ giải phóng” dưới thời chính phủ Ngô Đình Diệm. Vấn đề là không ai trưng ra được bằng chứng cho thấy chính quyền ông Diệm bị chi phối, hay bị khuynh loát bởi bất kỳ thế lực ngoại bang nào, kể cả Mỹ. Ngược lại, ông Diệm bị chết vì lý do chống Mỹ đổ quân vào VN.

    Ngay cả dưới thời chính phủ ông Kỳ, Thiệu… Không có chính phủ nào của VNCH bị lệ thuộc và Mỹ, theo kiểu thực dân hết cả. VNCH không hề lệ thuộc vào Mỹ như một chính phủ “bù nhìn” với “đế quốc thực dân” là Mỹ. MTGPMN lấy lý do gì để trương cờ “giải phóng”?

    Đồng thời sự thật lịch sử cho thấy thực thể chính trị MTGPMN chỉ là “cánh tay nối dài” của VNDCCH, do đảng CSVN lập nên, nhân Đại hội đảng toàn quốc lần thứ ba.

    Vì vậy làm gì có thể vịn vào lý do “quốc gia vừa dành được độc lập” để “xù” tất cả những kết ước trong quá khứ ?

    Ngay cả khi chấp nhận lập luận này, thì quốc gia gọi là CHXH CNVN hôm nay vịn vào cái gì để chối bỏ di sản của VNDCCH? Không có lý do nào thuyết phục cả. Đơn giản vì CHXH CNVN là quốc gia “tiếp nối” quốc gia VNDCCH. Đảng CSVN lãnh đạo VNDCCH, lãnh đạo luôn MTGPMN (do Trung ương cục miền Nam lãnh đạo).

    Làm cách nào để hiện hữu hai lập trường đối nghịch, theo kiểu HS và TS thuộc VN (kế thừa MTGPMN) và HS và TS thuộc TQ (tiếp nối VNDCCH với công hàm 1958)?, Lịch sử đã bạch hóa, không lẽ cứ tiếp tục ngụy biện bằng “bịa sử”?

    Trước sự lấn lướt của TQ, trước đây ở HS, bây giờ áp lực mạnh mẽ ở TS, VN hoàn toàn không có phản ứng nào khác, ngoài luận điệu cũ mòn đã nói ở phần dẫn nhập. Các học giả VN đã tự “đào mồ” chôn mình, vì đã đưa trường hợp thống nhứt VN vào dưới ánh sáng của “luật quốc tế”.

    Điều tệ hại, những “học giả” này có khuynh hướng chống lại những người dám bàn luận tới Công hàm 1958, hay xem xét lại những tài liệu mà TQ sử dụng (như các bài báo Nhân Dân nhìn nhận “vùng biển Đệ thất hạm đội Mỹ đang hoạt động trong khu vực Hoàng Sa” là thuộc về TQ…). Họ không chỉ “chống” mà còn chụp mũ những người khác là “xuyên tạc, bịa đặt”, thậm chí là “tay sai của TQ”…

    Các lập luận sai lầm, các luận điệu chụp mũ của các học giả VN cần phải chấm dứt. Đâu phải những gì mình không “quản lý” được thì mình cấm? Cũng đâu phải khi mình không tìm ra được phương pháp hóa giải thì mình chủ trương “đà điểu”, chạy trốn sự thật? Theo tôi, khi mình không tìm ra giải pháp, hoặc không phản biện được “lý thuyết” của học giả khác, thì mình “im lặng”.

    3/ Hiệp định Genève 1954 và Hiệp định Paris 1973.

    Hiệp định Paris được ký kết ngày 27 tháng giêng năm 1973. Trên nhiều phương diện nó giống như một “bản sao” của Hiệp định Genève 27-3-1954. Bởi vì, thứ nhứt, cả hai hiệp định không nhằm giải quyết dứt khoát cuộc “chiến tranh” mà chỉ tạo một “khoảng trống cơ hội” gọi là “đình chiến”. Cơ hội này giúp cho Hoa Kỳ “tháo chạy trong danh dự”. Nhưng phía VNDCCH nhân cơ hội (đồng minh đã tháo chạy) dồn quân đánh bại VNCH, thâu tóm lãnh thổ chỉ hai năm sau.

    Thứ hai, Hiệp định Paris 1973 và Hiệp định Genève 1954 cùng khẳng định nguyên tắc “một quốc gia Việt Nam duy nhứt”.

    Điều 1, chương I Hiệp định Paris 1973 qui định “Hoa Kỳ và các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, như hiệp định Genève 1954 đã xác nhận”. Cả hai Hiệp định đều được “quốc tế” bảo trợ, bao gồm TQ. Riêng hiệp định Paris 1973, đại diện phía TQ là Bộ trưởng bộ ngoại giao Cơ Bằng Phi (Chi Peng Fei).

    Tức là “chiến tranh Việt Nam” giữa các bên VNDCCH, VNCH, MTGPMN là một cuộc “nội chiến”.

    Tức là, trong khoản thời gian 1954 đến 1975, hai thực thể chính trị có tên VNDCCH ở miền Bắc và VNCH ở miền Nam, đều thuộc về một “quốc gia Việt Nam duy nhứt”.

    Từ điểm này ta thấy quan điểm “hai quốc gia VN” của các học giả VN (thuộc Quĩ nghiên cứu Biển Đông) đã sai. Tư cách pháp nhân của hai thực thể VNDCCH và VNCH trước quốc tế cần phải được xác định. Nhưng dứt khoát VNDCCH và VNCH không phải là “hai quốc gia độc lập, có chủ quyền”.

    Trên quan điểm công pháp quốc tế, “quốc gia”, là thực thể pháp nhân duy nhứt, bất khả phân. Tư cách pháp nhân của hai thực thể chính trị VNCH và VNDCCH là hai “quốc gia chưa hoàn tất” (Etat partiel). Cả hai miền đều thuộc về một quốc gia duy nhứt gọi là Việt Nam. Trường hợp tương tự Đông và Tây Đức, Nam và Bắc Hàn hay TQ lục địa và Đài Loan cho ta thấy điều này.

    Và nếu hai thực thể VNDCCH và VNCH đều thuộc về một “quốc gia duy nhứt là Việt Nam”, thì việc “thống nhứt” hai miền là việc “nội bộ” của quốc gia VN. Việc “thống nhứt đất nước” đã thể hiện theo “cái cách” của Việt Nam (nội chiến – guerre civile).

    Vấn đề “liên tục quốc gia” hay “kế thừa quốc gia”, như các công ước Vienne đòi hỏi, cũng không đặt ra. Đơn giản vì chỉ có một “quốc gia Việt Nam duy nhứt”. Việt Nam trước sau vẫn là Việt Nam, luôn là Việt Nam, thì tự nó đã “liên tục”, tự nó đã “truyền tục” trong nội bộ.

    Trong khi, nếu quan niệm VNCH và VNDCCH là hai “quốc gia”, vấn đề “thừa kế quốc gia” phải xét theo các qui định của luật quốc tế. Các tuyên bố đơn phương, các tài liệu lịch sử… từ VNDCCH xuất phát cũng được xét dưới ánh sáng của luật quốc tế.

    4/ Trở lại Lá thư mở ngày 29-5-2014 gởi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

    Tháng 5 năm 2014 tôi có viết thư mở gởi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhằm thuyết phục ông này kiện TQ sau vụ giàn khoan HY 981. Nội dung phản đối quan điểm của quan chức cũng như học giả VN cho rằng “có hai quốc gia VNCH và VNDCCH trước 1975”.

    Lá thư viết :

    “Vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam được xác định theo Hiệp định Paris năm 1973: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Genève 1954 về Việt Nam đã công nhận.”

    Tinh thần hai hiệp định, cũng là một chân lý làm nên chất keo gắn bó nhân dân và đất nước VN: đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một…

    Điều này thể hiện lên thực tế. Trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1973, không có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới nhìn nhận sự hiện hữu của hai quốc gia Việt Nam. Khối Tư bản nhìn nhận VNCH là đại diện của nước Việt Nam duy nhứt. Khối XHCN công nhận VNDCCH là đại diện nước VN duy nhứt. Nước này nhìn nhận phía này thì không nhìn nhận phía kia, hay ngược lại.


    Trên tinh thần tôn trọng “độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam” của các hiệp ước quốc tế này (mà các nước Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp… đồng bảo trợ chúng), bất kỳ các tuyên bố, các hành vi đơn phương của một bên (VNCH hay VNDCCH), nếu có làm tổn hại đến việc toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chúng đều không có giá trị.

    Nhà cầm quyền Trung Quốc viện dẫn công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết nhằm ủng hộ tuyên bố về lãnh thổ và hải phận của Trung Quốc tháng 9 năm 1958, cho rằng nhà nước VNDCCH đã nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa (và Trường Sa).

    Điều này hiển nhiên không đúng.

    Công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng viết trong khoản thời gian 1954-1973, có liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần hai Hiệp định 1954 và 1973, do đó không có giá trị pháp lý ràng buộc.”

    5/ Vấn đề hòa giải quốc gia.

    Như vậy lối thoát pháp lý của VN hiện nay để khẳng định chủ quyền ở HS và TS là phải dựa vào nội dung các hiệp định Genève 1954 và Paris 1973 đồng thời tiếp nhận di sản của VNCH.

    Nước Việt Nam hôm nay không thể “ôm” mãi mối mâu thuẫn do lịch sử để lại là sự xung đột giữa hai miền. Phe chiến thắng, VNDCCH, đã áp đặt lý lẽ của mình trong toàn xã hội VN từ 1975 đến nay. Vì vậy làm sao thuyết phục được dư luận quốc tế, khi lập luận về chủ quyền của VN tại HS và TS là lập luận của phe chiến bại VNCH?

    Sau một cuộc nội chiến, một nhà nước bình thường, mong muốn đất nước phát triển lành mạnh, luôn áp dụng một chính sách “hòa giải quốc gia” để hóa giải mọi oán thù gây ra do cuộc chiến. Các bài học như cuộc nội chiến nước Mỹ, hay các xung đột quốc tế như Thế chiến thứ II… cho thấy các nước giàu mạnh nhứt thế giới đều là các nước có chính sách “hòa giải” được áp dụng hữu hiệu.

    Việt Nam hôm nay vẫn luôn đứng sau các nước phát triển Châu Á, mặc dầu VN có dư tiềm năng để qua mặt các nước Thái Lan, Đài Loan, Nam Hàn… Thậm chí VN đang bị Campuchia qua mặt trên một số lãnh vực. Trong khi trên phương diện chủ quyền lãnh thổ, TQ ngày càng lấn tới.

    Nguyên nhân là mâu thuẫn nội bộ của VN quá lớn, trở thành một sức trì, VN không nỗ lực tiến tới là sẽ thụt lùi.

    Hòa giải quốc gia không phải là vấn đề “sĩ diện” của đảng CSVN mà là mệnh lệnh của tương lai dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ.

    Trương Nhân Tuấn


    (FB Trương Nhân Tuấn)

    Không có nhận xét nào